Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Những sự trùng lặp kỳ lạ - Abraham Lincoln và John Kennedy


NHỮNG SỰ TRÙNG LẶP KỲ LẠ

Abraham Lincoln và John Kennedy

1. Abraham Lincoln được bầu vào Quốc hội năm 1846.
John Kennedy được bầu vào Quốc hội năm 1946.
(Cách nhau 100 năm tròn).

2. Abraham Lincoln trở thành tổng thống Mỹ năm 1860.
John Kennedy trở thành tổng thống Mỹ năm 1960.
(Cách nhau 100 năm tròn).

3. Cả hai đều có phó tổng thống - người kế nhiệm là Johnson.

Andrew Johnson sinh năm 1808.

Lyndon Johnson sinh năm 1908.

(Cách nhau 100 năm tròn).

4. Cả hai đều bị ám sát.
John Wilkes Booth, người bắn Lincoln sinh năm 1839.
Lee Harvey Oswald, người bắn Kennedy sinh năm 1939.
(Cách nhau 100 năm tròn).

5. Lincoln và Kennedy đều gồm 7 chữ cái.

6. Andrew Johnson và Lyndon Johnson đều gồm 13 chữ cái.

7. John Wilkes Booth và Lee Harvey Oswald đều gồm 15 chữ cái.

8. Cả hai đều là người miền Nam. Cả hai đều bị giết chết trước khi bị xử án.

9. Cả hai vị tổng thống đều bị ám sát vào ngày thứ sáu, trước ngày lễ. Lincoln - trước ngày lễ Phục Sinh, Kennedy - trước ngày lễ Tạ Ơn. Cả hai đều bị bắn vào đầu từ phía sau.

10. Lincoln bị bắn chết trong nhà hát “Ford”, Kennedy bị bắn chết trong xe “Lincoln” do hãng Ford chế tạo.

11. Lincoln ngồi ở hàng ghế thứ bảy của nhà hát, Kennedy ngồi trong xe thứ bảy của đoàn xe tổng thống.


12. Một tuần trước khi bị ám sát Lincoln đến thành phố Monroe bang Maryland còn Kennedy - một tuần trước khi bị ám sát có cuộc gặp gỡ với cô người tình Marilyn Monroe.

13. Thư ký của Lincoln là Kennedy từng khuyên ông không nên đến nhà hát. Thư ký của Kennedy là Lincoln cũng từng khuyên không nên đi Dallas.


ĐÔI MẮT CŨNG BIẾT NÓI

Từ xa xưa con người đã liên hệ đôi mắt với sức mạnh và sự huyền bí và gọi “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Empedocles coi ánh mắt nhìn là luồng huyết cầu từ đôi mắt hướng về đối tượng và quay ngược trở lại.
Trong thơ ca Pháp thời Phục hưng ta gặp những sự mô tả ánh nhìn của đôi mắt như phóng tên, ném dao hoặc trút lửa “thiêu đốt tâm hồn và đốt ngọn lửa tình”. Trong thơ sonnet của William Shakespeare ta cũng gặp rất nhiều bài nói về đôi mắt… Người Bali cho rằng trong mắt bên phải của mỗi người có hồn của bố, là biểu tượng của mặt trăng, còn bên trái - hồn của mẹ, biểu tượng của mặt trời.
Phụ nữ bao giờ cũng ý thức được sức hấp dẫn của đôi mắt. Cleopatra - nữ hoàng Ai Cập là một người nổi tiếng giỏi trang điểm đôi mắt. Bà từng biết dùng màu để trang điểm và kẻ lông mi. Phụ nữ Ấn Độ xếp những hạt đá quí xung quanh mắt để gây sự chú ý của đàn ông. Người rừng ở Nam Phi (Bushman) cho rằng ánh mắt của cô gái trong kỳ kinh nguyệt có sức tác động mạnh đến mức có thể làm đàn ông chết đứng tại chỗ và biến người này trở thành một cây gỗ.
Các nhà tâm lý học cho rằng đôi mắt biết nói không kém gì lưỡi. Chúng thể hiện những cảm xúc rất truyền cảm. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng đại văn hào Leo Tolsstoy từng mô tả 85 cách biểu cảm của đôi mắt. Nhiều khi chỉ cần nhìn vào đôi mắt, người ta sẽ biết được trạng thái thực của người này. Nếu như những người đối thoại giàu kinh nghiệm có khả năng kiểm soát và kiềm chế cảm xúc bằng cử chỉ và động tác của thân thể thì trạng thái của con ngươi là không thể kiểm soát được.
Vì những điều nói trên mà ta không ngạc nhiên rằng con mắt có thể phản bội thân chủ, nếu như người này có điều gì đấy muốn giấu đi. Mắt có thể đốt, có thể thiêu trụi nhưng cũng biết âu yếm, biết yêu bằng ánh mắt. Dưới đây là một số cảm xúc được thể hiện bằng ánh mắt:
Ánh mắt nhìn xuống: là sự khiêm tốn ở phụ nữ và là sự hối hận về việc đã làm của trẻ nhỏ.
Mắt mở to: ngạc nhiên, ngây thơ hoặc sợ hãi.
Mí mắt nâng cao: không hài lòng.
Mắt trợn ngược: mệt mỏi, không chịu đựng hoặc là có điều gì lạ lùng, không hiểu được.
Mắt nhìn liếc: có thể là kính trọng, có thể là mong muốn hoặc có thể là lừa dối.
Ánh mắt kích động: mềm mỏng, mi khép hờ và quyến rũ…
Một ánh mắt có thể có nhiều nghĩa, phụ thuộc vào tình huống. Thí dụ sự chớp mắt có thể là sự lo âu, sự dao động, sự không tin tưởng hoặc ngại ngùng. Bởi thế, việc đọc được ánh mắt của người khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Khi một người quan tâm đến chuyện gì thì con ngươi của người này mở to, còn khi giận dữ hoặc sầu não thì con ngươi thu lại. Con ngươi mở to đồng nghĩa với sự quyến rũ. Từ hàng nghìn năm trước phụ nữ đã biết dùng cây cà dược (belladonna) để mở to con ngươi. Cleopatra thường xuyên sử dụng bí quyết này. Khổng Tử từng dạy như vậy: “Hãy nhìn vào con ngươi, người ta không thể giấu được điều gì”.
Và bạn hãy nhớ rằng, đôi mắt của bạn cũng biết nói!


NHỮNG NGHỀ NGHIỆP KINH HOÀNG

Khoa học đòi hỏi sự hy sinh. Vì công việc, nhiều nhà khoa học đành mạo hiểm nạp vào cơ thể mình những căn bệnh nguy hiểm để xác định triệu chứng và thử cách chữa trị. Đôi khi những cuộc thử nghiệm kết thúc bằng cái chết của người nghiên cứu. Nhà bác học Marie Curie từng bị ung thư bạch cầu vì tiếp xúc với lượng bức xạ quá cao trong các nghiên cứu của bà. Chàng sinh viên y khoa Stubbins Ffirth khi nghiên cứu bệnh sốt vàng đã uống máu và nước tiểu của bệnh nhân, ăn chất họ nôn ra để xác định cơ chế lây nhiễm.
Nhà phẫu thuật nổi tiếng người Hungari Miklos Nyiszli từng bị bắt vào trại tù Auschwitz mổ tù nhân làm thí nghiệm dưới sự kiểm soát của bác sĩ Đức Josef Mengele – người được mệnh danh là thần chết. Miklos Nyiszli buộc phải làm việc theo mệnh lệnh vì nếu từ chối thì sẽ phải nằm lên bàn mổ làm vật thí nghiệm. Sau ngày được ra tù Miklos Nyiszli không bao giờ cầm đến dao mổ nữa… Nhà vật lý học người Mỹ William Weed đã phỏng vấn hàng nghìn nhà khoa học rồi dựa theo kết quả mà lập ra danh mục những nghề kinh hoàng nhất trong lĩnh vực khoa học.
1. Nghề phát triển những loại nhiên liệu mới. Nhân loại không thể sống thiếu năng lượng thế nhưng việc đi tìm những loại nhiên liệu mới là một quá trình dài lâu và khó nhọc. Thí dụ ở Lawrence Livermore National Laboratory đã 50 năm nay nghiên cứu nhiên liệu hạt nhân mà theo lý thuyết thì có thể dùng để chế tạo động cơ ô tô. Các nhà bác học cho rằng công việc của họ còn phải tiếp tục ít nhất là 20 năm nữa. Họ so sánh mình với những người xây dựng nhà thờ ở thời trung cổ, khi mà những bức tường nhà thờ được xây bởi nhiều thế hệ thợ.
2. Nghề phân tích phân của người mắc bệnh lỵ. Trong thập niên 80 thế kỷ XX, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Virginia nghiên cứu vi sinh vật gây ra bệnh lỵ. Để làm việc này họ phải nghiên cứu hàng nghìn mẫu phân của người bệnh. Trong thập niên 90 họ thành lập công ty Techlab chuyên sản xuất các thiết bị phân tích mẫu do các bác sĩ gửi đến. Ba chục nhân viên của công ty này chuyên mở các công-ten-nơ phân để nghiên cứu màu, mùi, độ đậm đặc và tiến hành phân tích vi trùng.

3. Nghề phân tích tinh dịch động vật. Những nghiên cứu như vậy được tiến hành trong phòng thí nghiệm của các môn: sinh vật học, động vật học và di truyền học. Mặc dù phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ các thiết bị nhưng phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất là dùng tay xoa bóp để kích thích sự xuất tinh. Sẽ rất vất vả cho những người phải làm việc với những động vật lớn như voi, sư tử, bò.
4. Nghề nghiên cứu muỗi sốt rét. Những nhà sinh vật học và các bác sĩ tìm cách chống lại sốt rét thường là phải trả giá cho kiến thức bằng máu của mình theo nghĩa đen. Họ để trần những phần trên cơ thể mình cho muỗi a-nô-phen. Helge Zieler suốt hai mươi năm nghiên cứu ở Braxin nói rằng trong mỗi phút bà bắt được 17 con muỗi. Theo lý thuyết thì có thể dùng lợn để thay cho người nhưng ở nhiều nơi có các tổ chức bảo vệ động vật phản đối việc này.
5. Nghề nghiên cứu vi sinh vật gây bệnh. Những mẫu vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm được đặt trong những ngôi nhà mà các nhà nghiên cứu qua lại thường xuyên. Đặc biệt nguy hiểm khi chúng treo lơ lửng trong không khí.
6. Nghề thử nghiệm không gian kín. Ở NASA (cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ) có những chuyên gia như vậy để kiểm tra các máy móc và tàu vũ trụ. Họ kiểm tra độ kín và tiện nghi trong các con tàu vũ trụ. Để làm được việc này họ phải hàng tuần liền ở trong ca bin và sống như những nhà du hành vũ trụ thực thụ trên quĩ đạo. Các nhà khoa học cũng xếp nghề phi công vũ trụ là một trong những nghề khó chịu nhất.
7. Nghề nghiên cứu tội phạm – xã hội học. Những người nghiên cứu tội phạm thường xuyên phải tiến hành nghiên cứu ở các nhà tù. Các sinh viên ngành này thường đến phỏng vấn tội phạm và không ít khi trở thành nạn nhân của bạo lực trong tù vì không có bảo vệ đi theo họ.
8. Nghề làm sạch xương. Các nhà khoa học hay những người làm nghề nhồi bông thú thường phải làm việc với các bộ xương cần được làm sạch thịt và máu. Để làm việc này thưởng sử dụng phương pháp thủy phân hoặc đưa ra sân cho côn trùng làm việc. Trong cả hai trường hợp thì các nhà khoa học đều phải ngửi mùi rất khó chịu.
9. Nghề truyền bá hệ mét. Ở Mỹ sử dụng hệ thống đo lường truyền thống của Anh, với dặm, foot, poud… chứ không phải mét, cân, lít… Năm 1975 người ta quyết định chuyển dần sang hệ đo lường chung của thế giới nên Viện tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia thành lập bộ phận chuyên trách việc này. Công việc của nhân viên bộ phận này cực kỳ phức tạp – phần lớn thời gian họ dùng để trò chuyện với các công chức cũng như đại diện của các công ty, thuyết phục họ về ưu điểm của hệ thống đo lường mét. Thực tế là họ làm việc về quảng cáo và thương mại còn khoa học thì đành quên lãng.

10. Nghề tìm kiếm những loài động vật không còn thấy (Cryptozoology - study of hidden animals). Một số loài chim hay động vật hiện tại có thể coi là đã không còn nhưng các nhà tìm kiếm vẫn chưa thể gạch chúng khỏi danh sách. Bởi thế vẫn có những nhóm các nhà khoa học cố đi tìm những loài chim mà vài chục năm nay đã không còn nhìn thấy. Họ đi tìm hàng ngày và hàng ngày trở về tay không. Những người làm nghề này cũng đi tìm những thứ tưởng chừng như không thể hoặc không có thực, thí dụ như con quái vật huyền thoại ở hồ Loch Ness hay người tuyết vv…
11. Nghề chặt đầu ễnh ương. Ở nhiều khoa y hay khoa sinh ở các trường đại học cũng như ở nhiều phòng thí nghiệm vẫn tiến hành các thí nghiệm với ễnh ương để nghiên cứu phản xạ và những đặc điểm của hệ thần kinh. Những trưởng phòng thí nghiệm như vậy thường xuyên phải giết hàng nghìn con ễnh ương.
12. Nghề thống kê ngư học. Những người làm nghề này thường xuyên phải đếm cá. Công việc này đặc biệt vất vả trong mùa đẻ trứng: hàng chục nghìn con cá trên sông chạy trước mắt. Người làm việc này cần đếm và xác định các loại cá. Khi kết thúc mùa đẻ trứng những người làm nghề này phải rất lâu mới quên được cảnh những đàn cá chạy trước mắt.
13. Nghề ngửi mùi. Những người làm nghề ngửi mùi sản phẩm làm việc ở các công ty dược, thực phẩm và mỹ phẩm. Đôi khi họ phải chịu cảnh không tắm trong nhiều tuần để kiểm tra mẫu nước hoa hoặc chất khử mùi mới có tác dụng đến đâu. Bác sĩ Michael Levitt khi phân tích chất khí thải của con người sau bữa ăn đã chế tạo một thiết bị đặc biệt – bao nhựa gắn vào hậu môn dùng để sưu tập các khí thải. Michael Levitt cho những người tình nguyện ăn các loại thức ăn khác nhau, sau đó thu khí thải vào các bao rồi dùng mũi của mình để ngửi. Ông khẳng định rằng việc phân tích thành phần khí thải trong tương lai cho phép chẩn đoán nhiều loại bệnh đường ruột và dạ dày.



THÀNH CÔNG CỦA ĐÀN ÔNG TRONG CUỘC ĐỜI THEO TUỔI TÁC

Thành công lúc 5 tuổi – ngủ dậy giường vẫn khô.
Thành công lúc 17 tuổi – biết cách qua đêm với phụ nữ.
Thành công lúc 25 tuổi – cưới được một người vợ tốt.
Thành công lúc 35 tuổi – sự nghiệp và gia đình.
Thành công lúc 45 tuổi – sự nghiệp và gia đình.
Thành công lúc 55 tuổi – cưới được một người vợ tốt.
Thành công lúc 65 tuổi – biết cách qua đêm với phụ nữ.
Thành công lúc 85 tuổi – ngủ dậy giường vẫn khô.


NHỮNG PHÁT MINH LÀM KHOẢNG CÁCH GẦN LẠI

Chỉ trong 100 năm gần đây cuộc sống có những thay đổi mạnh mẽ hơn tất cả quãng thời gian trước đó cộng lại. Nhưng khoa học và công nghệ càng hoàn hảo hơn thì quan hệ của con người lại càng lắm xung đột hơn. Thế kỷ XX là thế kỷ khắc nghiệt và đẫm máu nhất trong lịch sử loài người.
Chúng ta đã đạt đến những thứ mà các nhà văn viễn tưởng chỉ có mơ ước. Nhưng cuối cùng chúng ta cũng không trở thành những người hạnh phúc mà thế giới vẫn chuyển động theo qui luật nào đấy của mình. Càng đi xa cuộc sống càng tỏ ra nhiều sự nguy hiểm. Số người tự tử và số người người nghiện thuốc phiện ngày một tăng, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu, khủng bố và chiến tranh đang đe dọa hành tinh này.
Còn chúng ta vẫn thường xuyên tự hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Những phát minh dưới đây rút ngắn khoảng cách, biến thế giới rộng lớn này thành một ngôi làng nhỏ. Kỹ thuật làm cho con người xích lại gần nhau về mặt vật chất nhưng liệu chúng ta có thể xích lại gần nhau về mặt tâm hồn? Dưới đây là những phát minh đáng kể nhất trong lịch sử phát triển của loài người, 10 phát minh đã làm thay đổi thế giới này.

1. Chữ viết
Từ buổi đầu loài người đã tìm cách trao đổi thông tin. Người thượng cổ đã biết dùng cành cây hay khói… để làm tín hiệu. Nhưng bước đột phá trong sự phát triển của loài người là chữ viết xuất hiện khoảng 4000 năm trước Công nguyên.
2. In sách
Công nghệ in sách đáp ứng một nhu cầu cấp bách của loài người, nó chứng tỏ ngay từ những năm đầu tiên sau phát minh của Gutenberg vào giữa thế kỷ XV. Những cuốn sách làm cho việc trao đổi thông tin dễ dàng hơn nhiều và chính điều này đã bật đèn xanh cho thời đại Phục Hưng.
3. Điện tín
Đến tận giữa thế kỷ XIX con người biết được những sự kiện xảy ra ở các nước khác sau đó hàng tuần, thậm chí sau hàng tháng. Phương tiện trao đổi thông tin duy nhất giữa các châu lục là những con tàu bưu điện. Bởi thế việc trao đổi thông tin nhanh chóng là một nhu cầu cực kỳ cấp thiết. Máy điện tín là phát minh xuất sắc nhất của thời này. Năm 1832 trong chuyến tàu du lịch sang nước Mỹ, Samuel Morse đã phát minh ra nó.

4. Điện thoại
Cuối thế kỷ XIX loài người tiếp tục tìm kiếm những phương pháp mới trong việc xích lại gần nhau. Cần những phương tiện hoàn hảo hơn máy điện tín, thứ mà ai cũng dùng được. Sau nhiều năm tìm tòi và nghiên cứu, ngày 10 tháng 3 năm 1876 Alexander Bell đã nói với người cộng sự của mình qua điện thoại: “Mr. Watson, anh làm ơn ghé đến chỗ tôi, tôi có việc cần trao đổi với anh”. Bell đăng ký phát minh của mình và đến tháng 8 năm này đã có 800 chiếc máy điện thoại hoạt động.
5. Chụp ảnh và chiếu bóng
Năm 1826 Joseph Nicéphore Niépce qua buồng kín chiếu được hình ảnh khung cửa sổ phòng làm việc lên một tấm sắt. Năm 1837 Louis Jacques Mandé Daguerre lần đầu tiên làm được một tấm ảnh có chất lượng tương đối tốt. Năm 1891 Thomas Edison chế tạo được máy chiếu Kinetoscope – chiếu những hình ảnh liên tục thành hình chuyển động. Phát minh này tạo cảm hứng và điều kiện cho anh em nhà Lumière bắt tay làm phim. Tháng 12 năm 1895 lần đầu tiên dân Paris được xem những thước phim đầu tiên.
6. Truyền thanh
Các nhà sáng chế không chỉ dừng lại ở việc truyền tải thông tin bằng dây dẫn. Năm 1895 Aleksandr Popop trình diễn một chiếc máy truyền điện báo không cần dây dẫn. Năm 1899 nhà phát minh Guglielmo Marconi truyền được tín hiệu phát thanh qua eo biển Măng-sơ và năm 1901 – qua Đại tây dương. Năm 1904 nhà bác học John Ambrose Fleming chế tạo ra đi-ốt chân không để hoàn thiện một bước máy thu thanh. Năm 1913 Alexander Meissner chế tạo chiếc máy phát sóng vô thuyến đầu tiên...
7. Truyền hình
Một trong những phát minh tuyệt vời nhất của thế kỷ XX là truyền hình. Cũng như những ngành kỹ thuật phức tạp khác, truyền hình được hình thành và phát triển với sự góp sức của rất nhiều nhà phát minh và sáng chế chứ không chỉ là phát minh của một người hoặc một lần. Nửa cuối thế kỷ XX truyền hình phát triển mạnh mẽ và khắp nơi. Vai trò của truyền hình được Liên Hiệp Quốc đánh giá cao bằng Ngày truyền hình Thế giới (World Television Day) 21 tháng 11 hằng năm.
8. Máy vi tính (máy điện toán)
Sự xuất hiện của máy vi tính đã tổng kết những phát minh, sáng chế của thế kỷ XX. Máy vi tính trở thành phương tiện chủ yếu để xử lý, bảo quản thông tin và có khả năng truyền tải chúng đến những khoảng cách bất kỳ. Có một điều khác quan trong hơn – máy vi tính mở ra nhiều khả năng mới cho sự sáng tạo trong mọi lĩnh vực.
9. Điện thoại di động
Tháng 4 năm 1973 kỹ sư trưởng của hãng Motorola Martin Cooper thực hiện một ước mơ của loài người là gọi từ máy điện thoại di động. Tuy vậy, cơ sở thương mại của loại điện thoại này chỉ đến năm 1983. Kể từ đó, loại điện thoại này phát triển với một tốc độ chóng mặt. Hiện tại đã có khoảng hơn một nửa dân số thế giới sử dụng điện thoại di động.
10. Internet
 Năm 1989 Tim Berners-Lee đưa ra một dự án mà ngày nay trở thành nổi tiếng với tên gọi là mạng toàn cầu (World Wide Web), kết nối khoảng ¼ dân số thế giới (1,5 tỉ người). Internet là một cuộc cách mạng làm thay đổi thế giới, là phát minh mang tính thời đại. Internet truyền thông tin “với tốc độ âm thanh”, biến thế giới rộng lớn này thành một ngôi làng nhỏ. Điều quan trọng nhất là Internet làm cho khoảng cách gần lại – phía sau màn hình là một thế giới ảo, nơi mà tất cả mọi khả năng của con người không bị hạn chế bởi thời gian và không gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét