Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Những sự trùng lặp kỳ lạ - Abraham Lincoln và John Kennedy


NHỮNG SỰ TRÙNG LẶP KỲ LẠ

Abraham Lincoln và John Kennedy

1. Abraham Lincoln được bầu vào Quốc hội năm 1846.
John Kennedy được bầu vào Quốc hội năm 1946.
(Cách nhau 100 năm tròn).

2. Abraham Lincoln trở thành tổng thống Mỹ năm 1860.
John Kennedy trở thành tổng thống Mỹ năm 1960.
(Cách nhau 100 năm tròn).

3. Cả hai đều có phó tổng thống - người kế nhiệm là Johnson.

Andrew Johnson sinh năm 1808.

Lyndon Johnson sinh năm 1908.

(Cách nhau 100 năm tròn).

4. Cả hai đều bị ám sát.
John Wilkes Booth, người bắn Lincoln sinh năm 1839.
Lee Harvey Oswald, người bắn Kennedy sinh năm 1939.
(Cách nhau 100 năm tròn).

5. Lincoln và Kennedy đều gồm 7 chữ cái.

6. Andrew Johnson và Lyndon Johnson đều gồm 13 chữ cái.

7. John Wilkes Booth và Lee Harvey Oswald đều gồm 15 chữ cái.

8. Cả hai đều là người miền Nam. Cả hai đều bị giết chết trước khi bị xử án.

9. Cả hai vị tổng thống đều bị ám sát vào ngày thứ sáu, trước ngày lễ. Lincoln - trước ngày lễ Phục Sinh, Kennedy - trước ngày lễ Tạ Ơn. Cả hai đều bị bắn vào đầu từ phía sau.

10. Lincoln bị bắn chết trong nhà hát “Ford”, Kennedy bị bắn chết trong xe “Lincoln” do hãng Ford chế tạo.

11. Lincoln ngồi ở hàng ghế thứ bảy của nhà hát, Kennedy ngồi trong xe thứ bảy của đoàn xe tổng thống.


12. Một tuần trước khi bị ám sát Lincoln đến thành phố Monroe bang Maryland còn Kennedy - một tuần trước khi bị ám sát có cuộc gặp gỡ với cô người tình Marilyn Monroe.

13. Thư ký của Lincoln là Kennedy từng khuyên ông không nên đến nhà hát. Thư ký của Kennedy là Lincoln cũng từng khuyên không nên đi Dallas.


ĐÔI MẮT CŨNG BIẾT NÓI

Từ xa xưa con người đã liên hệ đôi mắt với sức mạnh và sự huyền bí và gọi “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Empedocles coi ánh mắt nhìn là luồng huyết cầu từ đôi mắt hướng về đối tượng và quay ngược trở lại.
Trong thơ ca Pháp thời Phục hưng ta gặp những sự mô tả ánh nhìn của đôi mắt như phóng tên, ném dao hoặc trút lửa “thiêu đốt tâm hồn và đốt ngọn lửa tình”. Trong thơ sonnet của William Shakespeare ta cũng gặp rất nhiều bài nói về đôi mắt… Người Bali cho rằng trong mắt bên phải của mỗi người có hồn của bố, là biểu tượng của mặt trăng, còn bên trái - hồn của mẹ, biểu tượng của mặt trời.
Phụ nữ bao giờ cũng ý thức được sức hấp dẫn của đôi mắt. Cleopatra - nữ hoàng Ai Cập là một người nổi tiếng giỏi trang điểm đôi mắt. Bà từng biết dùng màu để trang điểm và kẻ lông mi. Phụ nữ Ấn Độ xếp những hạt đá quí xung quanh mắt để gây sự chú ý của đàn ông. Người rừng ở Nam Phi (Bushman) cho rằng ánh mắt của cô gái trong kỳ kinh nguyệt có sức tác động mạnh đến mức có thể làm đàn ông chết đứng tại chỗ và biến người này trở thành một cây gỗ.
Các nhà tâm lý học cho rằng đôi mắt biết nói không kém gì lưỡi. Chúng thể hiện những cảm xúc rất truyền cảm. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng đại văn hào Leo Tolsstoy từng mô tả 85 cách biểu cảm của đôi mắt. Nhiều khi chỉ cần nhìn vào đôi mắt, người ta sẽ biết được trạng thái thực của người này. Nếu như những người đối thoại giàu kinh nghiệm có khả năng kiểm soát và kiềm chế cảm xúc bằng cử chỉ và động tác của thân thể thì trạng thái của con ngươi là không thể kiểm soát được.
Vì những điều nói trên mà ta không ngạc nhiên rằng con mắt có thể phản bội thân chủ, nếu như người này có điều gì đấy muốn giấu đi. Mắt có thể đốt, có thể thiêu trụi nhưng cũng biết âu yếm, biết yêu bằng ánh mắt. Dưới đây là một số cảm xúc được thể hiện bằng ánh mắt:
Ánh mắt nhìn xuống: là sự khiêm tốn ở phụ nữ và là sự hối hận về việc đã làm của trẻ nhỏ.
Mắt mở to: ngạc nhiên, ngây thơ hoặc sợ hãi.
Mí mắt nâng cao: không hài lòng.
Mắt trợn ngược: mệt mỏi, không chịu đựng hoặc là có điều gì lạ lùng, không hiểu được.
Mắt nhìn liếc: có thể là kính trọng, có thể là mong muốn hoặc có thể là lừa dối.
Ánh mắt kích động: mềm mỏng, mi khép hờ và quyến rũ…
Một ánh mắt có thể có nhiều nghĩa, phụ thuộc vào tình huống. Thí dụ sự chớp mắt có thể là sự lo âu, sự dao động, sự không tin tưởng hoặc ngại ngùng. Bởi thế, việc đọc được ánh mắt của người khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Khi một người quan tâm đến chuyện gì thì con ngươi của người này mở to, còn khi giận dữ hoặc sầu não thì con ngươi thu lại. Con ngươi mở to đồng nghĩa với sự quyến rũ. Từ hàng nghìn năm trước phụ nữ đã biết dùng cây cà dược (belladonna) để mở to con ngươi. Cleopatra thường xuyên sử dụng bí quyết này. Khổng Tử từng dạy như vậy: “Hãy nhìn vào con ngươi, người ta không thể giấu được điều gì”.
Và bạn hãy nhớ rằng, đôi mắt của bạn cũng biết nói!


NHỮNG NGHỀ NGHIỆP KINH HOÀNG

Khoa học đòi hỏi sự hy sinh. Vì công việc, nhiều nhà khoa học đành mạo hiểm nạp vào cơ thể mình những căn bệnh nguy hiểm để xác định triệu chứng và thử cách chữa trị. Đôi khi những cuộc thử nghiệm kết thúc bằng cái chết của người nghiên cứu. Nhà bác học Marie Curie từng bị ung thư bạch cầu vì tiếp xúc với lượng bức xạ quá cao trong các nghiên cứu của bà. Chàng sinh viên y khoa Stubbins Ffirth khi nghiên cứu bệnh sốt vàng đã uống máu và nước tiểu của bệnh nhân, ăn chất họ nôn ra để xác định cơ chế lây nhiễm.
Nhà phẫu thuật nổi tiếng người Hungari Miklos Nyiszli từng bị bắt vào trại tù Auschwitz mổ tù nhân làm thí nghiệm dưới sự kiểm soát của bác sĩ Đức Josef Mengele – người được mệnh danh là thần chết. Miklos Nyiszli buộc phải làm việc theo mệnh lệnh vì nếu từ chối thì sẽ phải nằm lên bàn mổ làm vật thí nghiệm. Sau ngày được ra tù Miklos Nyiszli không bao giờ cầm đến dao mổ nữa… Nhà vật lý học người Mỹ William Weed đã phỏng vấn hàng nghìn nhà khoa học rồi dựa theo kết quả mà lập ra danh mục những nghề kinh hoàng nhất trong lĩnh vực khoa học.
1. Nghề phát triển những loại nhiên liệu mới. Nhân loại không thể sống thiếu năng lượng thế nhưng việc đi tìm những loại nhiên liệu mới là một quá trình dài lâu và khó nhọc. Thí dụ ở Lawrence Livermore National Laboratory đã 50 năm nay nghiên cứu nhiên liệu hạt nhân mà theo lý thuyết thì có thể dùng để chế tạo động cơ ô tô. Các nhà bác học cho rằng công việc của họ còn phải tiếp tục ít nhất là 20 năm nữa. Họ so sánh mình với những người xây dựng nhà thờ ở thời trung cổ, khi mà những bức tường nhà thờ được xây bởi nhiều thế hệ thợ.
2. Nghề phân tích phân của người mắc bệnh lỵ. Trong thập niên 80 thế kỷ XX, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Virginia nghiên cứu vi sinh vật gây ra bệnh lỵ. Để làm việc này họ phải nghiên cứu hàng nghìn mẫu phân của người bệnh. Trong thập niên 90 họ thành lập công ty Techlab chuyên sản xuất các thiết bị phân tích mẫu do các bác sĩ gửi đến. Ba chục nhân viên của công ty này chuyên mở các công-ten-nơ phân để nghiên cứu màu, mùi, độ đậm đặc và tiến hành phân tích vi trùng.

3. Nghề phân tích tinh dịch động vật. Những nghiên cứu như vậy được tiến hành trong phòng thí nghiệm của các môn: sinh vật học, động vật học và di truyền học. Mặc dù phòng thí nghiệm được trang bị đầy đủ các thiết bị nhưng phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất là dùng tay xoa bóp để kích thích sự xuất tinh. Sẽ rất vất vả cho những người phải làm việc với những động vật lớn như voi, sư tử, bò.
4. Nghề nghiên cứu muỗi sốt rét. Những nhà sinh vật học và các bác sĩ tìm cách chống lại sốt rét thường là phải trả giá cho kiến thức bằng máu của mình theo nghĩa đen. Họ để trần những phần trên cơ thể mình cho muỗi a-nô-phen. Helge Zieler suốt hai mươi năm nghiên cứu ở Braxin nói rằng trong mỗi phút bà bắt được 17 con muỗi. Theo lý thuyết thì có thể dùng lợn để thay cho người nhưng ở nhiều nơi có các tổ chức bảo vệ động vật phản đối việc này.
5. Nghề nghiên cứu vi sinh vật gây bệnh. Những mẫu vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm được đặt trong những ngôi nhà mà các nhà nghiên cứu qua lại thường xuyên. Đặc biệt nguy hiểm khi chúng treo lơ lửng trong không khí.
6. Nghề thử nghiệm không gian kín. Ở NASA (cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ) có những chuyên gia như vậy để kiểm tra các máy móc và tàu vũ trụ. Họ kiểm tra độ kín và tiện nghi trong các con tàu vũ trụ. Để làm được việc này họ phải hàng tuần liền ở trong ca bin và sống như những nhà du hành vũ trụ thực thụ trên quĩ đạo. Các nhà khoa học cũng xếp nghề phi công vũ trụ là một trong những nghề khó chịu nhất.
7. Nghề nghiên cứu tội phạm – xã hội học. Những người nghiên cứu tội phạm thường xuyên phải tiến hành nghiên cứu ở các nhà tù. Các sinh viên ngành này thường đến phỏng vấn tội phạm và không ít khi trở thành nạn nhân của bạo lực trong tù vì không có bảo vệ đi theo họ.
8. Nghề làm sạch xương. Các nhà khoa học hay những người làm nghề nhồi bông thú thường phải làm việc với các bộ xương cần được làm sạch thịt và máu. Để làm việc này thưởng sử dụng phương pháp thủy phân hoặc đưa ra sân cho côn trùng làm việc. Trong cả hai trường hợp thì các nhà khoa học đều phải ngửi mùi rất khó chịu.
9. Nghề truyền bá hệ mét. Ở Mỹ sử dụng hệ thống đo lường truyền thống của Anh, với dặm, foot, poud… chứ không phải mét, cân, lít… Năm 1975 người ta quyết định chuyển dần sang hệ đo lường chung của thế giới nên Viện tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia thành lập bộ phận chuyên trách việc này. Công việc của nhân viên bộ phận này cực kỳ phức tạp – phần lớn thời gian họ dùng để trò chuyện với các công chức cũng như đại diện của các công ty, thuyết phục họ về ưu điểm của hệ thống đo lường mét. Thực tế là họ làm việc về quảng cáo và thương mại còn khoa học thì đành quên lãng.

10. Nghề tìm kiếm những loài động vật không còn thấy (Cryptozoology - study of hidden animals). Một số loài chim hay động vật hiện tại có thể coi là đã không còn nhưng các nhà tìm kiếm vẫn chưa thể gạch chúng khỏi danh sách. Bởi thế vẫn có những nhóm các nhà khoa học cố đi tìm những loài chim mà vài chục năm nay đã không còn nhìn thấy. Họ đi tìm hàng ngày và hàng ngày trở về tay không. Những người làm nghề này cũng đi tìm những thứ tưởng chừng như không thể hoặc không có thực, thí dụ như con quái vật huyền thoại ở hồ Loch Ness hay người tuyết vv…
11. Nghề chặt đầu ễnh ương. Ở nhiều khoa y hay khoa sinh ở các trường đại học cũng như ở nhiều phòng thí nghiệm vẫn tiến hành các thí nghiệm với ễnh ương để nghiên cứu phản xạ và những đặc điểm của hệ thần kinh. Những trưởng phòng thí nghiệm như vậy thường xuyên phải giết hàng nghìn con ễnh ương.
12. Nghề thống kê ngư học. Những người làm nghề này thường xuyên phải đếm cá. Công việc này đặc biệt vất vả trong mùa đẻ trứng: hàng chục nghìn con cá trên sông chạy trước mắt. Người làm việc này cần đếm và xác định các loại cá. Khi kết thúc mùa đẻ trứng những người làm nghề này phải rất lâu mới quên được cảnh những đàn cá chạy trước mắt.
13. Nghề ngửi mùi. Những người làm nghề ngửi mùi sản phẩm làm việc ở các công ty dược, thực phẩm và mỹ phẩm. Đôi khi họ phải chịu cảnh không tắm trong nhiều tuần để kiểm tra mẫu nước hoa hoặc chất khử mùi mới có tác dụng đến đâu. Bác sĩ Michael Levitt khi phân tích chất khí thải của con người sau bữa ăn đã chế tạo một thiết bị đặc biệt – bao nhựa gắn vào hậu môn dùng để sưu tập các khí thải. Michael Levitt cho những người tình nguyện ăn các loại thức ăn khác nhau, sau đó thu khí thải vào các bao rồi dùng mũi của mình để ngửi. Ông khẳng định rằng việc phân tích thành phần khí thải trong tương lai cho phép chẩn đoán nhiều loại bệnh đường ruột và dạ dày.



THÀNH CÔNG CỦA ĐÀN ÔNG TRONG CUỘC ĐỜI THEO TUỔI TÁC

Thành công lúc 5 tuổi – ngủ dậy giường vẫn khô.
Thành công lúc 17 tuổi – biết cách qua đêm với phụ nữ.
Thành công lúc 25 tuổi – cưới được một người vợ tốt.
Thành công lúc 35 tuổi – sự nghiệp và gia đình.
Thành công lúc 45 tuổi – sự nghiệp và gia đình.
Thành công lúc 55 tuổi – cưới được một người vợ tốt.
Thành công lúc 65 tuổi – biết cách qua đêm với phụ nữ.
Thành công lúc 85 tuổi – ngủ dậy giường vẫn khô.


NHỮNG PHÁT MINH LÀM KHOẢNG CÁCH GẦN LẠI

Chỉ trong 100 năm gần đây cuộc sống có những thay đổi mạnh mẽ hơn tất cả quãng thời gian trước đó cộng lại. Nhưng khoa học và công nghệ càng hoàn hảo hơn thì quan hệ của con người lại càng lắm xung đột hơn. Thế kỷ XX là thế kỷ khắc nghiệt và đẫm máu nhất trong lịch sử loài người.
Chúng ta đã đạt đến những thứ mà các nhà văn viễn tưởng chỉ có mơ ước. Nhưng cuối cùng chúng ta cũng không trở thành những người hạnh phúc mà thế giới vẫn chuyển động theo qui luật nào đấy của mình. Càng đi xa cuộc sống càng tỏ ra nhiều sự nguy hiểm. Số người tự tử và số người người nghiện thuốc phiện ngày một tăng, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu, khủng bố và chiến tranh đang đe dọa hành tinh này.
Còn chúng ta vẫn thường xuyên tự hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Những phát minh dưới đây rút ngắn khoảng cách, biến thế giới rộng lớn này thành một ngôi làng nhỏ. Kỹ thuật làm cho con người xích lại gần nhau về mặt vật chất nhưng liệu chúng ta có thể xích lại gần nhau về mặt tâm hồn? Dưới đây là những phát minh đáng kể nhất trong lịch sử phát triển của loài người, 10 phát minh đã làm thay đổi thế giới này.

1. Chữ viết
Từ buổi đầu loài người đã tìm cách trao đổi thông tin. Người thượng cổ đã biết dùng cành cây hay khói… để làm tín hiệu. Nhưng bước đột phá trong sự phát triển của loài người là chữ viết xuất hiện khoảng 4000 năm trước Công nguyên.
2. In sách
Công nghệ in sách đáp ứng một nhu cầu cấp bách của loài người, nó chứng tỏ ngay từ những năm đầu tiên sau phát minh của Gutenberg vào giữa thế kỷ XV. Những cuốn sách làm cho việc trao đổi thông tin dễ dàng hơn nhiều và chính điều này đã bật đèn xanh cho thời đại Phục Hưng.
3. Điện tín
Đến tận giữa thế kỷ XIX con người biết được những sự kiện xảy ra ở các nước khác sau đó hàng tuần, thậm chí sau hàng tháng. Phương tiện trao đổi thông tin duy nhất giữa các châu lục là những con tàu bưu điện. Bởi thế việc trao đổi thông tin nhanh chóng là một nhu cầu cực kỳ cấp thiết. Máy điện tín là phát minh xuất sắc nhất của thời này. Năm 1832 trong chuyến tàu du lịch sang nước Mỹ, Samuel Morse đã phát minh ra nó.

4. Điện thoại
Cuối thế kỷ XIX loài người tiếp tục tìm kiếm những phương pháp mới trong việc xích lại gần nhau. Cần những phương tiện hoàn hảo hơn máy điện tín, thứ mà ai cũng dùng được. Sau nhiều năm tìm tòi và nghiên cứu, ngày 10 tháng 3 năm 1876 Alexander Bell đã nói với người cộng sự của mình qua điện thoại: “Mr. Watson, anh làm ơn ghé đến chỗ tôi, tôi có việc cần trao đổi với anh”. Bell đăng ký phát minh của mình và đến tháng 8 năm này đã có 800 chiếc máy điện thoại hoạt động.
5. Chụp ảnh và chiếu bóng
Năm 1826 Joseph Nicéphore Niépce qua buồng kín chiếu được hình ảnh khung cửa sổ phòng làm việc lên một tấm sắt. Năm 1837 Louis Jacques Mandé Daguerre lần đầu tiên làm được một tấm ảnh có chất lượng tương đối tốt. Năm 1891 Thomas Edison chế tạo được máy chiếu Kinetoscope – chiếu những hình ảnh liên tục thành hình chuyển động. Phát minh này tạo cảm hứng và điều kiện cho anh em nhà Lumière bắt tay làm phim. Tháng 12 năm 1895 lần đầu tiên dân Paris được xem những thước phim đầu tiên.
6. Truyền thanh
Các nhà sáng chế không chỉ dừng lại ở việc truyền tải thông tin bằng dây dẫn. Năm 1895 Aleksandr Popop trình diễn một chiếc máy truyền điện báo không cần dây dẫn. Năm 1899 nhà phát minh Guglielmo Marconi truyền được tín hiệu phát thanh qua eo biển Măng-sơ và năm 1901 – qua Đại tây dương. Năm 1904 nhà bác học John Ambrose Fleming chế tạo ra đi-ốt chân không để hoàn thiện một bước máy thu thanh. Năm 1913 Alexander Meissner chế tạo chiếc máy phát sóng vô thuyến đầu tiên...
7. Truyền hình
Một trong những phát minh tuyệt vời nhất của thế kỷ XX là truyền hình. Cũng như những ngành kỹ thuật phức tạp khác, truyền hình được hình thành và phát triển với sự góp sức của rất nhiều nhà phát minh và sáng chế chứ không chỉ là phát minh của một người hoặc một lần. Nửa cuối thế kỷ XX truyền hình phát triển mạnh mẽ và khắp nơi. Vai trò của truyền hình được Liên Hiệp Quốc đánh giá cao bằng Ngày truyền hình Thế giới (World Television Day) 21 tháng 11 hằng năm.
8. Máy vi tính (máy điện toán)
Sự xuất hiện của máy vi tính đã tổng kết những phát minh, sáng chế của thế kỷ XX. Máy vi tính trở thành phương tiện chủ yếu để xử lý, bảo quản thông tin và có khả năng truyền tải chúng đến những khoảng cách bất kỳ. Có một điều khác quan trong hơn – máy vi tính mở ra nhiều khả năng mới cho sự sáng tạo trong mọi lĩnh vực.
9. Điện thoại di động
Tháng 4 năm 1973 kỹ sư trưởng của hãng Motorola Martin Cooper thực hiện một ước mơ của loài người là gọi từ máy điện thoại di động. Tuy vậy, cơ sở thương mại của loại điện thoại này chỉ đến năm 1983. Kể từ đó, loại điện thoại này phát triển với một tốc độ chóng mặt. Hiện tại đã có khoảng hơn một nửa dân số thế giới sử dụng điện thoại di động.
10. Internet
 Năm 1989 Tim Berners-Lee đưa ra một dự án mà ngày nay trở thành nổi tiếng với tên gọi là mạng toàn cầu (World Wide Web), kết nối khoảng ¼ dân số thế giới (1,5 tỉ người). Internet là một cuộc cách mạng làm thay đổi thế giới, là phát minh mang tính thời đại. Internet truyền thông tin “với tốc độ âm thanh”, biến thế giới rộng lớn này thành một ngôi làng nhỏ. Điều quan trọng nhất là Internet làm cho khoảng cách gần lại – phía sau màn hình là một thế giới ảo, nơi mà tất cả mọi khả năng của con người không bị hạn chế bởi thời gian và không gian.

Những thảm họa lạ lùng trong lịch sử


NHỮNG THẢM HỌA LẠ LÙNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ

Những thảm họa trong lịch sử loài người thì có vô vàn. Về mức độ có nhiều thảm họa còn lớn hơn nhiều nhưng thống kê dưới đây xét về sự lạ lùng của nó. Mặt khác, có thể những thảm họa dưới đây gợi ra cho chúng ta những suy ngẫm về việc phát triển một cách ồ ạt và môi trường bị xâm hại nặng như ở Việt Nam chúng ta hiện nay.

Rắn tấn công thành phố Saint-Pierre
Núi lửa Mount Pelee (núi trọc) ở thành phố Saint-Pierre, đảo Martinique (Trung Mỹ) đã từ lâu không hoạt động nên không ai để đến những dấu hiệu lạ thường vào tháng 4 năm 1902.
Sang đầu tháng 5 mưa bụi liên tục, trong không khí có mùi tanh lợm của lưu huỳnh. Hàng trăm con rắn độc từ trong hang núi bò vào các khu phố của những người da đen lai da trắng. Những con rắn độc dài 6 foot cắn chết 50 người và hàng loạt súc vật. Nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu. Ngày 5 tháng 5 từ đất phọt ra một dòng đất bùn rồi phun xuống biển tạo thành sóng thần làm hàng trăm người chết. Ba ngày sau, mồng 8 thàng 5, núi lửa phun thẳng xuống thành phố. Trong vòng 3 phút cả thành phố bị thiêu rụi. Trong số 30.000 dân chỉ 2 người sống sót.

Hoảng loạn ở nhà thờ Shiloh Baptist Church
Ngày 19 thàng 9 năm 1902, 2000 người theo đạo, đa số là người da đen đến nhà thờ Shiloh Baptist Church ở Birmingham, bang Alabama, Mỹ để nghe nhà lãnh đạo hội người Mỹ gốc châu Phi Booker T. Washington phát biểu. Cửa ra vào của nhà thờ này đi qua bục cao để hát Thánh ca bằng một cầu thang gạch. Sau lời phát biểu của Booker T. Washington người ta bắt đầu cãi nhau về chuyện tranh giành chỗ ngồi và từ “fight” (đánh lộn) họ nghe thành từ “fire” (cháy). Như một hiệu lệnh, tất cả con chiên rời chỗ của mình lao về phía cầu thang. Những người đi đầu bị người đi sau thúc làm cho họ rơi xuống rồi những người khác đổ nhào lên làm thành một đống cao đến 10 foot. Đám đông hỗn loạn cứ ào lên, đạp lên đống người nghẹt thở nằm dưới đất. Thực ra không hề có hỏa hoạn, cũng không hề có đánh nhau nhưng 115 người bị đè chết.

Mật đường ngập đường phố Boston
Ngày 15 tháng 1 năm 1919 những người dân ở một quận phía bắc thành phố Boston – đa số là người Ireland và Italia nhập cư đổ ra phố trong một ngày nắng đẹp lạ thường. Bỗng nhiên, người ta nghe một tiếng rầm. Bình xi-téc bằng gang của công ty Purity Distilling bị thủng và một con sóng lớn bằng mật đường bao trùm lên đường phố Commercial Street rồi đổ về phía bến cảng. Cả người đi đường lẫn xe ngựa kéo đều không chạy khỏi. Hai triệu gallon mật đường dùng để sản xuất rượu Rum trùm lên cả khu phố - 21 người chết vì ngạt thở, 150 người khác bị thương. Dòng mật đường làm đổ cầu vượt xe lửa và nhiều ngôi nhà. Những con ngựa bị ngạt thở và dính chân nhảy cuống cuồng làm cho cảnh sát phải dùng súng bắn hạ. Những người dân ở các nơi chạy đến xem khi trở về kéo thứ chất nhờn đi khắp thành phố. Một tuần sau đó thành phố Boston mới hết mùi mật đường, còn cảng Boston bị nhuốm một màu nâu đến tận mùa hè năm đó.

Nổ bể chứa gas ở Pittsburgh
Bể chứa gas – thời đấy là lớn nhất thế giới – đặt ở trung tâm khu công nghiệp của thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ) bị rò rỉ. Buổi sáng ngày 14 tháng 11 năm 1927 một tốp thợ đi tìm chỗ rỉ gas để hàn lại. Họ sử dụng đèn hàn với ngọn lửa mở. Khoảng 10 giờ sáng người ta tìm ra chỗ này – bể gas đựng 5 triệu foot khối khí thiên nhiên bay lên trời như một quả khinh khí cầu lớn rồi nổ tung. Những mảnh kim loại có trọng lượng cả trăm foot bay ra tứ phía. Áp lực không khí và lửa phát quang cả một dặm vuông – 28 người chết và hàng trăm người bị thương.

Biểu diễn của nhân viên cứu hỏa ở Gillingham
Hàng năm những nhân viên cứu hỏa ở Gillingham, Anh dùng gỗ và vải buồm làm những «ngôi nhà» để biểu diễn cứu hỏa trong ngày lễ ở công viên thành phố. Theo lệ, người ta chọn các cậu bé khỏe mạnh ở địa phương để cùng tham gia. Ngày 11 tháng 7 năm 1929 có 9 cậu bé tuổi từ 11 đến 14 cùng 6 nhân viên cứu hỏa ăn mặc quần áo lễ hội, có vẻ như đến dự một đám cưới đi lên tầng 3 của «ngôi nhà» trên. Theo kế hoạch, những nhân viên cứu hỏa phía dưới cho nổ quả mìn khói ở tầng 1, rồi tiến hành giải thoát những người dự đám cưới bằng dây và thang, sau đó đốt cháy ngôi nhà để biểu diễn những vòi phun nước. Tuy nhiên, do nhầm lẫn, thay vì quả mìn khói người ta cho mìn lửa đốt nhà đầu tiên. Hàng nghìn khán giả nghĩ rằng những người bị cháy mà họ nhìn thấy là những con búp bê nên đã reo hò và vỗ tay không ngớt trong khi những nhân viên cứu hỏa dưới đất dùng vòi phun nước dập lửa hiểu rằng một thảm họa khủng khiếp đã xảy ra. Cả 15 người ở trong «ngôi nhà» đều chết cháy.

Máy bay đâm vào tòa tháp Empire State Building
Empire State Building là tòa nhà cao nhất thế giới trong 42 năm (1931 – 1972). Sau vụ khủng bố 11-9 nó lại là tòa nhà cao nhất New York.
Buổi sáng thứ 7 ngày 18 tháng 7 năm 1945 một cựu phi công Mỹ lái một máy bay ném bom hạng nhẹ B-25 bay từ thị trấn Bedford, bang Massachusetts về New York. Trong buồng lái có thêm một lái phụ và một thủy thủ đi nhờ về New York. Sương mù nặng làm cho tầm nhìn bị hạn chế. Một giờ sau, những người dân trên những đường phố trung tâm Mahattan nghe tiếng máy bay rồi kinh hoàng nhìn thấy từ đám mây một chiếc phản lực lao vào tòa nhà Empire State Building. Mảnh vỡ của máy bay và tòa nhà rơi ào ào như mưa đá, còn ở tầng 78 có một lỗ thủng khổng lồ. Một động cơ của máy bay xuyên qua 7 bức tường rồi lăn sang phía bên kia của ngôi nhà. Một động cơ khác như viên đạn bay theo khoang thang máy, cắt đứt dây cáp rồi đè thang máy xuống tầng hầm. Khi bình đựng xăng của máy bay nổ tung, ngọn lửa bao trùm lên 6 tầng, xăng nóng theo những bức tường chảy xuống. Rất may mắn là vào ngày hôm đó chỉ một số ít văn phòng làm việc và chỉ có 11 người bị chết cùng với 3 người trên máy bay.

Thảm họa ở sông Tunguska
Ngày 30 tháng 6 năm 1907 một vụ nổ cực lớn xảy ra ở vùng sông Tunguska, miền Krasnayasky, Nga.
Theo giả thuyết, vụ nổ này là do thiên thạch rơi hoặc là do mảnh vỡ của sao chổi. Theo tính tóan của các nhà khoa học, công suất của vụ nổ này khoảng từ 10 đến 20 megaton, tức là gấp 1000 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima và tương đương với siêu bom Castle Bravo từng được Mỹ thử nghiệm. Vụ nổ này làm đổ 80 triệu cây trên một vùng đất rộng hơn 2150 km vuông. Dấu vết của vụ nổ này, cho đến nay vẫn còn chụp được từ vệ tinh.

Vụ nổ dây chuyền ở Texas

Ngày 15 tháng 4 năm 1947 con tàu chở hàng Grandcamp của Pháp cập cảng Texas. Trên tàu có 1.400 tấn phân khoáng từ kali nitrat. Đến giữa đêm trong khoang tàu bùng lên một đám cháy. Đến sáng, ban quản lí cảng nhìn thấy đám khói đen dày đặc đã vô cùng lo lắng vì nhà máy hóa chất Monsanto chỉ cách đó chưa đầy 700 foot (hơn 200 m). Trong khi người ta đang đứng trên cầu tàu nhìn đám cháy và những con tàu kéo chuẩn bị móc dây để kéo tàu Grandcamp ra biển thì một quả cầu lửa bùng lên bao trùm tất cả. Quả cầu lửa này nổ tung ra bốn phía và chỉ mấy phút sau đó cả nhà máy hóa chất cũng nổ tung làm chết hàng trăm công nhân và cả những người quan sát còn sống sót sau tiếng nổ thứ nhất. Ngọn lửa bao trùm cả dãy cầu tàu, cũng may là bể chứa khi butan không bị nổ. Tối hôm đó lại thêm một chiếc tàu khác chở diêm sinh cũng nổ tung và những tiếng nổ dây chuyền lặp lại. Hơn 500 người chết và 1.000 người bị thương nặng.

Vụ ngộ độc hàng loạt ở Basra
Tháng 9 năm 1971 một con tàu chở hạt giống cập cảng Basra, I-rắc. 90.000 tấn lúa mạch Mỹ và lúa mỳ Mê-hi-cô được ngâm thủy ngân với mục đích bảo vệ hạt giống và được nhuộm màu hồng với mục đích cảnh báo sự nguy hiểm. Trên các bao bì đều có ghi những lời cảnh báo nhưng chỉ bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Trước khi những bao hạt giống đến tay các nông dân ở trang trại thì đã bị ăn cắp ngay từ cầu tàu rồi đem bán cho những người dân đang bị nạn đói hành hạ làm đồ ăn. Chính phủ I-rắc, hoặc là do vô trách nhiệm đến mức tội ác, hoặc là do nhận đút lót, đã im lặng trước việc này. Nhưng hai năm sau đó, một nhà báo Mỹ đã điều tra và chỉ ra rằng có 6.530 trường hợp bị ngộ độc thủy ngân liên quan đến vụ việc nói trên. Nhà đương cục chỉ thừa nhận có 459 người bị chết. Trên thực tế là hơn 6.000 người bị chết và 100.000 người khác bị mù, điếc và bại liệt dây thần kinh não.

Những con voi điên ở rừng Chandak
Đầu năm 1972 khu rừng Chandak, Ấn Độ bị hạn hán kéo dài. Những con voi rừng bình thường không gây ra chuyện gì bỗng phát điên lên vì nóng và thiếu nước. Dân chúng đã báo cho chính quyền sở tại biết rằng họ không dám đi làm rẫy vì sợ voi. Ngày mồng 10 tháng 6, những đàn voi giận dữ tấn công 5 ngôi làng, phá cho tan hoang và 24 người dân bị chết.


NHỮNG NHẬN ĐỊNH NHẦM LẪN TRONG QUÁ KHỨ

Chúng ta biết rằng có những lời tiên tri sau hàng ngàn năm mới chứng minh được. Thiên tài Leonardo da Vinci từng thiết kế bản vẽ của máy bay, tàu thủy trước khi chúng ra đời hàng trăm năm. Có những nhà văn tưởng tượng ra những điều mà không biết đến bao giờ chúng mới trở thành hiện thực. Lại có những nhận định mà chỉ mới sau mấy năm đã tỏ ra sai lầm. Có một lĩnh vực phát triển với tốc độ chóng mặt mà ngay cả những người trong cuộc cũng không ngờ đến – đó là lĩnh vực điện tử và tin học. Những nhầm lẫn đáng kể nhất thuộc về lĩnh vực này.
- Trong tương lai, máy tính sẽ nặng không quá một tấn rưỡi. (Popular Mechanics, 1949).
- Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tìm ra cầu để bán được 5 máy tính. (Thomas Watson – giám đốc hãng IBM, năm 1943).
- Tôi đã đi khắp đất nước này, đã trò chuyện với những người thông minh nhất và xin cam đoan với quí vị rằng xử lí dữ liệu là trò nhố nhăng mà sau một năm sẽ hết mốt. (Biên tập viên nhà xuất bản Prentice Hall, năm 1957).
- Liệu có ích lợi gì trong cái này? (Vấn đề tranh luận về việc chế tạo Microchip ở Advanced Computing Systems Division of IBM, năm 1968).
- Không ai cần máy tính trong nhà mình, chẳng để làm gì. (Ken Olson – người sáng lập và là chủ tịch tập đoàn Digital Equipment Corp., năm 1977).
- 640 kb là quá đủ cho mỗi người. (Bill Gates, năm 1981).
- 100 triệu đô la là giá quá cao cho Microsoft. (IBM, năm 1982).
- Một thiết bị như máy điện thoại có quá nhiều nhược điểm để có thể coi nó là phương tiện liên lạc. (Lời phát biểu trong cuộc họp ở công ty Western Union в 1876).
- Cái thùng biết hát không dây này không thể có một giá trị thương mại nào. Ai sẽ trả tiền cho việc gửi thông tin đến một cá nhân nào đấy? (Các bạn hàng của Hội David Sarnoff trả lời đề nghị đầu tư vào dự án thành lập đài phát thanh, năm 1920).
- Ý tưởng rất hay, trình bày rất tuyệt. Nhưng để ý tưởng trở thành hiện thực, nó cần có lẽ phải. (Tập thể giáo sư Đại học Yale trả lời đề nghị của Fred Smith về tổ chức dịch vụ giao tận nhà. Fred Smith trở thành người sáng lập hãng chuyển phát nhanh Federal Express Corp.)
- Thôi đi các ngài ạ, có ai lại thèm quan tâm đến những lời thoại của các diễn viên? (Phản ứng của H.M. Warner - Warner Brothers về việc lồng tiếng vào phim, năm 1927).
- Chúng tôi không thích âm thanh của họ và, nói chung, ghi-ta là ngày hôm qua. (Decca Recording Co., từ chối ghi âm Album của nhóm Beatles, năm 1962).

- Máy bay, với trọng lượng nặng hơn không khí là điều không thể! (Lord Kelvin – Chủ tịch Hội Hoàng gia – Royal Society, năm 1895).
- Giáo sư Goddard không hiểu quan hệ giữa hành động và phản ứng, ông không biết rằng cần những điều kiện phù hợp hơn chân không cho phản ứng. Có vẻ như giáo sư rất thiếu những kiến thức cơ bản được dạy ở nhà trường. (Bài xã luận của báo New York Times về đề tài chế tạo tên lửa của giáo sư Robert H. Goddard, năm 1921).
- Khoan đất để tìm dầu? Anh nói rằng đi khoan đất để mà tìm dầu? Anh có điên không. (Trả lời dự án của Edwid Drak, năm 1859).
- Máy bay là thứ đồ chơi hay nhưng không có giá trị gì về mặt quân sự. (Marechal Ferdinand Foch, giáo sư của Ecole Superieure de Guerre).
- Tất cả những gì có thể sáng chế thì người ta đã sáng chế rồi. (Charles H. Duell, cơ quan cấp bằng sáng chế của Mỹ, năm 1899).
- Lí thuyết của Louis Pasteur về vi sinh vật là sự tưởng tượng hài hước. (Pierre Pache – giáo sư tâm lí học Đại học Toulouse, năm 1872).
- Bụng, ngực và não mãi mãi đóng cửa đối với sự can thiệp của các nhà phẫu thuật khôn ngoan và nhân đạo. (Sir John Eric Ericksen – bác sĩ phẫu thuật trưởng của hoàng hậu Victoria, năm 1873).

Những điều luật lạ lùng về chuyện tâm tình


NHỮNG ĐIỀU LUẬT LẠ LÙNG VỀ NHỮNG CHUYỆN TÂM TÌNH

Ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới có những điều luật lạ lùng về những chuyện tâm tình mà đôi khi thật khó hình dung được rằng tại sao những người soạn luật lại có thể nghĩ ra những điều như thế.
Thí dụ, ở đa số các nước Trung Đông cho đến nay vẫn còn tồn tại một trong những điều luật cơ bản của Islam là không được ăn thịt con lừa mà người đàn ông từng có lần quan hệ. Người ăn thịt con lừa như thế đã mắc phải điều lầm lỗi đáng chết và sẽ không được lên thiên đàng, nơi có 70 nàng trinh nữ.
Ở Liban, nơi có đến gần một nửa dân số theo đạo Thiên chúa, đàn ông được phép quan hệ tình ái với động vật nhưng với một điều kiện là con vật phải là giống cái. Nếu quan hệ với con vật giống đực sẽ bị tử hình. Còn ở Indonesia hình phạt dành cho thủ dâm là chặt đầu.
Ở Bahrain nếu bác sĩ phụ khoa là đàn ông thì chỉ được khám bệnh bằng cách nhìn qua gương.
Ở đảo Guam giữa Thái Bình Dương có một nghề rất đặc biệt gọi là Deflorator. Người này đi khắp nơi làm dịch vụ phá trinh cho các cô gái và được trả tiền. Ở Guam những cô gái còn trinh không được đi lấy chồng. Có lẽ đây là nghề kỳ lạ nhất trên thế giới.

Ở Hồng Kông người vợ bị chồng phản bội có thể giết anh ta nhưng với một điều kiện – chỉ trả thù bằng tay không mà không được sử dụng bất cứ một thứ gì. Còn với người tình của chồng thì có thể sử dụng bất cứ thứ gì để giết.
Ở Cali, Columbia phụ nữ chỉ được phép quan hệ tình ái với chồng của mình và lần quan hệ đầu tiên (đêm tân hôn) phải có mẹ vợ ở bên cạnh để chứng kiến.
Ở thành phố Santa Cruz, Bolivia luật cấm đàn ông không được quan hệ tình ái với người mẹ và con gái của người này cùng một lúc.
Mỹ là quốc gia có nhiều điều luật lạ lùng nhất. Thí dụ luật bang Arizona cấm trong một gia đình có đến 2 dương vật giả. Luật bang Colorado cấm hôn phụ nữ khi người này đang ngủ còn ở thành phố Hartford, bang Connecticut thì luật cấm hôn phụ nữ vào ngày chủ nhật. Luật bang Florida chỉ cho phép yêu nhau ở tư thế cổ điển và không được hôn ngực phụ nữ. Còn luật bang Minnesota cấm quan hệ với chim vv….
Ở Ireland luật cấm sử dụng bao cao su nên cũng không không cửa hàng nào được phép bán. Những nhà làm luật ở đất nước công giáo này cho rằng sex là để duy trì nòi giống.
Nếu bạn quan hệ với một cô gái ở Hawaii mà cô gái này chưa đủ 18 tuổi thì bố mẹ cô phải lao động cải tạo 3 năm vì không biết cách dạy dỗ con gái.
Ở Budapest, Hungari các đôi vợ chồng hoặc tình nhân chỉ được yêu nhau trong bóng tối, ngay cả ở nhà mình mà không tắt đèn thì vẫn bị phạt. Dưới ánh sáng nến hoặc ánh sáng của lò sưởi đều bị cấm, mặc dù, có một câu hỏi: ai kiểm soát nổi những điều này?
Ở thành phố Palermo, Italia chỉ có phụ nữ được phép khỏa thân hoàn toàn trên các bãi tắm còn đàn ông thì không được phép. Điều này được giải thích trong bộ luật: “Cơ thể đàn ông có thể có vẻ dung tục và thô lỗ, kể cả không cố ý”. Dĩ nhiên rồi, khi mà xung quanh nhiều phụ nữ khỏa thân như thế.
  Luật của thành phố Tropea, Italia qui định rất rõ ràng những ai được phép cởi hết quần áo ở các bãi tắm và những ai không được phép. Bộ luật này viết: “Cấm những phụ nữ mập, dị dạng hoặc không đẹp mà không mặc quần áo trên các bãi tắm”. Và chỉ “những phụ nữ trẻ, những người xứng đáng phô diễn sắc đẹp của cơ thể phụ nữ” được phép. Chỉ còn nước thông cảm với những người cảnh sát thực thi giám sát luật này trên thực tế.

Ở Thụy Điển cấm chụp ảnh truồng cả cơ thể trong những phòng chụp ảnh lấy ngay. Tuy nhiên nếu bạn chụp truồng một nửa cơ thể (phần trên hoặc dưới thì không phạm luật). Bởi thế người ta vẫn có thể chụp hai ảnh ở hai phần cơ thể rồi đem ghép lại với nhau.
Luật Israel cấm xem phim tươi mát bằng truyền hình cáp hoặc qua vệ tinh ở các khách sạn. Nếu cảnh sát bắt được người nào làm điều này, họ có thể cho ngồi tù đến 3 năm.


NHỮNG CHI TIẾT THÚ VỊ VỀ NGÔN NGỮ

- Từ mamihlapinatapai được coi là từ chứa đựng nhiều nghĩa nhất. Từ này có nghĩa là: “Nhìn vào mắt nhau….
- AD và BC nghĩa là Anno Domini và Before Christ.
- Từ “Giáng Sinh” viết tắt bằng tiếng Anh “Xmas”, chữ cái đầu không phải là chữ “X” Latin mà là chữ “Chi” Hy Lạp, được sử dụng từ thời Trung cổ như là chữ viết tắt của từ “Christ” (xus = christus).
- Papua New Guinea có 700 thứ tiếng (khoảng 15% ngôn ngữ của thế giới). Trong số 700 ngôn ngữ này có nhiều phương ngữ của các làng.
- O là chữ cái cổ xưa nhất.
- Từ đọc xuôi ngược như nhau dài nhất thế giới là saippuakivikauppias, tiếng Phần Lan.
- Almost là từ xếp theo trật tự an-pha-bê dài nhất của tiếng Anh.
- Trong tiếng Anh không có từ nào gieo vần được với các từ month, orange, silver và purple.
- Quốc tế ngữ Esperanto do bác sĩ Lejzer Zamenhof sáng tạo ra năm 1887.
- Những từ không có nguyên âm nào dài nhất của tiếng Anh là “rhythm” và “syzygy”.
- Cử chỉ dùng ngón tay làm thành một vòng tròn chỉ mọi việc đều tốt đẹp của người Mỹ ở đảo Síp được hiểu là “người đồng tính”.
- Sahara tiếng Arập có nghĩa là sa mạc.
- Chữ cái Latin W không có trong bảng chữ cái Latin.
- Nhà văn Mỹ Ernest Vincent Wright viết tiểu thuyết Gadsby gồm 50.000 từ. Cả tiểu thuyết này không hề có chữ E nào, mặc dù E là chữ thông dụng bậc nhất của tiếng Anh.
- Tổng thống Benjamin Franklin sưu tầm hơn 200 từ đồng nghĩa của từ “say” (drunk). Trong số này có những từ như "cherry-merry", "nimptopsical" и "soaked".
- Liên hiệp quốc dùng 6 ngôn ngữ chính thức: Anh, Pháp, Arập, Hán, Nga, Tây Ban Nha.
- Tiếng Anh có hơn 600.000 từ, tiếng Hán có hơn 40.000 từ.
Những từ dài nhất
Đấy là những từ phức hợp, những từ ghép. Thí dụ như từ một dài 182 chữ cái, có nghĩa là thịt băm ngâm dầu gồm 17 thành phần ngọt và chua được dùng trong vở kịch Phụ nữ trong cuộc họp của Aristophanes (thế kỷ V, tr. CN).     
Một từ phức hợp gồm 195 mẫu tự, chuyển tự sang Latin gồm 428 chữ cái được sử dụng trong tác phẩm của Tirumalamba, nữ hoàng của xứ Vidzhajanagar (Ấn Độ ngày nay) viết bằng tiếng Phạn vào thế kỷ XVI. Từ này dùng để xác định tên gọi vùng Kansi, bang Tamil Nadu, Ấn Độ.

Những từ đọc xuôi ngược như nhau (palindrome) dài nhất
Từ đọc xuôi ngược như nhau dài nhất là saippuakivikauppias (tiếng Phần Lan). Từ này gồm 19 chữ cái, có nghĩa là “thằng bán tơ”. Từ đọc xuôi ngược như nhau dài nhất của tiếng Anh là redivider - “vách ngăn” gồm 9 chữ cái. Từ malayalam cũng gồm 9 chữ cái – là tên gọi tiếng Malayali ở miền nam bang Keralam, Ấn Độ. Từ detartrated là một thuật ngữ hóa học gồm 11 chữ cái.
Trên nhiều chậu nước Thánh để rửa tội cho trẻ sơ sinh ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ có đề dòng chữ gồm 25 chữ cái: Nifon anomhmata mh monan ofin (không chỉ rửa mặt mà rửa cả những lầm lỗi của con).
Câu chuyện đọc xuôi ngược như nhau dài nhất do Edward Benbow sáng tác năm 1987. Câu chuyện này bắt đầu bằng các từ: Al, sign it, Lover! và kết thúc bằng các từ: revolting, Isla. Câu chuyện này gồm 100.000 từ.
Tiểu thuyết đọc xuôi ngược như nhau dài nhất có tên Dr. Awkward and Olson in Oslo. Tiểu thuyết này gồm 31.594 từ, do  Lawrence Levine (Mỹ) viết vào năm 1986.

Thuật ngữ khoa học dài nhất
Tên gọi một hệ thống a-xít trong cơ thể người bao gồm 16.569 tên và có đến 207.000 chữ cái. Thuật ngữ này đăng ở tạp chí Nature ngày 9 tháng 4 năm 1981.

Những phép đảo chữ cái (anagram) dài nhất
Những từ tiếng Anh dài nhất có thể dùng phép đảo là conservationalistsconversationalists – gồm 18 chữ cái. Những thuật ngữ khoa học dài nhất có thể dùng phép đảo chữ cái là: hydroxydesoxycorticosteronehydroxydeoxycorticosterones – gồm 27 chữ cái.


Chữ viết tắt dài nhất
Chữ viết tắt dài nhất là SKOMKHPHKJCDPWB – đấy là những chữ cái đầu của tên một công ty ngành ngân hàng ở miền tây Malaixia. Chữ viết tắt của chữ viết tắt này là: SKOMK. Tên đầy đủ của công ty Еl Pueblo de Nuestra Senora la Reina de los Angeles de Porciuncula gồm 55 chữ cái, chữ viết tắt của nó là LA, chỉ gồm 3,6% độ dài của tên đầy đủ.

Từ có nhiều nghĩa nhất
Đó là từ set của tiếng Anh (58 – dùng như danh từ; 126 – dùng như động từ và 10 – dùng như tính từ).

Từ và chữ cái thông dụng nhất của tiếng Anh
Những từ thông dụng nhất của tiếng Anh là: the, of, and, to, a, in, that, is, I, it, for, as. Trong ngôn ngữ hội thoại từ thường gặp nhất là I. Chữ cái thường gặp nhất là E. Chữ cái đầu phổ biến nhất là T.

Những từ tiếng Anh cổ nhất
Có khoảng 40 từ cổ nhất, trong số đó có: apple, bad, gold, tin…

Những bảng chữ cái dài nhất và ngắn nhất
Bảng chữ cái tiếng Khmer dài nhất có 72 chữ cái. Bảng chữ cái tiếng Rotokas (Papua New Guinea) ngắn nhất có 11 chữ cái.

Từ chứa đựng nhiều nghĩa nhất
Xét theo khía cạnh ngôn ngữ học thì từ mamihlapinatapai của phương ngữ tiếng Tây Ban Nha ở Chilê và miền nam Ác-hen-ti-na là từ chứa đựng nhiều nghĩa nhất. Từ này có nghĩa là: “Nhìn vào mắt nhau với hy vọng rằng một trong hai người sẽ đề nghị làm cái mà cả hai đều muốn nhưng lễ nghĩa không cho phép”.


GIẢI MÃ MỘT SỐ THƯƠNG HIỆU Ô TÔ

ACURA
Asia`s Curse Uрon Rural America –
Châu Á nguyền rủa nước Mỹ đồng quê.


AUDI
Accelerates Under Demonic Influence –
Tăng tốc từ hoả ngục.


BUICK
Big Ugly Indestuctible Car Killer –
Kẻ hủy diệt ô tô to lớn, xấu xa và không thể phá hủy.


BMW
Born Moderatly Wealthy –
Bẩm sinh là giàu có.

Besser Man Wandert –
Thà đi bộ còn hơn.

Biggest Money Wasted –
Tiêu tiền lớn.

Bring Me Woman
Mang cho tớ cô đào.


CADILLAC
Car And Driver Indicates Lady Luck Abandoned Consumer –
Cả xe và người bị quí bà may mắn bỏ.


CHEVROLET
Can Hear Every Valve Rap On Long Extended Trips –
Có thể nghe tiếng ồn của từng van trên những chuyến đi dài.


DODGE
Dead old dog going east –
Chó chết già đi về hướng đông.


Dead on delivery, Go easy –
Chết khi giao hàng - dễ dàng biết mấy.

Dies On Day Guarantee Expires –
Chết trong ngày hết hạn bảo hành.

Dear Old Dad's Garage Experiment –
Cuộc thử nghiệm ga-ra của cha già yêu quí.


FIAT
Failure in Italian Automotive Technology –
Thất bại của công nghệ ô-tô Italia.

Fix It All the Time –
Sửa cái này mọi lúc.

Feeble Italian Attempt at Transportation –
Sự cố gắng vận tải yếu của Italia.

Fehler In Allen Teilen –
Sai sót trong từng chi tiết.


FORD
Fix or Repair Daily –
Phục hồi và sửa chữa hàng ngày.

Fast Only Rolling Downhill –
Chỉ nhanh khi xuống dốc.

Found On Road Death –
Tìm kiếm trên đường cái chết.

Frequent Opinion: Really Disappointed –
Sự đánh giá thường xuyên: quả là thất vọng.

Driver Return On Foot / D-R-O-F / -
Tài xế khi về đi bộ / Đọc ngược/.


GM
Great Mistake –
Sai lầm lớn.

General Maintenance –
Bảo dưỡng chung.

Grossly Misconceived –
Hiểu sai cực kỳ.


GMC
Generally Mediocre Cars
Nói chung là xe bình thường.

Gotta Mechanic Coming –
Thợ đã đến.


HYUNDAI
Hope you Understand Nothing`s Driveable and Inexpensive. –
Hy vọng là bạn hiểu rằng rẻ như thể thì chẳng có gì đi được.


HONDA
Had One Never Did Again –
Mua một cái rồi – không bao giờ mua nữa.

Helping Out Narrow-eyed Destroying America –
Giúp những kẻ mắt híp tiêu diệt nước Mỹ.

Hallmark of Non-Descript Automobiles –
Dấu hiệu của những ô-tô khó phân loại.

Hand Over Dollars to Asians –
Chuyển tiền đô cho người châu Á.


JAGUAR
Jaguar Always Guarantee Unlimited Astronomical Repairs –
Jaguar luôn bảo đảm sự sửa chữa thiên văn không giới hạn.


JEEP
Just Empty Every Pocket –
Túi nào cũng rỗng.


KIA
Killed in Assembly –
Chết khi lắp ráp.


MAZDA
Made At Zoo by Demented (điên) Apes –
Do khỉ điên làm ra ở trong vườn thú.


MERCEDES
Most Eccentric Rich Capitalists Enjoy Driving Expensive Sedans –
Những nhà tư bản giàu có gàn dở nhất thích đi xe đắt tiền. 


NISSAN
No Idiot Seems So Arrogant Now –
Chẳng có thằng ngốc nào mà trông ngạo mạn thế.


PONTIAC
Poor Old Nigger thinks it`s Cadillac –
Ông già da đen nghĩ rằng đấy là Cadillac.


PORSCHE
Piece Of Retired Scrap, Continually High Expense –
Đống sắt vụn, mà chi phí cao liên tục.

Poor Old Rich Schmuck Can't Have Erection –
Kẻ ngố giàu có đáng thương vì không cương được.


SAAB
Sad attempt At beauty –
Sự cố gắng đáng thương của cái đẹp.

Swedish Automobiles Always Breakdown –
Xe Thụy Điển thường xuyên hỏng.

Something's Almost Always Broke –
Thường xuyên có cái gì đó hỏng.


SATURN
Sorry About That Unexpected Recall Notice –
Xin lỗi, không thấy nói gì về cái này.


TOYOTA
Taking Our Yen Out, Thanks America –
Lấy tiền yên của chúng tôi, cám ơn nước Mỹ.


Too Often Yankees Overprice This Auto –
Giá xe này đắt quá đáng.


VOLVO
Very Odd looking Vehicular Object –
Xe cộ gì trông rất kỳ cục.


VW
Virtually Worthless –
Hầu như vô dụng.

Vulnerable Warranty –
Bảo hành yếu.