Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Những phát minh thiên tài thực hiện ra sao


NHỮNG PHÁT MINH THIÊN TÀI ĐƯỢC THỰC HIỆN RA SAO

Tổ tiên chúng ta đã nghĩ ra biết bao nhiêu thứ để làm cho cuộc sống của mình thuận tiện và thoải mái hơn. Bạn có biết thìa, nĩa, bàn chải răng, bao cao su, giấy vệ sinh… đã được phát minh như thế nào không, người cổ đại đã thay thế những thứ rất cần thiết này bằng gì không?
Khi nói về những phát minh vĩ đại của Thomas Edison, người ta nhớ ít nhất là năm phát minh nổi tiếng nhất: máy hát đĩa, máy đánh chữ, máy điện tín, máy phát điện xoay chiều, tất nhiên bóng đèn điện.
Theo đề án của Edison, năm 1882 nhà máy điện đầu tiên được xây dựng ở New York. Ông cũng đã tạo ra thiết bị cơ sở của máy ghi tiếng, thiết bị để ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại, thiết kế pin nickel-sắt và nhiều nhiều thứ nữa (tất cả gần 1000 sáng chế).

Giấy vệ sinh
Tổ tiên chúng ta đã xoay xở ra sao với việc làm vệ sinh sau khi thực hiện một nhu cầu tự nhiên tối thiểu. Francois Rabelais cho rằng dễ chịu nhất là làm điều này với sự giúp đỡ của một chú vịt (còn người Việt làm việc này với sự giúp đỡ của các chú chó thì có lẽ còn thú vị hơn và cũng chưa thấy các nơi khác trên thế giới từng làm như vậy).
Người La Mã thì dùng miếng bọt biển gắn vào một cái que và sau khi sử dụng được đặt vào một chậu nước muối. Người Viking lau bằng cục len, thổ dân châu Mỹ dùng các loại lá hoặc bẹ ngô. Các vị vua Pháp vốn thanh lịch dùng giẻ vải lanh. Dùng giấy để làm việc này đầu tiên là người Trung Hoa, tuy nhiên không phải dân thường mà chỉ những vị hoàng đế. Sau đó, việc dùng giấy lan ra khắp thế giới: người ta dùng giấy báo cũ và cả sách, vở.

Chỉ đến năm 1857 một người Mỹ tên là Joseph Guyette nghĩ ra cách cắt những mảnh giấy vuông vức và đóng thành gói. Joseph Guyette vô cùng tự hào với phát minh này nên đã viết tên của mình lên từng mảnh giấy. Tuy vậy, tên của người đã nghĩ ra cách làm giấy cuộn thì không ai biết. Những cuộn giấy vệ sinh lần đầu tiên được sản xuất ở nhà máy “Scott Paper” của Mỹ năm 1890.

Bánh xe
Ai, khi nào và tại sao người ta đã nghĩ ra bánh xe lần đầu tiên thì hiện vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử. Các bánh xe cổ nhất được tìm thấy ở vùng Lưỡng Hà và được làm ra khoảng 55 thế kỷ trước. Các bánh xe thời đó được cắt từ những súc gỗ nguyên khối có hình tròn.
Các bánh xe có nan hoa lần đầu tiên được sản xuất tại bán đảo Tiểu Á (bán đảo phía tây của châu Á, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) trong thế kỷ XX trước Công nguyên cũng trong thế kỷ này nó được phổ biến đến châu Âu, Trung Hoa Ấn Độ. Những bánh xe như thế chỉ được sử dụng trong xe ngựa để vận chuyển người, nhưng ở Ai Cập người ta bắt đầu sử dụng cho xe chở hàng hóa. Những chiếc xe như thế rất phổ biến ở Hy Lạp cổ đại và sau đó là La Mã. Tại Mỹ, bánh xe xe chỉ xuất hiện sau khi người Âu có mặt.

Bao cao su
Gần ba ngàn năm trước Công nguyên, vua Minos của Crete đã dùng bong bóng cá làm bao để chống các bệnh lây qua đường tình dục trong thú vui tình ái. Một số nhà nghiên cứu cho rằng người La Mã cổ đại đã dùng mô cơ của những người lính bị chết để chế ra thứ bao này. Một ngàn năm trước Công nguyên người Ai Cập đã dùng các túi vải lanh và để cho nó không rơi xuống, người ta sử dụng các dải băng quấn bằng vải. Những cái túi vải lanh như thế được sử dụng trong suốt 2500 năm.

Đến thế kỷ XV ở châu Âu rất phổ biến việc dùng bao do dịch giang mai hoành hành. Những chiếc bao như thế không chỉ giúp ngăn chặn bệnh giang mai mà còn giúp tránh việc thụ thai ngoài ý muốn mà trước đó chưa một ai biết đến. Đến cuối thế kỷ XV những bao vải lanh như thế được ngâm trong một dung dịch hóa chất trước khi phơi khô để sử dụng. Đấy là những chất diệt tinh trùng đầu tiên, mà hiện nay có ở tất cả các loại bao cao su.
Tên gọi “condom” có từ thế kỷ XVII. Theo một giả thiết, đấy là tên người thầy thuốc của vua Charles II, Kondom, người đã tìm ra cách để tránh cho nhà vua việc có con ngoài giá thú và các bệnh hoa liễu từ gái mại dâm. Ông làm loại bao này từ ruột cừu. Theo một giả thiết khác - từ này có nguồn gốc tiếng Latin “Condon”, có nghĩa là “kho chứa”. Loại bao làm từ ruột động vật có giá thành rất cao, vì vậy người ta đã sử dụng nhiều lần.
Với phát minh lưu hóa cao su vào năm 1839, loại bao này trở thành bao cao su từ năm 1844. Bao cao su latex đầu tiên có từ năm 1919. Loại bao này rất mỏng và không còn nồng nặc mùi cao su. Còn những bao cao su có chất bôi trơn chỉ được sản xuất từ năm 1957.

Dây giày
Lịch sử quả thật lạ lùng vì không lưu giữ được tên tuổi của thiên tài đã phát minh ra dây giày nhưng đã giữ lại chính xác ngày tháng của nó: 27 tháng ba năm 1790. Chính trong ngày này chiếc dây buộc giày có mẩu sắt nhỏ ở hai đầu xuất hiện tại nước Anh. Còn trước đó tất cả các loại giày đều được móc bằng các móc sắt.

Thìa và nĩa
Người La Mã và Hy Lạp cổ đại nói chuyện về cái đẹp, cái cao thượng và ăn bốc bằng tay. Nhà thơ La Mã Ovid đã dạy cho họ ăn bằng ngón tay và sau bữa ăn lau chúng lên bánh mì. Sau đó ở Hy Lạp người ta đeo những chiếc găng tay đặc biệt có những ngón cứng khi ăn.
Mà nói chung, những nguyên mẫu đầu tiên của thìa muỗng đã có từ 3000 năm trước Công nguyên. Chúng được nặn từ đất sét hoặc được cắt từ xương hoặc sừng của động vật, kể cả từ vỏ sò, xương cá và gỗ. Vật giống với chiếc nĩa ngày nay nhưng không phải ba nhánh mà có năm nhánh đã có từ thế kỷ thứ X ở châu Á. Một trăm năm sau đó phát minh này lan tới châu Âu nhưng chỉ được phổ biến rộng rãi vào thế kỷ XVI.
Đến cuối thế kỷ XVIII ở châu Âu những con dao lưỡi thẳng nhường chỗ cho dao có lưỡi cắt hình khuyết. Sự cần thiết dùng dao chọc vào thức ăn đã không còn vì chức năng này đã có nĩa thực hiện.

Cúc áo
Thay vì dùng cúc để kết nối các mảnh quần áo của mình, người cổ đại đã dùng gai thực vật, xương động vật hay các mảnh gỗ. Người Ai Cập cổ đại đã dùng những sợi len xâu qua các mảnh quần áo để liên kết chúng với nhau.

Ai là người đã phát minh ra chiếc cúc áo lịch sử đã không còn lưu giữ lại được: một số nhà nghiên cứu cho rằng đấy là người La Mã hoặc Hy Lạp cổ đại, một số khác lại cho rằng chính người châu Á mới là những người phát minh ra chiếc cúc áo. Những chiếc cúc đầu tiên được làm bằng ngà voi.
Cúc áo có được sự phổ biến rộng rãi chỉ từ thế kỷ XII. Và sang thế kỷ XIII nó trở thành dấu hiệu của sự giàu có và sành điệu. Các bậc vua chúa và tầng lớp quí tộc thường sử dụng những chiếc cúc áo làm từ vàng và bạc. Cũng từ thế kỷ XIII các cúc áo được làm từ sắt và đồng và mãi đến thế kỷ XIX chúng là thứ hàng đắt tiền nên người ta thường dùng những chiếc cúc từ những bộ quần áo cũ cho những bộ quần áo mới.

Ghim kẹp giấy
Từ thế kỷ XIII con người đã biết cách xếp các tờ giấy vào nhau rồi xâu một sợi dây qua lỗ ở góc phía bên trên. Năm 1835 bác sĩ John Ayrlend Howe ở New York đã làm ra một chiếc máy sản xuất kim găm. Kim găm, đã đành là người ta nghĩ ra để dùng cho thợ may, để trong khi may các mảnh vải rời không bị rơi ra, thế nhưng người ta còn dùng chúng để găm giấy.
Còn chiếc ghim kẹp giấy đầu tiên là do nhà sáng chế người Na Uy Johan Vaaler nghĩ ra năm 1899. Johan Vaaler không thu được đồng nào từ phát minh này vì ông không làm tìm được nguồn vốn đầu tư hay nhà sản xuất, là điều mà những người Anh (công ty Gem Manufacturing Ltd) đã làm được vào năm 1900. Quả thực, chiếc ghim do công ty này sản xuất mới có hình dạng của chiếc ghim kẹp giấy thời nay, nhưng không hiểu tại sao không một ai đăng ký phát minh này cả.

Lược chải đầu
Những chiếc lược cổ xưa nhất được con người sử dụng là những chiếc lược làm từ xương cá. Không rõ khi nào và ở đâu có những chiếc lược đầu tiên nhưng một trong những chiếc lược cổ nhất được tìm thấy trong cuộc khai quật tại vùng đất của La Mã cổ đại. Chiếc lược này được làm từ xương động vật, có tay nắm và có tám răng cách nhau 0,2 cm. Sau đó lược còn được làm bằng gỗ, ngà voi, san hô, mai rùa và sừng các loại động vật khác nhau. Những nguyên liệu này được dùng để làm lược cho đến giữa thế kỷ XIX.
Năm 1869 hai anh em Ê-sai và John Hyatt phát minh ra nhựa đã hoàn toàn thay đổi việc sản xuất lược. Voi hay rùa là những động vật ngày càng hiếm hoi mà người sử dụng lại có được những chiếc lược vừa rẻ, vừa bền lại vừa giống với lược ngà voi, mai rùa hay san hô.

Diêm
Con người đã từng sử dụng biết bao nhiêu cách khác nhau để lấy lửa trước khi diêm xuất hiện. Quẹt bề mặt các thanh gỗ, đá vào nhau, đập tia lửa với silic, bắt các tia nắng mặt trời qua mảnh thủy tinh. Và khi thu được lửa thì người ta cẩn thận giữ bằng than trong chậu bằng đất nung.
Chỉ đến cuối thế kỷ XVIII thì cuộc sống mới trở nên dễ dàng hơn khi nhà hóa học người Pháp Claude Berthollet tìm ra chất kali clorat. Vì thế, ở châu Âu năm 1805 xuất hiện một loại diêm que được phết kali clorat và chúng phát lửa khi nhúng vào dung dịch a-xít sunfuric đậm đặc.
Còn những que diêm khô thì lại là công của nhà hóa học người Anh John Walker. Năm 1827 ông nhận thấy rằng nếu đem hỗn hợp gồm sulfua antimon, kali clorat và gôm arabic phết lên đầu que gỗ, sau đó phơi khô trong không khí và khi quẹt vào giấy nhám thì đầu của nó sẽ dễ dàng bắt lửa.

Từ đó, việc mang theo lọ a-xít sunfuric kè kè bên mình đã không cần thiết nữa. Walker liền tổ chức một xưởng sản xuất diêm của mình. Những hộp diêm 100 que được đóng trong những chiếc hộp thiếc. Tuy nhiên, loại diêm này có mùi rất khủng khiếp nên nhà phát minh cũng chẳng kiếm được bao nhiêu.
Năm 1830 nhà hóa học trẻ tuổi người Pháp Charles Sauria làm ra loại diêm phốt pho từ hỗn hợp phốt pho kali clorat và keo. Loại diêm này dễ bốc lửa khi quẹt vào bề mặt cứng bất kỳ, kể cả vào đế giày, tuy nhiên chúng lại có hại cho sức khỏe của người sử dụng vì phốt pho trắng rất độc.
Năm 1855 nhà hóa học người Thụy Điển Johan Edvard Lundström hiểu rằng phốt pho đỏ tốt hơn phốt pho trắng nên đã dùng phốt pho đỏ bôi lên bề mặt giấy nhám và cả vào hỗn hợp trên đầu que diêm. Bằng cách như vậy diêm đã không còn hại cho sức khỏe người sử dụng mà vẫn bắt lửa tốt.
Cuối cùng, năm 1899 Joshua Pusey làm ra hộp diêm đầu tiên nhưng bằng sáng chế lại được trao cho công ty Diamond Match Company vì công ty này cũng nghĩ ra hộp diêm y hệt như vậy, chỉ với một điểm khác là bề mặt đánh lửa ở phía ngoài hộp (còn của Joshua Pusey lại ở bên trong hộp).

Băng vệ sinh
Bắt đầu từ những ngày còn sống trong hang động cho đến thời đại văn minh đầu thế kỷ XXI này, một nửa loài người là phụ nữ đã phải tỏ ra tháo vát trong những ngày nguy ngập. Thời tiền sử phụ nữ đã dùng tất cả: từ cỏ lá, rêu đến rong tảo biển. Người Ai Cập cổ đại sử dụng lá cây papirut, người Hy Lạp dùng giẻ cuộn lại. Người La Mã dùng len, người Nhật dùng giấy, người châu Phi dùng lá cỏ…
Vào đầu thế kỷ XIX phụ nữ bắt đầu may băng vệ sinh bằng giẻ được làm từ sợi bông và sử dụng nhiều lần: sau khi dùng xong đem giặt và phơi khô. Đến cuối thế kỷ này một người thông minh nào đó đã nghĩ ra cách sản xuất hàng loạt băng vệ sinh nhưng do không có quảng cáo nên không được phổ biến rộng rãi.
Đầu thế kỷ XX phụ nữ nghĩ ra cách dùng gạc bông để làm băng vệ sinh. Trong thập niên 20 của thế kỷ XX băng vệ sinh được bày bán ở các cửa hàng và được quảng cáo rộng rãi trên các báo, tạp chí phụ nữ. Phụ nữ thời đấy dùng kim băng gắn vào quần lót hoặc buộc dây rồi quấn vào vòng eo.
Băng vệ sinh tampon đầu tiên được sản xuất hàng loạt vào năm 1936 nhưng chỉ thực sự phổ biến vào thập niên 1960. Một thập niên sau đó người ta mới nghĩ ra cách dùng băng dính để gắn băng vệ sinh vào đồ lót. Còn gel thấm nước, thành phần quan trọng của băng vệ sinh hiện đại chỉ được nghĩ ra trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX.

Kim khâu
Lịch sử nghề may đã có từ 20 ngàn năm nay. Người nguyên thủy dùng gai nhọn hoặc đá để đâm lỗ da thú và làm quần áo.
Những chiếc kim có lỗ đầu tiên làm từ đá, xương hoặc sừng của động vật được tìm thấy ở Bắc Âu và Trung Á có độ tuổi là 17 ngàn năm. Ở châu Phi người ta dùng xương lá cọ để làm kim. Những chiếc kim bằng sắt đầu tiên được cho là do người Trung Hoa làm ra. Việc sản xuất kim hàng loạt chỉ bắt đầu vào thế kỷ XIV ở Nuremberg và sau đó là ở Anh.
Những chiếc kéo đầu tiên được tìm thấy ở Ai Cập. Những chiếc kéo này chỉ có một cánh và có độ tuổi là thế kỷ XVI trước Công nguyên. Còn chiếc kéo có hình dạng như kéo ngày nay là phát minh của Leonardo da Vinci.

Gót giày cao gót
Những chiếc gót giày cao có từ thế kỷ XII và chúng có mục đích đơn giản là để làm cho bàn chân của những kỵ sĩ bám chắc vào bàn đạp. Thế nhưng ai là người đầu tiên phát minh ra gót giày cao gót như ngày nay thì không ai biết chính xác, mặc dù thiên hạ vẫn cho đấy là những người thợ thủ công ở thành phố Cordoba, Tây Ban Nha trong thế kỷ XVII.

Những người thợ này đã tạo ra hình dáng của chiếc gót gày vát vào bên trong theo dáng của “vòng eo Pháp” ở giữa. Theo thời gian, gót giày có một số thay đổi: từ những gót giày cao như ly rượu đến gót vuông và rộng được thiết kế đặc biệt cho những cô gái nhảy điệu twist. Năm 1950 nhà thiết kế thời trang Ý Salvatore Ferragamo đã phát minh ra kiểu gót cao nhỏ có một thanh thép dài ở giữa.

Bàn chải răng
Việc chăm sóc sức khỏe răng miệng đã được người Ai Cập cổ đại thực hiện từ 3000 năm trước Công nguyên. Trong những quan tài bằng đá người ta tìm thấy những nguyên mẫu của bàn chải răng được làm từ những nhánh cây rủ xuống ở phần cuối. Tuy nhiên, người ta cho rằng một vị hoàng đế Trung Hoa mới là người phát minh ra bàn chải răng hiện đại vào năm 1498. Bàn chải này được làm từ lông heo rừng Siberi.
Sang thế kỷ XVII phát minh này được phổ biến ở châu Âu, nơi mà trước đó chưa từng quen với việc đánh răng, và người Âu thay lông heo rừng bằng lông bờm ngựa mềm mại hơn. Đến đầu thế kỷ XX người ta vẫn dùng lông của động vật để làm bàn chải răng.
Năm 1937 nylon được phát minh và từ năm 1938 người ta dùng nylon để làm bàn chải. Tuy nhiên, bàn chải từ lông động vật vẫn tiếp tục được sản xuất vì chúng có phần mềm mại hơn. Chỉ từ năm 1950 bàn chải nylon mới trở thành mềm mại như bàn chải ngày nay.


MƯỜI SỰ KIỆN RÚT TỪ LỊCH SỬ LIÊN XÔ

1. Trong thời gian đầu của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại trong Thế chiến II Liên Xô thiếu xe tăng một cách nghiêm trọng, vì thế có một quyết định được đưa ra trong trường hợp khẩn cấp là cải tiến máy kéo thông thường thành xe tăng. Trong trận đánh ở thành phố Odessa có 20 “xe tăng” làm từ máy kéo được đưa vào sử dụng. Mục đích của việc làm này là chủ yếu đánh đòn tâm lý và đã mang lại hiệu quả không ngờ. Những chiếc máy kéo được bọc thêm các tấm thép với tháp pháo và đèn pha bật sáng trong đêm đã làm cho kẻ thù hoảng sợ bỏ chạy. Những người lính đã gọi loại “xe tăng” này là NI-1, được giải mã thành “Để dọa dẫm”(На испуг).
2. Ở Liên Xô từ tháng 11 năm 1941 có một loại thuế bằng 6% tiền lương đánh vào những người không có con. Đàn ông tuổi từ 20 đến 50 và phụ nữ có chồng tuổi từ 20 đến 45 mà không có con thì phải nộp thuế này. Những người có thu nhập dưới 70 rúp một tháng, những người không thể có con vì lý do sức khỏe, những người có con nhưng bị chết hoặc mất tích trong chiến tranh, Anh hùng Liên Xô và những người phục vụ trong quân đội đều được miễn đóng loại thuế này. Dân gian gọi loại thuế này là “thuế để mua trứng” (налог на яйца).
3. Tại World Cup 1962 đội tuyển bóng đá Liên Xô gặp đội tuyển Uruguay. Sau quả sút của một cầu thủ Liên Xô bóng bay vào lưới đội Uruguay qua lỗ thủng từ phía bên ngoài cầu môn, gỡ hòa 1:1 cho đội Liên Xô. Do trọng tài không nhìn thấy nên bàn thắng này đã được tính, tuy nhiên đội trưởng đội Liên Xô, Igor Netto đã làm hiệu, giải thích cho trọng tài rằng bàn thắng không đúng. Cuối cùng bàn thắng này đã không được tính nhưng đội tuyển Liên Xô vẫn giành chiến thắng trong trận này.
4. Ở Liên Xô từng có một giai thoại về câu nói nổi tiếng của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nikita Khrushchev tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc: “Tôi sẽ cho các ngài biết mẹ Kuzma!” (Я вам покажу кузькину мать!). “Mẹ Kuzma” là gì? Hình như đấy là một loại vũ khí mới bí mật! Kết quả là sau đó cụm từ: “Mẹ Kuzma” được dùng để chỉ một loại bom nhiệt hạch của Liên Xô. Trên thực tế, người phiên dịch hôm đó đã không dịch theo nghĩa đen, mà là: “Tôi sẽ cho các ngài biết cái gì là cái gì”, nguyên văn lời dịch ra tiếng Anh: “We shall show you what is what”.

Mặc dù người Mỹ dịch là “Kuzma’s mother” nhưng theo lời của người phiên dịch của Khrushchev, Viktor Shuhodrev thì cụm từ này không thể dịch được. Chính Khrushchev cũng đã nói: “Các bạn phiên dịch vò đầu mà làm gì? Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta sẽ cho nước Mỹ thấy cái mà họ chưa bao giờ nhìn thấy”.
5. Để sản xuất đĩa dùng ghi nhạc lậu, ở Liên Xô phổ biến việc sử dụng phim X-quang cũ. Người ta gọi loại đĩa này là “đĩa trên xương sườn” (пластинки на ребрах). Thứ nguyên liệu này không chỉ không mất tiền mà còn giúp cho các kho lưu trữ y tế dỡ bỏ bớt được phần nào.
6. Từ ngày 22 tháng 6 năm 1941 đến ngày 1 tháng 7 năm 1941 (9 ngày) trong lực lượng vũ trang của Liên Xô có đến 5,3 triệu người.
7. Trong cuộc diễu hành mừng Chiến thắng ngày 24 tháng 6 năm 1945 những người lính đã bế trên tay mình một con chó. Mà con chó này nằm trên chiếc áo khoác của Tổng tư lệnh Stalin. Đó là một trong những con chó được huấn luyện để giúp cho những người lính công binh rà phá bom mìn. Con chó này có tên là Djulbars. Trong năm cuối cùng của chiến tranh, Djulbars đã phát hiện ra 7.468 quả mìn và hơn 150 đạn pháo ở các nước châu Âu. Không lâu trước cuộc diễu hành mừng Chiến thắng tại Moskva ngày 24 tháng 6, Djulbars bị thương và không thể đi trong đoàn chó quân sự tham gia diễu hành. Thế là Stalin ra lệnh mang con chó đến Quảng trường Đỏ trên áo ca-pốt của mình.
8. Cuối năm 1991 việc chúc năm mới trên truyền hình của nguyên thủ quốc gia gặp sự rắc rối. Về hình thức Gorbachev là Tổng thống Liên Xô nhưng đã không còn quyền lực gì, còn Yeltsin cũng không thể chúc mừng vì nguyên nhân nào đó. Thế là người ta đã đề nghị Mikhail Zadornov – nhà văn, diễn viên truyền hình làm việc này. Vốn là nhà văn trào phúng, trong lời chúc năm mới được truyền hình trực tiếp, Zadornov đã phát biểu say sưa để quá đến một phút so với thời khắc giao thừa. Vì việc này mà những người phụ trách kỹ thuật đã phải giữ Đồng hồ chuông điện Kremlin lại, không cho đổ chuông đúng giờ.
9. Lev Yashin không chỉ là thủ môn bóng đá mà còn từng là thủ môn khúc côn cầu. Năm 1953 ông đoạt Cup khúc côn cầu Liên Xô và đoạt huy chương đồng giải Vô địch Liên Xô. Người ta đã từng muốn gọi Yashin vào đội tuyển khúc côn cầu dự World Cup nhưng ông quyết định chỉ tập trung cho bóng đá.

10. Công trình vật chất nhân tạo lớn nhất mọi thời đại do con người tạo nên – đó là hình “nấm” từ quả bom khinh khí AN602 của Liên Xô. Tên hiệu của nó là Tsar-bomba (Царь-бомба) – là vũ khí hạt nhân lớn nhất, mạnh nhất từng được cho nổ và hiện tại vẫn là thiết bị nổ mạnh nhất mà con người từng cho nổ trong lịch sử nhân loại.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét