NHỮNG NHÀ PHÁT MINH ĐÁNH CẮP Ý TƯỞNG
Galileo Galilei
Nếu ta hỏi một học sinh phổ thông trung học rằng cống
hiến đáng kể của Galilei cho khoa học là gì thì chắc chắn câu trả lời sẽ là
kính viễn vọng. Trên thực tế Galilei không phải là người đầu tiên phát minh ra
kính viễn vọng. Ông là người đánh cắp ý tưởng.
Vậy thì ai là người phát minh ra kính viễn vọng? Đó là
nhà bác học người Hà Lan, Hans Lippershey. Ông là người đầu tiên chế tạo ra
kính viễn vọng năm 1608 và đã cố gắng để đăng ký phát minh này nhưng không được
chấp thuận. Galilei biết thông tin này và năm 1609 đã chế tạo chiếc kính viễn vọng
của mình. Cần phải nói rằng độ phóng đại của kính viễn vọng do Galilei chế tạo
lớn hơn nhiều so với kính viễn vọng của Hans Lippershey. Và mặc dù Galilee cũng
không đăng ký được phát minh này nhưng người thời nay chỉ nhắc đến Galilei mà
không biết gì đến Hans Lippershey khi nói về kính viễn vọng.
Thomas Edison
Thomas Edison nổi tiếng là một trong những nhà phát
minh vĩ đại nhất mọi thời đại với 1093 phát minh. Đã đành, ở đời này có thể có
người đàn ông đi khắp nơi bắt cóc rất nhiều đứa trẻ đem về nhà mình nuôi. Nhưng
như thế không có nghĩa rằng ông là người bố có nhiều con cái nhất. Và cũng
không ngoa nếu có ai đó gọi ông là “kẻ ăn cắp chuyên nghiệp”. Những điều này
rất đúng với Thomas Edison và đã từng được chứng minh, tuy vậy, ở nhà trường
các em học sinh vẫn được dạy rằng điện, phim, bóng đèn dây tóc và vô khối thứ
quan trọng khác là phát minh của Thomas Edison. Danh mục những phát minh của
Thomas Edison rất dài, ở đây chỉ dừng lại một trong số đó – bóng đèn dây tóc.
Vậy thì ai là người phát minh ra bóng đèn điện? Đó là
Jean Foucault, Humphrey Davy và một số người nữa, tuy nhiên, người đầu tiên
sáng chế ra bóng đèn dây tóc là nhà phát minh người Đức, Heinrich Goebel.
Goebel từng cố thuyết phục Edison mua phát minh của mình nhưng Edison đã từ
chối vì không thấy có lợi gì ở phát minh này. Sau khi Goebel chết, Edison đã
mua lại phát minh này ở người góa phụ nghèo với giá rẻ hơn nhiều so với giá
chào của Goebel. Không chỉ dừng lại ở đây, Edison còn mua phát minh bóng đèn
của Joseph Swan, sau Goebel nhưng trước Edison một năm. Thế nhưng bây giờ người
ta chỉ dạy cho học sinh rằng bóng đèn là phát minh của Thomas Edison.
Alexander Graham Bell
Người đời coi Bell là người sáng chế ra máy điện
thoại. Ông là người thường xuyên tiếp xúc với những người điếc, kể cả mẹ và vợ
mình, thành ra, thật khó hiểu một điều: ông sáng chế ra máy điện thoại để làm
gì.
Vậy thì ai mới là người sáng chế ra máy điện thoại?
Năm 1860 một người Ý tên là Antonio Meucci đã công bố chiếc máy điện thoại do
ông nghĩ ra và gọi nó là teletrofono. Chính ông là người đã phát minh ra máy
điện thoại. Tuy nhiên, là một người nhập cư nghèo, ông đã không kiếm đâu ra 10
đô la để làm thủ tục đăng ký phát minh của mình. Hai năm sau đó Alexander
Graham Bell nhận được bằng phát minh điện thoại, trở thành người nổi tiếng và
giàu có. Còn người phát minh đích thực của điện thoại đã chết trong nghèo khổ
và vô danh tiếng.
Albert Einstein
Trong tất cả các tài liệu khoa học cũng như các loại
từ điển xưa nay đều gọi Albert Einstein là cha đẻ của Thuyết tương đối. Tuy vậy tất cả đều không hẳn đơn giản thế.
Vậy thì ai là người đầu tiên đưa ra Thuyết tương đối? Các nhà khoa học đều
biết rằng Jules Henri Poincaré là người đã đưa ra Thuyết
tương đối trước Albert
Einstein. Tuy nhiên, Albert Einstein phủ
nhận việc tiếp xúc với các công trình khoa học của Poincaré.
Trong 30 cuốn sách và 500 bài báo của mình, Einstein không hề nhắc đến tên
Poincaré.
Alexander
Fleming
Người đời nhớ đến Alexander Fleming khi nói về penicillin
và câu chuyện ông đã chữa bệnh viêm phổi cho Winston Churchill. Tuy vậy tất cả
không hẳn thế. Thực ra, Winston Churchill không được chữa bằng penicillin và
Fleming không phải là người đầu tiên phát minh ra penicillin.
Vậy thì ai là người phát minh ra penicillin? Xác định
chính xác điều này không hề dễ nhưng đã từ rất lâu, trước Fleming, các bộ tộc ở
Bắc Phi đã từng dùng penicillin để chữa bệnh. Năm 1897 Ernest Duchesne đã dùng
mốc penicillum glaucoma để chữa bệnh sốt ban cho heo biển. Tuy vậy, người ta
chỉ coi đó là chuyện vớ vẩn nên Ernest Duchesne không được nhận bằng phát minh.
10 năm sau đó Duchesne đã chết vì bệnh sốt này. Sau đó rất lâu Fleming tình cờ
tìm ra penicillin và cũng không nghĩ rằng nó sẽ có ích cho ai đó. Các nhà khoa
học Howard Florey, Norman Heatley, Andrew Moyer, Ernst Chain đã tiếp tục phát
triển phát minh này và làm cho penicillin trở thành loại thuốc như ngày nay.
NHỮNG GIÁ TRỊ MỘT LẦN MUÔN THUỞ
Trà túi lọc, tã lót em bé, bao cao su, ống tiêm, bút
bi, hộp quẹt, cốc chén dùng một lần – những thứ này không thể thiếu trong đời
sống hiện đại. Vậy mà chúng đã có lịch sử cả… trăm năm. Những thứ dùng một lần
xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, bùng nổ trong thập niên 1920, khi mà hầu như năm
nào cũng có một thứ gì đó mới mẻ xuất hiện. Người tiêu dùng vui mừng không kể
xiết. Một nhà văn đã viết rằng những thứ này làm cho con người ta thoát khỏi
cuộc sống buồn tẻ và có nhiều thời gian hơn để làm những việc quan trọng khác.
Trà túi lọc
Trà túi lọc ra đời rất ngẫu nhiên. Đấy là vào năm
1904, Thomas Sullivan – nhà kinh doanh trà và cà phê ở New York thường xuyên
phải gửi mẫu trà đựng trong hộp sắt cho khách hàng qua đường bưu điện. Sullivan
nghĩ rằng nếu đem mẫu trà gói bằng vải thì sẽ tiết kiệm được trọng lượng rất
đáng kể. Thế là ông dùng vải muslin và vải lụa để gói mẫu trà gửi cho khách
hàng. Sau đấy khách hàng nói rằng họ đã đem cả gói chè như vậy cho vào nước sôi
luôn. Vậy là trà túi ra đời từ đó nhưng mãi đến thập niên 1950 thì trà túi lọc
mới có hình dáng như bây giờ.
Trà túi lọc được đăng ký bản quyền năm 1952 nhưng
không phải do Thomas Sullivan mà là Thomas Lipton – một đối thủ của Sullivan.
Chính Lipton là người đã đóng những gói trà vào hộp carton, bên ngoài có trang
trí những hình ảnh đẹp mắt. Năm 1897 ông được phong tước hiệp sĩ do những công
lao trong việc truyền bá lối sống Anh.
Ly dùng một lần
Ly uống nước, sau là bát đĩa dùng
một lần cũng được phát minh vào khoảng thời gian với trà túi lọc. Năm 1908 bác
sĩ Alvin Davidson công bố một nghiên cứu về những em học sinh bị chết. Một
trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết là do sử dụng ly uống nước bằng sắt
không hợp vệ sinh. Cũng trong năm đó một sinh viên luật ở Kansas, Hugh Moore
đăng bài báo trên tờ The Packer chỉ trích việc mất vệ sinh của chén bát dùng
nơi công cộng và kêu gọi dùng “ly an toàn” (safe cup) được xoắn từ bìa carton
do chính Moore nghĩ ra.
Moore kêu gọi nhà doanh nghiệp
Lawrence Luellen đầu tư để sản xuất loại ly này. Năm 1910 họ đăng ký bản quyền
phát minh và thành lập công ty sản xuất ly uống nước cá nhân (Individual
Drinking Cup Cоmpany). Sau đó họ sử dụng máy bán
hàng tự động và đặt ở các nhà ga cũng như nhiều nơi công cộng khác. Đến năm
1960 chỉ ở Mỹ hàng năm đã bán được 50 triệu đô la loại ly uống nước bằng giấy
này.
Tã lót dùng một lần
Ý tưởng tã lót dùng một lần không
thành công ngay từ đầu mà sau nhiều lần cải tiến. Người phát minh ra nó là
Marion Donovan, phó tổng biên tập tạp chí Vogue,
một phụ nữ đông con. Donovan hầu như không có thời gian để giặt tã lót cho đứa
con mới sinh nên nghĩ ra cách dùng tấm che bồn tắm cùng mấy miếng cao su làm
một loại quần lót cho con nhỏ. Donovan đặt tên cho nó là The Boater (từ boat –
thuyền). Sau một số cải tiến, năm 1949 The Boater được bán ở cửa hàng Saka
Fifth Avenue nổi tiếng ở New York và có nhiều người mua đến mức bà được trả 1
triệu đô la cho tiền bản quyền.
Nhưng nhà phát minh không chỉ dừng này ở đó mà tiếp
tục cải tiến và đăng ký bản quyền vào năm 1951. Gần 10 năm sau đó công ty Prоcter & Gamble mua bản quyền này để sản xuất loại tã lót Pampers.
Hiện nay thị trường tã lót dùng một lần của thế giới là khoảng 10 tỷ đô la Mỹ.
Ống tiêm dùng một lần
Dược sĩ, bác sĩ thú y người New
Zealand, Colin Murdoch có đến 45 bằng phát minh. Nhưng phát minh đáng kể nhất
của ông là ống tiêm dùng một lần. Ý tưởng ống tiêm dùng một lần nảy ra trong
đầu Murdoch khi ông đang ngồi trên máy bay năm 1956, khi đó nhà phát minh 27
tuổi. Cũng trong năm này ông nhận được bằng phát minh cho ống tiêm dùng một
lần, là dụng cụ ngăn ngừa hiệu quả việc lây nhiễm từ bệnh nhân này sang bệnh
nhân khác.
Murdoch cũng sáng chế ra loại súng bắn mũi tiêm chứa
thuốc ngủ để bắt những loại thú lớn từ khoảng cách xa. Ống tiêm dùng một lần
bằng nhựa được sản xuất hàng loạt vào năm 1961.
Bút bi, dao cạo râu, bật lửa
Những nhà sản xuất hàng tạp hóa đã
biết cách tận dụng triệt để sở thích của người tiêu dùng là không thích dùng
lại thứ đã dùng – vừa tiện lợi, vừa hợp vệ sinh. Nhân vật nổi bật nhất của
những câu chuyện này là Marcel Bich, người sáng lập ra công ty Bic.
Năm 1945 Bich mua lại một nhà máy
nhỏ bị bỏ hoang. Bich và các cộng sự chẳng có máy móc, thiết bị gì và tiền thì
cũng chỉ có 5 ngàn franc. Bich quyết định sản xuất những cây bút bi dùng một
lần. Quả thật, bút bi là phát minh của Jose Biro, người Hungari thời đó đã sang
định cư ở Argentina. Tuy nhiên bút bi của Biro vẫn còn nhiều nhược điểm: giá
thành đắt và chỉ viết được theo chiều thẳng đứng. Đầu thập niên 1950 Bich đã
sang tận Argentina để cùng với Biro tiếp tục hoàn thiện bút bi. Những cây bút
Bic đầu tiên được sản xuất năm 1953 và mỗi tuần bán được 50 ngàn chiếc. Ba năm
sau đó mỗi ngày đã bán được 1 triệu chiếc.
Năm 1972 công ty Bic bắt đầu sản
xuất bật lửa dùng một lần và cũng không rõ chính xác ai là người phát minh.
Theo một giả thiết thì đó là phát minh của công ty Dupont, còn theo một giả
thiết khác là của công ty Flaminaire. Năm 1975 Bic tiếp tục tung ra thị trường
sản phẩm dao cạo râu, giành thị phần với công ty Gillette.
Hiện nay, mỗi ngày công ty Bic bán
ra thị trường thế giới 22 triệu sản phẩm văn phòng (chủ yếu là bút bi), 11
triệu bàn cạo râu và 4 triệu bật lửa ga. Ông chủ Marcel Bich, người không bao
giờ vay vốn của ai và không bao giờ trả lời phỏng vấn, mất năm 1994.
Bao cao su
Tên tuổi của người nghĩ ra bao cao
su (bao bảo vệ nói chung) không ai rõ. Loại bao bảo vệ như thế đã được người Ai
Cập cổ đại sử dụng từ 3000 năm trước Công Nguyên. Thế kỷ XVI một người Italia
có tên Gabrielle Fallopius đã làm một loại bao từ sợi lanh và sau đó cho 1100
đàn ông dùng thử thì thấy không người nào trong số họ bị bệnh giang mai. Thời
này, loại bao bảo vệ như vậy còn được làm từ ruột hoặc bàng quan của động vật và
được sử dụng nhiều lần.
Sau khi Charles Goodyear tìm ra
cách lưu hóa cao su vào năm 1840 thì loại bao này được làm từ cao su dẻo. Năm
1921 Alfred Trojan tìm ra cách lưu hóa latex thì bao cao su được sản xuất hàng
loạt. Tuy nhiên, thập niên 1940 – 1950 thế kỷ XX bao cao su được sử dụng nhiều
lần, chúng được rửa sạch và bảo quản trong những chiếc hộp nhỏ.
Bao cao su sử dụng một lần chỉ phổ
biến vào đầu thập niên 1960 nhưng đến cuối thập niên này chúng không mấy phổ
biến vì lúc đó người ta đã tìm ra thuốc tránh thai. Đến giữa thập niên 1980 nạn
AIDS bùng phát đã làm cho bao cao su dùng một lần trở nên phổ biến. Hiện tại,
mỗi năm thế giới sử dụng từ 10 tỷ bao cao su (theo số liệu của tổ chức người
tiêu dùng quốc tế (Cоnsumers Internatiоnal) đến 15 tỷ (theo số liệu của nhà sản xuất Condomi – Italia).
Kính áp tròng
Kính áp tròng (contact lens) được
coi là phát minh của Leonardo de Vinci từ năm 1508. Tuy vậy nó chỉ được sử dụng
trong thực tế vào năm 1887, khi nhà sinh lý học người Thụy Sĩ Adolf Fick làm ra
những kính áp tròng cứng đầu tiên. Kính áp tròng mềm phải đợi gần 100 năm sau –
năm 1960, và được sản xuất hàng loạt vào năm 1971.
Thế nhưng một cuộc cách mạng quan
trọng chỉ xảy ra vào đầu thập niên 1990 khi công ty Jоhnsоn & Jоhnsоn
chi 200 triệu đô la để hoàn thiện sản phẩm này. Ngoài ra, một cộng tác viên của
công ty Cооper Visiоn,
Ron Hamilton cũng đã nghiên cứu công nghệ kính áp tròng dùng một lần và được
công ty Baush & Lоmb mua bản quyền năm 1996.
Kính áp tròng được quảng cáo rất
hấp dẫn và gây chú ý. Trong bức tranh quảng cáo là một người đẹp macho (đàn
ông) bước ra từ chiếc xe Jaguar có ba cô gái đẹp ở trong xe. Người đẹp macho
nói: “Tôi yêu họ - và tôi bỏ”. Kính áp tròng dùng một lần rồi bỏ có giá đắt hơn
cả kính áp tròng dùng nhiều lần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét