HÃY TÌM CÔNG VIỆC MÀ BẠN YÊU THÍCH
Bài phát biểu của
Steve Jobs, người sáng lập công ty Apple Inc. với sinh viên tốt nghiệp Đại học
Stanford ngày 12 tháng 6 năm 2005.
Tôi lấy làm vinh hạnh được có mặt trong buổi trao bằng
tốt nghiệp của một trong những trường Đại học hàng đầu của thế giới. Tôi là
người chưa từng tốt nghiệp Đại học. Hôm nay tôi muốn kể cho các bạn nghe ba câu
chuyện trong cuộc đời tôi. Chỉ thế thôi, không có gì ghê gớm. Chỉ đơn giản là
ba câu chuyện.
Câu chuyện thứ nhất:
về sự kết nối các điểm.
Tôi bỏ trường Cao đẳng Reed sau 6 tháng học, nhưng vẫn
ở đấy với tư cách là “một người khách” 18 tháng tiếp theo, cho đến khi quyết
định bỏ hẳn. Các bạn có biết vì sao tôi bỏ học?
Tất cả được bắt đầu từ khi tôi chưa sinh ra. Mẹ đẻ của
tôi là một nữ nghiên cứu sinh trẻ tuổi và chưa chồng đã quyết định đưa tôi cho
người khác dạy dỗ. Bà muốn những người nuôi tôi là những người có học và tôi
được quyết định trao cho gia đình một luật sư. Quả thực, một phút trước khi tôi
sinh ra người ta nói rằng họ muốn một cô con gái. Bệnh viện gọi điện trong đêm
cho họ: “Một thằng bé vừa sinh, anh chị có nhận không?” Họ trả lời “Tất nhiên”.
Sau đó mẹ đẻ tôi hiểu rằng mẹ nuôi của tôi chưa hề tốt nghiệp Đại học, còn bố
nuôi của tôi thì chưa học hết phổ thông. Mẹ đẻ của tôi từ chối ký giấy cho nhận
con nuôi. Và chỉ sau đó mấy tháng mẹ đẻ của tôi mới nhượng bộ, khi người ta hứa
với bà rằng nhất định tôi sẽ được học đại học. Lên 17 tuổi, tôi ngây thơ chọn trường
đại học đắt giá như Stanford và thế là mọi khoản tiền tiết kiệm của bố mẹ nuôi
được tiêu cho việc ôn thi và học trường này. Sáu tháng sau khi học ở trường này
tôi không thấy ý nghĩa của việc học ở đây. Tôi không biết tôi muốn gì trong đời
và không hiểu rằng làm sao trường đại học có thể giúp tôi nhận thức được điều
này. Chỉ đơn giản là tôi đã tiêu số tiền mà bố mẹ nuôi của tôi dành dụm cả đời.
Vì thế mà tôi quyết định bỏ học và tin rằng tất cả rồi sẽ tốt đẹp. Lúc đầu tôi
cảm thấy sợ, nhưng bây giờ nhìn lại, tôi hiểu rằng đó là quyết định hay nhất
của đời tôi.
Mọi chuyện đã không hề nhẹ nhàng một tí nào. Tôi không
có phòng ở ký túc xá, bởi thế tôi chỉ ngủ dưới sàn nhà ở phòng của bạn bè. Tôi
nhặt vỏ chai “Coca-Cola” rồi bán được 5 cent mỗi vỏ chai để mua đồ ăn và đi bộ
7 dặm mỗi buổi chiều chủ nhật để mỗi tuần được một bữa ăn ngon ở nhà thờ Hare
Krishna. Tôi thích những món ăn ở đó. Và đã va chạm với nhiều thứ mà theo sự tò
mò cũng như trực giác, sau này trở thành có ích. Một thí dụ: trường Reed là nơi
có lớp thư pháp nổi tiếng. Ở các khu học xá, tất cả các poster, tiêu đề của tất
cả các tranh vẽ đều được viết tay rất đẹp. Vì tôi không còn đi nghe các bài
giảng nên tôi theo học lớp thư pháp. Tôi biết được các bộ chữ với vết khắc và
những khoảng cách khác nhau giữa các cặp chữ cái, biết làm các khuôn chữ đẹp
đến mức mà khoa học không thể tin được. Cứ ngỡ rằng những thứ kia chẳng có ích gì cho cuộc sống. Nhưng 10 năm sau đấy, khi chúng tôi
thiết kế chiếc Macintosh đầu tiên thì những thứ này lại rất có ích. Và Mac trở
thành chiếc máy tính đầu tiên có bộ chữ đẹp. Nếu như tôi không từng theo học
khóa thư pháp thì Mac không bao giờ có được những bộ chữ đẹp và tỉ lệ giữa các
chữ cái được như vậy. Và chính vì Window sao chép lại từ Mac, nên các máy tính cá nhân đã không có những bộ
chữ kỳ diệu như bây giờ. Tất nhiên, ngày đó tôi không thể nhìn ra mối liên hệ
giữa các điểm này nhưng 10 năm sau đó thì thấy rất rõ. Xin nhắc lại: chúng ta
không thể kết nối các điểm (các sự kiện) khi nhìn về phía trước nhưng khi ta
ngoái nhìn lại phía sau thì sẽ nhận ra. Bởi thế, các bạn nên tin tưởng vào cái
gì đấy: tin linh cảm, tin số phận, tin nghiệp, tin cuộc đời… Cách tiếp cận như
vậy chưa bao giờ phụ lòng tin của tôi, mà ngược lại, nó làm thay đổi cuộc đời
tôi.
Câu chuyện thứ hai:
về tình yêu và mất mát.
Tôi may mắn là đã tìm được công việc mình yêu thích từ
rất sớm. Woz và tôi đã bắt đầu những trang đầu tiên cho lịch sử của Apple trong
gara của bố mẹ tôi khi tôi mới 20 tuổi. Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ để
sau 10 năm, từ chỗ chỉ có 2 người, trong cái gara bé nhỏ, Apple đã phát triển
thành một công ty trị giá 2 tỷ đô la Mỹ với hơn 4000 nhân viên. Một năm trước
đây, chúng tôi vừa mới bỏ đi sáng tạo đầu tiên của mình, máy tính Macintosh và
tôi vừa mới bước sang tuổi 30. Sau đó, tôi bị sa thải. Làm sao mà bạn lại có
thể bị sa thải bởi một công ty mà bạn đã sáng lập ra nó? Khi mà Apple đã phát
triển lớn hơn, tôi đã thuê một người mà tôi đánh giá là có tài năng cùng tôi
lãnh đạo công ty.
Khoảng một năm gì đó, tình hình có vẻ rất khả quan.
Nhưng sau đó, quan điểm của chúng tôi về tương lai bắt đầu khác nhau, thậm chí
chúng tôi còn trở nên bất hòa. Khi có mối bất hòa đó xẩy ra giữa chúng tôi, hội
đồng quản trị đã đứng về phía anh ta, và tôi, ở tuổi 30, đã bị sa thải một cách
rất rõ ràng. Những điều mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời đã biến mất, chúng
đã bị phá hủy.
Trong một vài tháng, tôi đã thực sự chẳng biết phải
làm cái gì. Tôi cảm giác rằng mình đã làm cho những thế hệ đi trước tôi thất
vọng và rằng tôi đã đánh rơi lá cờ khi nó đã được chuyền đến tay tôi. Tôi đã
gặp David Packard và Bob Noyce, cố gắng xin lỗi cho việc cư xử không hay của
mình. Tôi đã thua một cách rõ ràng và thậm chí, tôi đã có ý định bỏ cuộc. Nhưng
có một cái gì đó bắt đầu chậm chậm sáng lên trong tôi. Tôi vẫn rất yêu quý
những gì tôi đã tạo ra. Sự việc xảy ra ở Apple có thay đổi tình yêu đó một chút
nhưng trong tôi, tình yêu ấy vẫn còn. Chính vì thế, tôi đã quyết định bắt đầu
lại.
Ngay lúc đó tôi không nhận thấy, nhưng sau này, tôi
mới biết rằng việc tôi bị Apple sa thải hóa ra lại là một việc tốt đẹp nhất
trong cuộc đời tôi. Gánh nặng của sự thành công đã được thay thế bằng ánh sáng
của sự bắt đầu mới tuy không có điều gì chắc chắn. Tôi đã để cho mình tự do
bước vào một quãng đời đầy những sáng tạo của cuộc đời mình.
Trong khoảng 5 năm sau đó, tôi đã bắt đầu xây dựng
công ty NeXT và một công ty khác tên là Pixar. Tôi gặp và đã yêu một người phụ
nữ tuyệt vời, chính là vợ tôi sau này. Pixar đã sáng tạo ra phim truyện
hoạt hình máy tính đầu tiên trên thế giới, câu chuyện đồ chơi. Hiện tại, nó đã
trở thành xưởng phim hoạt hình thành công nhất trên thế giới. Một sự kiện thay
đổi đáng ghi nhớ đã xảy ra khi Apple mua NeXT, tôi trở lại Apple, những kỹ
thuật mà NeXT đã phát triển trở thành nguồn sinh khí cho thời kỳ phục hồi của
Apple. Tôi và Laurene cũng đã có một gia đình hạnh phúc.
Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng tất cả những điều đó sẽ
chẳng bao giờ xảy ra nếu tôi không bị Apple sa thải. Đó là một viên thuốc đắng
nhưng tôi chắc bệnh nhân sẽ rất cần đến nó.
Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình đánh ngã bạn.
Nhưng hãy đừng mất lòng tin. Tôi biết chắc chắn rằng, điều duy nhất đã giúp tôi
tiếp tục bước đi chính là tình yêu của tôi dành cho những gì tôi đã làm. Các
bạn phải tìm ra được cái các bạn yêu quý. Điều đó luôn đúng cho công việc và
cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc sẽ chiếm phấn lớn cuộc đời bạn
và cách duy nhất để thành công một cách thực sự là hãy làm những việc mà bạn
tin rằng đó là những việc tuyệt vời. Chỉ có một cách làm việc lớn là yêu mến nó.
Nếu bạn chưa đến nước này thì hãy chờ đợi.
Đừng chạy theo công việc. Cũng như với mọi thứ khác, con tim bạn sẽ mách bảo
cho bạn công việc mình yêu thích. Vì vậy hãy cố gắng tìm kiếm cho đến khi nào
bạn tìm ra, đừng từ bỏ.
Câu chuyện thứ ba của
tôi – về cái chết.
Khi tôi 17 tuổi, tôi đã đọc được một câu châm ngôn như
sau: “Nếu bạn sống mỗi ngày đều như ngày cuối cùng của cuộc đời mình, một ngày
nào đó bạn sẽ hoàn toàn tin tưởng rằng bạn đã đúng”. Câu châm ngôn đó đã để lại
ấn tượng rất sâu trong tôi và kể từ đó, trong suốt 33 năm qua, tôi luôn nhìn
vào gương mỗi buổi sáng và tự hỏi mình: “Nếu ngày hôm nay là ngày cuối cùng của
cuộc đời tôi, tôi sẽ muốn làm gì và tôi chuẩn bị làm gì hôm nay?” Và nếu trong
nhiều ngày, câu trả lời vẫn là “không” thì tôi biết, tôi cần phải thay đổi điều
gì đó.
Suy nghĩ rằng mình sắp chết chính là điều quan trọng
đã động viên tôi tạo ra cơ hội lớn cho cuộc đời mình. Bởi vì tất cả mọi điều từ
sự kỳ vọng của mọi người vào bạn, tất cả mọi niềm tự hào cho đến nỗi sợ phải
đổi mặt với sự xấu hổ hay thất bại, tất cả sẽ biến mất khi bạn phải đổi mặt với
cái chết. Khi đó, chỉ còn lại điều gì thực sự quan trọng.Ý nghĩ rằng chúng ta
đang đối mặt với cái chết, khi chúng ta sắp chẳng còn gì nữa, là cách tốt nhất
mà tôi biết để tránh khỏi việc chúng ta cảm thấy sợ hãi khi sắp đánh mất đi thứ
gì đó. Chẳng có lý do gì để bạn không lắng nghe sự mách bảo của trái tim mình.
Khoảng một năm trước đây tôi đã bị chẩn đoán là bị ung
thư. Tôi đã chụp cắt lớp lúc 7:30 sáng và trên phim hiện rõ ràng một khối u
trong tuyến tụy. Thậm chí tôi chẳng biết tuyến tụy là cái gì. Các bác sĩ nói
với tôi rằng đây là một dạng của ung thư và bệnh này không chữa được, rằng tôi
nên chuẩn bị tinh thần mình sẽ chỉ sống được từ 3 đến 6 tháng nữa thôi. Bác sĩ
của tôi khuyên tôi về nhà và sắp xếp lại các công việc của mình, đó là cách họ
nói khi khuyên bệnh nhân chuẩn bị cho cái chết. Điều đó có nghĩa là hãy về và
sử dụng mấy tháng còn lại để nói với các con bạn những gì mà bạn dự định sẽ nói
với chúng trong khoảng mười năm tới. Điều đó cũng có nghĩa là hãy cố gắng kín
đáo để gia đình bạn có thể chấp nhận điều này một cách dễ dàng hơn. Điều đó có
nghĩa là bạn hãy nói lời vĩnh biệt.
Suốt cả ngày tôi sống với sự chẩn đoán đó. Sau đó, vào
buổi tối người ta tiến hành kiểm tra sinh thiết (biopsy), họ đút một cái ống
qua cổ họng tôi, luồn sâu xuống dạ dày, sâu xuống ruột, ấn một cái kim vào
tuyến tụy của tôi để lấy mẫu một số tế bào của khối u. Khi đó, tôi rất bình
thản, nhưng vợ tôi, người có mặt lúc đó đã kể với tôi rằng khi các bác sĩ
phân tích những tế bào đó dưới kính hiển vi, họ đã reo lên khi phát hiện ra
rằng đây là một trường hợp ung thư tuyến tụy hiếm hoi có thể chữa được bằng
cách phẫu thuật. Tôi đã được phẫu thuật và bây giờ tôi đã khỏe lại.
Đó là cảm giác mà tôi đã có khi phải đối mặt với cái
chết và tôi cũng hy vọng tôi sẽ còn cái cảm giác đó một vài thập kỹ nữa. Khi đã
từng trải qua điều đó, tôi có thể nói với các bạn một cách chắn chắn hơn là chỉ
đơn thuần nhắc đến cái chết như là một điều hữu ích nhưng chỉ hoàn toàn là một
nội dung mang tính trí tuệ mà thôi.
Không ai muốn chết. Thâm chí những người muốn được lên
thiên đàng cũng không muốn chết chỉ vì muốn được lên đó. Và cái chết là cái
đích mà tất cả chúng ta đều phải đến, không ai trong chúng ta thoát khỏi nó. Và
đó là cách mà nó phải diễn ra bởi lẽ cái chết chính là sáng tạo tuyệt vời nhất
của cuộc sống. Đó chính là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại đi những người
già để mở đường cho những người trẻ. Ngay lúc này, các bạn đang là những người
trẻ tuổi, nhưng sẽ không lâu nữa các bạn sẽ trở nên già, và sẽ bị loại bỏ. Tôi
xin lỗi vì có vẻ hơi bi đát nhưng điều đó là sự thật.
Thời gian của bạn có là có hạn, đừng dùng nó để sống
một cuộc đời ai đó. Cũng đừng nhốt mình trong tín điều, là thứ tồn tại trên tư
tưởng của những người khác. Đừng để cho quan điểm của những người khác lấn át
giọng nói bên trong của mình. Và một điều rất quan trọng: hãy dũng cảm nghe
theo con tim và trực giác của mình, vì
chúng bằng cách này hay cách khác biết rằng bạn thực sự muốn điều gì. Tất cả
những thứ còn lại là thứ yếu.
Khi tôi còn trẻ, có một cuốn sách kỳ lạ được xuất bản
với cái tên Cẩm nang toàn thế giới (The
Whole Earth Catalog), cuốn sách này giống như kinh thánh của thế hệ chúng tôi.
Người sáng tạo ra cuốn sách này là Steward Brand, một nghiên cứu sinh ở Menlo
Park, cách đây không xa. Anh ta đã tạo ra nó bằng cảm giác đầy tính thi sĩ của
mình. Thời điểm đó là vào cuối thập kỷ 60, trước khi có máy tính cá nhân và máy
tính sách tay. Tất cả cuốn sách được đánh bằng máy chữ, cắt bằng kéo và bằng
máy ảnh. Nó giống như trang Google trên giấy vậy, 35 năm trước khi có trang
Google. Nó thực sự mang tính duy tâm, được tạo ra từ những công cụ tinh xảo và
những ý tưởng vĩ đại.
Steward và các đồng sự của ông đã xuất bản một số tập
của Cẩm nang toàn thế giới và sau đó,
họ xuất bản tập cuối cùng. Thời gian đó vào khoảng giữa những năm 70 và tôi chỉ
bằng tuổi các bạn bây giờ. Ở trang bìa sau của cuốn sách có in ảnh một con
đường vùng nông thôn trong ánh bình minh, điều mà bạn có thể tìm thấy sự an
bình nếu bạn là người ưa mạo hiểm. Bên dưới tấm ảnh có dòng chữ: “Hãy luôn khao
khát. Hãy cứ dại khờ“ Đó là lời tạm biệt của họ khi kết thúc cuốn sách. “Hãy
luôn khao khát. Hãy cứ dại khờ” Và tôi luôn cầu chúc điều đó cho chính mình.
Ngày hôm nay, các bạn đã tốt nghiệp và chuẩn bị bước vào con đường mới, tôi cầu
chúc điều đó cho các bạn.
Hãy luôn khao khát. Hãy cứ dại khờ.
Cảm ơn các bạn rất nhiều.
10 BÀI HỌC TỪ CUỘC ĐỜI CỦA STEVE JOBS
“Tôi nghĩ rằng chúng
ta có được sự thỏa mãn. Tôi nghĩ rằng khách hàng của chúng ta quả là thích sản
phẩm của chúng ta. Và chúng ta sẽ luôn cố gắng là cho nó ngày một tốt hơn”.
Steve Jobs.
Thành công của Steve Jobs đã làm thay đổi thế giới và
cho phép xác định một thời đại. Ông là người sáng lập ra công ty có tên gọi Apple Inc. Ông là người làm thay đổi
quan niệm về máy tính, ông làm nên những máy tính cá nhân hoàn hảo và những
phần mềm máy tính làm thay đổi chúng ta.
Dưới đây chúng tôi trích chọn ra 10 câu từ những phát
biểu của Steve Jobs mà có thể giúp cho bạn đạt được thành tích trong cuộc sống.
1. “Sự đổi mới phân
biệt người dẫn đầu và người đuổi theo”.
Ý tưởng mới là không có giới hạn. Tất cả phụ thuộc vào
óc tưởng tượng của bạn. Đã đến lúc cần suy nghĩ theo kiểu mới. Nếu công việc
của bạn đang lên, hãy nghĩ ra cách mang lại hiệu quả cao hơn, mang lại thêm
nhiều khách hàng, mang lại sự đơn giản hơn với công việc. Nếu công việc của bạn
đình trệ thì hãy thay đổi nó trước khi để mất việc. Hãy đổi mới ngay từ bây
giờ!
2. “Hãy là chuẩn mực
của chất lượng. Một số người không đi theo khi sự đổi mới là át chủ bài”.
Đấy không phải là con đường nhanh chóng. Bạn hãy sử
dụng tài năng và mọi khả năng để vượt lên đối thủ, cần thêm vào một chút gì đặc
biệt mà đối thủ không có. Hãy gắng để ý đến những điều nhỏ nhặt mà có thể thay
đổi được tình hình. Có được sự vượt trội không khó – đơn giản là bạn cần đưa ra
ý tưởng mới ngay từ bây giờ - còn sau đấy thì bạn sẽ ngạc nhiên là điều này
giúp cho bạn rất nhiều trong cuộc sống.
3. “Chỉ có một cách
làm việc lớn là yêu mến nó. Nếu bạn chưa đến nước này thì hãy chờ đợi. Đừng chạy theo công việc. Cũng như với mọi thứ khác,
con tim bạn sẽ mách bảo cho bạn công việc mình yêu thích”.
Câu này có thể rút gọn thành: “Hãy làm việc mà mình
yêu thích”. Bạn hãy đi tìm công việc đem lại cho bạn cảm giác có ý nghĩa, có
mục đích rõ rệt và sự hài lòng. Mục đích và sự khát khao thực hiện công việc sẽ
mang lại ý nghĩa của cuộc sống và sự hài lòng. Điều này tốt cho sức khỏe, giúp
bạn sống lâu hơn và nó sẽ rót thêm cho bạn một chút lạc quan trong thời buổi
khó khăn. Bạn có cảm thấy hài lòng thức dậy buổi sáng thứ hai để bắt đầu một
tuần làm việc? Nếu bạn trả lời “không” thì hãy đi tìm việc mới.
4. “Các bạn biết rằng
chúng ta ăn những thứ do những người khác trồng. Ta mặc áo quần do những người
khác dệt vải. Ta nói bằng ngôn ngữ do những người khác đã nghĩ ra. Ta sử dụng
toán học nhưng nó cũng do những người khác phát triển nên… Tôi nghĩ rằng chúng
ta thường xuyên nói điều này. Và đây chính là cái cớ tuyệt vời để ta tạo ra một
cái gì có ích cho toàn nhân loại”.
Hãy gắng tạo ra sự thay đổi và hãy đóng góp phần mình.
Bạn sẽ tìm thấy ở đó ý nghĩa của cuộc sống và đấy cũng là một cách để thoát
khỏi những nỗi buồn. Thường xuyên làm một cái gì đấy và hãy nói cho mọi người
khác biết việc mình làm nhưng đừng dương dương tự đắc. Chỉ nên nói với mọi
người khi có dịp.
5. “Câu này là của
đạo Phật: Ý mới. Thật tuyệt vời có ý mới”.
Đây là dạng ý kiến cho phép ta nhìn sự vật như nó vốn
có, thường xuyên nhận thức ra bản chất của sự vật. Ý mới – đó là thực tế thiền
đi vào hành động. Hãy suy nghĩ về ý mới như ý của đứa bé nhìn cuộc đời với vẻ
tò mò, ngạc nhiên và kinh ngạc.
6. “Chúng tôi nghĩ
rằng đa số chúng ta xem ti-vi là để cho đầu óc nghỉ ngơi và ta làm việc trước
máy tính khi muốn cho những nếp cuộn của não hoạt động”.
Nhiều nghiên cứu khoa học hàng chục năm nay cho thấy
rằng truyền hình có tác hại đến tâm lý và nếp sống. Đa số người xem ti-vi biết
rằng thói quen này làm họ mất rất nhiều thời gian nhưng họ vẫn cứ xem. Bạn hãy
tắt ti-vi của mình để tiết kiệm tế bào của não. Nhưng cũng coi chừng – bạn sẽ
mụ người vì ngồi nhiều trước máy tính. Bạn hãy thử nói chuyện với ai đấy về
những đề tài nghiêm túc mà xem.
7. “Tôi là người duy
nhất biết thế nào là mất ¼ tỷ đô la trong một năm. Điều này làm nên nhân cách”.
Không có những người thành đạt mà không hề sai lầm,
hoặc không được phép sai lầm. Chỉ có những người thành đạt từng mắc phải sai
lầm nhưng sau đó đã thay đổi kế hoạch của mình, cuộc đời của mình rút kinh
nghiệm từ những sai lầm trước đây (để không lặp lại sai lầm). Những người này
coi sai lầm như sự cảnh báo chứ không phải là dấu hiệu của sự tuyệt vọng. Không
sai lầm, nghĩa là sống một cuộc đời chưa đầy đủ.
8. “Tôi sẵn sàng đổi
tất cả những công nghệ của mình lấy cuộc gặp với Socrates”.
Thời gian gần đây sách triết học cũng như sách về các
danh nhân được dịch và biên soạn nhiều. Socrates cùng với Leonardo da Vinci,
Copernic, Darwin, Einstein… luôn là nguồn cổ vũ cho những đầu óc ưa sáng tạo,
những tư tưởng độc lập. Socrates luôn là người đầu tiên. Cicero nói rằng “Socrates đem triết học từ
trên trời tặng cho những người bình thường”. Triết học là khoa học của mọi khoa
học. Bởi thế, bạn hãy sử dụng những nguyên tắc của Socrates trong đời sống,
công việc cũng như trong mọi quan hệ, nó sẽ mang lại cho bạn sự thật, vẻ đẹp và
sự hoàn thiện.
9. “Chúng ta ở đây để
đóng góp cho thế giới này, còn nếu khác thì ta ở đây mà làm gì?”
Bạn có biết rằng bạn có nhiều thứ để có thể áp dụng
vào cuộc sống? Và bạn có biết rằng những thứ này có thể sẽ bị vứt đi, một khi
bạn rót cho mình một ly cà phê và quyết định chỉ nghĩ về nó thay vì áp dụng nó
vào đời sống? Mỗi người chúng ta đều có một khả năng nào đấy, cần cho khả năng
một cuộc đời. Khả năng này hay những thứ kia – là sự thừa nhận của bạn, là mục
đích của bạn. Không ai có thể giải quyết giúp bạn được, không thủ trưởng, thầy
cô hay bố mẹ. Chỉ cần bạn tìm ra mục đích duy nhất này.
10. “Thời gian của
bạn có là có hạn, đừng dùng nó để sống một cuộc đời ai đó. Cũng đừng nhốt mình
trong tín điều, là thứ tồn tại trên tư tưởng của những người khác. Đừng để cho
quan điểm của những người khác lấn át giọng nói bên trong của mình. Và một điều
rất quan trọng: có lòng dũng cảm nghe theo con tim và trực giác của mình, vì chúng bằng cách này hay cách
khác biết rằng bạn thực sự muốn điều gì. Tất cả những thứ còn lại là thứ yếu”.
Bạn cảm thấy mệt mỏi khi sống bằng ước mơ của người
khác? Hãy tạo cho mình khả năng phát triển tài năng trong môi trường tự do,
thoát khỏi sự lo lắng và áp lực. Hãy sống cuộc đời mà bạn tự lựa chọn, nơi bạn
là người chủ của số phận mình.
Mỗi bài học trên đây lúc đầu khó áp dụng vào cuộc sống
của bạn nhưng nếu bạn bắt đầu áp dụng lần lượt thì sẽ cảm thấy sự thay đổi theo
chiều hướng tốt. Nói chung là nên đi về phía trước và hãy thử xem.
CHIẾN THUẬT KHÁC NHAU
Đề
từ:
-Tôi
làm việc suốt từ sáng đến chiều!
-Thế
anh suy nghĩ vào lúc nào?
(Đối thoại giữa một nhà vật lý trẻ tuổi và
nhà bác học Ernest Rutherford).
Trong một cuộc thi ở tỉnh British
Columbia (Canada)
có hai người về đích đầu tiên: một người Canada và một người Na Uy. Hai
người này bước vào một cuộc thi cuối cùng để xác định người vô địch. Nhiệm vụ
của họ là chặt cây. Mỗi người được phân một khoảnh rừng cây và ai chặt được
nhiều cây trong một khoảng thời gian xác định, từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều,
người đó sẽ chiến thắng.
Tám giờ sáng cả hai người bắt đầu chặt cây, đến 9 giờ
kém 10 phút người Canada
nhận được tin báo là người Na Uy đã ngừng chặt cây.
Đúng 9 giờ người Canada nhận được tin báo là người Na
Uy đã tiếp tục chặt cây, đến 10 giờ kém 10 phút lại có tin báo là người Na Uy
ngừng chặt cây, người Canada càng cố gắng tận dụng điểm yếu của đối thủ.
10 giờ người Na Uy lại tiếp tục chặt cây và đến 11 giờ
kém 10 phút lại có tin báo là người Na Uy đã ngừng chặt...
Cứ như vậy suốt thời gian thi. Cứ mỗi giờ người Na Uy
ngừng chặt cây 10 phút, còn người Canada càng cố gắng hơn. Đúng 4 giờ
chiều, một hồi chuông rung lên báo thời gian đã hết, người Canada tin
tưởng chắc chắn phần thắng đã thuộc về mình.
Bạn có hình dung nổi sự ngạc nhiên của người Canada khi nhận
được tin rằng mình thua cuộc.
- Sao lại có thể như thế được – người Canada hỏi người
Na Uy – cứ mỗi giờ tôi nghe tin báo là anh ngừng chặt 10 phút thế mà anh lại
chặt được nhiều cây hơn tôi? Không thể nào như thế được.
- Tất cả đều đơn giản thôi – người Na Uy trả lời – cứ
mỗi giờ tôi ngừng chặt cây 10 phút. Trong thời gian này anh vẫn tiếp tục chặt
còn tôi thì mài dao.