1
Suối vẫn đổ về sông
Sông trôi về biển cả
Ngọn gió đời muôn thuở
Tha thiết đắm say tình.
Nào có ai cô đơn
Theo luật trời thần thánh
Mọi thứ đều hòa quyện
Sao em và anh không?...
2
Nhìn núi hôn trời xanh
Sóng xô vào sóng khác
Làm sao tha thứ được
Hoa rẻ rúng bạn tình.
Và nắng ôm đất lành
Và trăng hôn biển cả
Nhưng thảy đều vô nghĩa
Nếu em chẳng hôn anh!
Xin lấy bài thơ Love’s
Philosophy của Shelley để mở đầu bài viết về một hiện tượng còn nhiều bí ẩn
nhất trong thế giới tinh thần của con người. Sự phức tạp ở chỗ trong thứ tình
cảm này tất cả hòa nhập vào một khối thống nhất: thể xác và tâm hồn, cá nhân và
xã hội, riêng tư và nhân loại, hiểu được và không thể hiểu được... Không có xã
hội nào, không một con người nào mà không có tình yêu. Mặt khác, thiếu tình yêu
thì không thể hình thành tư cách đạo đức con người một cách bình thường và có một
sự phát triển bình thường. Tình yêu có thể phát triển ở những mức độ khác nhau
nhưng không thể không có. Dưới đây là sự khái quát những quan niệm về tình yêu
đi theo sự phát triển tư tưởng của nhân loại, từ thời Cổ đại qua thời Trung cổ,
Phục hưng cho đến Thời đại mới.
Có nhiều ý kiến cho rằng thời Cổ đại chưa có tình yêu, mà hiện tượng này chỉ xuất hiện vào thời Trung
cổ, bởi vì tình yêu là cảm xúc mạnh và riêng tư mà nhận thức của người cổ đại
chưa đạt tới. Trong xã hội cổ đại thì những quan niệm về nhân cách còn ở trong
tình trạng phôi thai, cá nhân hòa vào tập thể, nơi mà mọi hành động của từng cá
nhân bị phụ thuộc vào quyền lợi của cả tập thể, do vậy tình yêu cũng ở trong
tình trạng đó. Tuy nhiên những giả thiết trên đây cũng không phải là cơ sở đầy
đủ để phủ nhận hoàn toàn tình yêu giữa đàn ông và phụ nữ thời cổ đại.
Trong đối thoại “Bữa
tiệc”, nhà triết học Platon đã kể một huyền thoại về những con người trong
buổi đầu của lịch sử: “Đầu tiên, con người có ba giống không phải hai giống như
bây giờ – đàn ông và phụ nữ, vì còn có một giống thứ ba kết hợp trong mình
những dấu hiệu của hai giống kia; bây giờ nó đã biến mất, chỉ còn lại tên gọi –
androgyne (lưỡng tính), nó kết hợp trong mình những đặc tính của cả đàn ông và
phụ nữ”.
Trong quyển “Sáng
thế ký” của Kinh Cựu Ước cũng
từng nói về nguồn gốc của con người đầu tiên:
Ngài tạo nên con
người từ đất bụi
Rồi Ngài thổi sinh
khí vào lỗ mũi
Thì con người thành
ra loài sinh linh.
………………………..
A-đam đặt tên các loài súc vật
Các loài chim trời, các loài thú đồng
Nhưng về phần A-đam thì chẳng tìm
Được một ai giúp giống như mình hết.
Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ
Lấy một xương sườn rồi lấp thịt lên.
Đức Chúa Trời tạo nên một người nữ
Là người từ xương sườn của A-đam.
A-đam nói: “người là xương của ta
Người là thịt từ thịt ta mà ra”.
Người này sẽ được gọi là người nữ
Vì nó do nơi người nam mà ra.
Bởi vậy người nam sẽ lìa mẹ cha
Để mà ra dính líu cùng người vợ
Và cả hai nên một thịt giao hòa.
(Sáng Thế Ký: I-7, 20, 25)
Như vậy, Adam đầu tiên là con người “một nửa đàn ông là đàn bà” và chỉ sau đó Đức Chúa Trời mới tạo ra Eva từ một phần cơ thể của Adam.
………………………..
A-đam đặt tên các loài súc vật
Các loài chim trời, các loài thú đồng
Nhưng về phần A-đam thì chẳng tìm
Được một ai giúp giống như mình hết.
Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ
Lấy một xương sườn rồi lấp thịt lên.
Đức Chúa Trời tạo nên một người nữ
Là người từ xương sườn của A-đam.
A-đam nói: “người là xương của ta
Người là thịt từ thịt ta mà ra”.
Người này sẽ được gọi là người nữ
Vì nó do nơi người nam mà ra.
Bởi vậy người nam sẽ lìa mẹ cha
Để mà ra dính líu cùng người vợ
Và cả hai nên một thịt giao hòa.
(Sáng Thế Ký: I-7, 20, 25)
Như vậy, Adam đầu tiên là con người “một nửa đàn ông là đàn bà” và chỉ sau đó Đức Chúa Trời mới tạo ra Eva từ một phần cơ thể của Adam.
Trở lại với tác phẩm “Bữa tiệc”, Platon kể rằng những con người đầu tiên “có bốn tay, bốn chân và mỗi người trên cổ hình tròn có hai khuôn mặt hoàn toàn giống nhau nhìn ra hai phía trái ngược, hai đôi tai, hai bộ phận kín, những gì còn lại có thể hình dung qua những điều đã nói trên. Con người như thế đi lại hoặc là đi thẳng như ta bây giờ, nhưng một trong hai phần về phía trước, hoặc nếu vội thì lăn như bánh xe, điều này cho phép con người chạy nhanh về phía trước. Đã từng có ba giống là vì giống đực có nguồn gốc từ mặt trời, giống cái có nguồn gốc từ đất, còn giống thứ ba - từ mặt trăng, vì mặt trăng kết hợp cả hai. Còn về hình cầu của những sinh vật này và sự đi lăn thì giống với tổ tiên của họ. Bằng sức mạnh khủng khiếp của mình họ nuôi những ý nghĩ to lớn và thậm chí xâm phạm đến cả quyền lực của các vị thần mà Homer nói về Ephialtes và Otus, tức là nói về họ: trèo lên trời để tấn công các vị thần”.
Thế rồi sau đó thần Dớt đã chia đôi họ ra làm hai nửa,
bởi thế mà bây giờ con người luôn đi tìm nửa kia của mình “Đàn ông là một nửa
của sinh vật kia say mê đi tìm phụ nữ, đa số họ thuộc giống này còn phụ nữ đam
mê và phóng đãng với đàn ông. Một số phụ nữ không thật sự ham muốn đàn ông mà
hấp dẫn phụ nữ nhiều hơn và những người đồng tính thuộc giống này. Tuy nhiên,
một số đàn ông vẫn ham mê những gì thuộc đàn ông: từ tuổi ấu thơ, là những sinh
vật giống đực, họ thích nằm và ôm ấp những người đàn ông”. Từ đó mà xuất hiện
tình yêu cùng giới và tình yêu khác giới.
Thời cổ đại tình yêu cùng giới rất phổ biến là do hoàn
cảnh xã hội lúc đó. Ngay cả Athens
văn minh là vậy mà phụ nữ cũng không được tham gia vào mọi hoạt động của đời
sống xã hội. Đàn ông luôn đi tìm những hội riêng của đàn ông và họ cho rằng
tình yêu giữa những người đàn ông với nhau có được sự thỏa mãn tinh thần cao
hơn so với tình yêu giữa đàn ông và phụ nữ. Cuộc đời và thơ ca của nữ nhà thơ
huyền thoại Sappho là một minh chứng cho điều này.
Trong nhiều tôn giáo cổ đại thì mặt trăng, mặt đất và
nước được coi là biểu tượng của nữ tính còn mặt trời, lửa và cái nóng – là biểu
tượng của nam tính. Sự khởi đầu nam tính (ngoại trừ Đát-đặc-la – Tantra) thể
hiện sự chủ động, ý chí và hình thức. Sự khởi đầu nữ tính – thụ động, vâng lời
và vật chất.
Những nhà tư tưởng thời cổ đại nêu ra một số phương
diện của tình yêu mà sau đó được các thời đại khác tiếp tục phát triển. Trước
hết đó là khái niệm về tình yêu, về nỗi khát khao đối với sự toàn vẹn đã mất
cũng như giới hạn giữa tình yêu tâm hồn và tình yêu thể xác. Platon coi tình yêu
là sức mạnh của Thượng Đế giúp cho con người vượt qua sự thiếu hoàn hảo của
mình, giúp cho con người trên bước đường hướng tới đạo đức và cái đẹp vĩnh
hằng.
***
Thời Trung cổ
xã hội châu Âu có sự thay đổi cơ bản về những giá trị đạo đức cũng như những khái
niệm về cuộc sống gắn liền với việc phổ biến rộng rãi của Thiên Chúa giáo. Từ
giữa thế kỷ I Thiên Chúa giáo đã trở thành tôn giáo chính của La Mã. Tôn giáo
này mang lại một quan niệm mới về con người và vị trí của nó trong thế giới,
đóng góp lớn cho lịch sử văn hóa nhân loại, mà trước hết – ý tưởng tình yêu bao
quát là cơ sở của đời sống con người. Tình yêu trong Tân Ước được hiểu rất rộng, hầu như là tất cả mọi mặt của đời sống
gắn liền với Chúa Trời, đề cao tình yêu với người ở bên mình, với người anh em
là bước đầu tiên của tình yêu với Chúa:
Ai người nói rằng yêu Đức Chúa Trời
Mà ghét anh em mình là nói dối
Vì không yêu người anh em nhìn thấy
Thì làm sao yêu không thấy Chúa Trời?
Ta đã từng nhận được điều răn này:
Ai yêu Chúa là yêu anh em vậy!
(Thư thứ nhất của
Giăng: IV-20, 21))
Tình yêu – đó là tất cả:
Giá như tôi nói được nhiều thứ tiếng
Của loài người và của cả thiên thần
Mà trong tôi không có lòng yêu mến
Thì tôi chỉ là não bạt leng keng.
Giá như tôi được ơn nói tiên tri
Biết những cao siêu, biết nhiều bí ẩn
Hay tôi có thể dời non lấp biển
Nhưng thiếu tình yêu tôi chẳng là gì.
(Thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô I: XIII-1, 2)
Không chỉ tình yêu với người yêu mình, Chúa Giê-su
Christ còn dạy cần biết yêu kẻ thù của mình, làm ơn cho kẻ vốn ghét mình, cầu
nguyện cho kẻ sỉ nhục mình, chúc phúc cho kẻ chửi rủa mình:
Nhưng các ngươi là
người nghe, ta nói:
Các ngươi hãy yêu kẻ
thù của mình
Hãy làm ơn cho những
kẻ ghét mình.
Hãy cầu nguyện cho kẻ
sỉ nhục mình
Kẻ rủa mình cũng chúc
phúc như vậy.
(Luca: VI-27)
Và có những lời dạy của Chúa mà con người trần tục có
lẽ không bao bao giờ có thể thực hiện được nếu như trong con người này không có
một tình yêu quên mình một cách tuyệt đối, thí dụ:
Nếu ai vả ngươi vào
má bên này
Hãy đưa luôn má bên
kia cho vả
Còn ai giật của ngươi
chiếc áo ngoài
Thì hãy đưa luôn áo
trong, đừng giữ.
Hễ có ai xin thì hãy
đem trao
Và ai chiếm đoạt thì
đừng đòi lại.
Tuy nhiên:
Muốn người ta làm cho
mình thế nào
Thì hãy làm cho người
ta thế ấy.
(Luca: VI-29, 30)
thì đây đã là một mẫu mực ứng xử mà nhiều vĩ nhân của
những tôn giáo khác cũng đã từng dạy như vậy. Và lòng can đảm để hướng tới một
tình yêu trọn vẹn – đấy cũng là một mẫu mực cho tình yêu của người trần:
Trong tình yêu không
có sợ hãi, nhưng
Tình trọn vẹn sẽ xua
đi nỗi sợ
Bởi vì sợ hãi chính
là đau khổ
Kẻ nhát gan không
trọn vẹn trong tình.
(Thư thứ nhất của
Giăng: IV-18)
Mặc dù tình yêu của người trần thì muôn mặt, Lord
Byron có lý khi ông viết rằng: “Tình yêu lớn là tình của những ai yêu trong lỗi
lầm và sợ hãi”, nghĩa là chỉ những ai yêu mà luôn cảm thấy tội lỗi và yêu trong
sợ hãi mới là tình yêu đẹp. Câu thơ “Tình
mất vui khi đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở” của Hồ Dzếnh
ở một khía cạnh khác cũng nói về điều này. Tuy nhiên, ở đây chúng ta đang nói
về tình yêu qua lăng kính tôn giáo thời Trung cổ – tình yêu vẹn toàn và thánh
thiện chứ không phải tình yêu lớn hay tình yêu đẹp của người trần tục. Tình yêu
là tất cả, tình yêu là mãi mãi dù mọi thứ trên đời này đều là cát bụi, thậm chí
cả những giá trị phi vật thể khác, những thứ tưởng chừng như không bao giờ mất:
Tình yêu thương không
bao giờ lụi tàn
Dù lời tiên tri rồi
cũng hư không
Dù bao ngôn ngữ đến
ngày chấm dứt
Dù cho hiểu biết rồi
cũng về không.
Vì chưng hiểu biết
thì chỉ có ngần
Và ơn tiên tri cũng
là có hạn
Bởi một khi sự vẹn
toàn đi đến
Thì cái có ngần có
hạn về không.
(Thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô I: XIII-8, 9, 10)
……………………..
Sự tham lam, dục vọng của người trần
Những thứ này đều đi qua tất cả
Song những ai vẫn làm theo ý Chúa
Còn đến đời đời, còn đến muôn năm.
(Thư thứ nhất của
Giăng: II-17)
Tình yêu giữa hai người khác giới được coi là một biểu
hiện ích kỷ và lỗi lầm. Thánh Augustine chia hai loại tình yêu: một là tình yêu
trần tục – hướng về địa ngục, một là tình yêu thánh thiện – hướng về thiên
đàng. Tình yêu trần tục là nặng nề, cản trở con người thỏa mãn cái đẹp đích
thực của đời sống. Tình yêu này cần được tẩy rửa thông qua hai điều giáo huấn:
hãy yêu Đức Chúa Trời và yêu người bên mình, người anh em. Đấy là cơ sở của
cuộc sống, là tác nhân đối với sự nhận thức thế giới.
Các nhà tư tưởng Đông La Mã cho rằng tình yêu trong
cuốn “Nhã Ca” là hình thức cao nhất
của sự thể hiện tình yêu Chúa Trời, đấy là cuộc hôn nhân tinh thần. Ở đấy cô
dâu khát khao chàng rể, cô dâu là tâm hồn con người khát khao hòa nhập với
chàng rể (Chúa Trời). Bởi thế mà cô dâu chủ động nói về tình cảm của mình trước
mà không phải chàng rể như trong đời sống trần tục.
***
Sang thời Phục
hưng đề tài tình yêu phát triển mạnh mẽ và hướng tới tất cả những gì trần
tục, những gì thuộc về con người sau khi được giải phóng khỏi sự kiểm soát của
nhà thờ. Khái niệm “tình yêu” trở thành một phạm trù triết học, thực ra là đã
hình thành từ thời Cổ đại nhưng bị thay đổi trong thời Trung cổ.
Giordano Bruno viết về bản chất và ý nghĩa của tình
yêu theo quan niệm Phục hưng một cách rõ ràng nhất: “Tình yêu là tất cả và tác
động đến tất cả. Ai cũng có thể nói về tình yêu và tất cả đều gán với tình
yêu”. Bruno cho rằng tình yêu có sức mạnh vũ trụ, tình yêu là động lực của nhân
loại.
Nhà nhân văn Lorenzo Valla thể hiện tâm trạng của xã
hội đương thời khát khao đạt đến sự thỏa mãn cao độ những nhu nhu cầu của con
người: “Tất cả những gì tồn tại đều hướng tới sự khoái lạc. Không chỉ những
người làm ruộng mà Virgil đã ca ngợi mà cả những người ở thành thị, những người
cao sang cũng như thấp hèn, người Hy Lạp cũng như quân man rợ… tất cả đều chịu
sự chỉ huy và hướng dẫn của Thiên Nhiên”. Thực hiện những mong muốn và dục vọng
của con người theo tự nhiên là tư tưởng trung tâm của thời đại này.
Thời Phục hưng trả con người trở về với thiên nhiên,
xóa nhòa ranh giới giữa đam mê, buông thả và kiềm chế, giữa tình cảm chân thành
và sự chạy theo lạc thú…
***
Tâm điểm chú ý của triết học Thời đại mới là con người với sự khao khát hướng tới cái thiện, sự
hài hòa và hạnh phúc cá nhân, nghĩa là hoàn toàn phủ nhận tư tưởng Trung cổ cho
rằng khởi đầu của con người là tội lỗi. Đặc điểm này gắn liền với việc phát
triển vũ bão của khoa học tự nhiên trong thế kỷ XVII, sự ra đời của chủ nghĩa
tư bản và nhiều phát minh mới trong các lĩnh vực khoa học.
Khái niệm tình yêu giữa hai người khác giới, chính vì
thế, cũng có những thay đổi cơ bản. René Descartes trong một tiểu luận triết
học khẳng định rằng “tình yêu là sự xúc động của tâm hồn, sinh ra từ sự chuyển
động của tâm hồn, thức tỉnh sự hòa nhập với những đối tượng mà tâm hồn ngỡ là
thân thiết”. Những định nghĩa kiểu như vậy không có sự khác nhau giữa tình yêu
đối với người khác giới với tình yêu vật nuôi trong nhà hay tình cảm của một
họa sĩ đứng trước bức tranh vừa vẽ xong. Tình yêu theo Hobbes, Locke và
Condillac – đó là sự khát khao mãnh liệt những gì êm ái, dễ chịu, và chỉ thế.
Quan niệm này được thể hiện rõ nét trong xã hội Pháp
những thập niên trước cách mạng. Đó là việc đề cao thứ tình cảm lẳng lơ, suồng
sã. Tình yêu trong giới quí tộc Pháp trở thành một nghệ thuật ve vãn mà không
hề có sự chân thành. Khái niệm tình yêu, lòng chung thủy trở thành những thứ đồ
lạc mốt, chúng được thay thế bằng sự đam mê chỉ trong phút chốc. Không phải
ngẫu nhiên mà Lamettrie cho rằng giữa sự giao cấu theo bản năng của động vật và
tình yêu của con người không hề có sự khác nhau về nguyên tắc. Trong tác phẩm “Chống Seneca, hay là sự lập luận về hạnh
phúc” Lamettrie viết: “Chúng ta sẽ là những người chống lại phái khắc kỷ.
Họ là những nhà triết học nghiêm khắc, đau khổ và u ám, còn chúng ta sẽ là
những người dẽ tính, vui vẻ và bao dung. Đi sâu vào tâm linh, họ lãng quên thân
xác của mình còn chúng ta xao nhãng tâm linh. Chúng ta đi tìm thứ tình cảm mà
ta thích thú và làm cho cuộc sống của ta dễ chịu. Nếu như ấn tượng trước tình
cảm này ngắn ngủi – ta cảm thấy thích thú, nếu ấn tượng này kéo dài hơn – ta
cảm thấy khoái chá, còn nếu như thường xuyên – thì đó là hạnh phúc. Có một thân
hình cân đối, có vẻ đẹp, trí tuệ, có vẻ duyên dáng, phong nhã, có tài năng và
danh tiếng, có sự thỏa mãn và sự tôn kính, có sức khỏe và giàu có – đấy là
những gì để gọi là hạnh phúc thực sự và trọn vẹn”. Denis Diderot mặc dù nhận
thấy sự khác biệt giữa động vật và con người, vẫn thường xuyên nhấn mạnh sự chế
định bởi mỹ học và sinh lý của tình yêu.
Cả bốn nhà sáng lập Chủ nghĩa duy tâm Đức – Kant, Fichte, Schelling, Hegel – đều bày tỏ
những quan điểm của mình trước hiện tượng này.
Kant là người đầu tiên đưa ra sự khác biệt giữa tình
yêu “thực tế” và tình yêu “cao thượng”. Kant xem xét hiện tượng tình yêu chỉ
theo quan điểm mỹ học và cho rằng tình yêu đối với người khác giới và tình yêu
đối với những người xung quanh thực ra chỉ là một. Đấy là nghĩa vụ và trách
nhiệm, và chỉ thế. Kant cũng cho rằng ở đâu có tình yêu thì ở đó không thể có
quan hệ bình đẳng giữa những con người, vì rằng ai yêu người khác nhiều hơn
người ta yêu mình sẽ cảm thấy ít được quí trọng hơn vì người ta có ưu thế hơn.
Tình yêu vô điều kiện, theo Kant, là không thể, vì rằng tình yêu là nghĩa vụ và
trách nhiệm của mỗi con người, mặc dù cả nghĩa vụ lẫn trách nhiệm đều là tự
nguyện. Có một điểm thú vị trong triết học của Kant là việc ông coi hôn nhân –
đấy là sự sử dụng tự nhiên bộ phận sinh dục của người khác giới một cách hợp
pháp vì mục đích thỏa mãn sự khoái lạc. Và chỉ hôn lễ cùng với việc đăng ký
trước pháp luật biến những gì thuộc về động vật trở thành những gì thuộc về con
người.
Fichte không chia sẻ quan điểm tỉnh táo và thực dụng
của Kant mà coi tình yêu là sự thống nhất của hai cá thể khác giới mà lúc đầu
được chia ra để sau đó lại khát khao hòa nhập với chính mình. Quan điểm hôn
nhân của Fichte cũng rất khắt khe: mặc dù hôn nhân và tình yêu tuy không phải
là một nhưng không nên có hôn nhân mà không có tình yêu và tình yêu mà không có
hôn nhân. Fichte cho rằng đàn ông đồng nghĩa với sự chủ động và phụ nữ đồng
nghĩa với sự thụ động hoàn toàn trong việc buồng the cũng như trong đời sống.
Ngoan ngoãn và vâng lời – đó là những điều cần có trước tiên ở phụ nữ.
Khác với Fichte, Schelling đề cao sự bình đẳng trong
tình yêu. Theo Schelling, mỗi người đều bình đẳng trong việc đi tìm nửa kia của
mình để hòa hợp trong sự tương đồng cao nhất. Schelling cũng không đồng tình
với truyền thuyết về một “giống thứ ba”, có trong mình cả đàn ông lẫn đàn bà – androgyne
(lưỡng tính), vì rằng nếu mỗi con người đi tìm một nửa thì nghĩa là con người
này không thể là một cá nhân đầy đủ được mà chỉ “một nửa”. Trong tình yêu mỗi
con người không chỉ có mong muốn nhận về mà còn đem dâng hiến mình, nghĩa là
khát khao chiếm hữu chuyển thành sự hy sinh và ngược lại. Sức mạnh nhân đôi này
của tình yêu có khả năng chiến thắng lòng thù hận và cái ác. Càng đi sâu, quan
điểm của Schelling càng trở nên thần bí.
Hegel kiên quyết phủ nhận mọi biểu hiện thần bí trong
tình yêu. Theo cách hiểu của Hegel thì Chủ thể đi tìm sự tự khẳng định và sự
bất tử ở tình yêu, mà mục đích này chỉ đạt được khi Đối tượng của tình yêu
tương xứng với Chủ thể, ngang bằng về khả năng. Chỉ khi đó tình yêu mới có được
sức sống và trở thành biểu hiện của cuộc sống.
Hegel xem xét chức năng ràng buộc giữa đàn ông và phụ
nữ qua lăng kính “Hiện tượng luận về tinh
thần”: “Quan hệ chồng và vợ là sự nhận thức trực tiếp của người này ở người
kia và sự tôn trọng lẫn nhau”. Đấy là mối quan hệ tự nhiên mà sẽ trở thành đạo
đức chỉ sau khi họ có con, và chỉ khi đó mối quan hệ này được tô điểm bằng tình
cảm âu yếm và sự tôn kính. Cũng như Fichte, Hegel theo đuổi nguyên tắc chồng và
vợ không bình đẳng trong hôn nhân. Đàn ông có quyền ham muốn dục vọng đồng thời
có sự tự do với nó còn phụ nữ không có quyền này. Thiên chức của phụ nữ là gia
đình.
Đề tài tình yêu và hôn nhân còn được Hegel đề cập
thường xuyên trong các tác phẩm ở giai đoạn sau như: “Triết học Pháp quyền” và “Mỹ
học”.
Trong “Triết học
Pháp quyền” Hegel cho rằng hôn nhân nâng mối quan hệ của hai người khác
giới lên mức độ “nhận thức tình yêu về mặt đạo đức”. Hôn nhân – đấy là “tình
yêu có đạo đức và được pháp luật thừa nhận”, tình yêu này loại trừ sự phản bội.
Đấy là sự hòa nhập tinh thần của hai người và nó đứng “cao hơn những đam mê
tình cờ và thói đỏng đảnh nhất thời”. Đam mê trong hôn nhân là sự cản trở và
không nên có. Hegel cho rằng sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ cũng giống như
sự khác biệt giữa động vật và thực vật: động vật tương đồng nhiều hơn với tính
cách đàn ông, còn thực vật – với tính cách phụ nữ.
Quan điểm tình yêu trong “Mỹ học” đã không còn giống với những suy ngẫm trước đó của chính
Hegel. Trong tác phẩm này Hegel phân biệt tình yêu đích thực như là một thứ
tình cảm riêng tư sâu kín của hai người, khác hẳn với tình yêu tôn giáo cũng
như sự khát khao khoái lạc, đấy là một mức độ mà các nhà tư tưởng Cổ đại, Trung
cổ hay Phục hưng chưa từng đạt đến: “Bản chất đích thực của tình yêu là chối bỏ
nhận thức chính mình, quên mình trong cái “tôi” khác, tuy vậy, trong sự để mất
và lãng quên này tình yêu lại tìm ra chính bản thân mình như vốn có”. Điều này
có nghĩa là: thiếu tình yêu thì ta không phải là ta. Điều này có nghĩa là: một
khi bạn chưa yêu, bạn chưa khám phá ra con người thật của mình như vốn có.
Cũng trong tác phẩm này Hegel từ bỏ sự rập khuôn về
nguyên tắc bất bình đẳng giữa hai giới, và nói rằng: phụ nữ trong tình yêu –
không hẳn là “thực vật” còn đàn ông – không hẳn là “động vật”. “Tình yêu tuyệt
vời hơn tất cả trong tính cách phụ nữ vì rằng trong tính cách này sự chung
thủy, sự quên mình đạt đến đỉnh cao nhất”, – nhà triết học thừa nhận sự vượt
trội về mặt mỹ học của phụ nữ trong tình yêu.
Thời đại mới mang lại những tư tưởng mới mẻ trong sự
phát triển của triết học nói chung, của tình yêu nói riêng. Tình yêu như là sự
khát khao hướng tới sự toàn vẹn được thể hiện trong tác phẩm của đa số các nhà
tư tưởng thời đại này. Họ không lặp lại các thời đại trước đó, họ không lặp lại
nhau hay chính mình, họ tìm thấy ở tình yêu những đường nét mới, họ phân tích
sâu sắc hơn trong cái riêng và tổng hợp, khái quát hơn trong cái chung.
***
Các nhà tư tưởng Cổ đại đã không nghi ngờ về sức mạnh
của tình yêu nhưng tình yêu thời đó như một thứ tình cảm của vũ trụ có thể nảy
sinh cả cái thiện và cái ác. Tình yêu không chỉ là một nhân tố của đời sống
riêng tư mà còn là cả quá trình hoàn vũ, con người tham gia vào quá trình này
nhưng không đóng vai trò quyết định.
Thời Trung cổ phổ biến một thái độ miệt thị đối với
tình yêu thể xác. Phụ nữ bị coi là kẻ có lỗi trong sự lầm lỡ của Adam (ăn trái
cấm và bị đuổi khỏi thiên đàng). Đa số các nhà tư tưởng của thời đại này coi
tình yêu đối với phụ nữ là mối đe dọa đối với sự cứu rỗi linh hồn – bổn phận
lớn nhất của Thiên Chúa giáo. Tình yêu Chúa Trời đối lập với tình yêu thể xác
trong tất cả mọi biểu hiện. Tuy vậy, ở giai đoạn cuối của thời kỳ này tình yêu
giữa đàn ông và phụ nữ được nhận thức là thuộc tính không tách rời của bản chất
con người, xứng đáng với sự kính trọng nhưng chỉ với sự trong trắng và với mục
đích lập gia đình.
Thời đại Phục hưng trở thành thời kỳ quá độ giữa thời
Trung cổ và Thời đại mới. Nét chính của thời đại này là trả lại cho tình yêu
thể xác những quyền lợi của nó, lấn át sự kiểm soát của nhà thờ. Sự khát khao
hướng tới khoái lạc được coi là ý nghĩa cốt lõi của tình yêu.
Thời đại mới nuôi dưỡng trong mình kinh nghiệm của
những thời đại trước đó đã sản sinh ra những nhà tư tưởng kiệt xuất, mà mỗi
người đều có những sự đánh giá về bản chất tình yêu giữa hai người khác giới.
Mỗi học thuyết mang một nét riêng, tuy nhiên, thuyết loài người là trung tâm đã
thống nhất tất cả. Thuyết này trở thành mô típ chủ đạo của toàn bộ ý thức hệ
thời đại mới.