Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Những thảm họa lạ lùng trong lịch sử


NHỮNG THẢM HỌA LẠ LÙNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ

Những thảm họa trong lịch sử loài người thì có vô vàn. Về mức độ có nhiều thảm họa còn lớn hơn nhiều nhưng thống kê dưới đây xét về sự lạ lùng của nó. Mặt khác, có thể những thảm họa dưới đây gợi ra cho chúng ta những suy ngẫm về việc phát triển một cách ồ ạt và môi trường bị xâm hại nặng như ở Việt Nam chúng ta hiện nay.

Rắn tấn công thành phố Saint-Pierre
Núi lửa Mount Pelee (núi trọc) ở thành phố Saint-Pierre, đảo Martinique (Trung Mỹ) đã từ lâu không hoạt động nên không ai để đến những dấu hiệu lạ thường vào tháng 4 năm 1902.
Sang đầu tháng 5 mưa bụi liên tục, trong không khí có mùi tanh lợm của lưu huỳnh. Hàng trăm con rắn độc từ trong hang núi bò vào các khu phố của những người da đen lai da trắng. Những con rắn độc dài 6 foot cắn chết 50 người và hàng loạt súc vật. Nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu. Ngày 5 tháng 5 từ đất phọt ra một dòng đất bùn rồi phun xuống biển tạo thành sóng thần làm hàng trăm người chết. Ba ngày sau, mồng 8 thàng 5, núi lửa phun thẳng xuống thành phố. Trong vòng 3 phút cả thành phố bị thiêu rụi. Trong số 30.000 dân chỉ 2 người sống sót.

Hoảng loạn ở nhà thờ Shiloh Baptist Church
Ngày 19 thàng 9 năm 1902, 2000 người theo đạo, đa số là người da đen đến nhà thờ Shiloh Baptist Church ở Birmingham, bang Alabama, Mỹ để nghe nhà lãnh đạo hội người Mỹ gốc châu Phi Booker T. Washington phát biểu. Cửa ra vào của nhà thờ này đi qua bục cao để hát Thánh ca bằng một cầu thang gạch. Sau lời phát biểu của Booker T. Washington người ta bắt đầu cãi nhau về chuyện tranh giành chỗ ngồi và từ “fight” (đánh lộn) họ nghe thành từ “fire” (cháy). Như một hiệu lệnh, tất cả con chiên rời chỗ của mình lao về phía cầu thang. Những người đi đầu bị người đi sau thúc làm cho họ rơi xuống rồi những người khác đổ nhào lên làm thành một đống cao đến 10 foot. Đám đông hỗn loạn cứ ào lên, đạp lên đống người nghẹt thở nằm dưới đất. Thực ra không hề có hỏa hoạn, cũng không hề có đánh nhau nhưng 115 người bị đè chết.

Mật đường ngập đường phố Boston
Ngày 15 tháng 1 năm 1919 những người dân ở một quận phía bắc thành phố Boston – đa số là người Ireland và Italia nhập cư đổ ra phố trong một ngày nắng đẹp lạ thường. Bỗng nhiên, người ta nghe một tiếng rầm. Bình xi-téc bằng gang của công ty Purity Distilling bị thủng và một con sóng lớn bằng mật đường bao trùm lên đường phố Commercial Street rồi đổ về phía bến cảng. Cả người đi đường lẫn xe ngựa kéo đều không chạy khỏi. Hai triệu gallon mật đường dùng để sản xuất rượu Rum trùm lên cả khu phố - 21 người chết vì ngạt thở, 150 người khác bị thương. Dòng mật đường làm đổ cầu vượt xe lửa và nhiều ngôi nhà. Những con ngựa bị ngạt thở và dính chân nhảy cuống cuồng làm cho cảnh sát phải dùng súng bắn hạ. Những người dân ở các nơi chạy đến xem khi trở về kéo thứ chất nhờn đi khắp thành phố. Một tuần sau đó thành phố Boston mới hết mùi mật đường, còn cảng Boston bị nhuốm một màu nâu đến tận mùa hè năm đó.

Nổ bể chứa gas ở Pittsburgh
Bể chứa gas – thời đấy là lớn nhất thế giới – đặt ở trung tâm khu công nghiệp của thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ) bị rò rỉ. Buổi sáng ngày 14 tháng 11 năm 1927 một tốp thợ đi tìm chỗ rỉ gas để hàn lại. Họ sử dụng đèn hàn với ngọn lửa mở. Khoảng 10 giờ sáng người ta tìm ra chỗ này – bể gas đựng 5 triệu foot khối khí thiên nhiên bay lên trời như một quả khinh khí cầu lớn rồi nổ tung. Những mảnh kim loại có trọng lượng cả trăm foot bay ra tứ phía. Áp lực không khí và lửa phát quang cả một dặm vuông – 28 người chết và hàng trăm người bị thương.

Biểu diễn của nhân viên cứu hỏa ở Gillingham
Hàng năm những nhân viên cứu hỏa ở Gillingham, Anh dùng gỗ và vải buồm làm những «ngôi nhà» để biểu diễn cứu hỏa trong ngày lễ ở công viên thành phố. Theo lệ, người ta chọn các cậu bé khỏe mạnh ở địa phương để cùng tham gia. Ngày 11 tháng 7 năm 1929 có 9 cậu bé tuổi từ 11 đến 14 cùng 6 nhân viên cứu hỏa ăn mặc quần áo lễ hội, có vẻ như đến dự một đám cưới đi lên tầng 3 của «ngôi nhà» trên. Theo kế hoạch, những nhân viên cứu hỏa phía dưới cho nổ quả mìn khói ở tầng 1, rồi tiến hành giải thoát những người dự đám cưới bằng dây và thang, sau đó đốt cháy ngôi nhà để biểu diễn những vòi phun nước. Tuy nhiên, do nhầm lẫn, thay vì quả mìn khói người ta cho mìn lửa đốt nhà đầu tiên. Hàng nghìn khán giả nghĩ rằng những người bị cháy mà họ nhìn thấy là những con búp bê nên đã reo hò và vỗ tay không ngớt trong khi những nhân viên cứu hỏa dưới đất dùng vòi phun nước dập lửa hiểu rằng một thảm họa khủng khiếp đã xảy ra. Cả 15 người ở trong «ngôi nhà» đều chết cháy.

Máy bay đâm vào tòa tháp Empire State Building
Empire State Building là tòa nhà cao nhất thế giới trong 42 năm (1931 – 1972). Sau vụ khủng bố 11-9 nó lại là tòa nhà cao nhất New York.
Buổi sáng thứ 7 ngày 18 tháng 7 năm 1945 một cựu phi công Mỹ lái một máy bay ném bom hạng nhẹ B-25 bay từ thị trấn Bedford, bang Massachusetts về New York. Trong buồng lái có thêm một lái phụ và một thủy thủ đi nhờ về New York. Sương mù nặng làm cho tầm nhìn bị hạn chế. Một giờ sau, những người dân trên những đường phố trung tâm Mahattan nghe tiếng máy bay rồi kinh hoàng nhìn thấy từ đám mây một chiếc phản lực lao vào tòa nhà Empire State Building. Mảnh vỡ của máy bay và tòa nhà rơi ào ào như mưa đá, còn ở tầng 78 có một lỗ thủng khổng lồ. Một động cơ của máy bay xuyên qua 7 bức tường rồi lăn sang phía bên kia của ngôi nhà. Một động cơ khác như viên đạn bay theo khoang thang máy, cắt đứt dây cáp rồi đè thang máy xuống tầng hầm. Khi bình đựng xăng của máy bay nổ tung, ngọn lửa bao trùm lên 6 tầng, xăng nóng theo những bức tường chảy xuống. Rất may mắn là vào ngày hôm đó chỉ một số ít văn phòng làm việc và chỉ có 11 người bị chết cùng với 3 người trên máy bay.

Thảm họa ở sông Tunguska
Ngày 30 tháng 6 năm 1907 một vụ nổ cực lớn xảy ra ở vùng sông Tunguska, miền Krasnayasky, Nga.
Theo giả thuyết, vụ nổ này là do thiên thạch rơi hoặc là do mảnh vỡ của sao chổi. Theo tính tóan của các nhà khoa học, công suất của vụ nổ này khoảng từ 10 đến 20 megaton, tức là gấp 1000 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima và tương đương với siêu bom Castle Bravo từng được Mỹ thử nghiệm. Vụ nổ này làm đổ 80 triệu cây trên một vùng đất rộng hơn 2150 km vuông. Dấu vết của vụ nổ này, cho đến nay vẫn còn chụp được từ vệ tinh.

Vụ nổ dây chuyền ở Texas

Ngày 15 tháng 4 năm 1947 con tàu chở hàng Grandcamp của Pháp cập cảng Texas. Trên tàu có 1.400 tấn phân khoáng từ kali nitrat. Đến giữa đêm trong khoang tàu bùng lên một đám cháy. Đến sáng, ban quản lí cảng nhìn thấy đám khói đen dày đặc đã vô cùng lo lắng vì nhà máy hóa chất Monsanto chỉ cách đó chưa đầy 700 foot (hơn 200 m). Trong khi người ta đang đứng trên cầu tàu nhìn đám cháy và những con tàu kéo chuẩn bị móc dây để kéo tàu Grandcamp ra biển thì một quả cầu lửa bùng lên bao trùm tất cả. Quả cầu lửa này nổ tung ra bốn phía và chỉ mấy phút sau đó cả nhà máy hóa chất cũng nổ tung làm chết hàng trăm công nhân và cả những người quan sát còn sống sót sau tiếng nổ thứ nhất. Ngọn lửa bao trùm cả dãy cầu tàu, cũng may là bể chứa khi butan không bị nổ. Tối hôm đó lại thêm một chiếc tàu khác chở diêm sinh cũng nổ tung và những tiếng nổ dây chuyền lặp lại. Hơn 500 người chết và 1.000 người bị thương nặng.

Vụ ngộ độc hàng loạt ở Basra
Tháng 9 năm 1971 một con tàu chở hạt giống cập cảng Basra, I-rắc. 90.000 tấn lúa mạch Mỹ và lúa mỳ Mê-hi-cô được ngâm thủy ngân với mục đích bảo vệ hạt giống và được nhuộm màu hồng với mục đích cảnh báo sự nguy hiểm. Trên các bao bì đều có ghi những lời cảnh báo nhưng chỉ bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Trước khi những bao hạt giống đến tay các nông dân ở trang trại thì đã bị ăn cắp ngay từ cầu tàu rồi đem bán cho những người dân đang bị nạn đói hành hạ làm đồ ăn. Chính phủ I-rắc, hoặc là do vô trách nhiệm đến mức tội ác, hoặc là do nhận đút lót, đã im lặng trước việc này. Nhưng hai năm sau đó, một nhà báo Mỹ đã điều tra và chỉ ra rằng có 6.530 trường hợp bị ngộ độc thủy ngân liên quan đến vụ việc nói trên. Nhà đương cục chỉ thừa nhận có 459 người bị chết. Trên thực tế là hơn 6.000 người bị chết và 100.000 người khác bị mù, điếc và bại liệt dây thần kinh não.

Những con voi điên ở rừng Chandak
Đầu năm 1972 khu rừng Chandak, Ấn Độ bị hạn hán kéo dài. Những con voi rừng bình thường không gây ra chuyện gì bỗng phát điên lên vì nóng và thiếu nước. Dân chúng đã báo cho chính quyền sở tại biết rằng họ không dám đi làm rẫy vì sợ voi. Ngày mồng 10 tháng 6, những đàn voi giận dữ tấn công 5 ngôi làng, phá cho tan hoang và 24 người dân bị chết.


NHỮNG NHẬN ĐỊNH NHẦM LẪN TRONG QUÁ KHỨ

Chúng ta biết rằng có những lời tiên tri sau hàng ngàn năm mới chứng minh được. Thiên tài Leonardo da Vinci từng thiết kế bản vẽ của máy bay, tàu thủy trước khi chúng ra đời hàng trăm năm. Có những nhà văn tưởng tượng ra những điều mà không biết đến bao giờ chúng mới trở thành hiện thực. Lại có những nhận định mà chỉ mới sau mấy năm đã tỏ ra sai lầm. Có một lĩnh vực phát triển với tốc độ chóng mặt mà ngay cả những người trong cuộc cũng không ngờ đến – đó là lĩnh vực điện tử và tin học. Những nhầm lẫn đáng kể nhất thuộc về lĩnh vực này.
- Trong tương lai, máy tính sẽ nặng không quá một tấn rưỡi. (Popular Mechanics, 1949).
- Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tìm ra cầu để bán được 5 máy tính. (Thomas Watson – giám đốc hãng IBM, năm 1943).
- Tôi đã đi khắp đất nước này, đã trò chuyện với những người thông minh nhất và xin cam đoan với quí vị rằng xử lí dữ liệu là trò nhố nhăng mà sau một năm sẽ hết mốt. (Biên tập viên nhà xuất bản Prentice Hall, năm 1957).
- Liệu có ích lợi gì trong cái này? (Vấn đề tranh luận về việc chế tạo Microchip ở Advanced Computing Systems Division of IBM, năm 1968).
- Không ai cần máy tính trong nhà mình, chẳng để làm gì. (Ken Olson – người sáng lập và là chủ tịch tập đoàn Digital Equipment Corp., năm 1977).
- 640 kb là quá đủ cho mỗi người. (Bill Gates, năm 1981).
- 100 triệu đô la là giá quá cao cho Microsoft. (IBM, năm 1982).
- Một thiết bị như máy điện thoại có quá nhiều nhược điểm để có thể coi nó là phương tiện liên lạc. (Lời phát biểu trong cuộc họp ở công ty Western Union в 1876).
- Cái thùng biết hát không dây này không thể có một giá trị thương mại nào. Ai sẽ trả tiền cho việc gửi thông tin đến một cá nhân nào đấy? (Các bạn hàng của Hội David Sarnoff trả lời đề nghị đầu tư vào dự án thành lập đài phát thanh, năm 1920).
- Ý tưởng rất hay, trình bày rất tuyệt. Nhưng để ý tưởng trở thành hiện thực, nó cần có lẽ phải. (Tập thể giáo sư Đại học Yale trả lời đề nghị của Fred Smith về tổ chức dịch vụ giao tận nhà. Fred Smith trở thành người sáng lập hãng chuyển phát nhanh Federal Express Corp.)
- Thôi đi các ngài ạ, có ai lại thèm quan tâm đến những lời thoại của các diễn viên? (Phản ứng của H.M. Warner - Warner Brothers về việc lồng tiếng vào phim, năm 1927).
- Chúng tôi không thích âm thanh của họ và, nói chung, ghi-ta là ngày hôm qua. (Decca Recording Co., từ chối ghi âm Album của nhóm Beatles, năm 1962).

- Máy bay, với trọng lượng nặng hơn không khí là điều không thể! (Lord Kelvin – Chủ tịch Hội Hoàng gia – Royal Society, năm 1895).
- Giáo sư Goddard không hiểu quan hệ giữa hành động và phản ứng, ông không biết rằng cần những điều kiện phù hợp hơn chân không cho phản ứng. Có vẻ như giáo sư rất thiếu những kiến thức cơ bản được dạy ở nhà trường. (Bài xã luận của báo New York Times về đề tài chế tạo tên lửa của giáo sư Robert H. Goddard, năm 1921).
- Khoan đất để tìm dầu? Anh nói rằng đi khoan đất để mà tìm dầu? Anh có điên không. (Trả lời dự án của Edwid Drak, năm 1859).
- Máy bay là thứ đồ chơi hay nhưng không có giá trị gì về mặt quân sự. (Marechal Ferdinand Foch, giáo sư của Ecole Superieure de Guerre).
- Tất cả những gì có thể sáng chế thì người ta đã sáng chế rồi. (Charles H. Duell, cơ quan cấp bằng sáng chế của Mỹ, năm 1899).
- Lí thuyết của Louis Pasteur về vi sinh vật là sự tưởng tượng hài hước. (Pierre Pache – giáo sư tâm lí học Đại học Toulouse, năm 1872).
- Bụng, ngực và não mãi mãi đóng cửa đối với sự can thiệp của các nhà phẫu thuật khôn ngoan và nhân đạo. (Sir John Eric Ericksen – bác sĩ phẫu thuật trưởng của hoàng hậu Victoria, năm 1873).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét