NHỮNG SAI LẦM TRỞ THÀNH PHÁT MINH
Ai cũng biết rằng nhu cầu là mẹ đẻ
của phát minh. Tuy nhiên cũng có thể nói rằng nếu những phát minh có ích thường
là kết quả của nhu cầu từ cuộc sống thì những phát minh vĩ đại lại thường là
rất ngẫu nhiên, thậm chí có một số do sai lầm mà có. Việc tìm ra châu Mỹ là thí
dụ tiêu biểu nhất của những phát minh loại này. Chúng ta đều biết rằng
Christopher Columbus trên thực tế là đi về hướng châu Á…
Dưới đây là một số phát minh như
vậy – do tình cờ hoặc do sai lầm, nghĩa là kết quả trái ngược với chủ ý ban đầu
của người phát minh ra nó. Một số phát minh dưới đây chúng tôi chọn từ cuốn “Mistakes That Worked” của Charlotte
Foltz Jones trên trang Washington
ProFile,
một số từ những nguồn khác.
Rượu sâm banh.
Người ta vẫn cho rằng rượu sâm banh là do Dom Pierre Pérignon sáng chế ra, tuy
nhiên vị tu sĩ này không hề có ý định làm ra thứ rượu vang sủi bọt này mà hoàn
toàn ngược lại – ông mất nhiều năm để tìm cách ngăn chặn hiện tượng này bởi vì
sủi bọt thời đó được coi là dấu hiệu của rượu kém chất lượng.
Pérignon muốn chiều theo khẩu vị
của giới quí tộc Pháp nên làm rượu vang trắng. Vùng Champagne thích hợp với loại
nho đỏ nên ông tìm cách làm vang trắng từ nho đỏ. Thế nhưng khí hậu ở đây tương
đối lạnh, rượu nho phải ủ trong trong thùng hai năm. Một vấn đề xảy ra là khí
ga tích tụ thường xuyên làm những chiếc thùng ủ rượu nổ tung. Khi đó Pérignon
quyết định ủ trong thùng một năm, và năm thứ hai ủ trong chai. Kết quả là ông
được một thứ rượu sủi bọt và có ga chua. Pérignon tìm mọi cách để loại trừ
những thứ này nhưng không có kết quả. Rất may là giới quí tộc của Pháp và Anh
lại rất thích loại rượu này và sau đó thì nó chinh phục cả thế giới, trở thành
một thứ rượu của lễ hội, của tình yêu, của tình cảm con người cả khi vui lẫn
khi buồn như lời của Madam Lily Bollinger: “I only drink Champagne when I'm
happy, and... when I 'm sad”. Hoàng đế Napoleon Bonaparte cũng nói rằng khi
thắng trận, ông uống sâm banh để mừng chiến thắng, còn khi thua ông uống sâm
banh để tự an ủi mình (I drink champagne when I win, to celebrate . . . and I
drink champagne when I lose, to console myself).
Chip khoai tây. Chip khoai tây ra đời từ sự trả thù một vị khách khó tính. Ngày 24
tháng 8 năm 1853 tại một nhà hàng ở thành phố Saratoga Springs, bang New York,
Mỹ có một vị khách rất sành ăn và khó tính. Đó là tỷ phú Cornelius Vanderbilt.
Ông này thường xuyên từ chối món “french- fried potatoes” của nhà hàng, than
phiền rằng món khoai tây này lát dày và mềm nhủn. Bếp trưởng George Crum quyết
định chọc quê vị khách bằng cách thái những lát khoai tây mỏng dính rồi cho vào
chảo dầu đang sôi thành những mảnh khoai giòn và sẽ vỡ tan khi dùng nĩa đâm
vào.
Món ăn này được mang lên cho vị
khách khó tính. Đầu tiên, Vanderbilt nói rằng lát khoai tây quá mỏng và không
xóc bằng nĩa được, tuy nhiên, sau khi ăn thử vị khách cảm thấy rất hài lòng.
Thế là những người khách khác cũng đều gọi món này. Kết quả là trong thực đơn
của nhà hàng xuất hiện món “Saratoga chips” mà sau đó ít lâu đã chinh phục cả
thế giới.
Giấy ghi chú. Giấy ghi chú Post-it Notes ra đời từ thất bại làm tăng
độ bền của băng keo dán. Năm 1968 Spencer Silver – một cộng tác viên của công
ty 3M nghiên cứu cách tăng độ bền của băng keo. Anh ta tìm ra một loại keo dán
mà không dính chặt vào bề mặt cần dán nên không thể dùng để sản xuất băng keo,
và cũng không biết nên dùng nó vào việc gì.
Sau đó mấy năm, một đồng nghiệp
của Spencer Silver đi hát trong dàn đồng ca của nhà thờ đã lấy làm bực bội khi
thấy những dải giấy đánh dấu trang trong quyển Thánh ca thường xuyên bị rơi
xuống. Bỗng nhiên người này nhớ đến loại keo dán kia, là thứ có thể dùng để dán
những dải giấy đánh dấu trang mà không làm rách các trang sách. Năm 1980
Post-it Notes được sản xuất hàng loạt.
Keo dính Super Glue. Keo dính ngay được tìm ra năm 1942 cũng là kết quả của một sai lầm.
Dr. Harry Coover lúc đó làm cho hãng Eastman Kodak thử nghiệm tách một chất
nhựa trong suốt để sản xuất thước ngắm có độ chính xác cao dùng cho các loại
súng xách tay. Thử nghiệm không thành công vì chất cyanoacrylate mà Coover dùng
đã làm cho mọi thứ dính chặt vào nhau. Nghiên cứu chấm dứt ở đây và chuyển sang
một hướng khác.
Sáu năm sau, Coover làm ở một nhà
máy hóa chất thuộc bang Tennessee và bỗng nhớ đến chất cực dính mà để dán các
vật vào nhau không cần áp suất hay nhiệt độ. Loại keo dính ngay được sản xuất
sau một vài điều chỉnh nhỏ. Trong chiến tranh Việt Nam nó được dùng bôi lên vết
thương những người lính cho cầm máu để chuyển đến bệnh viện. Số phận trớ trêu
của một phát minh nhắm vào việc giết người cho tốt hơn lại hóa thành có ích cho
việc cứu được nhiều người.
Bánh nướng với sô-cô-la. Bánh nướng với các mẩu sô cô la chocolate-chip cookies là một trong
những loại bánh phổ biến và được yêu thích nhất ở Mỹ. Loại bánh ngon này ra đời
năm 1933 từ sai lầm do thiếu hiểu biết kiến thức vật lý của Ruth
Wakefield – bà nội trợ ở một khách sạn nhỏ.
Một hôm Ruth Wakefield bẻ tấm sô
cô la thành những mẩu nhỏ rồi trộn vào bột nhão và nghĩ rằng sô cô la sẽ tan
chảy khi nướng, nhuộm bánh thành màu nâu cùng với mùi vị của sô cô la. Không
ngờ, khi lấy bánh ra từ lò nướng thì bánh lốm đốm với những mẩu sô cô la nhưng
mọi người ăn bánh ai cũng gật gù khen ngon.
Viagra. Đây là tên hiệu của thuốc Sildenafil dùng để giúp chứng
liệt dương ở nam giới được tìm ra theo kiểu “đi làm cái bàn là lại thành ra con
voi”. Năm 1992 tại thành phố Mertir Tidefeel, Anh các cộng tác viên của hãng
dược phẩm Frizer đi nghiên cứu một loại thuốc chữa viêm họng. Trong quá trình
thử nghiệm người ta phát hiện hiệu ứng phụ của thuốc là làm tăng độ cương cứng dương
vật của người dùng thuốc. Phát minh sai mục đích ban đầu này trở thành một phát
minh ngẫu nhiên vĩ đại thứ ba trong y học, sau tia rơn-ghen và thuốc penixillin.
Coca-Cola. Năm 1886 dược sĩ John Pemberton
thử chế một loại hợp dịch từ nước ép của lá cây coca Nam Mỹ và quả cola Châu
Phi, là những thứ có tính năng tăng lực. Pemberton uống thử thứ nước này, nhận ra chúng có vị ngon và nghĩ rằng
loại xi-rô này có thể giúp con người lấy lại sức khỏe, giảm stress và đau răng.
Ông mang mặt hàng này bán trong các nhà thuốc của thành phố Atlanta với giá 5
cent một ly.
Thế nhưng nước giải khát Coca-Cola ra đời là do sự cẩu
thả của một nhân viên nhà thuốc khi người này mở nhầm vòi nước có ga thay vì
nước không ga để pha vào ly nước xi-rô. Loại nước mới được đặt tên Coca-Cola đã
không có được sự thành công ngay từ buổi đầu. Năm đầu tiên John Pemberton bỏ
79,96 đô la để quảng cáo sản phẩm mới nhưng chỉ thu về được 50 đô la. Năm 1888
Pemberton bán lại bản quyền phát minh. Năm 1892 Asa Griggs
Candler thành lập công ty Coca-Cola. Ngày nay Coca-Cola được sản xuất ở 200 quốc gia trên
thế giới và là thương hiệu đắt giá nhất hành tinh.
Tia X- ray. X quang do Wilhelm Conrad Röntgen phát hiện ra năm 1895 khi ông làm
thí nghiệm về xạ tuyến âm cực trong phòng tối. Tình cờ ông phát hiện ra rằng
trên màn hình có tráng hóa chất để cách ống âm cực mấy foot phát sáng như có
một chùn ánh sáng tạo ra. Suốt bảy tuần miệt mài với thí nghiệm ông hiểu ra
rằng nguyên nhân của sự phát sáng là những tia từ ống âm cực tạo ra bóng khi
phát xạ. Ông cũng nhận thấy rằng xương người cho bóng rõ hơn phần mềm xung
quanh...
Bức ảnh đầu tiên chụp bằng tia X quang năm 1895 là bàn
tay của bà Röntgen có đeo chiếc nhẫn vàng thấy rất rõ. Bởi thế, ta có thể nói
rằng đàn ông là những người đầu tiên nhìn “xuyên suốt” phụ nữ chứ không phải
ngược lại.
Lò vi sóng. Percy Spencer, kĩ sư của công ty Raytheon trở thành
người phát minh ra lò vi sóng rất vô tình. Năm 1945, trước khi chiến tranh thế
giới II kết thúc một thời gian, Spencer tiến hành một nghiên cứu cải tiến chất
lượng của radar. Trong quá trình thí nghiệm, ông phát hiện ra rằng thỏi sô cô
la trên bàn tan chảy sau khi bị bức xạ chiếu vào. Sau một loạt thí nghiệm nữa,
Spencer quyết đinh chế tạo lò vi sóng đầu tiên nặng gần 400 kg. Sau đó lò này
được dùng cho nhà hàng, máy bay, tàu thủy – những nơi cần hâm nóng thức ăn một
cách nhanh chóng.
Xe đẩy hàng. Xe đẩy mua hàng trong siêu thị do nhà buôn Sylvan Goldman sáng chế năm 1936.
Goldman là chủ một cửa hàng lương thực lớn ở Oklahoma City từng nhận thấy rằng khách hàng nhiều khi không mua thêm hàng vì xách
nặng. Sáng chế của Goldman rất vô tình: một hôm ông nhìn thấy một phụ nữ đặt cả
giỏ hàng nặng lên chiếc xe đồ chơi mà thằng con nhỏ kéo vào cửa hàng. Thế là
Goldman nảy ra ý nghĩ thêm các bánh xe nhỏ vào phía dưới cái giỏ xách
hàng. Sau đó ông cho mời các thợ cơ khí thiết kế xe đẩy. Năm 1947 những chiếc
xe đẩy mua hàng được sản xuất hàng loạt. Phát minh xe đẩy mua hàng góp phần tạo
ra một kiểu cửa hàng mới là siêu thị.
Lưu hóa cao su. Năm 1844 nhà sáng chế Charles Goodyear tình cờ tìm ra
công thức lưu hóa, làm cho cao su không bị mềm nhũn dưới trời nắng và giòn
trong giá rét. Sau nhiều năm tìm tòi mà không có kết quả, một hôm Goodyear tìm
ra công thức này khi vô tình đun hỗn hợp cao su với lưu huỳnh trên bếp lò. Phát
minh ra sự lưu hóa cao su trở thành đòn bẩy cho sự phát triển công nghiệp điện
tử vì cao su là thứ cách nhiệt tốt. Phát minh này cũng thúc đẩy sự phát triển
công nghiệp ô tô như ngày nay.
Máy tạo nhịp tim. Máy tạo nhịp tim giúp ích cho hàng triệu người bị bệnh
tim cũng được phát minh ra một cách tình cờ. Năm 1941 kĩ sư John Hopps nhận
được đơn đặt hàng của hải quân tìm cách sưởi ấm nhanh cho những người ở ngoài
giá rét hoặc ngâm mình dưới nước thời gian dài. Hopps quyết định dùng bức xạ vô tuyến tần
số cao để sưởi ấm thì tình cờ phát hiện ra rằng con tim ngừng đập vì lạnh sẽ
đập trở lại nếu được kích thích bằng xung điện. Năm 1958 máy tạo nhịp tim đầu
tiên được các bác sĩ Thụy Điển thiết kế dựa vào phát minh của Hopps. Tuy vậy,
máy này nặng và cồng kềnh, đôi khi làm cho người sử dụng nó bị bỏng cơ thể. Hai
năm sau kĩ sư Wilson
Greatbatch (Mỹ) đã cải tiến thành công máy này.
Ly đựng kem. Trước khi chưa có ly bánh quế
hình nón, người ta thường bán kem đựng trong đĩa. Cha đẻ của ly bánh quế hình
nón là Ernest Hamwi – một người Sirya bán bánh quế ở hội chợ St. Louis năm
1904. Ki-ốt bên cạnh là của một người bán kem mà người mua rất đông nên khi hết
đĩa, Hamwi đề nghị người này dùng bánh quế cuộn thành hình nón để đựng kem bán
cho khách. Sản phẩm này không ngờ lại được đón nhận rất nồng nhiệt vì người ta
ăn kem, ăn luôn cả chiếc ly bánh quế. Sau đó Hamwi đã thành lập công ty sản
xuất ly đựng kem có tên Cornucopia Waffle Company.
Kem que. Tác giả của phát minh này là cậu
bé Frank Epperson 11 tuổi thường khuấy bột hoa quả trong nước rồi đặt ngoài cửa
sổ để qua đêm. Một hôm Frank để quên chiếc que khuấy bột trong ly nước. Hôm đó
trời lạnh nên sáng ra thứ nước hỗn hợp kia đóng băng lại làm thành một que kem.
Frank khoe với bạn bè rằng cậu có thể mút và dùng lưỡi để liếm. 18 năm sau đó
Frank nhớ lại kỷ niệm thú vị kia và bắt tay vào sản xuất kem “Popsicle”, sau đó
thứ kem này được phổ biến khắp thế giới.
Thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh ra đời từ một
phát hiện tình cờ của Alexander Fleming. Năm 1928, nhà nghiên cứu này để ý thấy
nấm khuẩn ty thể penicillin lan sang các mẫu vi khuẩn hình cầu (staphylococcus)
ông để gần cửa sổ. Fleming nghiên cứu mẫu ấy, và biết rằng penicillin đang tiêu
diệt vi khuẩn staphylococcus. Phát hiện quan trọng của Fleming được công nhận
vào năm 1940, lúc bắt đầu những nghiên cứu đầu tiên về thuốc kháng sinh trên
toàn cầu. Ngày nay 15% tổng số thuốc bán ra trên toàn thế giới là thuốc kháng
sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét