Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Bút bi và Khóa kéo


KHÓA KÉO

Khóa kéo (zipper – tiếng Anh, fermeture – tiếng Pháp) do Whitcomb L. Judson nghĩ ra năm 1893. Một người bạn của Whitcomb Judson bị đau lưng, rất khó nhọc mỗi khi cúi xuống để buộc dây giày, yêu cầu người bạn đã từng có nhiều phát minh được đăng ký: “Cậu hãy làm ra một kiểu dây buộc gì đó mà chỉ cần dùng một tay”. Thế là Whitcomb Judson làm ra một loại khóa móc dùng cho giày, ủng rồi sau đó dùng cả cho quần áo, túi xách... Một thời gian rất lâu phát minh này không được sử dụng rộng rãi. Thiên hạ không quen dùng kiểu khóa móc này. Đã thế, việc sản xuất nó lại có chi phí rất cao. Suốt trong mười năm đầu tiên kể từ ngày Judson thành lập công ty sản xuất khóa kéo chỉ có một đơn đặt hàng lớn nhất là của nghành bưu điện đặt 20 chiếc khóa kéo cho túi đựng thư của người đưa thư.
Judson cố gắng cải tiến thêm. Năm 1905 chuyển công ty từ Chicago về New Jersey với hy vọng ở vùng đất mới sẽ tốt hơn nhưng mọi việc đã không như mong đợi. Khách hàng vẫn hiếm hoi. Trong một cuộc họp hội đồng quản trị, người ta đã quyết định mời một kỹ sư có kinh nghiệm, có tài để cải tiến sản phẩm.
Kỹ sư người Thụy Điển nhập cư Gideon Sundback nhận lời về làm cho công ty của Judson là vì tình. Gideon Sundback yêu mê mệt cô Elvira, con gái của vị giám đốc điều hành nên đã bỏ việc ở một công ty điện đang ăn nên làm ra, được trả lương rất cao để đến làm cho công ty này và đã không phụ lòng của những người chủ. Chỉ sau một thời gian ngắn Gideon Sundback đã cải tiến khóa kéo tiện lợi hơn nhưng vẫn còn một nhược điểm là chóng hỏng. Việc cải tiến được tiếp tục. Năm 1917 xuất hiện chiếc khóa kéo như chúng ta sử dụng bây giờ. Năm 1918 công ty đã bán được 24.000 khóa kéo, nghĩa là một sự thành công lớn về thương mại.

Thập niên 1930 khóa dây kéo trở thành biểu tượng của sự chủ động tình dục. Công nghệ mới này cho phép người ta cởi quần áo nhanh gấp hơn nhiều lần. Thời đấy phụ nữ mặc quần áo có khóa kéo bị coi là những người không đàng hoàng, vì rằng điều đó chứng tỏ sự chủ động và dễ dãi. Chỉ đến giữa thế ký XX khóa kéo mới được sử dụng rộng rãi cho việc may quần áo của phụ nữ.
Ngày nay, hơn một nửa số lượng khóa kéo của thế giới là do công ty YKK sản xuất. Công ty Nhật này có chi nhành ở 70 quốc gia. Ngoài ra, Trung Quốc, Ấn Độ, Băng-la-đét cũng được coi là những nước sản xuất nhiều khóa kéo. Chiếc khóa kéo lớn nhất xưa nay được sản xuất ở Hà Lan năm 1989 có độ dài 2851 mét.

BÚT BI

Ngày 10 tháng 6 năm 1943 bút bi do László József Bíró phát minh được cấp bằng sáng chế ở Mỹ. Cũng trong năm này khách hàng của bảo tàng thiết kế ở London gọi bút bi sáng chế xuất sắc nhất của thế giới. Tuy nhiên không phải tác giả của nó là người được hưởng lợi mà lại là một thương gia tháo vát.
Có lẽ nhà báo, biên tập viên người Hung đã không nghĩ đến việc kinh doanh khi nghĩ ra bút bi cuổi thập kỉ 30 thế kỉ XX. Ông nghĩ ra bút bi bởi vì nghề của ông đòi hỏi viết nhiều mà chỉ viết bằng bút mực. Ngày 15 tháng 6 năm 1938 không quân Anh mua bằng sáng chế của Bíró để trang bị bút viết cho các phi công trên máy bay. Biro đáng lẽ còn có thể tiếp tục bán bằng sáng chế để làm giàu nhưng số phận đã đưa đẩy ông ta đến Argentina. Ở đây bằng sáng chế được bán cho công ty Eversharp với giá 1 triệu đô la Mỹ. Công ty của Argentina này bắt đầu tổ chức sản xuất hàng loạt và công việc kinh doanh của họ diễn ra suôn sẻ: bút bi có giá rẻ và tiện dụng đã thu hút khách hàng. Nhưng khi Eversharp bắt đầu nghĩ đến việc đi ra thị trường thế giới thì xảy ra vấn đề do việc cấp bằng sáng chế thời đó chưa hoàn hảo. Bút bi chỉ mới được đăng kí bản quyền ở Hung-ga-ri và Argentina, nơi tác giả ở. Để cho bút bi hợp pháp trên thị trường thế giới thì tác giả phải đăng kí nó ở tất cả các nước. Thời đấy, để làm được việc này là điều không thể, và thế là ý tưởng bút bi đã bị đánh cắp.
Thương gia người Mỹ Milton Reynolds một hôm đến Argentina nhìn thấy những chiếc bút bi được bán ngoài đường phố và ông đã mua mấy chiếc. Sự nhanh nhạy trong kinh doanh đã đánh hơi thấy nguồn lợi kếch xù có thể thu được từ những chiếc bút này nếu chúng được sản xuất hàng loạt ở Mỹ. Milton Reynolds ngay lập tức cho người tìm hiểu và biết được rằng sáng chế của Biro chỉ mới đăng ký ở 2 quốc gia. Thị trường rộng lớn và giàu có nhất thế giới là Mỹ vẫn còn bỏ ngỏ nên ông ta đã vội vàng đăng kí thị trường này cho mình. Năm 1943 bút bi được đăng kí ở Mỹ và bắt đầu sản xuất hàng loạt. Đúng như dự đoán của Reynolds, thành công của bút bi là vô cùng to lớn. Chỉ trong một ngày cửa hàng Gimbels ở New York bán được 10 ngàn chiếc bút, người mua bút bi xếp hàng đông đến mức chính quyền phải điều động cảnh sát để giữ trật tự, mặc dù giá mỗi chiếc bút là 12, 50 đô la – bằng một ngày làm việc 8 tiếng của một công nhân. Những khách hàng đầu tiên cảm thấy mê mẩn với những chiếc bút mà theo quảng cáo thì có thể viết ngược, thậm chí viết được cả dưới nước!

Ý tưởng đánh cắp này đã biến Milton Reynolds thành một triệu phú chỉ trong một thời gian ngắn. Tác giả Biro kiện việc này ra toà án Mỹ nhưng đành chịu thua kiện. Thế nhưng Biro có lẽ còn cảm thấy tủi thân hơn nữa vì sáng chế của ông sau đấy còn tạo ra cả tỉ phú. Năm 1958 Marcel Bic cải tiến và sản xuất bút bi giá thành rẻ với tên gọi BIC, mở đầu cho việc thành lập BIC Corporation, đến tận ngày hôm nay vẫn chiếm lĩnh một phần ba thị trường bút bi của Mỹ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét