Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Về các nhà triết học



VỀ CÁC NHÀ TRIẾT HỌC

1. “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả” – câu châm ngôn nổi tiếng này là của của Socrates. Ngoài câu này thì Platon còn ghi lại được một câu nói khác của Socrates: “Tôi luôn luôn nói rằng tôi không biết gì, ngoại trừ một khoa học nho nhỏ – erotica (khoa học về tình yêu). Tôi là người rất mạnh mẽ trong môn khoa học này.
2. Platon từng không chỉ là một nhà triết học mà còn là một nhà vô địch Olympic. Hai lần ông đã thắng trong các cuộc thi Pankration – môn thể thao kết hợp cả boxing và vật không có quy tắc.
3. Nhà triết học Ý, Cardano tưởng tượng rằng các thành viên chính phủ đang theo dõi ông, còn thịt mà người bán cho ông đã được tẩm lưu huỳnh.
4. Người ta kể về Montesquieu rằng phía dưới bàn làm việc của ông bạn có thể nhìn thấy chỗ đất lõm xuống do chân ông liên tục co giật.
5. Rousseau đứng dưới ánh mặt trời với đầu trần để  buộc bộ não của mình làm việc chăm chỉ hơn. Friedrich Schiller khi viết luôn luôn giữ đôi chân của mình trong nước lạnh.
6. Denis Diderot quên ngày, tháng, năm và tên của những người thân.
7. Arthur Schopenhauer nổi giận và từ chối trả các hóa đơn tại khách sạn, nếu tên họ của ông được viết có hai chữ p.
8. Các môn đệ của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Platon một lần yêu cầu ông đưa ra một định nghĩa về con người và ông trả lời: “Con người là một động vật hai chân, không có lông vũ” Tuy nhiên, sau khi Diogenes đưa đến Học viện một con gà trống bị vặt hết lông và coi đấy là con người, theo như định nghĩa của Platon thì ông buộc phải thêm vào định nghĩa của mình: “Và có móng dẹt”.
9. Hoàng hậu nước Pháp, Marie Antoinette được coi là người đã nói câu nổi tiếng: “Nếu họ không có bánh mì thì họ cứ việc ăn bánh ngọt!” Bà đã nói câu này sau khi nghe tin rằng nông dân đang rất đói. Nhưng câu này được Jean-Jacques Rousseau viết ra trước ngày Marie-Antoinette sinh ra trên đời. Xem ra, câu này do một hoàng hậu hay công chúa nào đó nói ra nhưng người đó là ai thì không có câu trả lời chính xác.
10. Sau cái chết của Platon vào năm 347 trước Công nguyên, Aristotle đã trở thành người thầy của con trai vua Macedonia, người sau này là Alexander Đại đế.
11. Một chàng trai trẻ hỏi Socrates:
- Thưa nhà thông thái, con nên lấy vợ hay là không lấy vợ.
- Con cứ việc làm theo ý mình – đằng nào thì rồi cũng sẽ hối hận cả.
12. Socrates đã từng rất coi thường sự sang trọng, ông cho rằng giá trị là chỉ những gì cần thiết cho cuộc sống.
13. Theo những tư liệu đáng tin cậy nhất thì năm 399 trước Công nguyên Socrates 70 tuổi, ông bị kết án và bị tử hình.
14. Bộ sưu tập đầu tiên được mô tả bằng ngôn ngữ khoa học là của Aristotle. Aristotle là một nhà sưu tập đam mê, ông đã liệt kê và mô tả một số lượng lớn các loại thực vật từ nhiều quốc gia. Nhà cung cấp chính cho bộ sưu tập của ông là Alexander vua Macedonia.


HƯ KHÔNG

Hư không (tiếng Latin: Vanitas – nghĩa tiếng Việt là: hư không, hư vô, phù du, phù vân, sắc sắc không không) – là một thể loại hội họa Baroque mà phần trung tâm thường là hộp sọ dừa con người. Những bức tranh thực hiện theo phong cách vanitas có ý nghĩa là lời nhắc nhở về tính tạm thời của cuộc sống, sự phù phiếm của niềm vui hạnh phúc, của tình yêu và cái chết là không tránh khỏi. Thể loại này rất thịnh hành ở Flanders, Hà Lan trong các thế kỷ XVI và XVII, ít phổ biến hơn ở Pháp và Tây Ban Nha.

Một số biểu tượng:
* Sọ dừa – lời nhắc nhở rằng cái chết là không tránh khỏi, ai cũng phải chết. Hộp sọ nhắc về con người đã từng sống trước đây và là sự biểu tượng của cuộc sống phù du.
* Trái cây thối rữa – tượng trưng cho sự lão hóa. Trái cây chín tượng trưng cho khả năng sinh sản, sự phong phú, hiểu theo nghĩa bóng là sự giàu có và thịnh vượng. Một số loại cây có những ý nghĩa riêng: thí dụ tượng trưng cho sự lỗi lầm là lê, cà chua, cam, quýt, nho, đào… và tất nhiên là quả táo.
* Hoa (héo tàn) – hoa hồng là của Vệ nữ, biểu tượng của tình yêu và tình dục, là những thứ phù phiếm, thuộc tính của con người; hoa anh túc để làm ra thuốc phiện, biểu tượng của sự lười biếng; hoa tuy líp, biểu tượng của sự dại dột, vô trách nhiệm.

* Vỏ sò, ốc – là những thứ biểu tượng cho cái chết và sự phù vân.
* Gương – biểu tượng của sự hiếu danh và là sự thể hiện của ảo ảnh chứ không phải thực.
* Bát đĩa, gương kính (vỡ) – kính tượng trương cho sự mong manh dễ vỡ, gốm trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, cối và chày là những biểu tượng của tình dục nam và nữ, chai biểu tượng của sự say rượu.
* Dụng cụ y tế – biểu tượng của bệnh tật và là lời nhắc nhở về sự yếu đuối của con người.
* Tẩu thuốc lá – biểu tượng của sự khoái lạc qua mau.
* Bong bóng xà phòng – biểu tượng cuộc đời ngắn ngủi và tính đột ngột của cái chết, từ đó mà có thành ngữ homo bulla (con người là bong bóng).
* Quân bài, quân cờ – biểu tượng của sự nhầm lẫn mục đích của cuộc đời, sự tìm kiếm lạc thú và lầm lỗi.
* Ngọn nến đang cháy – biểu tượng của linh hồn người, thổi tắt nến tượng trưng cho sự ra đi.
* Đồng hồ - biểu tượng cho sự trôi nhanh của thời gian.
* Sách và bản đồ - biểu tượng của khoa học.
* Chân dung phụ nữ đẹp – biểu tượng của các mối quan hệ giữa con người.
* Ví tiền và đồ trang sức – biểu tượng của sắc đẹp và vẻ quyến rũ của phụ nữ đồng thời chúng gắn liền với thói háo danh và lầm lỗi.
* Vũ khí và đồ binh giáp – biểu tượng của sức mạnh và quyền lực, là những thứ mà con người không thể mang theo xuống mồ.
 ……………………………..
Vân vân và vân vân...

Xuất xứ:
Thuật ngữ này có nguồn gốc từ Kinh Thánh, Cựu Ước (Sách Truyền đạo của Solomon): Vanitas vanitatum et omnia vanitas (Hư không của sự hư không – thảy đều hư không!)

Lời người truyền đạo, con trai Đa-vít
Lời của vua tại Giê-ru-sa-lem.

Hư không của sự hư không
Người truyền đạo nói:
Hư không của sự hư không!
Thảy đều hư không.
………………………..
……………………….

Ta từng nói với tất cả tấm lòng
Rằng ta đã có được sự khôn ngoan
Hơn tất cả những người từng sống trước
Người trước ta ở Giê-ru-sa-lem
Ta thấy nhiều khôn ngoan và kiến thức.

Ta cũng chuyên lòng học sự khôn ngoan
Nhận biết ngu dại và sự điên cuồng
Biết đó cũng là theo luồng gió thổi.

Vì nhiều khôn ngoan có lắm đau buồn
Nhân lên tri thức, nhân sự đau thương.
………………………
……………………….

Trẻ nhỏ hãy vui trong buổi thiếu niên
Lòng hớn hở khi hãy còn thơ ấu
Hãy đi theo con đường của lòng mình
Và hãy xem những gì mắt yêu dấu.


Nhưng hãy biết rằng vì tất cả ấy
Đức Chúa Trời rồi sẽ đoán xét con.

Hãy xua nỗi buồn ra khỏi con tim
Và cái ác khỏi xác thân hãy đuổi
Vì thời thơ ấu và thời trẻ tuổi
Tất cả chỉ là một sự hư không.

Buổi ấu thơ hãy nhớ Tạo Hóa mình
Trước khi những ngày gian nan chưa đến
Những ngày mà rồi ngươi sẽ nói rằng:
“Chẳng có gì ta lấy làm thoả mãn”.

Một ngày hãy còn chưa tắt ánh sáng
Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao
Đám mây mới sau cơn mưa chưa đến.

Trong ngày ấy kẻ giữ nhà run rẩy
Những người mạnh mẽ cũng sẽ cong khom
Người xay cối, vì ít, nên ngừng lại
Kẻ ngó qua cửa sổ mỏi mắt nhòm.

Và hai cánh cửa bên đường đóng lại
Tiếng cối xay rồi cũng sẽ lặng im
Tiếng gà gáy làm người ta thức dậy
Và tiếng con gái hát bỗng im lìm.

Lúc ấy người ta sợ hãi lên cao
Đi trên đường sẽ vô cùng khiếp sợ
Và sẽ trổ bông những khóm hạnh đào
Cào cào nặng, ước ao không còn nữa.

Vì bấy giờ ngươi đi về nơi ở
Trong ngôi nhà ngươi muôn thuở, muôn đời
Những kẻ đưa tang đi vòng quanh, trên phố.

Nhớ Tạo Hoá trước khi dây bạc đứt
Chén vàng tan, bình bên suối vỡ ra
Trước khi gục vào trên giếng bánh xe.

Và tro bụi trở về đất như cũ
Còn linh hồn về với Đức Chúa Trời
Là Đấng trước đây ban nó cho người.

Kẻ truyền đạo nói:
Hư không của sự hư không!
Thảy đều hư không!
………………………. 
………………………..
Trích từ Kinh Thánh diễn thơ


CUỘC ĐỜI LÀ HƯ VÔ

Người La Mã cổ đại, về nguyên tắc, là những người cũng giống như chúng ta ngày nay. Họ đã lao động chăm chỉ, đã chiến đấu, đã yêu nhau, đã kinh doanh, buôn bán, đã thư giãn, đã thưởng thức và tận hưởng cuộc sống của mình... Nhưng ngay cả họ, những người đã xây dựng nên một đế chế hùng mạnh khác thường, hiểu rằng cuộc sống của chúng ta chỉ là “hư không của sự hư không, thảy đều hư không” (Vanitas vanitatum et omnia vanitas), đây là một câu trong Kinh Thánh bằng tiếng Latin. Kể từ thời của các Hoàng đế La Mã, bao nhiêu thời gian đã trôi đi nhưng sự phù phiếm, trống rỗng, sự hư không của đời sống chúng ta thì vẫn nguyên vẹn như ngày nào. 
Thử nhìn ra xung quanh, thử dừng bước chạy trên đường đời một giây phút và thử xem – tất cả đều hấp tấp vội vã đi về đâu đó. Chẳng cần phải hỏi – ai cũng có cả đống việc phải lo, cả đống vấn đề phải giải quyết trong một tương lai gần. Mọi người chạy đi chạy về như những con kiến, như côn trùng, đầu óc rối tung vì công việc. Người ta ăn, ngủ, uống rượu bia, nhậu nhẹt, hút thuốc, nói chuyện, chửi rủa, hôn nhau. Người ta thảo luận về mốt thời trang mới nhất, chạy theo mốt thời trang này như thể trong đó là tất cả ý nghĩa của cuộc sống. Người ta khao khát sống, khao khát được “như mọi người”, khao khát để “bằng chị bằng em”, và hơn thế nữa “thông minh hơn, sành điệu hơn, xinh đẹp hơn, nhanh nhẹn hơn, đẳng cấp hơn”. Trên truyền hình cũng như ở khắp nơi mọi kiểu quảng cáo làm quay cuồng đầu óc của ta trong sự lựa chọn và ta mù quáng làm theo những gì mà người ta thuyết phục. Ý kiến ​​cá nhân thường xuyên được thay thế bằng ý kiến ​​của đám đông.
Vanitas vanitatum… Hư không của sự hư không. Có biết bao nhiêu cuộc đời đã trôi đi trong những ngày vô bổ, ăn không ngồi rồi vô tích sự. Nhưng mà chúng ta vẫn đang làm những việc có ích đấy thôi. Chúng ta học tập, lao động, vất vả với cuộc mưu sinh nhưng tất cả chỉ vì nhu cầu của thân xác chúng ta. Thử xem biết bao nhiêu thời gian mà ta đã bỏ ra để chăm lo vì “đồ ăn cho giun đất” hay vì “ngôi mồ sống” như sự ví von của Thánh Ambrose Optina.

Tất cả mọi thứ trên đời này đều là phù vân, là tạm thời và không ổn định. Dòng chảy của thời gian mang chúng ta vào không gian chiều ngang: ta sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi già và chết. Và không ai có thể thay đổi trật tự của sự vật. Tất cả đều hư không. Nhiều người cảm thấy rằng đó chính là ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta yêu cuộc sống này và nghĩ rằng đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng ta đã sống một cuộc đời không uổng phí. Nhưng cuộc đời có thể bị cắt ngang bất cứ lúc nào. Cái chết không yêu cầu ai phải để mắt đến nó. Nó chỉ đến và làm cái công việc đen tối của mình.
Vanitas vanitatum… Hư không của sự hư không. Vua Solomon nổi tiếng thông minh và giàu có vào lúc hoàng hôn của cuộc đời mình đã thốt lên: “Tất cả là hư không, là theo luồng gió thổi”. Vậy thì ta phải sống làm sao? Có thể chúng ta đã quá quan tâm đến thể xác mà quên mất linh hồn. Cái chết là không tránh khỏi nhưng cái chết chỉ lấy đi thể xác mà không động đến linh hồn. Linh hồn thì bất tử. Linh hồn không quan tâm đến sự hư không. Vậy thì nên sống vì cái gì? Vì sự hư không hay vì một cái gì đó to lớn hơn, bền vững hơn và mãi mãi?

Quyền đêm tân hôn


QUYỀN ĐÊM TÂN HÔN

Quyền đêm tân hôn (tiếng Latin: Jus primae noctis, tiếng Pháp: Droit de cuissage, tiếng Đức: Recht der ersten Nacht) là một tục lệ được cho là tồn tại ở châu Âu thời Trung cổ. Đấy là quyền của những chúa đất, những lãnh chúa phong kiến được quyền qua đêm đầu tiên với cô dâu mới cưới của người nông dân phụ thuộc để làm mất trinh tiết của cô dâu trong đêm này. Trong một số trường hợp, người nông dân phụ thuộc có quyền chuộc bằng một khoản thanh toán đặc biệt.
Để chứng minh cho sự tồn tại của quyền đêm tân hôn, người ta thường dẫn “Jungferzins” (tài liệu trinh tiết), được bảo quản cho đến ngày cuối cùng của chế độ phong kiến, cũng như nghi thức mà người chủ trong ngày cưới của người phụ thuộc mình phải bước trên giường cưới hoặc đặt chân của mình lên đó. Người ta cũng viện dẫn đến một sắc lệnh năm 1486 của vua Fernando II về quyền đêm đầu tiên. Còn nhà văn Collin de Plancy trong tác phẩm “Dictionnaire féodal” (Từ điển phong kiến) của mình đã chỉ ra rằng các cha của nhà thờ Saint-Victor ở Marseilles được phép ngủ đêm đầu tiên với các cô gái nông nô của họ. Collin de Plancy cũng chứng minh việc bán quyền đêm đầu tiên cho những người chủ khác ở Orléans dao động từ 5 đến 9 sol (tiền của Pháp thời Trung cổ).
Các nhà khoa học Johann Jakob Bachofen, Lewis-Henri Morgan hay nhà sáng lập chủ nghĩa Marx, Friedrich Engels cho rằng quyền đêm đầu tiên là tàn dư của hôn nhân tập thể. Ngay cả trong thời kỳ mà trong xã hội đã hình thành hôn nhân theo từng đôi thì người đàn ông vẫn giữ lại quyền đối với tất cả phụ nữ trong bộ tộc của mình. Với sự phát triển văn hóa, nhóm những người có quyền này đối với phụ nữ trở nên ít hơn, việc thực hiện quyền này lại bị hạn chế về thời gian và cuối cùng chỉ còn lại mỗi quyền đêm tân hôn, lúc đầu dành cho tất cả nhưng sau đó chỉ dành cho người đứng đầu một gia đình, cho các linh mục, quan chức trong quân đội và các quí ông – thời Trung cổ. Theo tài liệu mà Friedrich Engels dẫn ra cho thấy tục lệ của nhiều dân tộc thì bạn bè và những người thân của chàng rể đề xuất quyền đêm tân hôn đối với cô dâu và chàng rể là người đứng cuối cùng. Một số dân tộc ở Ethiopia đến nay vẫn còn giữ tập tục này. Điều này được giải thích là do người ta sợ việc chảy máu khi cô gái bị mất trinh tiết. Họ cho rằng việc này làm thoát ra một số lượng lớn ma thuật (mana), và vì thế, rất có hại cho người bình thường, đặc biệt là đối với một người chưa có kinh nghiệm lẫn bản lĩnh như chàng rể.
 
Nói một cách dễ hiểu hơn thì “quyền đêm tân hôn” là một tập tục của nhiều dân tộc ở các nền văn hóa khác nhau và thực chất của nó là trong đêm tân hôn cô dâu phải ngủ với người chủ của mình hoặc người tộc trưởng của bộ tộc. Một số dân tộc coi việc chảy máu khi cô gái mất trinh tiết mang lại điều dữ và bệnh tật. Bởi thế việc này được giao cho người tộc trưởng hoặc người có bùa phép, nghĩa là những người mạnh mẽ, có khả năng xua đuổi được tà ác. Và cô dâu chỉ được trao cho chàng rể sau khi “đã sẵn sàng cho việc sử dụng”. Cũng từ đó mà có khái niệm “quyền đêm đầu tiên”, mặc dù đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau cả xưa cũng như nay, đêm tân hôn chưa chắc là đầu tiên và ngược lại.
Một số dân tộc đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo an toàn cho chàng rể trẻ tuổi và chưa có kinh nghiệm. Nhiều dân tộc ở miền trung Australia, Trung Mỹ, quần đảo Marquesas và Tân Ghi Nê, trước đám cưới một phụ nữ lớn tuổi dùng dao bằng xương rạch màng trinh của cô gái. Sau đó tất cả đàn ông trong dòng họ của chàng rể lần lượt giao cấu với cô dâu và chỉ sau đó cô mới được giao cho chàng rể.
Theo tập tục của cư dân ở quần đảo Baleares thì người đầu tiên lên giường với cô dâu là người lớn tuổi nhất và đáng kính nhất sau đó mới đến những người khác – phụ thuộc vào độ tuổi và thứ bậc. Chàng rể là người cuối cùng được hưởng vinh dự này.
Còn theo tục lệ của người Arunta ở Papua thì gánh nặng đêm tân hôn được đặt lên vai những người bạn của chàng rể. Khoảng một tuần trước ngày cưới, chàng rể nhờ mấy người bạn trai của mình bắt cóc cô dâu, giật bông hoa đỏ trên đầu và làm cho cô mất trinh tiết.
Ở Bắc Phi, trong buổi tối tân hôn tất cả khách khứa là nam giới lần lượt giao cấu với cô dâu và mỗi người tặng cho cô một món quà được chuẩn bị từ trước.
Một bộ tộc ở Ấn Độ thì lại mời một người đàn ông xa lạ đứng ra làm việc này. Người đàn ông này ở lại trong làng và ngủ qua đêm tân hôn với cô dâu.
Ở Ai Cập cổ đại, vào một ngày xác định trước khi cưới cô dâu đến đền Nữ Thần và trao thân cho người đàn ông nào mà cô gặp đầu tiên.
Theo tập tục của một số bộ lạc cổ xưa ở vùng Scandinavia thì vào giờ nhá nhem sáng tối trước đêm tân hôn một giáo sĩ cuỗm cô dâu đi vào rừng, nhóm một đống lửa rồi làm lễ hiến sinh cho nữ thần Freyja một con nai hoặc heo rừng. Sau khi làm xong thủ tục này, giáo sĩ tiến hành nghi thức giao cấu với cô dâu. Thời trung cổ, việc phá trinh cho các cô gái nông nô không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của các giáo sĩ thời đó.
Sự đòi hỏi trinh tiết của cô dâu, và ở một số nơi còn đòi hỏi đối với cả chàng rể, là xuất phát từ quan niệm cho rằng việc biến một cô gái trở thành phụ nữ và chàng trai trẻ trở thành người đàn ông chỉ có thể diễn ra theo những nghi thức đã được xác định. Một số dân tộc còn tin rằng người phụ nữ bị mất trinh tiết trước đêm tân hôn sẽ trở thành vô sinh, sẽ trở thành góa phụ hoặc chồng mình sẽ trở nên góa bụa, còn gia đình sẽ nghèo túng suốt đời.

Ngày nay tất cả những nghi thức trên đây không còn nữa mà chỉ còn phụ thuộc vào quan niệm của đôi tân hôn. Không ít khi đêm đầu tiên của tình yêu diễn ra rất lâu trước ngày cưới. Lại có những trường hợp mà quan hệ vợ chồng chỉ xảy ra rất lâu sau ngày cưới. Trong những cuộc chiến tranh trước đây có nhiều người lính ngay sau lễ cưới đã phải đi ra chiến trường và đêm tân hôn của họ chỉ diễn ra rất nhiều năm sau khi cưới. Dù đêm tân hôn chỉ còn mang tính ước lệ như vậy nhưng những đôi tân hôn vẫn muốn để cho đêm đầu tiên sau khi cưới trở nên đặc biệt, khác thường và nhớ mãi.


MEMENTO MORI

Memento mori là một câu thành ngữ, tiếng Latin có nghĩa là “Hãy nhớ rằng ngươi sẽ chết”. Câu này đã trở thành những lời có cánh. Câu nói này có từ truyền thống nghệ thuật cổ xưa và được sử dụng trong nhiều thể loại khác nhau, nhưng nói chung là có một ý nghĩa nhắc nhở mọi người không được quên rằng tất cả đều phải chết, không ai có thể sống mãi.
Câu danh ngôn này có xuất xứ từ: Respice post te! Hominem te memento! (Hãy nhìn lại phía sau! Hãy nhớ rằng bạn là con người!) của nhà văn La Mã cổ đại, Tertullian trong tác phẩm Apologeticus.
Thời La Mã cổ đại, câu này được nói trong các buổi lễ long trọng đón những người chiến thắng trở về. Ngồi sau lưng vị tướng thắng trận trở về là một nô lệ có nhiệm vụ thường xuyên nhắc cho người chiến thắng biết rằng dù vinh quang có lên đến tận mây xanh thì cũng đừng quên rằng anh là con người và anh sẽ phải chết. Người La Mã cổ đại cũng rất thích treo dòng chữ “Memento mori” trong các buổi yến tiệc linh đình. Tại thời điểm lễ hội vui vẻ, họ nói với nhau: Memento mori”.
Còn người Ai Cập thích đặt một xác ướp trong những bữa tiệc lớn như một lời nhắc nhở về cái chết: “Memento mori”.
Trong số những lời răn của Samurai Nhật có câu: “Mỗi buổi sáng hãy suy nghĩ về cách cần phải chết ra sao. Mỗi buổi tối hãy làm mới tâm trí của bạn bằng ý nghĩ về cái chết. Hãy nuôi dưỡng trí tuệ của mình. Khi tâm trí của bạn luôn xoay quanh cái chết, đường đời của bạn sẽ là con đường thẳng và đơn giản. Ý chí của bạn sẽ thực hiện nhiệm vụ, lá chắn của bạn sẽ không ai có thể vượt qua”. Con cái của Samurai được “làm quen” với cái chết từ rất sớm. Những người thầy kinh nghiệm hướng dẫn họ thực hành các nghi thức tự mổ bụng tuẫn tiết (seppuku) khi bị thất thủ hoặc khi chủ bị chết để tránh bị rơi vào tay quân thù và bị làm nhục.
Người Hồi giáo thì cũng như truyền thống (ngoại giáo Kitô giáo) châu Âu, theo nguyên tắc “memento mori”, nghĩa là “hãy nhớ đến cái chết” và coi đây như là một sự kích thích để giải thoát tâm linh. Hồi giáo dạy rằng con người không nên sợ chết. Đối với những người tin tưởng và làm những công việc chính đạo, không nên sợ cái chết. Theo tiền định của Thánh Ala, thế giới này liên tục thay đổi, sự sống đời đời sẽ thay thế cho cuộc đời ngắn ngủi, kiếp phù vân sau khi chết.
Thiên Chúa giáo hiểu ý nghĩa của cuộc đời, cái chết và sự bất tử xuất phát từ Kinh Thánh Cựu Ước: “Ngày chết tốt hơn ngày sinh. Đến nhà tang tốt hơn đến nhà hàng” (Sách Truyền đạo: 7-1,2) hay lời giáo huấn của Chúa Giê-su trong Tân Ước: “Ta cầm trong tay chìa khóa của Tử thần và Âm phủ” (Sách Khải Huyền: 1-18). Vì rằng cuộc đời ngắn ngủi nơi trần thế chỉ là một bước chuẩn bị cho cuộc sống muôn thuở sau này, bởi thế một con chiên ngoan đạo phải luôn luôn chuẩn bị: “Vậy các ngươi phải sẵn sàng, vì Con Người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ” (Ma-thi-ơ: 24:44). Và đây là những lời cầu nguyện nói lên đầy đủ tinh thần này: “Hãy để cho cái chết của những người thân yêu nhắc nhở chúng ta về cái chết của mình, hãy để cho nghĩa trang mà ta ghé thăm khơi dậy trong ta ý nghĩ rằng sẽ đến một ngày ta sẽ về nằm yên dưới đất, hãy để cho bệnh tật trở thành người báo tin, người gọi ta về thế giới bên kia. Chúng ta cầu Chúa rằng Ngài sẽ cứu chúng ta khỏi hóa đá, khỏi bất tỉnh ở trong tim, đánh thức trong chúng ta ký ức sống động về tử thần, giải thoát ta khỏi sự phù phiếm trần gian biến ta làm người thừa kế hạnh phúc vĩnh hằng trong ngôi nhà của Cha Thiên Thượng. Amen”.

Có một câu thành ngữ Latin nổi tiếng khác: “mors certa, hora incerta” (Cái rõ ràng nhất trong cuộc sống – là Cái chết, cái không rõ ràng nhất – là giờ chết). Quả thật, con người ta không ai biết trước được giờ chết của mình mà chỉ nghĩ rằng điều này ở trong một tương lai xa lắm. Và thường là chúng ta quên mất rằng mình sẽ phải chết, có vẻ như là bất tử. Thế nhưng còn gì tệ hại hơn là bất tử. Nhiều dân tộc có những giai thoại về sự trừng phạt nặng nề nhất là được ban cho cho sự bất tử. Chuyện kể rằng khi Giê-su mệt rã rời vì vác cây thập ác đi về Golgotha, Ngài muốn nghỉ một chút thì một kẻ trong đám đông kêu lên: “Đi đi, đi tiếp đi”, vì điều này mà người này bị trừng phạt bằng sự bất tử.
Cần nhớ về cái chết mọi lúc mọi khi. Câu thành ngữ “memento mori” cần có một vị trí trong đời sống của mỗi con người. Nhà văn, nhà triết học Michel de Montaigne từng khuyên người đời như vậy: “Cần vứt bỏ cái vẻ bí ẩn của cái chết và hãy nhìn kỹ để quen với nó, suy nghĩ về nó nhiều hơn bất cứ thứ gì khác... Người Ai Cập đã từng làm như vậy với tục đặt xác ướp của người đã chết trong phòng yến tiệc giữa những món sơn bào hải vị để nhắc nhở con người về cái chết... Ai đã học chết là đã quên được việc phải làm nô lệ. Việc sẵn sàng cho cái chết giúp chúng ta thoát khỏi mọi sự lệ thuộc và ép buộc”. Thật vậy, một con người được chuẩn bị điều này sẽ cảm thấy cái chết là một sự kết thúc tự nhiên của đường đời chứ không phải là một sự sụp đổ hoàn toàn tuyệt vọng. Việc tỉnh táo tiếp nhận cái chết biến ta thành người hơn và giúp chúng ta đi hết con đường có tên là cuộc sống.


Những phát minh thiên tài thực hiện ra sao


NHỮNG PHÁT MINH THIÊN TÀI ĐƯỢC THỰC HIỆN RA SAO

Tổ tiên chúng ta đã nghĩ ra biết bao nhiêu thứ để làm cho cuộc sống của mình thuận tiện và thoải mái hơn. Bạn có biết thìa, nĩa, bàn chải răng, bao cao su, giấy vệ sinh… đã được phát minh như thế nào không, người cổ đại đã thay thế những thứ rất cần thiết này bằng gì không?
Khi nói về những phát minh vĩ đại của Thomas Edison, người ta nhớ ít nhất là năm phát minh nổi tiếng nhất: máy hát đĩa, máy đánh chữ, máy điện tín, máy phát điện xoay chiều, tất nhiên bóng đèn điện.
Theo đề án của Edison, năm 1882 nhà máy điện đầu tiên được xây dựng ở New York. Ông cũng đã tạo ra thiết bị cơ sở của máy ghi tiếng, thiết bị để ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại, thiết kế pin nickel-sắt và nhiều nhiều thứ nữa (tất cả gần 1000 sáng chế).

Giấy vệ sinh
Tổ tiên chúng ta đã xoay xở ra sao với việc làm vệ sinh sau khi thực hiện một nhu cầu tự nhiên tối thiểu. Francois Rabelais cho rằng dễ chịu nhất là làm điều này với sự giúp đỡ của một chú vịt (còn người Việt làm việc này với sự giúp đỡ của các chú chó thì có lẽ còn thú vị hơn và cũng chưa thấy các nơi khác trên thế giới từng làm như vậy).
Người La Mã thì dùng miếng bọt biển gắn vào một cái que và sau khi sử dụng được đặt vào một chậu nước muối. Người Viking lau bằng cục len, thổ dân châu Mỹ dùng các loại lá hoặc bẹ ngô. Các vị vua Pháp vốn thanh lịch dùng giẻ vải lanh. Dùng giấy để làm việc này đầu tiên là người Trung Hoa, tuy nhiên không phải dân thường mà chỉ những vị hoàng đế. Sau đó, việc dùng giấy lan ra khắp thế giới: người ta dùng giấy báo cũ và cả sách, vở.

Chỉ đến năm 1857 một người Mỹ tên là Joseph Guyette nghĩ ra cách cắt những mảnh giấy vuông vức và đóng thành gói. Joseph Guyette vô cùng tự hào với phát minh này nên đã viết tên của mình lên từng mảnh giấy. Tuy vậy, tên của người đã nghĩ ra cách làm giấy cuộn thì không ai biết. Những cuộn giấy vệ sinh lần đầu tiên được sản xuất ở nhà máy “Scott Paper” của Mỹ năm 1890.

Bánh xe
Ai, khi nào và tại sao người ta đã nghĩ ra bánh xe lần đầu tiên thì hiện vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử. Các bánh xe cổ nhất được tìm thấy ở vùng Lưỡng Hà và được làm ra khoảng 55 thế kỷ trước. Các bánh xe thời đó được cắt từ những súc gỗ nguyên khối có hình tròn.
Các bánh xe có nan hoa lần đầu tiên được sản xuất tại bán đảo Tiểu Á (bán đảo phía tây của châu Á, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) trong thế kỷ XX trước Công nguyên cũng trong thế kỷ này nó được phổ biến đến châu Âu, Trung Hoa Ấn Độ. Những bánh xe như thế chỉ được sử dụng trong xe ngựa để vận chuyển người, nhưng ở Ai Cập người ta bắt đầu sử dụng cho xe chở hàng hóa. Những chiếc xe như thế rất phổ biến ở Hy Lạp cổ đại và sau đó là La Mã. Tại Mỹ, bánh xe xe chỉ xuất hiện sau khi người Âu có mặt.

Bao cao su
Gần ba ngàn năm trước Công nguyên, vua Minos của Crete đã dùng bong bóng cá làm bao để chống các bệnh lây qua đường tình dục trong thú vui tình ái. Một số nhà nghiên cứu cho rằng người La Mã cổ đại đã dùng mô cơ của những người lính bị chết để chế ra thứ bao này. Một ngàn năm trước Công nguyên người Ai Cập đã dùng các túi vải lanh và để cho nó không rơi xuống, người ta sử dụng các dải băng quấn bằng vải. Những cái túi vải lanh như thế được sử dụng trong suốt 2500 năm.

Đến thế kỷ XV ở châu Âu rất phổ biến việc dùng bao do dịch giang mai hoành hành. Những chiếc bao như thế không chỉ giúp ngăn chặn bệnh giang mai mà còn giúp tránh việc thụ thai ngoài ý muốn mà trước đó chưa một ai biết đến. Đến cuối thế kỷ XV những bao vải lanh như thế được ngâm trong một dung dịch hóa chất trước khi phơi khô để sử dụng. Đấy là những chất diệt tinh trùng đầu tiên, mà hiện nay có ở tất cả các loại bao cao su.
Tên gọi “condom” có từ thế kỷ XVII. Theo một giả thiết, đấy là tên người thầy thuốc của vua Charles II, Kondom, người đã tìm ra cách để tránh cho nhà vua việc có con ngoài giá thú và các bệnh hoa liễu từ gái mại dâm. Ông làm loại bao này từ ruột cừu. Theo một giả thiết khác - từ này có nguồn gốc tiếng Latin “Condon”, có nghĩa là “kho chứa”. Loại bao làm từ ruột động vật có giá thành rất cao, vì vậy người ta đã sử dụng nhiều lần.
Với phát minh lưu hóa cao su vào năm 1839, loại bao này trở thành bao cao su từ năm 1844. Bao cao su latex đầu tiên có từ năm 1919. Loại bao này rất mỏng và không còn nồng nặc mùi cao su. Còn những bao cao su có chất bôi trơn chỉ được sản xuất từ năm 1957.

Dây giày
Lịch sử quả thật lạ lùng vì không lưu giữ được tên tuổi của thiên tài đã phát minh ra dây giày nhưng đã giữ lại chính xác ngày tháng của nó: 27 tháng ba năm 1790. Chính trong ngày này chiếc dây buộc giày có mẩu sắt nhỏ ở hai đầu xuất hiện tại nước Anh. Còn trước đó tất cả các loại giày đều được móc bằng các móc sắt.

Thìa và nĩa
Người La Mã và Hy Lạp cổ đại nói chuyện về cái đẹp, cái cao thượng và ăn bốc bằng tay. Nhà thơ La Mã Ovid đã dạy cho họ ăn bằng ngón tay và sau bữa ăn lau chúng lên bánh mì. Sau đó ở Hy Lạp người ta đeo những chiếc găng tay đặc biệt có những ngón cứng khi ăn.
Mà nói chung, những nguyên mẫu đầu tiên của thìa muỗng đã có từ 3000 năm trước Công nguyên. Chúng được nặn từ đất sét hoặc được cắt từ xương hoặc sừng của động vật, kể cả từ vỏ sò, xương cá và gỗ. Vật giống với chiếc nĩa ngày nay nhưng không phải ba nhánh mà có năm nhánh đã có từ thế kỷ thứ X ở châu Á. Một trăm năm sau đó phát minh này lan tới châu Âu nhưng chỉ được phổ biến rộng rãi vào thế kỷ XVI.
Đến cuối thế kỷ XVIII ở châu Âu những con dao lưỡi thẳng nhường chỗ cho dao có lưỡi cắt hình khuyết. Sự cần thiết dùng dao chọc vào thức ăn đã không còn vì chức năng này đã có nĩa thực hiện.

Cúc áo
Thay vì dùng cúc để kết nối các mảnh quần áo của mình, người cổ đại đã dùng gai thực vật, xương động vật hay các mảnh gỗ. Người Ai Cập cổ đại đã dùng những sợi len xâu qua các mảnh quần áo để liên kết chúng với nhau.

Ai là người đã phát minh ra chiếc cúc áo lịch sử đã không còn lưu giữ lại được: một số nhà nghiên cứu cho rằng đấy là người La Mã hoặc Hy Lạp cổ đại, một số khác lại cho rằng chính người châu Á mới là những người phát minh ra chiếc cúc áo. Những chiếc cúc đầu tiên được làm bằng ngà voi.
Cúc áo có được sự phổ biến rộng rãi chỉ từ thế kỷ XII. Và sang thế kỷ XIII nó trở thành dấu hiệu của sự giàu có và sành điệu. Các bậc vua chúa và tầng lớp quí tộc thường sử dụng những chiếc cúc áo làm từ vàng và bạc. Cũng từ thế kỷ XIII các cúc áo được làm từ sắt và đồng và mãi đến thế kỷ XIX chúng là thứ hàng đắt tiền nên người ta thường dùng những chiếc cúc từ những bộ quần áo cũ cho những bộ quần áo mới.

Ghim kẹp giấy
Từ thế kỷ XIII con người đã biết cách xếp các tờ giấy vào nhau rồi xâu một sợi dây qua lỗ ở góc phía bên trên. Năm 1835 bác sĩ John Ayrlend Howe ở New York đã làm ra một chiếc máy sản xuất kim găm. Kim găm, đã đành là người ta nghĩ ra để dùng cho thợ may, để trong khi may các mảnh vải rời không bị rơi ra, thế nhưng người ta còn dùng chúng để găm giấy.
Còn chiếc ghim kẹp giấy đầu tiên là do nhà sáng chế người Na Uy Johan Vaaler nghĩ ra năm 1899. Johan Vaaler không thu được đồng nào từ phát minh này vì ông không làm tìm được nguồn vốn đầu tư hay nhà sản xuất, là điều mà những người Anh (công ty Gem Manufacturing Ltd) đã làm được vào năm 1900. Quả thực, chiếc ghim do công ty này sản xuất mới có hình dạng của chiếc ghim kẹp giấy thời nay, nhưng không hiểu tại sao không một ai đăng ký phát minh này cả.

Lược chải đầu
Những chiếc lược cổ xưa nhất được con người sử dụng là những chiếc lược làm từ xương cá. Không rõ khi nào và ở đâu có những chiếc lược đầu tiên nhưng một trong những chiếc lược cổ nhất được tìm thấy trong cuộc khai quật tại vùng đất của La Mã cổ đại. Chiếc lược này được làm từ xương động vật, có tay nắm và có tám răng cách nhau 0,2 cm. Sau đó lược còn được làm bằng gỗ, ngà voi, san hô, mai rùa và sừng các loại động vật khác nhau. Những nguyên liệu này được dùng để làm lược cho đến giữa thế kỷ XIX.
Năm 1869 hai anh em Ê-sai và John Hyatt phát minh ra nhựa đã hoàn toàn thay đổi việc sản xuất lược. Voi hay rùa là những động vật ngày càng hiếm hoi mà người sử dụng lại có được những chiếc lược vừa rẻ, vừa bền lại vừa giống với lược ngà voi, mai rùa hay san hô.

Diêm
Con người đã từng sử dụng biết bao nhiêu cách khác nhau để lấy lửa trước khi diêm xuất hiện. Quẹt bề mặt các thanh gỗ, đá vào nhau, đập tia lửa với silic, bắt các tia nắng mặt trời qua mảnh thủy tinh. Và khi thu được lửa thì người ta cẩn thận giữ bằng than trong chậu bằng đất nung.
Chỉ đến cuối thế kỷ XVIII thì cuộc sống mới trở nên dễ dàng hơn khi nhà hóa học người Pháp Claude Berthollet tìm ra chất kali clorat. Vì thế, ở châu Âu năm 1805 xuất hiện một loại diêm que được phết kali clorat và chúng phát lửa khi nhúng vào dung dịch a-xít sunfuric đậm đặc.
Còn những que diêm khô thì lại là công của nhà hóa học người Anh John Walker. Năm 1827 ông nhận thấy rằng nếu đem hỗn hợp gồm sulfua antimon, kali clorat và gôm arabic phết lên đầu que gỗ, sau đó phơi khô trong không khí và khi quẹt vào giấy nhám thì đầu của nó sẽ dễ dàng bắt lửa.

Từ đó, việc mang theo lọ a-xít sunfuric kè kè bên mình đã không cần thiết nữa. Walker liền tổ chức một xưởng sản xuất diêm của mình. Những hộp diêm 100 que được đóng trong những chiếc hộp thiếc. Tuy nhiên, loại diêm này có mùi rất khủng khiếp nên nhà phát minh cũng chẳng kiếm được bao nhiêu.
Năm 1830 nhà hóa học trẻ tuổi người Pháp Charles Sauria làm ra loại diêm phốt pho từ hỗn hợp phốt pho kali clorat và keo. Loại diêm này dễ bốc lửa khi quẹt vào bề mặt cứng bất kỳ, kể cả vào đế giày, tuy nhiên chúng lại có hại cho sức khỏe của người sử dụng vì phốt pho trắng rất độc.
Năm 1855 nhà hóa học người Thụy Điển Johan Edvard Lundström hiểu rằng phốt pho đỏ tốt hơn phốt pho trắng nên đã dùng phốt pho đỏ bôi lên bề mặt giấy nhám và cả vào hỗn hợp trên đầu que diêm. Bằng cách như vậy diêm đã không còn hại cho sức khỏe người sử dụng mà vẫn bắt lửa tốt.
Cuối cùng, năm 1899 Joshua Pusey làm ra hộp diêm đầu tiên nhưng bằng sáng chế lại được trao cho công ty Diamond Match Company vì công ty này cũng nghĩ ra hộp diêm y hệt như vậy, chỉ với một điểm khác là bề mặt đánh lửa ở phía ngoài hộp (còn của Joshua Pusey lại ở bên trong hộp).

Băng vệ sinh
Bắt đầu từ những ngày còn sống trong hang động cho đến thời đại văn minh đầu thế kỷ XXI này, một nửa loài người là phụ nữ đã phải tỏ ra tháo vát trong những ngày nguy ngập. Thời tiền sử phụ nữ đã dùng tất cả: từ cỏ lá, rêu đến rong tảo biển. Người Ai Cập cổ đại sử dụng lá cây papirut, người Hy Lạp dùng giẻ cuộn lại. Người La Mã dùng len, người Nhật dùng giấy, người châu Phi dùng lá cỏ…
Vào đầu thế kỷ XIX phụ nữ bắt đầu may băng vệ sinh bằng giẻ được làm từ sợi bông và sử dụng nhiều lần: sau khi dùng xong đem giặt và phơi khô. Đến cuối thế kỷ này một người thông minh nào đó đã nghĩ ra cách sản xuất hàng loạt băng vệ sinh nhưng do không có quảng cáo nên không được phổ biến rộng rãi.
Đầu thế kỷ XX phụ nữ nghĩ ra cách dùng gạc bông để làm băng vệ sinh. Trong thập niên 20 của thế kỷ XX băng vệ sinh được bày bán ở các cửa hàng và được quảng cáo rộng rãi trên các báo, tạp chí phụ nữ. Phụ nữ thời đấy dùng kim băng gắn vào quần lót hoặc buộc dây rồi quấn vào vòng eo.
Băng vệ sinh tampon đầu tiên được sản xuất hàng loạt vào năm 1936 nhưng chỉ thực sự phổ biến vào thập niên 1960. Một thập niên sau đó người ta mới nghĩ ra cách dùng băng dính để gắn băng vệ sinh vào đồ lót. Còn gel thấm nước, thành phần quan trọng của băng vệ sinh hiện đại chỉ được nghĩ ra trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX.

Kim khâu
Lịch sử nghề may đã có từ 20 ngàn năm nay. Người nguyên thủy dùng gai nhọn hoặc đá để đâm lỗ da thú và làm quần áo.
Những chiếc kim có lỗ đầu tiên làm từ đá, xương hoặc sừng của động vật được tìm thấy ở Bắc Âu và Trung Á có độ tuổi là 17 ngàn năm. Ở châu Phi người ta dùng xương lá cọ để làm kim. Những chiếc kim bằng sắt đầu tiên được cho là do người Trung Hoa làm ra. Việc sản xuất kim hàng loạt chỉ bắt đầu vào thế kỷ XIV ở Nuremberg và sau đó là ở Anh.
Những chiếc kéo đầu tiên được tìm thấy ở Ai Cập. Những chiếc kéo này chỉ có một cánh và có độ tuổi là thế kỷ XVI trước Công nguyên. Còn chiếc kéo có hình dạng như kéo ngày nay là phát minh của Leonardo da Vinci.

Gót giày cao gót
Những chiếc gót giày cao có từ thế kỷ XII và chúng có mục đích đơn giản là để làm cho bàn chân của những kỵ sĩ bám chắc vào bàn đạp. Thế nhưng ai là người đầu tiên phát minh ra gót giày cao gót như ngày nay thì không ai biết chính xác, mặc dù thiên hạ vẫn cho đấy là những người thợ thủ công ở thành phố Cordoba, Tây Ban Nha trong thế kỷ XVII.

Những người thợ này đã tạo ra hình dáng của chiếc gót gày vát vào bên trong theo dáng của “vòng eo Pháp” ở giữa. Theo thời gian, gót giày có một số thay đổi: từ những gót giày cao như ly rượu đến gót vuông và rộng được thiết kế đặc biệt cho những cô gái nhảy điệu twist. Năm 1950 nhà thiết kế thời trang Ý Salvatore Ferragamo đã phát minh ra kiểu gót cao nhỏ có một thanh thép dài ở giữa.

Bàn chải răng
Việc chăm sóc sức khỏe răng miệng đã được người Ai Cập cổ đại thực hiện từ 3000 năm trước Công nguyên. Trong những quan tài bằng đá người ta tìm thấy những nguyên mẫu của bàn chải răng được làm từ những nhánh cây rủ xuống ở phần cuối. Tuy nhiên, người ta cho rằng một vị hoàng đế Trung Hoa mới là người phát minh ra bàn chải răng hiện đại vào năm 1498. Bàn chải này được làm từ lông heo rừng Siberi.
Sang thế kỷ XVII phát minh này được phổ biến ở châu Âu, nơi mà trước đó chưa từng quen với việc đánh răng, và người Âu thay lông heo rừng bằng lông bờm ngựa mềm mại hơn. Đến đầu thế kỷ XX người ta vẫn dùng lông của động vật để làm bàn chải răng.
Năm 1937 nylon được phát minh và từ năm 1938 người ta dùng nylon để làm bàn chải. Tuy nhiên, bàn chải từ lông động vật vẫn tiếp tục được sản xuất vì chúng có phần mềm mại hơn. Chỉ từ năm 1950 bàn chải nylon mới trở thành mềm mại như bàn chải ngày nay.


MƯỜI SỰ KIỆN RÚT TỪ LỊCH SỬ LIÊN XÔ

1. Trong thời gian đầu của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại trong Thế chiến II Liên Xô thiếu xe tăng một cách nghiêm trọng, vì thế có một quyết định được đưa ra trong trường hợp khẩn cấp là cải tiến máy kéo thông thường thành xe tăng. Trong trận đánh ở thành phố Odessa có 20 “xe tăng” làm từ máy kéo được đưa vào sử dụng. Mục đích của việc làm này là chủ yếu đánh đòn tâm lý và đã mang lại hiệu quả không ngờ. Những chiếc máy kéo được bọc thêm các tấm thép với tháp pháo và đèn pha bật sáng trong đêm đã làm cho kẻ thù hoảng sợ bỏ chạy. Những người lính đã gọi loại “xe tăng” này là NI-1, được giải mã thành “Để dọa dẫm”(На испуг).
2. Ở Liên Xô từ tháng 11 năm 1941 có một loại thuế bằng 6% tiền lương đánh vào những người không có con. Đàn ông tuổi từ 20 đến 50 và phụ nữ có chồng tuổi từ 20 đến 45 mà không có con thì phải nộp thuế này. Những người có thu nhập dưới 70 rúp một tháng, những người không thể có con vì lý do sức khỏe, những người có con nhưng bị chết hoặc mất tích trong chiến tranh, Anh hùng Liên Xô và những người phục vụ trong quân đội đều được miễn đóng loại thuế này. Dân gian gọi loại thuế này là “thuế để mua trứng” (налог на яйца).
3. Tại World Cup 1962 đội tuyển bóng đá Liên Xô gặp đội tuyển Uruguay. Sau quả sút của một cầu thủ Liên Xô bóng bay vào lưới đội Uruguay qua lỗ thủng từ phía bên ngoài cầu môn, gỡ hòa 1:1 cho đội Liên Xô. Do trọng tài không nhìn thấy nên bàn thắng này đã được tính, tuy nhiên đội trưởng đội Liên Xô, Igor Netto đã làm hiệu, giải thích cho trọng tài rằng bàn thắng không đúng. Cuối cùng bàn thắng này đã không được tính nhưng đội tuyển Liên Xô vẫn giành chiến thắng trong trận này.
4. Ở Liên Xô từng có một giai thoại về câu nói nổi tiếng của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nikita Khrushchev tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc: “Tôi sẽ cho các ngài biết mẹ Kuzma!” (Я вам покажу кузькину мать!). “Mẹ Kuzma” là gì? Hình như đấy là một loại vũ khí mới bí mật! Kết quả là sau đó cụm từ: “Mẹ Kuzma” được dùng để chỉ một loại bom nhiệt hạch của Liên Xô. Trên thực tế, người phiên dịch hôm đó đã không dịch theo nghĩa đen, mà là: “Tôi sẽ cho các ngài biết cái gì là cái gì”, nguyên văn lời dịch ra tiếng Anh: “We shall show you what is what”.

Mặc dù người Mỹ dịch là “Kuzma’s mother” nhưng theo lời của người phiên dịch của Khrushchev, Viktor Shuhodrev thì cụm từ này không thể dịch được. Chính Khrushchev cũng đã nói: “Các bạn phiên dịch vò đầu mà làm gì? Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta sẽ cho nước Mỹ thấy cái mà họ chưa bao giờ nhìn thấy”.
5. Để sản xuất đĩa dùng ghi nhạc lậu, ở Liên Xô phổ biến việc sử dụng phim X-quang cũ. Người ta gọi loại đĩa này là “đĩa trên xương sườn” (пластинки на ребрах). Thứ nguyên liệu này không chỉ không mất tiền mà còn giúp cho các kho lưu trữ y tế dỡ bỏ bớt được phần nào.
6. Từ ngày 22 tháng 6 năm 1941 đến ngày 1 tháng 7 năm 1941 (9 ngày) trong lực lượng vũ trang của Liên Xô có đến 5,3 triệu người.
7. Trong cuộc diễu hành mừng Chiến thắng ngày 24 tháng 6 năm 1945 những người lính đã bế trên tay mình một con chó. Mà con chó này nằm trên chiếc áo khoác của Tổng tư lệnh Stalin. Đó là một trong những con chó được huấn luyện để giúp cho những người lính công binh rà phá bom mìn. Con chó này có tên là Djulbars. Trong năm cuối cùng của chiến tranh, Djulbars đã phát hiện ra 7.468 quả mìn và hơn 150 đạn pháo ở các nước châu Âu. Không lâu trước cuộc diễu hành mừng Chiến thắng tại Moskva ngày 24 tháng 6, Djulbars bị thương và không thể đi trong đoàn chó quân sự tham gia diễu hành. Thế là Stalin ra lệnh mang con chó đến Quảng trường Đỏ trên áo ca-pốt của mình.
8. Cuối năm 1991 việc chúc năm mới trên truyền hình của nguyên thủ quốc gia gặp sự rắc rối. Về hình thức Gorbachev là Tổng thống Liên Xô nhưng đã không còn quyền lực gì, còn Yeltsin cũng không thể chúc mừng vì nguyên nhân nào đó. Thế là người ta đã đề nghị Mikhail Zadornov – nhà văn, diễn viên truyền hình làm việc này. Vốn là nhà văn trào phúng, trong lời chúc năm mới được truyền hình trực tiếp, Zadornov đã phát biểu say sưa để quá đến một phút so với thời khắc giao thừa. Vì việc này mà những người phụ trách kỹ thuật đã phải giữ Đồng hồ chuông điện Kremlin lại, không cho đổ chuông đúng giờ.
9. Lev Yashin không chỉ là thủ môn bóng đá mà còn từng là thủ môn khúc côn cầu. Năm 1953 ông đoạt Cup khúc côn cầu Liên Xô và đoạt huy chương đồng giải Vô địch Liên Xô. Người ta đã từng muốn gọi Yashin vào đội tuyển khúc côn cầu dự World Cup nhưng ông quyết định chỉ tập trung cho bóng đá.

10. Công trình vật chất nhân tạo lớn nhất mọi thời đại do con người tạo nên – đó là hình “nấm” từ quả bom khinh khí AN602 của Liên Xô. Tên hiệu của nó là Tsar-bomba (Царь-бомба) – là vũ khí hạt nhân lớn nhất, mạnh nhất từng được cho nổ và hiện tại vẫn là thiết bị nổ mạnh nhất mà con người từng cho nổ trong lịch sử nhân loại.