Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Về các nhà triết học



VỀ CÁC NHÀ TRIẾT HỌC

1. “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả” – câu châm ngôn nổi tiếng này là của của Socrates. Ngoài câu này thì Platon còn ghi lại được một câu nói khác của Socrates: “Tôi luôn luôn nói rằng tôi không biết gì, ngoại trừ một khoa học nho nhỏ – erotica (khoa học về tình yêu). Tôi là người rất mạnh mẽ trong môn khoa học này.
2. Platon từng không chỉ là một nhà triết học mà còn là một nhà vô địch Olympic. Hai lần ông đã thắng trong các cuộc thi Pankration – môn thể thao kết hợp cả boxing và vật không có quy tắc.
3. Nhà triết học Ý, Cardano tưởng tượng rằng các thành viên chính phủ đang theo dõi ông, còn thịt mà người bán cho ông đã được tẩm lưu huỳnh.
4. Người ta kể về Montesquieu rằng phía dưới bàn làm việc của ông bạn có thể nhìn thấy chỗ đất lõm xuống do chân ông liên tục co giật.
5. Rousseau đứng dưới ánh mặt trời với đầu trần để  buộc bộ não của mình làm việc chăm chỉ hơn. Friedrich Schiller khi viết luôn luôn giữ đôi chân của mình trong nước lạnh.
6. Denis Diderot quên ngày, tháng, năm và tên của những người thân.
7. Arthur Schopenhauer nổi giận và từ chối trả các hóa đơn tại khách sạn, nếu tên họ của ông được viết có hai chữ p.
8. Các môn đệ của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Platon một lần yêu cầu ông đưa ra một định nghĩa về con người và ông trả lời: “Con người là một động vật hai chân, không có lông vũ” Tuy nhiên, sau khi Diogenes đưa đến Học viện một con gà trống bị vặt hết lông và coi đấy là con người, theo như định nghĩa của Platon thì ông buộc phải thêm vào định nghĩa của mình: “Và có móng dẹt”.
9. Hoàng hậu nước Pháp, Marie Antoinette được coi là người đã nói câu nổi tiếng: “Nếu họ không có bánh mì thì họ cứ việc ăn bánh ngọt!” Bà đã nói câu này sau khi nghe tin rằng nông dân đang rất đói. Nhưng câu này được Jean-Jacques Rousseau viết ra trước ngày Marie-Antoinette sinh ra trên đời. Xem ra, câu này do một hoàng hậu hay công chúa nào đó nói ra nhưng người đó là ai thì không có câu trả lời chính xác.
10. Sau cái chết của Platon vào năm 347 trước Công nguyên, Aristotle đã trở thành người thầy của con trai vua Macedonia, người sau này là Alexander Đại đế.
11. Một chàng trai trẻ hỏi Socrates:
- Thưa nhà thông thái, con nên lấy vợ hay là không lấy vợ.
- Con cứ việc làm theo ý mình – đằng nào thì rồi cũng sẽ hối hận cả.
12. Socrates đã từng rất coi thường sự sang trọng, ông cho rằng giá trị là chỉ những gì cần thiết cho cuộc sống.
13. Theo những tư liệu đáng tin cậy nhất thì năm 399 trước Công nguyên Socrates 70 tuổi, ông bị kết án và bị tử hình.
14. Bộ sưu tập đầu tiên được mô tả bằng ngôn ngữ khoa học là của Aristotle. Aristotle là một nhà sưu tập đam mê, ông đã liệt kê và mô tả một số lượng lớn các loại thực vật từ nhiều quốc gia. Nhà cung cấp chính cho bộ sưu tập của ông là Alexander vua Macedonia.


HƯ KHÔNG

Hư không (tiếng Latin: Vanitas – nghĩa tiếng Việt là: hư không, hư vô, phù du, phù vân, sắc sắc không không) – là một thể loại hội họa Baroque mà phần trung tâm thường là hộp sọ dừa con người. Những bức tranh thực hiện theo phong cách vanitas có ý nghĩa là lời nhắc nhở về tính tạm thời của cuộc sống, sự phù phiếm của niềm vui hạnh phúc, của tình yêu và cái chết là không tránh khỏi. Thể loại này rất thịnh hành ở Flanders, Hà Lan trong các thế kỷ XVI và XVII, ít phổ biến hơn ở Pháp và Tây Ban Nha.

Một số biểu tượng:
* Sọ dừa – lời nhắc nhở rằng cái chết là không tránh khỏi, ai cũng phải chết. Hộp sọ nhắc về con người đã từng sống trước đây và là sự biểu tượng của cuộc sống phù du.
* Trái cây thối rữa – tượng trưng cho sự lão hóa. Trái cây chín tượng trưng cho khả năng sinh sản, sự phong phú, hiểu theo nghĩa bóng là sự giàu có và thịnh vượng. Một số loại cây có những ý nghĩa riêng: thí dụ tượng trưng cho sự lỗi lầm là lê, cà chua, cam, quýt, nho, đào… và tất nhiên là quả táo.
* Hoa (héo tàn) – hoa hồng là của Vệ nữ, biểu tượng của tình yêu và tình dục, là những thứ phù phiếm, thuộc tính của con người; hoa anh túc để làm ra thuốc phiện, biểu tượng của sự lười biếng; hoa tuy líp, biểu tượng của sự dại dột, vô trách nhiệm.

* Vỏ sò, ốc – là những thứ biểu tượng cho cái chết và sự phù vân.
* Gương – biểu tượng của sự hiếu danh và là sự thể hiện của ảo ảnh chứ không phải thực.
* Bát đĩa, gương kính (vỡ) – kính tượng trương cho sự mong manh dễ vỡ, gốm trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, cối và chày là những biểu tượng của tình dục nam và nữ, chai biểu tượng của sự say rượu.
* Dụng cụ y tế – biểu tượng của bệnh tật và là lời nhắc nhở về sự yếu đuối của con người.
* Tẩu thuốc lá – biểu tượng của sự khoái lạc qua mau.
* Bong bóng xà phòng – biểu tượng cuộc đời ngắn ngủi và tính đột ngột của cái chết, từ đó mà có thành ngữ homo bulla (con người là bong bóng).
* Quân bài, quân cờ – biểu tượng của sự nhầm lẫn mục đích của cuộc đời, sự tìm kiếm lạc thú và lầm lỗi.
* Ngọn nến đang cháy – biểu tượng của linh hồn người, thổi tắt nến tượng trưng cho sự ra đi.
* Đồng hồ - biểu tượng cho sự trôi nhanh của thời gian.
* Sách và bản đồ - biểu tượng của khoa học.
* Chân dung phụ nữ đẹp – biểu tượng của các mối quan hệ giữa con người.
* Ví tiền và đồ trang sức – biểu tượng của sắc đẹp và vẻ quyến rũ của phụ nữ đồng thời chúng gắn liền với thói háo danh và lầm lỗi.
* Vũ khí và đồ binh giáp – biểu tượng của sức mạnh và quyền lực, là những thứ mà con người không thể mang theo xuống mồ.
 ……………………………..
Vân vân và vân vân...

Xuất xứ:
Thuật ngữ này có nguồn gốc từ Kinh Thánh, Cựu Ước (Sách Truyền đạo của Solomon): Vanitas vanitatum et omnia vanitas (Hư không của sự hư không – thảy đều hư không!)

Lời người truyền đạo, con trai Đa-vít
Lời của vua tại Giê-ru-sa-lem.

Hư không của sự hư không
Người truyền đạo nói:
Hư không của sự hư không!
Thảy đều hư không.
………………………..
……………………….

Ta từng nói với tất cả tấm lòng
Rằng ta đã có được sự khôn ngoan
Hơn tất cả những người từng sống trước
Người trước ta ở Giê-ru-sa-lem
Ta thấy nhiều khôn ngoan và kiến thức.

Ta cũng chuyên lòng học sự khôn ngoan
Nhận biết ngu dại và sự điên cuồng
Biết đó cũng là theo luồng gió thổi.

Vì nhiều khôn ngoan có lắm đau buồn
Nhân lên tri thức, nhân sự đau thương.
………………………
……………………….

Trẻ nhỏ hãy vui trong buổi thiếu niên
Lòng hớn hở khi hãy còn thơ ấu
Hãy đi theo con đường của lòng mình
Và hãy xem những gì mắt yêu dấu.


Nhưng hãy biết rằng vì tất cả ấy
Đức Chúa Trời rồi sẽ đoán xét con.

Hãy xua nỗi buồn ra khỏi con tim
Và cái ác khỏi xác thân hãy đuổi
Vì thời thơ ấu và thời trẻ tuổi
Tất cả chỉ là một sự hư không.

Buổi ấu thơ hãy nhớ Tạo Hóa mình
Trước khi những ngày gian nan chưa đến
Những ngày mà rồi ngươi sẽ nói rằng:
“Chẳng có gì ta lấy làm thoả mãn”.

Một ngày hãy còn chưa tắt ánh sáng
Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao
Đám mây mới sau cơn mưa chưa đến.

Trong ngày ấy kẻ giữ nhà run rẩy
Những người mạnh mẽ cũng sẽ cong khom
Người xay cối, vì ít, nên ngừng lại
Kẻ ngó qua cửa sổ mỏi mắt nhòm.

Và hai cánh cửa bên đường đóng lại
Tiếng cối xay rồi cũng sẽ lặng im
Tiếng gà gáy làm người ta thức dậy
Và tiếng con gái hát bỗng im lìm.

Lúc ấy người ta sợ hãi lên cao
Đi trên đường sẽ vô cùng khiếp sợ
Và sẽ trổ bông những khóm hạnh đào
Cào cào nặng, ước ao không còn nữa.

Vì bấy giờ ngươi đi về nơi ở
Trong ngôi nhà ngươi muôn thuở, muôn đời
Những kẻ đưa tang đi vòng quanh, trên phố.

Nhớ Tạo Hoá trước khi dây bạc đứt
Chén vàng tan, bình bên suối vỡ ra
Trước khi gục vào trên giếng bánh xe.

Và tro bụi trở về đất như cũ
Còn linh hồn về với Đức Chúa Trời
Là Đấng trước đây ban nó cho người.

Kẻ truyền đạo nói:
Hư không của sự hư không!
Thảy đều hư không!
………………………. 
………………………..
Trích từ Kinh Thánh diễn thơ


CUỘC ĐỜI LÀ HƯ VÔ

Người La Mã cổ đại, về nguyên tắc, là những người cũng giống như chúng ta ngày nay. Họ đã lao động chăm chỉ, đã chiến đấu, đã yêu nhau, đã kinh doanh, buôn bán, đã thư giãn, đã thưởng thức và tận hưởng cuộc sống của mình... Nhưng ngay cả họ, những người đã xây dựng nên một đế chế hùng mạnh khác thường, hiểu rằng cuộc sống của chúng ta chỉ là “hư không của sự hư không, thảy đều hư không” (Vanitas vanitatum et omnia vanitas), đây là một câu trong Kinh Thánh bằng tiếng Latin. Kể từ thời của các Hoàng đế La Mã, bao nhiêu thời gian đã trôi đi nhưng sự phù phiếm, trống rỗng, sự hư không của đời sống chúng ta thì vẫn nguyên vẹn như ngày nào. 
Thử nhìn ra xung quanh, thử dừng bước chạy trên đường đời một giây phút và thử xem – tất cả đều hấp tấp vội vã đi về đâu đó. Chẳng cần phải hỏi – ai cũng có cả đống việc phải lo, cả đống vấn đề phải giải quyết trong một tương lai gần. Mọi người chạy đi chạy về như những con kiến, như côn trùng, đầu óc rối tung vì công việc. Người ta ăn, ngủ, uống rượu bia, nhậu nhẹt, hút thuốc, nói chuyện, chửi rủa, hôn nhau. Người ta thảo luận về mốt thời trang mới nhất, chạy theo mốt thời trang này như thể trong đó là tất cả ý nghĩa của cuộc sống. Người ta khao khát sống, khao khát được “như mọi người”, khao khát để “bằng chị bằng em”, và hơn thế nữa “thông minh hơn, sành điệu hơn, xinh đẹp hơn, nhanh nhẹn hơn, đẳng cấp hơn”. Trên truyền hình cũng như ở khắp nơi mọi kiểu quảng cáo làm quay cuồng đầu óc của ta trong sự lựa chọn và ta mù quáng làm theo những gì mà người ta thuyết phục. Ý kiến ​​cá nhân thường xuyên được thay thế bằng ý kiến ​​của đám đông.
Vanitas vanitatum… Hư không của sự hư không. Có biết bao nhiêu cuộc đời đã trôi đi trong những ngày vô bổ, ăn không ngồi rồi vô tích sự. Nhưng mà chúng ta vẫn đang làm những việc có ích đấy thôi. Chúng ta học tập, lao động, vất vả với cuộc mưu sinh nhưng tất cả chỉ vì nhu cầu của thân xác chúng ta. Thử xem biết bao nhiêu thời gian mà ta đã bỏ ra để chăm lo vì “đồ ăn cho giun đất” hay vì “ngôi mồ sống” như sự ví von của Thánh Ambrose Optina.

Tất cả mọi thứ trên đời này đều là phù vân, là tạm thời và không ổn định. Dòng chảy của thời gian mang chúng ta vào không gian chiều ngang: ta sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi già và chết. Và không ai có thể thay đổi trật tự của sự vật. Tất cả đều hư không. Nhiều người cảm thấy rằng đó chính là ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta yêu cuộc sống này và nghĩ rằng đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng ta đã sống một cuộc đời không uổng phí. Nhưng cuộc đời có thể bị cắt ngang bất cứ lúc nào. Cái chết không yêu cầu ai phải để mắt đến nó. Nó chỉ đến và làm cái công việc đen tối của mình.
Vanitas vanitatum… Hư không của sự hư không. Vua Solomon nổi tiếng thông minh và giàu có vào lúc hoàng hôn của cuộc đời mình đã thốt lên: “Tất cả là hư không, là theo luồng gió thổi”. Vậy thì ta phải sống làm sao? Có thể chúng ta đã quá quan tâm đến thể xác mà quên mất linh hồn. Cái chết là không tránh khỏi nhưng cái chết chỉ lấy đi thể xác mà không động đến linh hồn. Linh hồn thì bất tử. Linh hồn không quan tâm đến sự hư không. Vậy thì nên sống vì cái gì? Vì sự hư không hay vì một cái gì đó to lớn hơn, bền vững hơn và mãi mãi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét