MÙA HÈ RỚT
Đây là một cách dịch của nhà thơ Bằng Việt tên một bài
thơ của nữ thi sĩ Olga Berggolts. Babye
leto của tiếng Nga nghĩa là hè muộn, là trời ấm đầu thu, còn theo sát nghĩa
thì có thể dịch là mùa hè phụ nữ (leto là mùa hè, babye là thuộc về đàn bà con
gái). Mùa hè phụ nữ là cách gọi ở nhiều nước Xlavơ. Ở các nước tiếng Đức gọi là
“Altweibersommer”. Ở Bulgari và Serbia gọi là “mùa hè Digan”, ở Hà Lan gọi là
hè muộn (Nazomer), ở Bắc Mỹ gọi là “mùa hè Indian”, ở Italia gọi là “mùa hè
Thánh Martin”, ở Pháp gọi là “mùa hè Thánh Deny” nhưng trong nhiều thập kỷ trở
lại đây do sự nổi tiếng của một bài hát của Joe Dassin nên người ta thường gọi như người Bắc Mỹ
- Éte indien.
Theo từ điển thì “Babye leto là khi mà những bà già còn có thể sưởi ánh
nắng mặt trời”. Cụm từ này còn thể hiện một giai đoạn thời vụ của những người
nông dân, khi mùa màng đã thu hoạch xong, phụ nữ bắt đầu làm việc nhà: ngâm
lanh rồi dệt vải, muối cà chua, dưa chuột để dùng trong mùa đông băng giá. Đây
cũng là giai đoạn mà người ta hoà giải với nhau những bất hoà. Theo một giả
thiết khác thì những cụm từ: “mùa hè phụ nữ”, “ngày phụ nữ”, “rét phụ nữ” có từ
xa xưa và dựa trên một tín ngưỡng: phụ nữ có khả năng làm cho tiết trời quay
trở lại cũng như họ có thể ảnh hưởng đến thời tiết. Điều này cũng giống như
“rét nàng bân” của Việt Nam. Người phụ nữ đan xong áo cho chồng thì mùa đông đã
hết, nàng tha thiết nhờ trời cho rét lại và ông trời đã đáp ứng yêu cầu của phụ
nữ.
Có một câu ngạn ngữ của người châu Âu: “phụ nữ có thể
sưởi ấm cả khi mà tất cả đã đều lạnh giá”.
ĐÔI MẮT
Đôi mắt là vũ khí lợi hại nhất
của phụ nữ. Vẻ quyến rũ và sức cuốn hút của đôi mắt phụ nữ làm cho đàn ông bị
chinh phục và sẵn sàng làm tất cả để giành được ánh mắt đáp lại của người yêu.
Nhưng đàn ông, như chúng ta biết, rất hiếm khi nhìn vào đôi mắt phụ nữ - chi
tiết này được ít quan tâm đến nhất. Thật là uổng phí! Vì rằng nhìn vào đôi mắt
người ta có thể biết được không chỉ tính cách mà còn tư chất của phụ nữ. Các
nhà sinh lý học Nhật Bản cho rằng trong đôi mắt của con người không chỉ có tính
cách mà còn quá khứ, hiện tại và tương lai. Bởi thế, nếu bạn có ý định chon
người bạn đời thì trước khi đi đến quyết định cuối cùng – hãy nhìn thật kỹ đôi
mắt của đối tượng.
Người Nhật có một sự quan sát
từ xa xưa cho rằng nếu sự hân hoan trong đôi mắt của phụ nữ mà chưa chạm đến bờ
mi dưới thì những người phụ nữ như vậy có tính gây hấn, hay cáu giận và rất dẻo
dai. Đôi mắt dài với bờ mi rộng, có vẻ như kéo về phía thái dương là dấu hiệu
của sự giàu có trong tương lai. Người có đôi mắt như vậy sẽ khỏe mạnh và hạnh
phúc trong tuổi già.
Đôi mắt nhỏ có lông mi thưa là
của những người tằn tiện, bủn xỉn và láu lỉnh. Những phụ nữ này rất độc đáo và
không hề dại dột nhưng họ có phần quá tinh ranh. Người Nhật cũng cho rằng khi
tiếp xúc với những phụ nữ như vậy cần thận trọng.
Những cô gái có đôi mắt to
tròn, biết nói và sáng sủa là những người hạnh phúc. Cuộc đời họ có nhiều sự
kiện và lắm sự lạ kỳ. Họ nhìn thấy trong tương lai chỉ những điều tốt đẹp.
Những người này có một cuộc sống nhẹ nhàng.
Mắt xanh: Những đôi mắt có vẻ
yếu đuối và dễ bảo. Bạn chớ ảo tưởng! Những cô gái mắt xanh tuân thủ nguyên tắc
“mắt xanh thì không từ chối” nên bạn sẽ không quên được sau những nụ hôn nhưng
bạn đạt được gì thì còn phụ thuộc vào tâm trạng của người ta nữa.
Mắt nâu: Đốt lên ngọn lửa khát
khao trong nàng không khó nhưng để duy trì được nó thì phức tạp hơn nhiều.
Người mắt nâu rất nhạy cảm nhưng lười nhác. Tuy nhiên, người ta không đòi hỏi
nhiều ở bạn.
Mắt đen: Những cô gái mắt đen
dễ cáu nhưng tính cách tuyệt vời. Nếu như bạn cảm thấy không thật phong độ thì
cũng không cần trì hoãn gặp gỡ. Thứ nhất, những người mắt đen rất biết cách tằn
tiện. Thứ hai, với tất cả vẻ dịu dàng và trí tưởng tượng phong phú của mình,
người ta sẽ làm cho bạn cảm thấy mình là người đàn ông thật sự.
Ánh mắt, cử chỉ biết nói nhiều
hơn những lời lẽ thông thường. Đôi mắt của phụ nữ là một cuốn sách mở. Chỉ cần
biết cách đọc cho đúng. Nhìn vào đôi mắt không đáy có thể xác định được cảm
giác của phụ nữ khi nói chuyện. Nếu một cô gái đưa mắt nhìn sang phía khác
trong khi vẫn cố gắng để dõi theo ánh mắt của người đàn ông thì không có nghĩa
là cô không quan tâm đến người mà mình đang nói chuyện. Nếu một cô gái trong
lúc trò chuyện mà nhìn xuống chân mình hoặc nhìn bốn phía xung quanh, để ý những
đồ vật trong phòng thì có nghĩa là sự quan tâm của cô đến người đàn ông không
hơn gì cái tủ gương bên cạnh. Nếu phụ nữ trong lúc trò chuyện với đàn ông mà
ngẩng đôi mắt bí ẩn nhìn trời và thường xuyên nhìn những thứ ở bên trên hơn là
nhìn trực tiếp vào người đang nói chuyện thì bạn không nên hy vọng – nàng không
hề có cảm tình.
Trong ánh mắt của phụ nữ người
ta thường xuyên cảm nhận được một sức mạnh phi thường mà không thể nào mô tả
được, vì rằng điều này chỉ cảm nhận được ở mức đọ tâm linh, nhiều hơn những lời
tán dương về sự quan tâm của phụ nữ đối với đàn ông.
CÓ BAO NHIÊU LOẠI TÌNH YÊU
“Tình yêu là câu trả lời thỏa mãn duy nhất cho câu hỏi
về sự tồn tại của con người” – Erich Formm viết như thế. Nhưng tình yêu là gì?
Chưa từng có ai trả lời câu hỏi này một cách chính xác và đầy đủ, bởi vì tình
yêu quá đa dạng về hình thái và thể loại, bởi vì tình yêu có trong tất cả mọi
biểu hiện của đời sống con người. Người ta có thể nói về tình yêu thể xác, tình
yêu chính bản thân mình, tình yêu với những người xung quanh, tình yêu đất nước
quê hương, tình yêu cuộc sống, yêu cái thiện, yêu tự do, yêu quyền lực… Có tình
yêu hiệp sĩ, tình yêu lãng mạn, tình yêu cao thượng, tình yêu thực dụng, tình
yêu cha mẹ con cái… Có tình yêu đam mê và tình yêu thương hại, có tình yêu nhu
cầu và tình yêu quà tặng, tình yêu với người xa và với người gần, tình yêu của
phụ nữ và tình yêu của đàn ông….
Từ thời cổ đại cho đến nay có rất nhiều những nhà tư
tưởng, nhà triết học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ đã cố gắng phân chia các
hình thái biểu hiện của tình yêu. Mặc dù tất cả những cố gắng này đều chưa thể
đầy đủ, chưa thể bao quát hết sự đa dạng của thứ tình cảm này.
Dưới đây xin nêu một số ví dụ tiêu biếu từ xưa đến
nay.
Người Hy Lạp cổ đại chia tình yêu làm hai loại chính:
- Tình yêu đam mê (Eros),
luôn đi với sự điên rồ.
- Tình yêu tĩnh lặng (Philia)
Tình yêu đam mê, cũng như mọi đam mê khác: đột ngột,
mạnh liệt, bồng bột, sôi nổi và không kéo dài. Thường đấy là tình yêu thể xác.
Philia có phần bền vững và đa dạng hơn nhiều: đấy là tình yêu con người, tình
yêu đất nước quê hương. Đấy cũng là tình yêu công danh, yêu quyền lực, yêu tự
do, yêu cái thiện, yêu sự giàu có. Đối tượng của tình yêu này, thậm chí, có thể
là thói xấu, sự gian dối, tính vụ lợi, lòng tham.
Ngoài ra người Hy Lạp còn có khái niệm: Storge (tình yêu cha mẹ con cái, những
người trong gia đình, họ hàng…) và Agape
(tình yêu hy sinh, tình yêu quên mình…).
Thời Trung cổ, khái niệm tình yêu có phần thu hẹp hơn
về phạm vi. Đấy là tình yêu đối với con người, với Chúa Trời và đôi khi là tình
yêu với người khác giới. Điều này gắn liền với việc phổ biến Thiên Chúa giáo từ
thế kỷ I ở La Mã.
Nhà triết học, nhà nhân chủng học M. Ficino chia tình
yêu ra làm ba loại:
- Tình yêu của chủ thể cao hơn với đối tượng thấp hơn
(sự đỡ đầu là một trong những biểu hiện của loại tình yêu này).
- Tình yêu của chủ thể thấp hơn với đối tượng cao hơn
(thí dụ như sự kính trọng, ngưỡng mộ).
- Tình yêu ngang bằng. Đấy cũng là cơ sở của chủ nghĩa
nhân văn.
Đến Thời đại mới, trong việc phân loại này có thêm
những ý tưởng mới. T. Kemper cho rằng có hai yếu tố độc lập trong lý thuyết của
ông: quyền lực (khả năng bằng sức mạnh buộc đối tượng làm cái điều mà bạn
muốn), và qui chế (khả năng khơi dậy sự mong muốn của người khác để đáp ứng sự
đòi hỏi của bạn). Và ông chia tình yêu ra làm bảy loại, gồm:
- Tình yêu lãng mạn – trong tình yêu này cả hai người
đều có quyền lực và qui chế như nhau.
- Tình yêu cha mẹ con cái – trong tình yêu này cha mẹ
có quyền lực cao và qui chế thấp, còn con cái thì ngược lại.
- Tình bằng hữu – trong tình yêu này hai người có ít
quyền hành đối với nhau nhưng họ tự nguyện và vui vẻ hướng về nhau.
- Tình yêu thuyết phục lôi cuốn (Charismatic love) –
thí dụ như cặp đôi thầy trò. Ở đây thầy có quyền hành và qui chế ở mức độ cao
đối với trò, còn trò thì không hề có quyền lực nhưng vẫn sẵn lòng hướng tới
thầy.
- Tình yêu đơn phương – trong tình yêu này một người
có quyền lực và qui chế, một người không.
- Sự ngưỡng mộ – đối với một nhân vật văn học chẳng
hạn. Nhân vật này không có quyền lực nhưng có qui chế, con người hâm mộ không
có cả quyền lực lẫn qui chế.
- Sự phản bội – khi một người có quyền lực và qui chế,
còn người kia – chỉ có quyền lực. Thường là trong hôn nhân.
Nhà văn Stendhal cho rằng mọi tình yêu trên đời này
sinh ra, tồn tại rồi chết hoặc trở thành bất tử đều theo qui luật chung cả. Và
ông chia tình yêu làm bốn loại:
1. Tình yêu đam mê
2. Tình yêu cảm tình
Tình yêu đam mê buộc chúng ta phải biết hy sinh quyền
lợi của mình, còn tình yêu cảm tình thì luôn cần sự thích ứng, tình yêu này có
sự tính toán.
3. Tình yêu thể xác
Dù bạn là người khô khan hay kẻ bất hạnh nhưng từ 16
tuổi trở lên là bạn đã biết yêu.
4. Tình yêu danh vọng
Thói hư danh dẫn đến đam mê cháy bỏng.
Nhà văn L. Tolstoy chia tình yêu làm ba
loại: tình yêu đẹp, tình yêu quên mình và tình yêu hành động. “Những người
thích tình yêu đẹp – nhà văn viết – rất ít quan tâm đến sự đền đáp cũng như
hoàn cảnh vì không có chút ảnh hưởng nào đến sắc đẹp hay sự thích thú của tình
cảm. Những người này thường thay đổi đối tượng của tình yêu. Loại tình yêu thứ
hai – là tình yêu quên mình, đó là sự hy sinh vì người mình yêu mà không cần
biết người yêu tốt lên hay xấu đi vì sự hy sinh ấy. Loại tình yêu thứ ba là
tình yêu hành động. Đó là sự khát khao thỏa mãn tất cả những mong muốn, những
nhu cầu, những thói đỏng đảnh, thậm chí cả những tật xấu của người mình yêu”.
Nhà triết học, nhà văn A. Ivin chia tình yêu thành
chín bậc như sau:
- Bậc thứ nhất – đấy là tình yêu với người khác giới
và tình yêu đối với bản thân mình. Hai loại tình yêu này bao quát hầu như mọi
hình thái khác của tình yêu mà không phụ thuộc vào đối tượng của nó. Thông
thường khi người ta nói “tình yêu” nói chung thì cũng có nghĩa là tình yêu giữa
đàn ông và phụ nữ.
- Bậc thứ hai – đấy là tình yêu đối với con cái, cha
mẹ, anh chị em và cả những người có liên quan đến cuộc sống của mình… Cần nói
thêm ở đây rằng tình yêu của mẹ và của cha đối với con cái là không giống nhau.
Nếu tình yêu của người mẹ đối với con là vô điều kiện, tình yêu này ở trong bản
chất tự nhiên của người mẹ thì tình yêu của cha phụ thuộc vào vẻ ngoài, tính
cách và cư xử. Khác với tình yêu của mẹ, tình yêu của cha dành cho con cái chỉ
xứng đáng khi con cái thực hiện mọi yêu cầu và tương xứng với sự mong đợi của
cha.
- Bậc thứ ba – đấy là tình yêu đối với con người. Tình
yêu này bao gồm cả tình yêu đối với bản thân mình và tình yêu với người khác
nói chung. Còn nói riêng là tình yêu đối với thế hệ tương lai, gắn liền với
trách nhiệm: mỗi thế hệ đều mong để lại cho thế hệ sau tất cả những gì mình đã
nhận được từ thế hệ trước cả về số lượng cũng như chất lượng.
- Bậc thứ tư – đấy là tình yêu Tổ quốc, yêu Chúa Trời,
Phật… và tình yêu cuộc sống.
- Bậc thứ năm – đấy là tình yêu đối với thiên nhiên,
với vũ trụ, về sự thống nhất của con người và thế giới trong sự tác động lẫn
nhau.
- Bậc thứ sáu – là tình yêu chân lý, yêu cái thiện,
yêu cái đẹp, yêu sự công bằng, chính nghĩa. Socrates từng nói rằng sự công bằng
là cao hơn tất cả - hơn cả cuộc sống, hơn cả con cái. Nhưng Aristotle cho rằng
tất cả mọi người đều đánh giá cao sự công bằng những mỗi người cảm nhận theo
cách của mình.
- Bậc thứ bảy – đấy là tình yêu sáng tạo, yêu công
danh, yêu công việc của mình, yêu tự do, yêu giàu có.
- Bậc thứ tám – đấy là tình yêu (chính xác hơn là
thích), thích trò chơi (chơi lô, chơi đề, chơi xổ số, chơi game), thích trò
chuyện, thích sưu tập, thích du lịch vv…
- Bậc thứ chín – đấy là bậc cuối cùng, đã sát đất nên
hầu như không còn là bậc của tình yêu nữa. Đấy là sở thích ăn uống và sở thích
nói tục. Mặc dù chỉ là sở thích, là đam mê mà không thể đặt gần kề với tình yêu
con người hay tình yêu Thượng Đế nhưng trong một mức độ nào đó vẫn có sự liên
hệ với tình yêu.
Theo sơ đồ này chúng ta dễ dàng nhận thấy là càng đi
xa khỏi tâm điểm thì tình càng ít và vai trò của xã hội càng tăng lên. Thí dụ
tình yêu với người khác giới và tình yêu cha mẹ con cái theo suốt cuộc đời
người, tình yêu sáng tạo hay công danh thì cũng chỉ trong một phần của cuộc đời
người, còn sở thích trò chơi, thích sưu tập hay du lịch – đấy chỉ là một mảng
của đời sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét