Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Mùa hè rớt


MÙA HÈ RỚT

Đây là một cách dịch của nhà thơ Bằng Việt tên một bài thơ của nữ thi sĩ Olga Berggolts. Babye leto của tiếng Nga nghĩa là hè muộn, là trời ấm đầu thu, còn theo sát nghĩa thì có thể dịch là mùa hè phụ nữ (leto là mùa hè, babye là thuộc về đàn bà con gái). Mùa hè phụ nữ là cách gọi ở nhiều nước Xlavơ. Ở các nước tiếng Đức gọi là “Altweibersommer”. Ở Bulgari và Serbia gọi là “mùa hè Digan”, ở Hà Lan gọi là hè muộn (Nazomer), ở Bắc Mỹ gọi là “mùa hè Indian”, ở Italia gọi là “mùa hè Thánh Martin”, ở Pháp gọi là “mùa hè Thánh Deny” nhưng trong nhiều thập kỷ trở lại đây do sự nổi tiếng của một bài hát của Joe Dassin nên người ta thường gọi như người Bắc Mỹ - Éte indien.
Theo từ điển thì “Babye leto là khi mà những bà già còn có thể sưởi ánh nắng mặt trời”. Cụm từ này còn thể hiện một giai đoạn thời vụ của những người nông dân, khi mùa màng đã thu hoạch xong, phụ nữ bắt đầu làm việc nhà: ngâm lanh rồi dệt vải, muối cà chua, dưa chuột để dùng trong mùa đông băng giá. Đây cũng là giai đoạn mà người ta hoà giải với nhau những bất hoà. Theo một giả thiết khác thì những cụm từ: “mùa hè phụ nữ”, “ngày phụ nữ”, “rét phụ nữ” có từ xa xưa và dựa trên một tín ngưỡng: phụ nữ có khả năng làm cho tiết trời quay trở lại cũng như họ có thể ảnh hưởng đến thời tiết. Điều này cũng giống như “rét nàng bân” của Việt Nam. Người phụ nữ đan xong áo cho chồng thì mùa đông đã hết, nàng tha thiết nhờ trời cho rét lại và ông trời đã đáp ứng yêu cầu của phụ nữ.
Có một câu ngạn ngữ của người châu Âu: “phụ nữ có thể sưởi ấm cả khi mà tất cả đã đều lạnh giá”.


ĐÔI MẮT

Đôi mắt là vũ khí lợi hại nhất của phụ nữ. Vẻ quyến rũ và sức cuốn hút của đôi mắt phụ nữ làm cho đàn ông bị chinh phục và sẵn sàng làm tất cả để giành được ánh mắt đáp lại của người yêu.
Nhưng đàn ông, như chúng ta biết, rất hiếm khi nhìn vào đôi mắt phụ nữ - chi tiết này được ít quan tâm đến nhất. Thật là uổng phí! Vì rằng nhìn vào đôi mắt người ta có thể biết được không chỉ tính cách mà còn tư chất của phụ nữ. Các nhà sinh lý học Nhật Bản cho rằng trong đôi mắt của con người không chỉ có tính cách mà còn quá khứ, hiện tại và tương lai. Bởi thế, nếu bạn có ý định chon người bạn đời thì trước khi đi đến quyết định cuối cùng – hãy nhìn thật kỹ đôi mắt của đối tượng.
Người Nhật có một sự quan sát từ xa xưa cho rằng nếu sự hân hoan trong đôi mắt của phụ nữ mà chưa chạm đến bờ mi dưới thì những người phụ nữ như vậy có tính gây hấn, hay cáu giận và rất dẻo dai. Đôi mắt dài với bờ mi rộng, có vẻ như kéo về phía thái dương là dấu hiệu của sự giàu có trong tương lai. Người có đôi mắt như vậy sẽ khỏe mạnh và hạnh phúc trong tuổi già.
Đôi mắt nhỏ có lông mi thưa là của những người tằn tiện, bủn xỉn và láu lỉnh. Những phụ nữ này rất độc đáo và không hề dại dột nhưng họ có phần quá tinh ranh. Người Nhật cũng cho rằng khi tiếp xúc với những phụ nữ như vậy cần thận trọng.
Những cô gái có đôi mắt to tròn, biết nói và sáng sủa là những người hạnh phúc. Cuộc đời họ có nhiều sự kiện và lắm sự lạ kỳ. Họ nhìn thấy trong tương lai chỉ những điều tốt đẹp. Những người này có một cuộc sống nhẹ nhàng.
Mắt xanh: Những đôi mắt có vẻ yếu đuối và dễ bảo. Bạn chớ ảo tưởng! Những cô gái mắt xanh tuân thủ nguyên tắc “mắt xanh thì không từ chối” nên bạn sẽ không quên được sau những nụ hôn nhưng bạn đạt được gì thì còn phụ thuộc vào tâm trạng của người ta nữa.
Mắt nâu: Đốt lên ngọn lửa khát khao trong nàng không khó nhưng để duy trì được nó thì phức tạp hơn nhiều. Người mắt nâu rất nhạy cảm nhưng lười nhác. Tuy nhiên, người ta không đòi hỏi nhiều ở bạn.
Mắt đen: Những cô gái mắt đen dễ cáu nhưng tính cách tuyệt vời. Nếu như bạn cảm thấy không thật phong độ thì cũng không cần trì hoãn gặp gỡ. Thứ nhất, những người mắt đen rất biết cách tằn tiện. Thứ hai, với tất cả vẻ dịu dàng và trí tưởng tượng phong phú của mình, người ta sẽ làm cho bạn cảm thấy mình là người đàn ông thật sự.
Ánh mắt, cử chỉ biết nói nhiều hơn những lời lẽ thông thường. Đôi mắt của phụ nữ là một cuốn sách mở. Chỉ cần biết cách đọc cho đúng. Nhìn vào đôi mắt không đáy có thể xác định được cảm giác của phụ nữ khi nói chuyện. Nếu một cô gái đưa mắt nhìn sang phía khác trong khi vẫn cố gắng để dõi theo ánh mắt của người đàn ông thì không có nghĩa là cô không quan tâm đến người mà mình đang nói chuyện. Nếu một cô gái trong lúc trò chuyện mà nhìn xuống chân mình hoặc nhìn bốn phía xung quanh, để ý những đồ vật trong phòng thì có nghĩa là sự quan tâm của cô đến người đàn ông không hơn gì cái tủ gương bên cạnh. Nếu phụ nữ trong lúc trò chuyện với đàn ông mà ngẩng đôi mắt bí ẩn nhìn trời và thường xuyên nhìn những thứ ở bên trên hơn là nhìn trực tiếp vào người đang nói chuyện thì bạn không nên hy vọng – nàng không hề có cảm tình.
Trong ánh mắt của phụ nữ người ta thường xuyên cảm nhận được một sức mạnh phi thường mà không thể nào mô tả được, vì rằng điều này chỉ cảm nhận được ở mức đọ tâm linh, nhiều hơn những lời tán dương về sự quan tâm của phụ nữ đối với đàn ông.


CÓ BAO NHIÊU LOẠI TÌNH YÊU

“Tình yêu là câu trả lời thỏa mãn duy nhất cho câu hỏi về sự tồn tại của con người” – Erich Formm viết như thế. Nhưng tình yêu là gì? Chưa từng có ai trả lời câu hỏi này một cách chính xác và đầy đủ, bởi vì tình yêu quá đa dạng về hình thái và thể loại, bởi vì tình yêu có trong tất cả mọi biểu hiện của đời sống con người. Người ta có thể nói về tình yêu thể xác, tình yêu chính bản thân mình, tình yêu với những người xung quanh, tình yêu đất nước quê hương, tình yêu cuộc sống, yêu cái thiện, yêu tự do, yêu quyền lực… Có tình yêu hiệp sĩ, tình yêu lãng mạn, tình yêu cao thượng, tình yêu thực dụng, tình yêu cha mẹ con cái… Có tình yêu đam mê và tình yêu thương hại, có tình yêu nhu cầu và tình yêu quà tặng, tình yêu với người xa và với người gần, tình yêu của phụ nữ và tình yêu của đàn ông….


Từ thời cổ đại cho đến nay có rất nhiều những nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ đã cố gắng phân chia các hình thái biểu hiện của tình yêu. Mặc dù tất cả những cố gắng này đều chưa thể đầy đủ, chưa thể bao quát hết sự đa dạng của thứ tình cảm này.
Dưới đây xin nêu một số ví dụ tiêu biếu từ xưa đến nay.
Người Hy Lạp cổ đại chia tình yêu làm hai loại chính:
- Tình yêu đam mê (Eros), luôn đi với sự điên rồ.
- Tình yêu tĩnh lặng (Philia)
Tình yêu đam mê, cũng như mọi đam mê khác: đột ngột, mạnh liệt, bồng bột, sôi nổi và không kéo dài. Thường đấy là tình yêu thể xác. Philia có phần bền vững và đa dạng hơn nhiều: đấy là tình yêu con người, tình yêu đất nước quê hương. Đấy cũng là tình yêu công danh, yêu quyền lực, yêu tự do, yêu cái thiện, yêu sự giàu có. Đối tượng của tình yêu này, thậm chí, có thể là thói xấu, sự gian dối, tính vụ lợi, lòng tham.
Ngoài ra người Hy Lạp còn có khái niệm: Storge (tình yêu cha mẹ con cái, những người trong gia đình, họ hàng…) và Agape (tình yêu hy sinh, tình yêu quên mình…).
Thời Trung cổ, khái niệm tình yêu có phần thu hẹp hơn về phạm vi. Đấy là tình yêu đối với con người, với Chúa Trời và đôi khi là tình yêu với người khác giới. Điều này gắn liền với việc phổ biến Thiên Chúa giáo từ thế kỷ I ở La Mã.
Nhà triết học, nhà nhân chủng học M. Ficino chia tình yêu ra làm ba loại:
- Tình yêu của chủ thể cao hơn với đối tượng thấp hơn (sự đỡ đầu là một trong những biểu hiện của loại tình yêu này).
- Tình yêu của chủ thể thấp hơn với đối tượng cao hơn (thí dụ như sự kính trọng, ngưỡng mộ).
- Tình yêu ngang bằng. Đấy cũng là cơ sở của chủ nghĩa nhân văn.
Đến Thời đại mới, trong việc phân loại này có thêm những ý tưởng mới. T. Kemper cho rằng có hai yếu tố độc lập trong lý thuyết của ông: quyền lực (khả năng bằng sức mạnh buộc đối tượng làm cái điều mà bạn muốn), và qui chế (khả năng khơi dậy sự mong muốn của người khác để đáp ứng sự đòi hỏi của bạn). Và ông chia tình yêu ra làm bảy loại, gồm:
- Tình yêu lãng mạn – trong tình yêu này cả hai người đều có quyền lực và qui chế như nhau.
- Tình yêu cha mẹ con cái – trong tình yêu này cha mẹ có quyền lực cao và qui chế thấp, còn con cái thì ngược lại.
- Tình bằng hữu – trong tình yêu này hai người có ít quyền hành đối với nhau nhưng họ tự nguyện và vui vẻ hướng về nhau.
- Tình yêu thuyết phục lôi cuốn (Charismatic love) – thí dụ như cặp đôi thầy trò. Ở đây thầy có quyền hành và qui chế ở mức độ cao đối với trò, còn trò thì không hề có quyền lực nhưng vẫn sẵn lòng hướng tới thầy.
- Tình yêu đơn phương – trong tình yêu này một người có quyền lực và qui chế, một người không.
- Sự ngưỡng mộ – đối với một nhân vật văn học chẳng hạn. Nhân vật này không có quyền lực nhưng có qui chế, con người hâm mộ không có cả quyền lực lẫn qui chế.
- Sự phản bội – khi một người có quyền lực và qui chế, còn người kia – chỉ có quyền lực. Thường là trong hôn nhân.
Nhà văn Stendhal cho rằng mọi tình yêu trên đời này sinh ra, tồn tại rồi chết hoặc trở thành bất tử đều theo qui luật chung cả. Và ông chia tình yêu làm bốn loại:
1. Tình yêu đam mê
2. Tình yêu cảm tình
Tình yêu đam mê buộc chúng ta phải biết hy sinh quyền lợi của mình, còn tình yêu cảm tình thì luôn cần sự thích ứng, tình yêu này có sự tính toán.
3. Tình yêu thể xác
Dù bạn là người khô khan hay kẻ bất hạnh nhưng từ 16 tuổi trở lên là bạn đã biết yêu.
4. Tình yêu danh vọng
Thói hư danh dẫn đến đam mê cháy bỏng.
Nhà văn L. Tolstoy chia tình yêu làm ba loại: tình yêu đẹp, tình yêu quên mình và tình yêu hành động. “Những người thích tình yêu đẹp – nhà văn viết – rất ít quan tâm đến sự đền đáp cũng như hoàn cảnh vì không có chút ảnh hưởng nào đến sắc đẹp hay sự thích thú của tình cảm. Những người này thường thay đổi đối tượng của tình yêu. Loại tình yêu thứ hai – là tình yêu quên mình, đó là sự hy sinh vì người mình yêu mà không cần biết người yêu tốt lên hay xấu đi vì sự hy sinh ấy. Loại tình yêu thứ ba là tình yêu hành động. Đó là sự khát khao thỏa mãn tất cả những mong muốn, những nhu cầu, những thói đỏng đảnh, thậm chí cả những tật xấu của người mình yêu”.
Nhà triết học, nhà văn A. Ivin chia tình yêu thành chín bậc như sau:
- Bậc thứ nhất – đấy là tình yêu với người khác giới và tình yêu đối với bản thân mình. Hai loại tình yêu này bao quát hầu như mọi hình thái khác của tình yêu mà không phụ thuộc vào đối tượng của nó. Thông thường khi người ta nói “tình yêu” nói chung thì cũng có nghĩa là tình yêu giữa đàn ông và phụ nữ.
- Bậc thứ hai – đấy là tình yêu đối với con cái, cha mẹ, anh chị em và cả những người có liên quan đến cuộc sống của mình… Cần nói thêm ở đây rằng tình yêu của mẹ và của cha đối với con cái là không giống nhau. Nếu tình yêu của người mẹ đối với con là vô điều kiện, tình yêu này ở trong bản chất tự nhiên của người mẹ thì tình yêu của cha phụ thuộc vào vẻ ngoài, tính cách và cư xử. Khác với tình yêu của mẹ, tình yêu của cha dành cho con cái chỉ xứng đáng khi con cái thực hiện mọi yêu cầu và tương xứng với sự mong đợi của cha.
- Bậc thứ ba – đấy là tình yêu đối với con người. Tình yêu này bao gồm cả tình yêu đối với bản thân mình và tình yêu với người khác nói chung. Còn nói riêng là tình yêu đối với thế hệ tương lai, gắn liền với trách nhiệm: mỗi thế hệ đều mong để lại cho thế hệ sau tất cả những gì mình đã nhận được từ thế hệ trước cả về số lượng cũng như chất lượng.
- Bậc thứ tư – đấy là tình yêu Tổ quốc, yêu Chúa Trời, Phật… và tình yêu cuộc sống.
- Bậc thứ năm – đấy là tình yêu đối với thiên nhiên, với vũ trụ, về sự thống nhất của con người và thế giới trong sự tác động lẫn nhau.
- Bậc thứ sáu – là tình yêu chân lý, yêu cái thiện, yêu cái đẹp, yêu sự công bằng, chính nghĩa. Socrates từng nói rằng sự công bằng là cao hơn tất cả - hơn cả cuộc sống, hơn cả con cái. Nhưng Aristotle cho rằng tất cả mọi người đều đánh giá cao sự công bằng những mỗi người cảm nhận theo cách của mình.
- Bậc thứ bảy – đấy là tình yêu sáng tạo, yêu công danh, yêu công việc của mình, yêu tự do, yêu giàu có.
- Bậc thứ tám – đấy là tình yêu (chính xác hơn là thích), thích trò chơi (chơi lô, chơi đề, chơi xổ số, chơi game), thích trò chuyện, thích sưu tập, thích du lịch vv…
- Bậc thứ chín – đấy là bậc cuối cùng, đã sát đất nên hầu như không còn là bậc của tình yêu nữa. Đấy là sở thích ăn uống và sở thích nói tục. Mặc dù chỉ là sở thích, là đam mê mà không thể đặt gần kề với tình yêu con người hay tình yêu Thượng Đế nhưng trong một mức độ nào đó vẫn có sự liên hệ với tình yêu.
Theo sơ đồ này chúng ta dễ dàng nhận thấy là càng đi xa khỏi tâm điểm thì tình càng ít và vai trò của xã hội càng tăng lên. Thí dụ tình yêu với người khác giới và tình yêu cha mẹ con cái theo suốt cuộc đời người, tình yêu sáng tạo hay công danh thì cũng chỉ trong một phần của cuộc đời người, còn sở thích trò chơi, thích sưu tập hay du lịch – đấy chỉ là một mảng của đời sống. 

Phân loại tình yêu của các nhà tâm lý học



1. Tình yêu như một căn bệnh
Nhà tâm lý học người Mỹ Dorothy Tennov trong cuốn sách “Tình yêu và sự phải lòng” (Love and Limerence) miêu tả tình yêu nồng nàn lãng mạn như một cơ chế sinh học mù cung cấp cho tổ tiên của chúng ta khả năng không chỉ sinh sôi nảy nở, mà còn thời gian để nuôi dạy con cái với nhau. Tennov không nghĩ rằng sự phải lòng là tình yêu đích thực mà mô tả nó như là một trạng thái bệnh có những triệu chứng sau đây.
1. Liên tục suy nghĩ về đối tượng của sự phải lòng.
2. Nhu cầu mãnh liệt và đau đớn về tình cảm đáp lại của đối tượng.
3. Cảm giác hưng phấn trong trường hợp được đáp lại.
4. Tập trung vào đối tượng đến mức mà người ta có thể bỏ qua những trách nhiệm quan trọng và không giải quyết những vấn đề cấp thiết.
5. Nhận thức biến dạng về đối tượng, thường đi với mê sảng. Trong khi đó, những phẩm chất tích cực của đối tượng được phóng đại, và những mặt tiêu cực hoặc bỏ qua, hoặc được coi là hấp dẫn.
6. Có sự lôi cuốn tình dục mạnh mẽ với đối tượng.
Tennov nhấn mạnh rằng mặc dù sự phải lòng và mong muốn đơn giản để có quan hệ tình dục - không phải là một, nhưng sự phải lòng mà không hấp dẫn giới tính là không tồn tại, bởi vì nó là cơ sở của sự phải lòng. Cũng theo ý kiến ​​của Tennov, việc chữa lành “bệnh tình” là hầu như không thể. Chỉ có hai phương thuốc cho bệnh này. Thứ nhất – cắt đứt mọi quan hệ với đối tượng. Cách này rất đau đớn và đôi khi dẫn đến sự trầm uất nhưng với một người bình thường, việc này sẽ đi qua nhanh chóng. Một cách khác – bắt đầu quan hệ. Đặc điểm “đau đớn” của sự phải lòng ở chỗ nó chỉ biến mất thường là từ 1 đến 4 năm sau. Không ngẫu nhiên mà người ta cho rằng sau 4 năm chung sống, người ta thường ly dị.
Tuy nhiên Tennov không coi dự báo cho các cặp là nhất thiết phải bi quan. Ngoài sự phải lòng, nó cũng làm nổi bật một tình yêu thật sự mà có không ít các cặp vợ chồng sống hạnh phúc với nhau suốt đời. Một tình yêu như vậy có phần “tĩnh lặng” hơn: nó không ám ảnh bởi người khác và không giống với chứng điên rồ.

2. Tình yêu như chất hóa học
Một số lượng lớn các công trình khoa học đề cập đến tình yêu lãng mạn với quan điểm sinh lý tầm thường - các nhà khoa học quan tâm đến các quá trình sinh hóa trong cảm xúc lãng mạn. Ví dụ, trong một thí nghiệm, người phỏng vấn là một cô gái trẻ đã cho các chàng trai số điện thoại mình sau khi phỏng vấn. Hóa ra là đàn ông thường gọi cho cô ấy, nếu trước đó họ đã vượt qua một con sông ở miền núi – sự hưng phấn từ hoạt động cơ thể góp phần tăng sự quan tâm lãng mạn. Một số hormon và các chất khác có liên quan với tình yêu, cụ thể là.
1. Phenylethylamine – một chất có số lượng rất nhỏ được sản xuất trong não. Chất này chịu trách nhiệm về tình yêu “điên rồ”. Về hành động, chất này tương tự như chất cocaine hay các chất kích thích khác, do đó làm cho người ta cảm thấy phấn khích, hưng phấn và ham muốn tình dục khi yêu. Rất tiếc, ảnh hưởng của phenylethylamine chỉ có tính tạm thời, người ta sẽ quen và không còn bị “phản ứng hóa học” tương tự lôi kéo.
2. Oxytocin. Rất may, ngoài phenylethylamine còn có oxytocin – một loại hormon được sản xuất trong não và tác động đến cơ quan sinh dục (cả nam và nữ), nó cũng thúc đẩy sự ra đời của sữa cho con bú. Ngoài việc trên, oxytocin chịu trách nhiệm về độ nhạy cảm với sự vuốt ve. Chính chất này làm cho chúng ta muốn được “ôm ấp” và nó cũng giúp chúng ta chống lại stress. Mức độ oxytocin trong máu tăng lên khi giao tiếp với những người thân yêu. Oxytocin có khả năng gắn kết ta với người và giữ mối quan hệ khi mà phenylethylamine đã ngừng hoạt động.
Một điều thú vị: nếu một người càng quan tâm đến bản thân mình tốt hơn thì càng có được sự cân bằng của hai chất này và sự lựa chọn bạn đời càng thành công hơn.

3. Tình yêu như một tam giác
Nhà tâm lý học Zick Rubin đề xuất xem xét tình yêu lãng mạn như một bộ ba yếu tố – sự quyến luyến, quan tâm và gần gũi:
1. Quyến luyến – nhu cầu có sự quan tâm, động viên và tiếp xúc cơ thể với một người khác. Ví dụ, muốn than thở với người thân yêu nếu bạn bị bệnh hoặc cảm thấy cô đơn.

2. Quan tâm – lo lắng đến nhu cầu của người khác và hạnh phúc nhiều hơn chính họ. Cảm giác quan tâm làm cho chúng ta đặt trước quyền lợi của người khác lên trên hết, lo lắng về nó, mong muốn giúp đỡ và an ủi.
3. Sự gần gũi – có nghĩa là những suy nghĩ, mong muốn và cảm xúc chung đã gắn kết hai người với nhau. Càng gần gũi, càng có nhiều sự tin tưởng giữa con người, càng có nhiều mong muốn chia sẻ ý tưởng và cảm xúc.
Căn cứ vào ba thành phần này Rubin lập nên một thang bậc mà theo nghĩa đen, chúng ta có thể đánh giá “sức mạnh của tình yêu”.

4. Tình yêu như một bảng màu
Trong cuốn sách “Màu của tình yêu” nhà tâm lý học John Alan Lee không xem xét bản chất của tình yêu lãng mạn mà các biến thể của nó. Ông so sánh tình yêu với một bảng màu. Bảng này có ba màu cơ bản và Lee tin rằng có ba phong cách cơ bản của tình yêu. Ông gọi tên chúng rất đẹp và theo kiểu Hy Lạp – Eros, Ludos và Storge:
1. Eros - tình yêu đối với người lý tưởng.
2. Ludos - tình yêu như trò chơi.
3. Storge - tình yêu như tình bạn.
Tiếp tục tương tự với bảng màu, Lee cho rằng ba màu chính có thể được kết hợp để tạo ra màu sắc bổ sung. Kết quả là một tình yêu có 9 hình thái. Thí dụ, nếu bảng màu tình yêu pha trộn Eros và Ludos, bạn nhận được Mania – tình yêu ám ảnh. Tương tự như vậy, nếu trộn Ludos và Storge, bạn sẽ có Pragma – một tình yêu thực tế và thực dụng. Còn nếu trộn Eros và Storge, bạn sẽ có được Agape – tình yêu vị tha và từ bi.

5. Tình yêu như  tình bạn
Một trong những nhà kinh điển của “Tâm lý tình yêu”,  Elaine Hatfield và cộng sự đã xác định hai loại tình yêu: đam mê và từ bi.
1. Tình yêu đam mê gắn liền với cảm xúc mạnh mẽ và không kiểm soát được. Theo Hatfield, nó phụ thuộc vào sự giáo dục của chúng ta và hoàn cảnh ngẫu nhiên – tình huống hoặc bất kỳ đặc điểm cá nhân nào đó của người đó cho ta biết rằng đấy là “lãng mạn” – và não bộ nhận được tín hiệu yêu.
2. Tình yêu từ bi có một phẩm chất hoàn toàn khác, lý tưởng  về một tình yêu đam mê nên chuyển sang tình yêu từ bi. Tình yêu này được dựa trên những giá trị chung, và nó có thể được gọi là tình yêu – tình bạn, khi mà người ta chỉ đơn giản là thích trò chuyện hoặc dành thời gian với nhau.
3. Tình yêu hoàn hảo, có thể là sự kết hợp một tình yêu đam mê và tình yêu – tình bạn ổn định nhưng theo Hatfield, nó rất hiếm khi. Đó là lý do tại sao những cặp vợ chồng có những giá trị văn hóa, đạo đức và thế giới quan chung chịu đựng tốt hơn khi niềm đam mê đã tắt.


TÌNH YÊU VÀ SỰ NGU ĐẦN

Các nhà khoa học Italia mới đây đã khẳng định một chân lý của dân gian: khi yêu con người ta ngu hơn. Trong quá trình nghiên cứu máu của những người yêu nhau, họ nhận thấy lượng protein, chất giúp thực hiện liên kết hóa học giữa các tế bào thần kinh, giảm đến 40 %. Vì điều nàyphản ứng của con người bị chậm lại.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã tìm thấy điểm tương đồng giữa giai đoạn đầu tiên của tình yêu chứng loạn thần kinh chức năng do bị ám ảnh. Sau 6-18 tháng, giai đoạn đầu tiên của tình yêu hoặc sẽ qua đi, hoặc sẽ phát triển thành một cảm giác điềm tĩnh, khi đó mức protein trong máu sẽ tăng lên.


NHỮNG CON SỐ VỀ TRÁI TIM NGƯỜI

1. Trái tim của một người trưởng thành đập khoảng 72 lần trong một phút, 100.000 lần mỗi ngày, 3,6 triệu lần mỗi năm và 2,5 tỷ lần trong đời.

2. Vòi nước ở bếp cần mở hết cỡ trong suốt 45 năm để đổ lượng nước tương đương với lượng máu do trái tim chuyển đi trong một cuộc đời có tuổi thọ trung bình.
3. Khối lượng máu mà tim chuyển đi có thể dao động từ 5 đến 30 lít trong một phút.
4. Mỗi ngày, tim sản xuất đủ năng lượng để chạy xe 32 km. Suốt cả một đời, điều này tương đương với một chuyến đi đến mặt trăng và quay trở lại.
5. Bởi vì trái tim tạo ra xung lực điện của chính nó, tim có thể tiếp tục đập ngay cả khi tách ra khỏi cơ thể miễn là còn nhận đủ lượng oxy.
6. Nhịp tim trong bào thai nhiều khoảng gấp hai lần so với ở người lớn, khoảng 140 nhịp mỗi phút. Khi bào thai đạt đến 12 tuần thì con tim sẽ chuyển 28 lít máu trong một ngày.
7. Trái tim cung cấp máu cho hầu như tất cả 75 nghìn tỷ tế bào của cơ thể. Việc cung cấp máu chỉ không có trong giác mạc.
8. Suốt cuộc đời người có tuổi thọ trung bình, con tim bơm đi khoảng 5,7 triệu lít máu.
9. 5% lượng máu dự trữ nằm ở trong tim, 15-20% vào não và hệ thần kinh trung ương, 22% đi đến thận.
10. Trái tim tạo ra nhịp đập khi van tim đóng lại.
11. Trái tim bắt đầu đập sau khi thụ thai bốn tuần, và sẽ không dừng lại cho đến khi chết.
12. Một em bé sơ sinh có khoảng một chén máu trong lưu thông.
13. Người Ai Cập cổ đại tin rằng trái tim và các cơ quan chính khác có thể xáo trộn bên trong cơ thể theo ý muốn.
14. Platon cho rằng tư duy bắt nguồn từ não bộ, còn niềm đam mê – từ trong trái tim.
15. Cocaine ảnh hưởng đến các hoạt động của tim và gây ra co thắt của các động mạch, có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ ngay cả ở những người khỏe mạnh.
16. Con tim phụ nữ thường đập nhanh hơn tim của đàn ông. Nam giới – khoảng 70 nhịp mỗi phút, phụ nữ – 78.
17. Khi cơ thể trong tình trạng nghỉ ngơi, máu chỉ mất 6 giây để đi từ trái tim đến phổi và quay trở lại, 8 giây để đi đến não bộ và trở lại, 16 giây để đi đến các ngón tay và trở lại.
18. Bác sĩ người Pháp, Rene Laennec (1781-1826) phát minh ra ống nghe khi ông cảm thấy ép tai vào ngực của những bệnh nhân nữ có kích thước ngực quá lớn là bất tiện.
19. Bác sĩ Erasistratus (304-250 trước Công nguyên) là người đầu tiên cho rằng trái tim hoạt động như một cái bơm.
20. Galen cho rằng trái tim tự sản xuất máu. Tuy nhiên, việc phát hiện hệ thống tuần hoàn máu của William Harvey năm 1616 cho thấy trong cơ thể có một lượng máu nhất định và di chuyển theo một vòng tròn.

Những cuộc chiến vì những điều vớ vẩn


*Do người đẹp Helen bị bắt cóc mà người Tơ-roa và người Hy Lạp đã xung đột với nhau, dẫn đến cuộc chiến Tơ-roa đẫm máu trong một thời gian dài. Có vẻ như ở Hy Lạp đâu có thiếu gì những người đẹp. Thế mà không! Cả hai bên đều quyết tâm chiến đấu đến cùng.
*Ở New York đã từng có một cuộc chiến giữa người Anh và người thổ dân da đỏ từng sống hòa thuận ở Manhattan. Nhưng rồi người Anh đã nghĩ ra một cớ: bắt một cô gái người da đỏ ăn trộm đào trong vườn của một quan chức người Anh để tách hẳn người da đỏ. Điều này đã đi vào lịch sử với tên gọi “chiến tranh quả đào”.
*Vì một chuỗi ngọc trai bị lấy cắp mà hai bộ tộc Viking đánh nhau suốt 4 năm trời. Sau này thiên hạ nói rằng vì cuộc chiến này bây giờ có hai dân tộc: Na Uy và Thụy Điển (vốn từ một gốc mà ra). Mà chuỗi ngọc trai này cũng không có gì đặc biệt, thậm chí, còn không được coi là đẹp.
*Các Quốc vương của Pháp và Tây Ban Nha vốn rất hay chửi bới và xung đột với nhau vì phụ nữ. Đôi khi một ông vua xứ này quyến rũ một người đẹp, một người tình… sau đó hóa ra đấy là người ruột thịt của dòng họ vua xứ kia… Vì những chuyện như vậy mà giữa Pháp và Tây Ban Nha từng xảy ra ít nhất 4 cuộc chiến tranh, cuộc chiến lâu nhất kéo dài tới bảy năm rưỡi. 
*Còn người Anh thì vẫn thường xung đột với người Tây Ban Nha và người Bồ Đào Nha về chuyện đất đai. Đã đành, đấy là đất đai ở châu Phi nhưng có lần suốt 4 năm trời người Anh đã chiến đấu với người Bồ Đào Nha để giành một hòn đảo, mà sau đó người ta mới biết là hòn đảo này chỉ bé bằng một pháo đài. Người đưa tin đã mô tả sai qui mô trên bản đồ.
*Ở Brazil từng xảy ra cuộc chiến kéo dài ba năm rưỡi vì hai vị quan chức cao cấp giành nhau 4 hộp xì-gà Habana.
*Ở châu Phi từng xảy ra một cuộc chiến đẫm máu chỉ vì những điều vớ vẩn. Năm 1834 một già làng cãi nhau với một già làng khác vì một con bò bị mất. Có thể con bò đã bị thú dữ ăn thịt nhưng nhiều người đã dứt khoát là nó bị bên kia bắt. Thế là xảy ra chiến tranh, suốt hai năm cả hai bộ tộc giết nhau đến người cuối cùng.
*Tướng quân Shōgun trong một buổi tiếp vị sứ dâng cống đã nổi giận vì người này đã không chấp hành đúng nghi thức: đứng xa cách ngai vàng hơn nửa mét và khi quì xuống dâng ngọc châu đã đứng dậy sớm hơn nửa phút. Hận thù giữa Samurai và con cháu Shōgun kéo dài suốt 250 năm, tàn phá tan hoang 2/3 đảo Hokkaido với 150 ngàn người chết.
*Cuộc chiến tranh đồi mồi kéo dài suốt 500 năm xuất phát từ việc một vị sứ của quốc gia lân bang đã không chịu cúi xuống nhặt chiếc lược đồi mồi do hoàng hậu đánh rơi, khi tiếp kiến Hoàng đế Assyria.


NHỮNG SỰ THẬT VỀ TÌNH YÊU

1. Từ xa xưa vốn đã có một điều rằng mồ hôi là thành phần chính trong nước hoa và thuốc sắc của tình yêu.
2. Vua Aztec, Montezuma ở Mexico cho rằng sô-cô-la là “thuốc tình yêu” và uống 50 ly sô-cô-la trong một ngày những khi đến khuê phòng có 600 bà vợ.
3. Hầu hết mọi người yêu nhau khoảng năm lần trước khi kết hôn.
4. Một số người nói rằng chưa bao giờ yêu là vì họ bị suy tuyến yên, một căn bệnh hiếm hoi không cho phép người ta cảm nhận được cảm xúc của tình yêu.
5. Đoạn tuyệt tình cảm thường dẫn đến sự xuất hiện “tình yêu trắc trở” làm cho một số người yêu cái người đã phụ bạc mình một cách mãnh liệt hơn.
6. Thuật ngữ “tình yêu” có nguồn gốc từ “lubhyati” (tiếng Phạn) có nghĩa là “mong muốn”.
7. Người ta cho rằng thuật ngữ quần vợt “love” nghĩa là “không có điểm” xuất hiện vào năm 1792 và có nghĩa là “chơi như tình yêu” nghĩa là “vô tư”. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng “love”, nghĩa là điểm số không, bắt nguồn gốc từ tiếng Pháp “L'Oeuf” (trứng) vì vẻ ngoài giống con số không.
8. Nhẫn cưới thường được đeo ở ngón áp út của bàn tay trái vì người Hy Lạp cổ đại cho rằng ven “amoris” hay “ven tình yêu” qua ngón này rồi đi thẳng vào trái tim.
9. Tinh dịch có thể thúc đẩy tình yêu. Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng tinh dịch chứa dopamine (hormone của tình yêu) và norepinephrine, kể cả tyrosine và các axít amin cần thiết cho não để sản xuất dopamine.
10. Biểu tượng của tình yêu, Cupid hoặc Eros (Thần tình yêu), xuất phát từ tình trạng hỗn mang và đại diện cho sức mạnh nguyên thủy của tình yêu và dục vọng.
11. Đàn ông châu Âu thích phụ nữ với chu vi vòng eo khoảng 70% của chu vi mông. Trong các vẻ đẹp cổ điển như Venus de Milo, Audrey Hepburn và ngay cả Twiggy, tỷ lệ đó là 70%.
12. Khi ai đó yêu, các mạch thần kinh phản ứng với dư luận bị ức chế. Vì vậy, người đang yêu không quan tâm đến ý kiến ​​của bạn bè và thân nhân về đối tượng tình yêu của mình.
13. Các nghiên cứu về tâm lý của sinh viên, những người vừa bị người yêu từ chối, cho thấy rằng có sự hoạt động mạnh mẽ trong phần não chuyên nhận biết về nỗi đau thể chất.
14. Thuốc chống trầm cảm (antidepressant) giúp cho sự biến mất của tình yêu, vì chúng tăng lượng serotonin. Một lượng lớn serotonin làm giảm cảm xúc và ngăn chặn những suy nghĩ ám ảnh về người yêu dấu, như là một thành phần quan trọng của tình yêu.
15. Các nhà tâm lý học cho rằng ta thường yêu những người giống cha mẹ của ta, với những người mà ta vẫn chưa giải quyết được các vấn đề trong thời thơ ấu. Không nghi ngờ gì cả, chúng ta mong muốn giải quyết những vấn đề kia ở tuổi trưởng thành.
16. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng nếu một người đàn ông và phụ nữ gặp gỡ trong một tình huống khẩn cấp, xác suất mà họ sẽ yêu nhau cao hơn nhiều so với trong trường hợp bình thường, ví dụ như ở văn phòng.
17. Khao khát được yêu cũng giống như quan hệ tình dục và cơn đói, là một nhu cầu sinh học nguyên thủy.
18. Trong nhiều nền văn hóa người ta sử dụng nút thắt như là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu, cái này không có bắt đầu cũng như kết thúc. Các cô gái Hồi giáo gửi những bức thư tình cho người yêu dấu trong hình các nút thắt phức tạp.
19. Người ta tin rằng cỏ bốn lá (four-leaf clover) mang lại may mắn nhưng nó cũng là một phần trong mê tín dị đoan tình yêu của người Ailen: nếu một người phụ nữ ăn cỏ bốn lá, suy nghĩ về một người đàn ông thì người này sẽ yêu cô ấy.
20. Thời kỳ tán tỉnh, yêu nhau càng lâu càng có triển vọng cho một cuộc hôn nhân lâu dài. Những người trải qua những đam mê mãnh liệt trong những ngày đầu yêu nhau thường xuyên ly dị hơn.
21. Tình yêu kéo dài chỉ hơn năm một chút, bộ não có khả năng  sinh học lưu giữ trạng thái của hạnh phúc lãng mạn.
22. Phụ nữ cảm thấy được yêu, khi nói chuyện mặt đối mặt với người tình còn đàn ông, ngược lại, họ cảm thấy sự thân mật trong giao tiếp khi họ làm việc, chơi đùa, hoặc trò chuyện mà ngồi bên cạnh người yêu dấu.
23. Đàn ông chịu đựng và khoan dung hơn phụ nữ khi đi tìm kiếm một người cho mối quan hệ ngắn hạn, nhưng bắt bẻ, xét nét hơn phụ nữ rất nhiều, nếu họ muốn đi đến hôn nhân.
24. Các cặp vợ chồng trên toàn thế giới thường ly hôn trong năm thứ tư của hôn nhân. Sau bốn năm chung sống, nói chung mọi việc ổn định đến khoảng tám năm.
25. Trung bình, đàn ông khắp thế giới kết hôn với những phụ nữ trẻ hơn họ ba tuổi.


Triết học của tình yêu


1
Suối vẫn đổ về sông
Sông trôi về biển cả
Ngọn gió đời muôn thuở
Tha thiết đắm say tình.
Nào có ai cô đơn
Theo luật trời thần thánh
Mọi thứ đều hòa quyện
Sao em và anh không?...

2
Nhìn núi hôn trời xanh
Sóng xô vào sóng khác
Làm sao tha thứ được
Hoa rẻ rúng bạn tình.
Và nắng ôm đất lành
Và trăng hôn biển cả
Nhưng thảy đều vô nghĩa
Nếu em chẳng hôn anh!

Xin lấy bài thơ Love’s Philosophy của Shelley để mở đầu bài viết về một hiện tượng còn nhiều bí ẩn nhất trong thế giới tinh thần của con người. Sự phức tạp ở chỗ trong thứ tình cảm này tất cả hòa nhập vào một khối thống nhất: thể xác và tâm hồn, cá nhân và xã hội, riêng tư và nhân loại, hiểu được và không thể hiểu được... Không có xã hội nào, không một con người nào mà không có tình yêu. Mặt khác, thiếu tình yêu thì không thể hình thành tư cách đạo đức con người một cách bình thường và có một sự phát triển bình thường. Tình yêu có thể phát triển ở những mức độ khác nhau nhưng không thể không có. Dưới đây là sự khái quát những quan niệm về tình yêu đi theo sự phát triển tư tưởng của nhân loại, từ thời Cổ đại qua thời Trung cổ, Phục hưng cho đến Thời đại mới.

Có nhiều ý kiến cho rằng thời Cổ đại chưa có tình yêu, mà hiện tượng này chỉ xuất hiện vào thời Trung cổ, bởi vì tình yêu là cảm xúc mạnh và riêng tư mà nhận thức của người cổ đại chưa đạt tới. Trong xã hội cổ đại thì những quan niệm về nhân cách còn ở trong tình trạng phôi thai, cá nhân hòa vào tập thể, nơi mà mọi hành động của từng cá nhân bị phụ thuộc vào quyền lợi của cả tập thể, do vậy tình yêu cũng ở trong tình trạng đó. Tuy nhiên những giả thiết trên đây cũng không phải là cơ sở đầy đủ để phủ nhận hoàn toàn tình yêu giữa đàn ông và phụ nữ thời cổ đại.
Trong đối thoại “Bữa tiệc”, nhà triết học Platon đã kể một huyền thoại về những con người trong buổi đầu của lịch sử: “Đầu tiên, con người có ba giống không phải hai giống như bây giờ – đàn ông và phụ nữ, vì còn có một giống thứ ba kết hợp trong mình những dấu hiệu của hai giống kia; bây giờ nó đã biến mất, chỉ còn lại tên gọi – androgyne (lưỡng tính), nó kết hợp trong mình những đặc tính của cả đàn ông và phụ nữ”.
Trong quyển “Sáng thế ký” của Kinh Cựu Ước cũng từng nói về nguồn gốc của con người đầu tiên:
Ngài tạo nên con người từ đất bụi
Rồi Ngài thổi sinh khí vào lỗ mũi
Thì con người thành ra loài sinh linh.
………………………..

A-đam đặt tên các loài súc vật 
Các loài chim trời, các loài thú đồng 
Nhưng về phần A-đam thì chẳng tìm 
Được một ai giúp giống như mình hết.

Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ 
Lấy một xương sườn rồi lấp thịt lên. 
Đức Chúa Trời tạo nên một người nữ 
Là người từ xương sườn của A-đam. 

A-đam nói: “người là xương của ta 
Người là thịt từ thịt ta mà ra”. 
Người này sẽ được gọi là người nữ 
Vì nó do nơi người nam mà ra. 

Bởi vậy người nam sẽ lìa mẹ cha 
Để mà ra dính líu cùng người vợ 
Và cả hai nên một thịt giao hòa. 

(Sáng Thế Ký: I-7, 20, 25)
Như vậy, Adam đầu tiên là con người “một nửa đàn ông là đàn bà” và chỉ sau đó Đức Chúa Trời mới tạo ra Eva từ một phần cơ thể của Adam.
     
Trở lại với tác phẩm “Bữa tiệc”, Platon kể rằng những con người đầu tiên “có bốn tay, bốn chân và mỗi người trên cổ hình tròn có hai khuôn mặt hoàn toàn giống nhau nhìn ra hai phía trái ngược, hai đôi tai, hai bộ phận kín, những gì còn lại có thể hình dung qua những điều đã nói trên. Con người như thế đi lại hoặc là đi thẳng như ta bây giờ, nhưng một trong hai phần về phía trước, hoặc nếu vội thì lăn như bánh xe, điều này cho phép con người chạy nhanh về phía trước. Đã từng có ba giống là vì giống đực có nguồn gốc từ mặt trời, giống cái có nguồn gốc từ đất, còn giống thứ ba - từ mặt trăng, vì mặt trăng kết hợp cả hai. Còn về hình cầu của những sinh vật này và sự đi lăn thì giống với tổ tiên của họ. Bằng sức mạnh khủng khiếp của mình họ nuôi những ý nghĩ to lớn và thậm chí xâm phạm đến cả quyền lực của các vị thần mà Homer nói về Ephialtes và Otus, tức là nói về họ: trèo lên trời để tấn công các vị thần”.
Thế rồi sau đó thần Dớt đã chia đôi họ ra làm hai nửa, bởi thế mà bây giờ con người luôn đi tìm nửa kia của mình “Đàn ông là một nửa của sinh vật kia say mê đi tìm phụ nữ, đa số họ thuộc giống này còn phụ nữ đam mê và phóng đãng với đàn ông. Một số phụ nữ không thật sự ham muốn đàn ông mà hấp dẫn phụ nữ nhiều hơn và những người đồng tính thuộc giống này. Tuy nhiên, một số đàn ông vẫn ham mê những gì thuộc đàn ông: từ tuổi ấu thơ, là những sinh vật giống đực, họ thích nằm và ôm ấp những người đàn ông”. Từ đó mà xuất hiện tình yêu cùng giới và tình yêu khác giới.
Thời cổ đại tình yêu cùng giới rất phổ biến là do hoàn cảnh xã hội lúc đó. Ngay cả Athens văn minh là vậy mà phụ nữ cũng không được tham gia vào mọi hoạt động của đời sống xã hội. Đàn ông luôn đi tìm những hội riêng của đàn ông và họ cho rằng tình yêu giữa những người đàn ông với nhau có được sự thỏa mãn tinh thần cao hơn so với tình yêu giữa đàn ông và phụ nữ. Cuộc đời và thơ ca của nữ nhà thơ huyền thoại Sappho là một minh chứng cho điều này.
Trong nhiều tôn giáo cổ đại thì mặt trăng, mặt đất và nước được coi là biểu tượng của nữ tính còn mặt trời, lửa và cái nóng – là biểu tượng của nam tính. Sự khởi đầu nam tính (ngoại trừ Đát-đặc-la – Tantra) thể hiện sự chủ động, ý chí và hình thức. Sự khởi đầu nữ tính – thụ động, vâng lời và vật chất.
Những nhà tư tưởng thời cổ đại nêu ra một số phương diện của tình yêu mà sau đó được các thời đại khác tiếp tục phát triển. Trước hết đó là khái niệm về tình yêu, về nỗi khát khao đối với sự toàn vẹn đã mất cũng như giới hạn giữa tình yêu tâm hồn và tình yêu thể xác. Platon coi tình yêu là sức mạnh của Thượng Đế giúp cho con người vượt qua sự thiếu hoàn hảo của mình, giúp cho con người trên bước đường hướng tới đạo đức và cái đẹp vĩnh hằng.

***
Thời Trung cổ xã hội châu Âu có sự thay đổi cơ bản về những giá trị đạo đức cũng như những khái niệm về cuộc sống gắn liền với việc phổ biến rộng rãi của Thiên Chúa giáo. Từ giữa thế kỷ I Thiên Chúa giáo đã trở thành tôn giáo chính của La Mã. Tôn giáo này mang lại một quan niệm mới về con người và vị trí của nó trong thế giới, đóng góp lớn cho lịch sử văn hóa nhân loại, mà trước hết – ý tưởng tình yêu bao quát là cơ sở của đời sống con người. Tình yêu trong Tân Ước được hiểu rất rộng, hầu như là tất cả mọi mặt của đời sống gắn liền với Chúa Trời, đề cao tình yêu với người ở bên mình, với người anh em là bước đầu tiên của tình yêu với Chúa:
Ai người nói rằng yêu Đức Chúa Trời
Mà ghét anh em mình là nói dối
Vì không yêu người anh em nhìn thấy
Thì làm sao yêu không thấy Chúa Trời?

Ta đã từng nhận được điều răn này:
Ai yêu Chúa là yêu anh em vậy!
(Thư thứ nhất của Giăng: IV-20, 21))
Tình yêu – đó là tất cả:
Giá như tôi nói được nhiều thứ tiếng
Của loài người và của cả thiên thần
Mà trong tôi không có lòng yêu mến
Thì tôi chỉ là não bạt leng keng.

Giá như tôi được ơn nói tiên tri
Biết những cao siêu, biết nhiều bí ẩn
Hay tôi có thể dời non lấp biển
Nhưng thiếu tình yêu tôi chẳng là gì.
(Thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô I: XIII-1, 2)  
Không chỉ tình yêu với người yêu mình, Chúa Giê-su Christ còn dạy cần biết yêu kẻ thù của mình, làm ơn cho kẻ vốn ghét mình, cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình, chúc phúc cho kẻ chửi rủa mình:
Nhưng các ngươi là người nghe, ta nói:
Các ngươi hãy yêu kẻ thù của mình
Hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình.
Hãy cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình
Kẻ rủa mình cũng chúc phúc như vậy.
(Luca: VI-27)
Và có những lời dạy của Chúa mà con người trần tục có lẽ không bao bao giờ có thể thực hiện được nếu như trong con người này không có một tình yêu quên mình một cách tuyệt đối, thí dụ:
Nếu ai vả ngươi vào má bên này
Hãy đưa luôn má bên kia cho vả
Còn ai giật của ngươi chiếc áo ngoài
Thì hãy đưa luôn áo trong, đừng giữ.

Hễ có ai xin thì hãy đem trao
Và ai chiếm đoạt thì đừng đòi lại.
Tuy nhiên:
Muốn người ta làm cho mình thế nào
Thì hãy làm cho người ta thế ấy.
(Luca: VI-29, 30)
thì đây đã là một mẫu mực ứng xử mà nhiều vĩ nhân của những tôn giáo khác cũng đã từng dạy như vậy. Và lòng can đảm để hướng tới một tình yêu trọn vẹn – đấy cũng là một mẫu mực cho tình yêu của người trần:
Trong tình yêu không có sợ hãi, nhưng
Tình trọn vẹn sẽ xua đi nỗi sợ
Bởi vì sợ hãi chính là đau khổ
Kẻ nhát gan không trọn vẹn trong tình.
(Thư thứ nhất của Giăng: IV-18)
Mặc dù tình yêu của người trần thì muôn mặt, Lord Byron có lý khi ông viết rằng: “Tình yêu lớn là tình của những ai yêu trong lỗi lầm và sợ hãi”, nghĩa là chỉ những ai yêu mà luôn cảm thấy tội lỗi và yêu trong sợ hãi mới là tình yêu đẹp. Câu thơ “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở” của Hồ Dzếnh ở một khía cạnh khác cũng nói về điều này. Tuy nhiên, ở đây chúng ta đang nói về tình yêu qua lăng kính tôn giáo thời Trung cổ – tình yêu vẹn toàn và thánh thiện chứ không phải tình yêu lớn hay tình yêu đẹp của người trần tục. Tình yêu là tất cả, tình yêu là mãi mãi dù mọi thứ trên đời này đều là cát bụi, thậm chí cả những giá trị phi vật thể khác, những thứ tưởng chừng như không bao giờ mất:
Tình yêu thương không bao giờ lụi tàn
Dù lời tiên tri rồi cũng hư không
Dù bao ngôn ngữ đến ngày chấm dứt
Dù cho hiểu biết rồi cũng về không.

Vì chưng hiểu biết thì chỉ có ngần
Và ơn tiên tri cũng là có hạn
Bởi một khi sự vẹn toàn đi đến
Thì cái có ngần có hạn về không.
(Thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô I: XIII-8, 9, 10)
……………………..
Sự tham lam, dục vọng của người trần
Những thứ này đều đi qua tất cả
Song những ai vẫn làm theo ý Chúa
Còn đến đời đời, còn đến muôn năm.
(Thư thứ nhất của Giăng: II-17)
Tình yêu giữa hai người khác giới được coi là một biểu hiện ích kỷ và lỗi lầm. Thánh Augustine chia hai loại tình yêu: một là tình yêu trần tục – hướng về địa ngục, một là tình yêu thánh thiện – hướng về thiên đàng. Tình yêu trần tục là nặng nề, cản trở con người thỏa mãn cái đẹp đích thực của đời sống. Tình yêu này cần được tẩy rửa thông qua hai điều giáo huấn: hãy yêu Đức Chúa Trời và yêu người bên mình, người anh em. Đấy là cơ sở của cuộc sống, là tác nhân đối với sự nhận thức thế giới.
Các nhà tư tưởng Đông La Mã cho rằng tình yêu trong cuốn “Nhã Ca” là hình thức cao nhất của sự thể hiện tình yêu Chúa Trời, đấy là cuộc hôn nhân tinh thần. Ở đấy cô dâu khát khao chàng rể, cô dâu là tâm hồn con người khát khao hòa nhập với chàng rể (Chúa Trời). Bởi thế mà cô dâu chủ động nói về tình cảm của mình trước mà không phải chàng rể như trong đời sống trần tục.

***
Sang thời Phục hưng đề tài tình yêu phát triển mạnh mẽ và hướng tới tất cả những gì trần tục, những gì thuộc về con người sau khi được giải phóng khỏi sự kiểm soát của nhà thờ. Khái niệm “tình yêu” trở thành một phạm trù triết học, thực ra là đã hình thành từ thời Cổ đại nhưng bị thay đổi trong thời Trung cổ.

Giordano Bruno viết về bản chất và ý nghĩa của tình yêu theo quan niệm Phục hưng một cách rõ ràng nhất: “Tình yêu là tất cả và tác động đến tất cả. Ai cũng có thể nói về tình yêu và tất cả đều gán với tình yêu”. Bruno cho rằng tình yêu có sức mạnh vũ trụ, tình yêu là động lực của nhân loại.
Nhà nhân văn Lorenzo Valla thể hiện tâm trạng của xã hội đương thời khát khao đạt đến sự thỏa mãn cao độ những nhu nhu cầu của con người: “Tất cả những gì tồn tại đều hướng tới sự khoái lạc. Không chỉ những người làm ruộng mà Virgil đã ca ngợi mà cả những người ở thành thị, những người cao sang cũng như thấp hèn, người Hy Lạp cũng như quân man rợ… tất cả đều chịu sự chỉ huy và hướng dẫn của Thiên Nhiên”. Thực hiện những mong muốn và dục vọng của con người theo tự nhiên là tư tưởng trung tâm của thời đại này.
Thời Phục hưng trả con người trở về với thiên nhiên, xóa nhòa ranh giới giữa đam mê, buông thả và kiềm chế, giữa tình cảm chân thành và sự chạy theo lạc thú…

***
Tâm điểm chú ý của triết học Thời đại mới là con người với sự khao khát hướng tới cái thiện, sự hài hòa và hạnh phúc cá nhân, nghĩa là hoàn toàn phủ nhận tư tưởng Trung cổ cho rằng khởi đầu của con người là tội lỗi. Đặc điểm này gắn liền với việc phát triển vũ bão của khoa học tự nhiên trong thế kỷ XVII, sự ra đời của chủ nghĩa tư bản và nhiều phát minh mới trong các lĩnh vực khoa học.
Khái niệm tình yêu giữa hai người khác giới, chính vì thế, cũng có những thay đổi cơ bản. René Descartes trong một tiểu luận triết học khẳng định rằng “tình yêu là sự xúc động của tâm hồn, sinh ra từ sự chuyển động của tâm hồn, thức tỉnh sự hòa nhập với những đối tượng mà tâm hồn ngỡ là thân thiết”. Những định nghĩa kiểu như vậy không có sự khác nhau giữa tình yêu đối với người khác giới với tình yêu vật nuôi trong nhà hay tình cảm của một họa sĩ đứng trước bức tranh vừa vẽ xong. Tình yêu theo Hobbes, Locke và Condillac – đó là sự khát khao mãnh liệt những gì êm ái, dễ chịu, và chỉ thế.
Quan niệm này được thể hiện rõ nét trong xã hội Pháp những thập niên trước cách mạng. Đó là việc đề cao thứ tình cảm lẳng lơ, suồng sã. Tình yêu trong giới quí tộc Pháp trở thành một nghệ thuật ve vãn mà không hề có sự chân thành. Khái niệm tình yêu, lòng chung thủy trở thành những thứ đồ lạc mốt, chúng được thay thế bằng sự đam mê chỉ trong phút chốc. Không phải ngẫu nhiên mà Lamettrie cho rằng giữa sự giao cấu theo bản năng của động vật và tình yêu của con người không hề có sự khác nhau về nguyên tắc. Trong tác phẩm “Chống Seneca, hay là sự lập luận về hạnh phúc” Lamettrie viết: “Chúng ta sẽ là những người chống lại phái khắc kỷ. Họ là những nhà triết học nghiêm khắc, đau khổ và u ám, còn chúng ta sẽ là những người dẽ tính, vui vẻ và bao dung. Đi sâu vào tâm linh, họ lãng quên thân xác của mình còn chúng ta xao nhãng tâm linh. Chúng ta đi tìm thứ tình cảm mà ta thích thú và làm cho cuộc sống của ta dễ chịu. Nếu như ấn tượng trước tình cảm này ngắn ngủi – ta cảm thấy thích thú, nếu ấn tượng này kéo dài hơn – ta cảm thấy khoái chá, còn nếu như thường xuyên – thì đó là hạnh phúc. Có một thân hình cân đối, có vẻ đẹp, trí tuệ, có vẻ duyên dáng, phong nhã, có tài năng và danh tiếng, có sự thỏa mãn và sự tôn kính, có sức khỏe và giàu có – đấy là những gì để gọi là hạnh phúc thực sự và trọn vẹn”. Denis Diderot mặc dù nhận thấy sự khác biệt giữa động vật và con người, vẫn thường xuyên nhấn mạnh sự chế định bởi mỹ học và sinh lý của tình yêu.

Cả bốn nhà sáng lập Chủ nghĩa duy tâm Đức – Kant, Fichte, Schelling, Hegel – đều bày tỏ những quan điểm của mình trước hiện tượng này.
Kant là người đầu tiên đưa ra sự khác biệt giữa tình yêu “thực tế” và tình yêu “cao thượng”. Kant xem xét hiện tượng tình yêu chỉ theo quan điểm mỹ học và cho rằng tình yêu đối với người khác giới và tình yêu đối với những người xung quanh thực ra chỉ là một. Đấy là nghĩa vụ và trách nhiệm, và chỉ thế. Kant cũng cho rằng ở đâu có tình yêu thì ở đó không thể có quan hệ bình đẳng giữa những con người, vì rằng ai yêu người khác nhiều hơn người ta yêu mình sẽ cảm thấy ít được quí trọng hơn vì người ta có ưu thế hơn. Tình yêu vô điều kiện, theo Kant, là không thể, vì rằng tình yêu là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi con người, mặc dù cả nghĩa vụ lẫn trách nhiệm đều là tự nguyện. Có một điểm thú vị trong triết học của Kant là việc ông coi hôn nhân – đấy là sự sử dụng tự nhiên bộ phận sinh dục của người khác giới một cách hợp pháp vì mục đích thỏa mãn sự khoái lạc. Và chỉ hôn lễ cùng với việc đăng ký trước pháp luật biến những gì thuộc về động vật trở thành những gì thuộc về con người.
Fichte không chia sẻ quan điểm tỉnh táo và thực dụng của Kant mà coi tình yêu là sự thống nhất của hai cá thể khác giới mà lúc đầu được chia ra để sau đó lại khát khao hòa nhập với chính mình. Quan điểm hôn nhân của Fichte cũng rất khắt khe: mặc dù hôn nhân và tình yêu tuy không phải là một nhưng không nên có hôn nhân mà không có tình yêu và tình yêu mà không có hôn nhân. Fichte cho rằng đàn ông đồng nghĩa với sự chủ động và phụ nữ đồng nghĩa với sự thụ động hoàn toàn trong việc buồng the cũng như trong đời sống. Ngoan ngoãn và vâng lời – đó là những điều cần có trước tiên ở phụ nữ.
Khác với Fichte, Schelling đề cao sự bình đẳng trong tình yêu. Theo Schelling, mỗi người đều bình đẳng trong việc đi tìm nửa kia của mình để hòa hợp trong sự tương đồng cao nhất. Schelling cũng không đồng tình với truyền thuyết về một “giống thứ ba”, có trong mình cả đàn ông lẫn đàn bà – androgyne (lưỡng tính), vì rằng nếu mỗi con người đi tìm một nửa thì nghĩa là con người này không thể là một cá nhân đầy đủ được mà chỉ “một nửa”. Trong tình yêu mỗi con người không chỉ có mong muốn nhận về mà còn đem dâng hiến mình, nghĩa là khát khao chiếm hữu chuyển thành sự hy sinh và ngược lại. Sức mạnh nhân đôi này của tình yêu có khả năng chiến thắng lòng thù hận và cái ác. Càng đi sâu, quan điểm của Schelling càng trở nên thần bí.
Hegel kiên quyết phủ nhận mọi biểu hiện thần bí trong tình yêu. Theo cách hiểu của Hegel thì Chủ thể đi tìm sự tự khẳng định và sự bất tử ở tình yêu, mà mục đích này chỉ đạt được khi Đối tượng của tình yêu tương xứng với Chủ thể, ngang bằng về khả năng. Chỉ khi đó tình yêu mới có được sức sống và trở thành biểu hiện của cuộc sống.

Hegel xem xét chức năng ràng buộc giữa đàn ông và phụ nữ qua lăng kính “Hiện tượng luận về tinh thần”: “Quan hệ chồng và vợ là sự nhận thức trực tiếp của người này ở người kia và sự tôn trọng lẫn nhau”. Đấy là mối quan hệ tự nhiên mà sẽ trở thành đạo đức chỉ sau khi họ có con, và chỉ khi đó mối quan hệ này được tô điểm bằng tình cảm âu yếm và sự tôn kính. Cũng như Fichte, Hegel theo đuổi nguyên tắc chồng và vợ không bình đẳng trong hôn nhân. Đàn ông có quyền ham muốn dục vọng đồng thời có sự tự do với nó còn phụ nữ không có quyền này. Thiên chức của phụ nữ là gia đình.
Đề tài tình yêu và hôn nhân còn được Hegel đề cập thường xuyên trong các tác phẩm ở giai đoạn sau như: “Triết học Pháp quyền” và “Mỹ học”.
Trong “Triết học Pháp quyền” Hegel cho rằng hôn nhân nâng mối quan hệ của hai người khác giới lên mức độ “nhận thức tình yêu về mặt đạo đức”. Hôn nhân – đấy là “tình yêu có đạo đức và được pháp luật thừa nhận”, tình yêu này loại trừ sự phản bội. Đấy là sự hòa nhập tinh thần của hai người và nó đứng “cao hơn những đam mê tình cờ và thói đỏng đảnh nhất thời”. Đam mê trong hôn nhân là sự cản trở và không nên có. Hegel cho rằng sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ cũng giống như sự khác biệt giữa động vật và thực vật: động vật tương đồng nhiều hơn với tính cách đàn ông, còn thực vật – với tính cách phụ nữ.
Quan điểm tình yêu trong “Mỹ học” đã không còn giống với những suy ngẫm trước đó của chính Hegel. Trong tác phẩm này Hegel phân biệt tình yêu đích thực như là một thứ tình cảm riêng tư sâu kín của hai người, khác hẳn với tình yêu tôn giáo cũng như sự khát khao khoái lạc, đấy là một mức độ mà các nhà tư tưởng Cổ đại, Trung cổ hay Phục hưng chưa từng đạt đến: “Bản chất đích thực của tình yêu là chối bỏ nhận thức chính mình, quên mình trong cái “tôi” khác, tuy vậy, trong sự để mất và lãng quên này tình yêu lại tìm ra chính bản thân mình như vốn có”. Điều này có nghĩa là: thiếu tình yêu thì ta không phải là ta. Điều này có nghĩa là: một khi bạn chưa yêu, bạn chưa khám phá ra con người thật của mình như vốn có.
Cũng trong tác phẩm này Hegel từ bỏ sự rập khuôn về nguyên tắc bất bình đẳng giữa hai giới, và nói rằng: phụ nữ trong tình yêu – không hẳn là “thực vật” còn đàn ông – không hẳn là “động vật”. “Tình yêu tuyệt vời hơn tất cả trong tính cách phụ nữ vì rằng trong tính cách này sự chung thủy, sự quên mình đạt đến đỉnh cao nhất”, – nhà triết học thừa nhận sự vượt trội về mặt mỹ học của phụ nữ trong tình yêu.
Thời đại mới mang lại những tư tưởng mới mẻ trong sự phát triển của triết học nói chung, của tình yêu nói riêng. Tình yêu như là sự khát khao hướng tới sự toàn vẹn được thể hiện trong tác phẩm của đa số các nhà tư tưởng thời đại này. Họ không lặp lại các thời đại trước đó, họ không lặp lại nhau hay chính mình, họ tìm thấy ở tình yêu những đường nét mới, họ phân tích sâu sắc hơn trong cái riêng và tổng hợp, khái quát hơn trong cái chung.

***
Các nhà tư tưởng Cổ đại đã không nghi ngờ về sức mạnh của tình yêu nhưng tình yêu thời đó như một thứ tình cảm của vũ trụ có thể nảy sinh cả cái thiện và cái ác. Tình yêu không chỉ là một nhân tố của đời sống riêng tư mà còn là cả quá trình hoàn vũ, con người tham gia vào quá trình này nhưng không đóng vai trò quyết định.
Thời Trung cổ phổ biến một thái độ miệt thị đối với tình yêu thể xác. Phụ nữ bị coi là kẻ có lỗi trong sự lầm lỡ của Adam (ăn trái cấm và bị đuổi khỏi thiên đàng). Đa số các nhà tư tưởng của thời đại này coi tình yêu đối với phụ nữ là mối đe dọa đối với sự cứu rỗi linh hồn – bổn phận lớn nhất của Thiên Chúa giáo. Tình yêu Chúa Trời đối lập với tình yêu thể xác trong tất cả mọi biểu hiện. Tuy vậy, ở giai đoạn cuối của thời kỳ này tình yêu giữa đàn ông và phụ nữ được nhận thức là thuộc tính không tách rời của bản chất con người, xứng đáng với sự kính trọng nhưng chỉ với sự trong trắng và với mục đích lập gia đình.
Thời đại Phục hưng trở thành thời kỳ quá độ giữa thời Trung cổ và Thời đại mới. Nét chính của thời đại này là trả lại cho tình yêu thể xác những quyền lợi của nó, lấn át sự kiểm soát của nhà thờ. Sự khát khao hướng tới khoái lạc được coi là ý nghĩa cốt lõi của tình yêu.
Thời đại mới nuôi dưỡng trong mình kinh nghiệm của những thời đại trước đó đã sản sinh ra những nhà tư tưởng kiệt xuất, mà mỗi người đều có những sự đánh giá về bản chất tình yêu giữa hai người khác giới. Mỗi học thuyết mang một nét riêng, tuy nhiên, thuyết loài người là trung tâm đã thống nhất tất cả. Thuyết này trở thành mô típ chủ đạo của toàn bộ ý thức hệ thời đại mới.