Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Quyền đêm tân hôn


QUYỀN ĐÊM TÂN HÔN

Quyền đêm tân hôn (tiếng Latin: Jus primae noctis, tiếng Pháp: Droit de cuissage, tiếng Đức: Recht der ersten Nacht) là một tục lệ được cho là tồn tại ở châu Âu thời Trung cổ. Đấy là quyền của những chúa đất, những lãnh chúa phong kiến được quyền qua đêm đầu tiên với cô dâu mới cưới của người nông dân phụ thuộc để làm mất trinh tiết của cô dâu trong đêm này. Trong một số trường hợp, người nông dân phụ thuộc có quyền chuộc bằng một khoản thanh toán đặc biệt.
Để chứng minh cho sự tồn tại của quyền đêm tân hôn, người ta thường dẫn “Jungferzins” (tài liệu trinh tiết), được bảo quản cho đến ngày cuối cùng của chế độ phong kiến, cũng như nghi thức mà người chủ trong ngày cưới của người phụ thuộc mình phải bước trên giường cưới hoặc đặt chân của mình lên đó. Người ta cũng viện dẫn đến một sắc lệnh năm 1486 của vua Fernando II về quyền đêm đầu tiên. Còn nhà văn Collin de Plancy trong tác phẩm “Dictionnaire féodal” (Từ điển phong kiến) của mình đã chỉ ra rằng các cha của nhà thờ Saint-Victor ở Marseilles được phép ngủ đêm đầu tiên với các cô gái nông nô của họ. Collin de Plancy cũng chứng minh việc bán quyền đêm đầu tiên cho những người chủ khác ở Orléans dao động từ 5 đến 9 sol (tiền của Pháp thời Trung cổ).
Các nhà khoa học Johann Jakob Bachofen, Lewis-Henri Morgan hay nhà sáng lập chủ nghĩa Marx, Friedrich Engels cho rằng quyền đêm đầu tiên là tàn dư của hôn nhân tập thể. Ngay cả trong thời kỳ mà trong xã hội đã hình thành hôn nhân theo từng đôi thì người đàn ông vẫn giữ lại quyền đối với tất cả phụ nữ trong bộ tộc của mình. Với sự phát triển văn hóa, nhóm những người có quyền này đối với phụ nữ trở nên ít hơn, việc thực hiện quyền này lại bị hạn chế về thời gian và cuối cùng chỉ còn lại mỗi quyền đêm tân hôn, lúc đầu dành cho tất cả nhưng sau đó chỉ dành cho người đứng đầu một gia đình, cho các linh mục, quan chức trong quân đội và các quí ông – thời Trung cổ. Theo tài liệu mà Friedrich Engels dẫn ra cho thấy tục lệ của nhiều dân tộc thì bạn bè và những người thân của chàng rể đề xuất quyền đêm tân hôn đối với cô dâu và chàng rể là người đứng cuối cùng. Một số dân tộc ở Ethiopia đến nay vẫn còn giữ tập tục này. Điều này được giải thích là do người ta sợ việc chảy máu khi cô gái bị mất trinh tiết. Họ cho rằng việc này làm thoát ra một số lượng lớn ma thuật (mana), và vì thế, rất có hại cho người bình thường, đặc biệt là đối với một người chưa có kinh nghiệm lẫn bản lĩnh như chàng rể.
 
Nói một cách dễ hiểu hơn thì “quyền đêm tân hôn” là một tập tục của nhiều dân tộc ở các nền văn hóa khác nhau và thực chất của nó là trong đêm tân hôn cô dâu phải ngủ với người chủ của mình hoặc người tộc trưởng của bộ tộc. Một số dân tộc coi việc chảy máu khi cô gái mất trinh tiết mang lại điều dữ và bệnh tật. Bởi thế việc này được giao cho người tộc trưởng hoặc người có bùa phép, nghĩa là những người mạnh mẽ, có khả năng xua đuổi được tà ác. Và cô dâu chỉ được trao cho chàng rể sau khi “đã sẵn sàng cho việc sử dụng”. Cũng từ đó mà có khái niệm “quyền đêm đầu tiên”, mặc dù đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau cả xưa cũng như nay, đêm tân hôn chưa chắc là đầu tiên và ngược lại.
Một số dân tộc đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo an toàn cho chàng rể trẻ tuổi và chưa có kinh nghiệm. Nhiều dân tộc ở miền trung Australia, Trung Mỹ, quần đảo Marquesas và Tân Ghi Nê, trước đám cưới một phụ nữ lớn tuổi dùng dao bằng xương rạch màng trinh của cô gái. Sau đó tất cả đàn ông trong dòng họ của chàng rể lần lượt giao cấu với cô dâu và chỉ sau đó cô mới được giao cho chàng rể.
Theo tập tục của cư dân ở quần đảo Baleares thì người đầu tiên lên giường với cô dâu là người lớn tuổi nhất và đáng kính nhất sau đó mới đến những người khác – phụ thuộc vào độ tuổi và thứ bậc. Chàng rể là người cuối cùng được hưởng vinh dự này.
Còn theo tục lệ của người Arunta ở Papua thì gánh nặng đêm tân hôn được đặt lên vai những người bạn của chàng rể. Khoảng một tuần trước ngày cưới, chàng rể nhờ mấy người bạn trai của mình bắt cóc cô dâu, giật bông hoa đỏ trên đầu và làm cho cô mất trinh tiết.
Ở Bắc Phi, trong buổi tối tân hôn tất cả khách khứa là nam giới lần lượt giao cấu với cô dâu và mỗi người tặng cho cô một món quà được chuẩn bị từ trước.
Một bộ tộc ở Ấn Độ thì lại mời một người đàn ông xa lạ đứng ra làm việc này. Người đàn ông này ở lại trong làng và ngủ qua đêm tân hôn với cô dâu.
Ở Ai Cập cổ đại, vào một ngày xác định trước khi cưới cô dâu đến đền Nữ Thần và trao thân cho người đàn ông nào mà cô gặp đầu tiên.
Theo tập tục của một số bộ lạc cổ xưa ở vùng Scandinavia thì vào giờ nhá nhem sáng tối trước đêm tân hôn một giáo sĩ cuỗm cô dâu đi vào rừng, nhóm một đống lửa rồi làm lễ hiến sinh cho nữ thần Freyja một con nai hoặc heo rừng. Sau khi làm xong thủ tục này, giáo sĩ tiến hành nghi thức giao cấu với cô dâu. Thời trung cổ, việc phá trinh cho các cô gái nông nô không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của các giáo sĩ thời đó.
Sự đòi hỏi trinh tiết của cô dâu, và ở một số nơi còn đòi hỏi đối với cả chàng rể, là xuất phát từ quan niệm cho rằng việc biến một cô gái trở thành phụ nữ và chàng trai trẻ trở thành người đàn ông chỉ có thể diễn ra theo những nghi thức đã được xác định. Một số dân tộc còn tin rằng người phụ nữ bị mất trinh tiết trước đêm tân hôn sẽ trở thành vô sinh, sẽ trở thành góa phụ hoặc chồng mình sẽ trở nên góa bụa, còn gia đình sẽ nghèo túng suốt đời.

Ngày nay tất cả những nghi thức trên đây không còn nữa mà chỉ còn phụ thuộc vào quan niệm của đôi tân hôn. Không ít khi đêm đầu tiên của tình yêu diễn ra rất lâu trước ngày cưới. Lại có những trường hợp mà quan hệ vợ chồng chỉ xảy ra rất lâu sau ngày cưới. Trong những cuộc chiến tranh trước đây có nhiều người lính ngay sau lễ cưới đã phải đi ra chiến trường và đêm tân hôn của họ chỉ diễn ra rất nhiều năm sau khi cưới. Dù đêm tân hôn chỉ còn mang tính ước lệ như vậy nhưng những đôi tân hôn vẫn muốn để cho đêm đầu tiên sau khi cưới trở nên đặc biệt, khác thường và nhớ mãi.


MEMENTO MORI

Memento mori là một câu thành ngữ, tiếng Latin có nghĩa là “Hãy nhớ rằng ngươi sẽ chết”. Câu này đã trở thành những lời có cánh. Câu nói này có từ truyền thống nghệ thuật cổ xưa và được sử dụng trong nhiều thể loại khác nhau, nhưng nói chung là có một ý nghĩa nhắc nhở mọi người không được quên rằng tất cả đều phải chết, không ai có thể sống mãi.
Câu danh ngôn này có xuất xứ từ: Respice post te! Hominem te memento! (Hãy nhìn lại phía sau! Hãy nhớ rằng bạn là con người!) của nhà văn La Mã cổ đại, Tertullian trong tác phẩm Apologeticus.
Thời La Mã cổ đại, câu này được nói trong các buổi lễ long trọng đón những người chiến thắng trở về. Ngồi sau lưng vị tướng thắng trận trở về là một nô lệ có nhiệm vụ thường xuyên nhắc cho người chiến thắng biết rằng dù vinh quang có lên đến tận mây xanh thì cũng đừng quên rằng anh là con người và anh sẽ phải chết. Người La Mã cổ đại cũng rất thích treo dòng chữ “Memento mori” trong các buổi yến tiệc linh đình. Tại thời điểm lễ hội vui vẻ, họ nói với nhau: Memento mori”.
Còn người Ai Cập thích đặt một xác ướp trong những bữa tiệc lớn như một lời nhắc nhở về cái chết: “Memento mori”.
Trong số những lời răn của Samurai Nhật có câu: “Mỗi buổi sáng hãy suy nghĩ về cách cần phải chết ra sao. Mỗi buổi tối hãy làm mới tâm trí của bạn bằng ý nghĩ về cái chết. Hãy nuôi dưỡng trí tuệ của mình. Khi tâm trí của bạn luôn xoay quanh cái chết, đường đời của bạn sẽ là con đường thẳng và đơn giản. Ý chí của bạn sẽ thực hiện nhiệm vụ, lá chắn của bạn sẽ không ai có thể vượt qua”. Con cái của Samurai được “làm quen” với cái chết từ rất sớm. Những người thầy kinh nghiệm hướng dẫn họ thực hành các nghi thức tự mổ bụng tuẫn tiết (seppuku) khi bị thất thủ hoặc khi chủ bị chết để tránh bị rơi vào tay quân thù và bị làm nhục.
Người Hồi giáo thì cũng như truyền thống (ngoại giáo Kitô giáo) châu Âu, theo nguyên tắc “memento mori”, nghĩa là “hãy nhớ đến cái chết” và coi đây như là một sự kích thích để giải thoát tâm linh. Hồi giáo dạy rằng con người không nên sợ chết. Đối với những người tin tưởng và làm những công việc chính đạo, không nên sợ cái chết. Theo tiền định của Thánh Ala, thế giới này liên tục thay đổi, sự sống đời đời sẽ thay thế cho cuộc đời ngắn ngủi, kiếp phù vân sau khi chết.
Thiên Chúa giáo hiểu ý nghĩa của cuộc đời, cái chết và sự bất tử xuất phát từ Kinh Thánh Cựu Ước: “Ngày chết tốt hơn ngày sinh. Đến nhà tang tốt hơn đến nhà hàng” (Sách Truyền đạo: 7-1,2) hay lời giáo huấn của Chúa Giê-su trong Tân Ước: “Ta cầm trong tay chìa khóa của Tử thần và Âm phủ” (Sách Khải Huyền: 1-18). Vì rằng cuộc đời ngắn ngủi nơi trần thế chỉ là một bước chuẩn bị cho cuộc sống muôn thuở sau này, bởi thế một con chiên ngoan đạo phải luôn luôn chuẩn bị: “Vậy các ngươi phải sẵn sàng, vì Con Người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ” (Ma-thi-ơ: 24:44). Và đây là những lời cầu nguyện nói lên đầy đủ tinh thần này: “Hãy để cho cái chết của những người thân yêu nhắc nhở chúng ta về cái chết của mình, hãy để cho nghĩa trang mà ta ghé thăm khơi dậy trong ta ý nghĩ rằng sẽ đến một ngày ta sẽ về nằm yên dưới đất, hãy để cho bệnh tật trở thành người báo tin, người gọi ta về thế giới bên kia. Chúng ta cầu Chúa rằng Ngài sẽ cứu chúng ta khỏi hóa đá, khỏi bất tỉnh ở trong tim, đánh thức trong chúng ta ký ức sống động về tử thần, giải thoát ta khỏi sự phù phiếm trần gian biến ta làm người thừa kế hạnh phúc vĩnh hằng trong ngôi nhà của Cha Thiên Thượng. Amen”.

Có một câu thành ngữ Latin nổi tiếng khác: “mors certa, hora incerta” (Cái rõ ràng nhất trong cuộc sống – là Cái chết, cái không rõ ràng nhất – là giờ chết). Quả thật, con người ta không ai biết trước được giờ chết của mình mà chỉ nghĩ rằng điều này ở trong một tương lai xa lắm. Và thường là chúng ta quên mất rằng mình sẽ phải chết, có vẻ như là bất tử. Thế nhưng còn gì tệ hại hơn là bất tử. Nhiều dân tộc có những giai thoại về sự trừng phạt nặng nề nhất là được ban cho cho sự bất tử. Chuyện kể rằng khi Giê-su mệt rã rời vì vác cây thập ác đi về Golgotha, Ngài muốn nghỉ một chút thì một kẻ trong đám đông kêu lên: “Đi đi, đi tiếp đi”, vì điều này mà người này bị trừng phạt bằng sự bất tử.
Cần nhớ về cái chết mọi lúc mọi khi. Câu thành ngữ “memento mori” cần có một vị trí trong đời sống của mỗi con người. Nhà văn, nhà triết học Michel de Montaigne từng khuyên người đời như vậy: “Cần vứt bỏ cái vẻ bí ẩn của cái chết và hãy nhìn kỹ để quen với nó, suy nghĩ về nó nhiều hơn bất cứ thứ gì khác... Người Ai Cập đã từng làm như vậy với tục đặt xác ướp của người đã chết trong phòng yến tiệc giữa những món sơn bào hải vị để nhắc nhở con người về cái chết... Ai đã học chết là đã quên được việc phải làm nô lệ. Việc sẵn sàng cho cái chết giúp chúng ta thoát khỏi mọi sự lệ thuộc và ép buộc”. Thật vậy, một con người được chuẩn bị điều này sẽ cảm thấy cái chết là một sự kết thúc tự nhiên của đường đời chứ không phải là một sự sụp đổ hoàn toàn tuyệt vọng. Việc tỉnh táo tiếp nhận cái chết biến ta thành người hơn và giúp chúng ta đi hết con đường có tên là cuộc sống.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét