Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Triết học của tình yêu


1
Suối vẫn đổ về sông
Sông trôi về biển cả
Ngọn gió đời muôn thuở
Tha thiết đắm say tình.
Nào có ai cô đơn
Theo luật trời thần thánh
Mọi thứ đều hòa quyện
Sao em và anh không?...

2
Nhìn núi hôn trời xanh
Sóng xô vào sóng khác
Làm sao tha thứ được
Hoa rẻ rúng bạn tình.
Và nắng ôm đất lành
Và trăng hôn biển cả
Nhưng thảy đều vô nghĩa
Nếu em chẳng hôn anh!

Xin lấy bài thơ Love’s Philosophy của Shelley để mở đầu bài viết về một hiện tượng còn nhiều bí ẩn nhất trong thế giới tinh thần của con người. Sự phức tạp ở chỗ trong thứ tình cảm này tất cả hòa nhập vào một khối thống nhất: thể xác và tâm hồn, cá nhân và xã hội, riêng tư và nhân loại, hiểu được và không thể hiểu được... Không có xã hội nào, không một con người nào mà không có tình yêu. Mặt khác, thiếu tình yêu thì không thể hình thành tư cách đạo đức con người một cách bình thường và có một sự phát triển bình thường. Tình yêu có thể phát triển ở những mức độ khác nhau nhưng không thể không có. Dưới đây là sự khái quát những quan niệm về tình yêu đi theo sự phát triển tư tưởng của nhân loại, từ thời Cổ đại qua thời Trung cổ, Phục hưng cho đến Thời đại mới.

Có nhiều ý kiến cho rằng thời Cổ đại chưa có tình yêu, mà hiện tượng này chỉ xuất hiện vào thời Trung cổ, bởi vì tình yêu là cảm xúc mạnh và riêng tư mà nhận thức của người cổ đại chưa đạt tới. Trong xã hội cổ đại thì những quan niệm về nhân cách còn ở trong tình trạng phôi thai, cá nhân hòa vào tập thể, nơi mà mọi hành động của từng cá nhân bị phụ thuộc vào quyền lợi của cả tập thể, do vậy tình yêu cũng ở trong tình trạng đó. Tuy nhiên những giả thiết trên đây cũng không phải là cơ sở đầy đủ để phủ nhận hoàn toàn tình yêu giữa đàn ông và phụ nữ thời cổ đại.
Trong đối thoại “Bữa tiệc”, nhà triết học Platon đã kể một huyền thoại về những con người trong buổi đầu của lịch sử: “Đầu tiên, con người có ba giống không phải hai giống như bây giờ – đàn ông và phụ nữ, vì còn có một giống thứ ba kết hợp trong mình những dấu hiệu của hai giống kia; bây giờ nó đã biến mất, chỉ còn lại tên gọi – androgyne (lưỡng tính), nó kết hợp trong mình những đặc tính của cả đàn ông và phụ nữ”.
Trong quyển “Sáng thế ký” của Kinh Cựu Ước cũng từng nói về nguồn gốc của con người đầu tiên:
Ngài tạo nên con người từ đất bụi
Rồi Ngài thổi sinh khí vào lỗ mũi
Thì con người thành ra loài sinh linh.
………………………..

A-đam đặt tên các loài súc vật 
Các loài chim trời, các loài thú đồng 
Nhưng về phần A-đam thì chẳng tìm 
Được một ai giúp giống như mình hết.

Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ 
Lấy một xương sườn rồi lấp thịt lên. 
Đức Chúa Trời tạo nên một người nữ 
Là người từ xương sườn của A-đam. 

A-đam nói: “người là xương của ta 
Người là thịt từ thịt ta mà ra”. 
Người này sẽ được gọi là người nữ 
Vì nó do nơi người nam mà ra. 

Bởi vậy người nam sẽ lìa mẹ cha 
Để mà ra dính líu cùng người vợ 
Và cả hai nên một thịt giao hòa. 

(Sáng Thế Ký: I-7, 20, 25)
Như vậy, Adam đầu tiên là con người “một nửa đàn ông là đàn bà” và chỉ sau đó Đức Chúa Trời mới tạo ra Eva từ một phần cơ thể của Adam.
     
Trở lại với tác phẩm “Bữa tiệc”, Platon kể rằng những con người đầu tiên “có bốn tay, bốn chân và mỗi người trên cổ hình tròn có hai khuôn mặt hoàn toàn giống nhau nhìn ra hai phía trái ngược, hai đôi tai, hai bộ phận kín, những gì còn lại có thể hình dung qua những điều đã nói trên. Con người như thế đi lại hoặc là đi thẳng như ta bây giờ, nhưng một trong hai phần về phía trước, hoặc nếu vội thì lăn như bánh xe, điều này cho phép con người chạy nhanh về phía trước. Đã từng có ba giống là vì giống đực có nguồn gốc từ mặt trời, giống cái có nguồn gốc từ đất, còn giống thứ ba - từ mặt trăng, vì mặt trăng kết hợp cả hai. Còn về hình cầu của những sinh vật này và sự đi lăn thì giống với tổ tiên của họ. Bằng sức mạnh khủng khiếp của mình họ nuôi những ý nghĩ to lớn và thậm chí xâm phạm đến cả quyền lực của các vị thần mà Homer nói về Ephialtes và Otus, tức là nói về họ: trèo lên trời để tấn công các vị thần”.
Thế rồi sau đó thần Dớt đã chia đôi họ ra làm hai nửa, bởi thế mà bây giờ con người luôn đi tìm nửa kia của mình “Đàn ông là một nửa của sinh vật kia say mê đi tìm phụ nữ, đa số họ thuộc giống này còn phụ nữ đam mê và phóng đãng với đàn ông. Một số phụ nữ không thật sự ham muốn đàn ông mà hấp dẫn phụ nữ nhiều hơn và những người đồng tính thuộc giống này. Tuy nhiên, một số đàn ông vẫn ham mê những gì thuộc đàn ông: từ tuổi ấu thơ, là những sinh vật giống đực, họ thích nằm và ôm ấp những người đàn ông”. Từ đó mà xuất hiện tình yêu cùng giới và tình yêu khác giới.
Thời cổ đại tình yêu cùng giới rất phổ biến là do hoàn cảnh xã hội lúc đó. Ngay cả Athens văn minh là vậy mà phụ nữ cũng không được tham gia vào mọi hoạt động của đời sống xã hội. Đàn ông luôn đi tìm những hội riêng của đàn ông và họ cho rằng tình yêu giữa những người đàn ông với nhau có được sự thỏa mãn tinh thần cao hơn so với tình yêu giữa đàn ông và phụ nữ. Cuộc đời và thơ ca của nữ nhà thơ huyền thoại Sappho là một minh chứng cho điều này.
Trong nhiều tôn giáo cổ đại thì mặt trăng, mặt đất và nước được coi là biểu tượng của nữ tính còn mặt trời, lửa và cái nóng – là biểu tượng của nam tính. Sự khởi đầu nam tính (ngoại trừ Đát-đặc-la – Tantra) thể hiện sự chủ động, ý chí và hình thức. Sự khởi đầu nữ tính – thụ động, vâng lời và vật chất.
Những nhà tư tưởng thời cổ đại nêu ra một số phương diện của tình yêu mà sau đó được các thời đại khác tiếp tục phát triển. Trước hết đó là khái niệm về tình yêu, về nỗi khát khao đối với sự toàn vẹn đã mất cũng như giới hạn giữa tình yêu tâm hồn và tình yêu thể xác. Platon coi tình yêu là sức mạnh của Thượng Đế giúp cho con người vượt qua sự thiếu hoàn hảo của mình, giúp cho con người trên bước đường hướng tới đạo đức và cái đẹp vĩnh hằng.

***
Thời Trung cổ xã hội châu Âu có sự thay đổi cơ bản về những giá trị đạo đức cũng như những khái niệm về cuộc sống gắn liền với việc phổ biến rộng rãi của Thiên Chúa giáo. Từ giữa thế kỷ I Thiên Chúa giáo đã trở thành tôn giáo chính của La Mã. Tôn giáo này mang lại một quan niệm mới về con người và vị trí của nó trong thế giới, đóng góp lớn cho lịch sử văn hóa nhân loại, mà trước hết – ý tưởng tình yêu bao quát là cơ sở của đời sống con người. Tình yêu trong Tân Ước được hiểu rất rộng, hầu như là tất cả mọi mặt của đời sống gắn liền với Chúa Trời, đề cao tình yêu với người ở bên mình, với người anh em là bước đầu tiên của tình yêu với Chúa:
Ai người nói rằng yêu Đức Chúa Trời
Mà ghét anh em mình là nói dối
Vì không yêu người anh em nhìn thấy
Thì làm sao yêu không thấy Chúa Trời?

Ta đã từng nhận được điều răn này:
Ai yêu Chúa là yêu anh em vậy!
(Thư thứ nhất của Giăng: IV-20, 21))
Tình yêu – đó là tất cả:
Giá như tôi nói được nhiều thứ tiếng
Của loài người và của cả thiên thần
Mà trong tôi không có lòng yêu mến
Thì tôi chỉ là não bạt leng keng.

Giá như tôi được ơn nói tiên tri
Biết những cao siêu, biết nhiều bí ẩn
Hay tôi có thể dời non lấp biển
Nhưng thiếu tình yêu tôi chẳng là gì.
(Thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô I: XIII-1, 2)  
Không chỉ tình yêu với người yêu mình, Chúa Giê-su Christ còn dạy cần biết yêu kẻ thù của mình, làm ơn cho kẻ vốn ghét mình, cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình, chúc phúc cho kẻ chửi rủa mình:
Nhưng các ngươi là người nghe, ta nói:
Các ngươi hãy yêu kẻ thù của mình
Hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình.
Hãy cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình
Kẻ rủa mình cũng chúc phúc như vậy.
(Luca: VI-27)
Và có những lời dạy của Chúa mà con người trần tục có lẽ không bao bao giờ có thể thực hiện được nếu như trong con người này không có một tình yêu quên mình một cách tuyệt đối, thí dụ:
Nếu ai vả ngươi vào má bên này
Hãy đưa luôn má bên kia cho vả
Còn ai giật của ngươi chiếc áo ngoài
Thì hãy đưa luôn áo trong, đừng giữ.

Hễ có ai xin thì hãy đem trao
Và ai chiếm đoạt thì đừng đòi lại.
Tuy nhiên:
Muốn người ta làm cho mình thế nào
Thì hãy làm cho người ta thế ấy.
(Luca: VI-29, 30)
thì đây đã là một mẫu mực ứng xử mà nhiều vĩ nhân của những tôn giáo khác cũng đã từng dạy như vậy. Và lòng can đảm để hướng tới một tình yêu trọn vẹn – đấy cũng là một mẫu mực cho tình yêu của người trần:
Trong tình yêu không có sợ hãi, nhưng
Tình trọn vẹn sẽ xua đi nỗi sợ
Bởi vì sợ hãi chính là đau khổ
Kẻ nhát gan không trọn vẹn trong tình.
(Thư thứ nhất của Giăng: IV-18)
Mặc dù tình yêu của người trần thì muôn mặt, Lord Byron có lý khi ông viết rằng: “Tình yêu lớn là tình của những ai yêu trong lỗi lầm và sợ hãi”, nghĩa là chỉ những ai yêu mà luôn cảm thấy tội lỗi và yêu trong sợ hãi mới là tình yêu đẹp. Câu thơ “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở” của Hồ Dzếnh ở một khía cạnh khác cũng nói về điều này. Tuy nhiên, ở đây chúng ta đang nói về tình yêu qua lăng kính tôn giáo thời Trung cổ – tình yêu vẹn toàn và thánh thiện chứ không phải tình yêu lớn hay tình yêu đẹp của người trần tục. Tình yêu là tất cả, tình yêu là mãi mãi dù mọi thứ trên đời này đều là cát bụi, thậm chí cả những giá trị phi vật thể khác, những thứ tưởng chừng như không bao giờ mất:
Tình yêu thương không bao giờ lụi tàn
Dù lời tiên tri rồi cũng hư không
Dù bao ngôn ngữ đến ngày chấm dứt
Dù cho hiểu biết rồi cũng về không.

Vì chưng hiểu biết thì chỉ có ngần
Và ơn tiên tri cũng là có hạn
Bởi một khi sự vẹn toàn đi đến
Thì cái có ngần có hạn về không.
(Thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô I: XIII-8, 9, 10)
……………………..
Sự tham lam, dục vọng của người trần
Những thứ này đều đi qua tất cả
Song những ai vẫn làm theo ý Chúa
Còn đến đời đời, còn đến muôn năm.
(Thư thứ nhất của Giăng: II-17)
Tình yêu giữa hai người khác giới được coi là một biểu hiện ích kỷ và lỗi lầm. Thánh Augustine chia hai loại tình yêu: một là tình yêu trần tục – hướng về địa ngục, một là tình yêu thánh thiện – hướng về thiên đàng. Tình yêu trần tục là nặng nề, cản trở con người thỏa mãn cái đẹp đích thực của đời sống. Tình yêu này cần được tẩy rửa thông qua hai điều giáo huấn: hãy yêu Đức Chúa Trời và yêu người bên mình, người anh em. Đấy là cơ sở của cuộc sống, là tác nhân đối với sự nhận thức thế giới.
Các nhà tư tưởng Đông La Mã cho rằng tình yêu trong cuốn “Nhã Ca” là hình thức cao nhất của sự thể hiện tình yêu Chúa Trời, đấy là cuộc hôn nhân tinh thần. Ở đấy cô dâu khát khao chàng rể, cô dâu là tâm hồn con người khát khao hòa nhập với chàng rể (Chúa Trời). Bởi thế mà cô dâu chủ động nói về tình cảm của mình trước mà không phải chàng rể như trong đời sống trần tục.

***
Sang thời Phục hưng đề tài tình yêu phát triển mạnh mẽ và hướng tới tất cả những gì trần tục, những gì thuộc về con người sau khi được giải phóng khỏi sự kiểm soát của nhà thờ. Khái niệm “tình yêu” trở thành một phạm trù triết học, thực ra là đã hình thành từ thời Cổ đại nhưng bị thay đổi trong thời Trung cổ.

Giordano Bruno viết về bản chất và ý nghĩa của tình yêu theo quan niệm Phục hưng một cách rõ ràng nhất: “Tình yêu là tất cả và tác động đến tất cả. Ai cũng có thể nói về tình yêu và tất cả đều gán với tình yêu”. Bruno cho rằng tình yêu có sức mạnh vũ trụ, tình yêu là động lực của nhân loại.
Nhà nhân văn Lorenzo Valla thể hiện tâm trạng của xã hội đương thời khát khao đạt đến sự thỏa mãn cao độ những nhu nhu cầu của con người: “Tất cả những gì tồn tại đều hướng tới sự khoái lạc. Không chỉ những người làm ruộng mà Virgil đã ca ngợi mà cả những người ở thành thị, những người cao sang cũng như thấp hèn, người Hy Lạp cũng như quân man rợ… tất cả đều chịu sự chỉ huy và hướng dẫn của Thiên Nhiên”. Thực hiện những mong muốn và dục vọng của con người theo tự nhiên là tư tưởng trung tâm của thời đại này.
Thời Phục hưng trả con người trở về với thiên nhiên, xóa nhòa ranh giới giữa đam mê, buông thả và kiềm chế, giữa tình cảm chân thành và sự chạy theo lạc thú…

***
Tâm điểm chú ý của triết học Thời đại mới là con người với sự khao khát hướng tới cái thiện, sự hài hòa và hạnh phúc cá nhân, nghĩa là hoàn toàn phủ nhận tư tưởng Trung cổ cho rằng khởi đầu của con người là tội lỗi. Đặc điểm này gắn liền với việc phát triển vũ bão của khoa học tự nhiên trong thế kỷ XVII, sự ra đời của chủ nghĩa tư bản và nhiều phát minh mới trong các lĩnh vực khoa học.
Khái niệm tình yêu giữa hai người khác giới, chính vì thế, cũng có những thay đổi cơ bản. René Descartes trong một tiểu luận triết học khẳng định rằng “tình yêu là sự xúc động của tâm hồn, sinh ra từ sự chuyển động của tâm hồn, thức tỉnh sự hòa nhập với những đối tượng mà tâm hồn ngỡ là thân thiết”. Những định nghĩa kiểu như vậy không có sự khác nhau giữa tình yêu đối với người khác giới với tình yêu vật nuôi trong nhà hay tình cảm của một họa sĩ đứng trước bức tranh vừa vẽ xong. Tình yêu theo Hobbes, Locke và Condillac – đó là sự khát khao mãnh liệt những gì êm ái, dễ chịu, và chỉ thế.
Quan niệm này được thể hiện rõ nét trong xã hội Pháp những thập niên trước cách mạng. Đó là việc đề cao thứ tình cảm lẳng lơ, suồng sã. Tình yêu trong giới quí tộc Pháp trở thành một nghệ thuật ve vãn mà không hề có sự chân thành. Khái niệm tình yêu, lòng chung thủy trở thành những thứ đồ lạc mốt, chúng được thay thế bằng sự đam mê chỉ trong phút chốc. Không phải ngẫu nhiên mà Lamettrie cho rằng giữa sự giao cấu theo bản năng của động vật và tình yêu của con người không hề có sự khác nhau về nguyên tắc. Trong tác phẩm “Chống Seneca, hay là sự lập luận về hạnh phúc” Lamettrie viết: “Chúng ta sẽ là những người chống lại phái khắc kỷ. Họ là những nhà triết học nghiêm khắc, đau khổ và u ám, còn chúng ta sẽ là những người dẽ tính, vui vẻ và bao dung. Đi sâu vào tâm linh, họ lãng quên thân xác của mình còn chúng ta xao nhãng tâm linh. Chúng ta đi tìm thứ tình cảm mà ta thích thú và làm cho cuộc sống của ta dễ chịu. Nếu như ấn tượng trước tình cảm này ngắn ngủi – ta cảm thấy thích thú, nếu ấn tượng này kéo dài hơn – ta cảm thấy khoái chá, còn nếu như thường xuyên – thì đó là hạnh phúc. Có một thân hình cân đối, có vẻ đẹp, trí tuệ, có vẻ duyên dáng, phong nhã, có tài năng và danh tiếng, có sự thỏa mãn và sự tôn kính, có sức khỏe và giàu có – đấy là những gì để gọi là hạnh phúc thực sự và trọn vẹn”. Denis Diderot mặc dù nhận thấy sự khác biệt giữa động vật và con người, vẫn thường xuyên nhấn mạnh sự chế định bởi mỹ học và sinh lý của tình yêu.

Cả bốn nhà sáng lập Chủ nghĩa duy tâm Đức – Kant, Fichte, Schelling, Hegel – đều bày tỏ những quan điểm của mình trước hiện tượng này.
Kant là người đầu tiên đưa ra sự khác biệt giữa tình yêu “thực tế” và tình yêu “cao thượng”. Kant xem xét hiện tượng tình yêu chỉ theo quan điểm mỹ học và cho rằng tình yêu đối với người khác giới và tình yêu đối với những người xung quanh thực ra chỉ là một. Đấy là nghĩa vụ và trách nhiệm, và chỉ thế. Kant cũng cho rằng ở đâu có tình yêu thì ở đó không thể có quan hệ bình đẳng giữa những con người, vì rằng ai yêu người khác nhiều hơn người ta yêu mình sẽ cảm thấy ít được quí trọng hơn vì người ta có ưu thế hơn. Tình yêu vô điều kiện, theo Kant, là không thể, vì rằng tình yêu là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi con người, mặc dù cả nghĩa vụ lẫn trách nhiệm đều là tự nguyện. Có một điểm thú vị trong triết học của Kant là việc ông coi hôn nhân – đấy là sự sử dụng tự nhiên bộ phận sinh dục của người khác giới một cách hợp pháp vì mục đích thỏa mãn sự khoái lạc. Và chỉ hôn lễ cùng với việc đăng ký trước pháp luật biến những gì thuộc về động vật trở thành những gì thuộc về con người.
Fichte không chia sẻ quan điểm tỉnh táo và thực dụng của Kant mà coi tình yêu là sự thống nhất của hai cá thể khác giới mà lúc đầu được chia ra để sau đó lại khát khao hòa nhập với chính mình. Quan điểm hôn nhân của Fichte cũng rất khắt khe: mặc dù hôn nhân và tình yêu tuy không phải là một nhưng không nên có hôn nhân mà không có tình yêu và tình yêu mà không có hôn nhân. Fichte cho rằng đàn ông đồng nghĩa với sự chủ động và phụ nữ đồng nghĩa với sự thụ động hoàn toàn trong việc buồng the cũng như trong đời sống. Ngoan ngoãn và vâng lời – đó là những điều cần có trước tiên ở phụ nữ.
Khác với Fichte, Schelling đề cao sự bình đẳng trong tình yêu. Theo Schelling, mỗi người đều bình đẳng trong việc đi tìm nửa kia của mình để hòa hợp trong sự tương đồng cao nhất. Schelling cũng không đồng tình với truyền thuyết về một “giống thứ ba”, có trong mình cả đàn ông lẫn đàn bà – androgyne (lưỡng tính), vì rằng nếu mỗi con người đi tìm một nửa thì nghĩa là con người này không thể là một cá nhân đầy đủ được mà chỉ “một nửa”. Trong tình yêu mỗi con người không chỉ có mong muốn nhận về mà còn đem dâng hiến mình, nghĩa là khát khao chiếm hữu chuyển thành sự hy sinh và ngược lại. Sức mạnh nhân đôi này của tình yêu có khả năng chiến thắng lòng thù hận và cái ác. Càng đi sâu, quan điểm của Schelling càng trở nên thần bí.
Hegel kiên quyết phủ nhận mọi biểu hiện thần bí trong tình yêu. Theo cách hiểu của Hegel thì Chủ thể đi tìm sự tự khẳng định và sự bất tử ở tình yêu, mà mục đích này chỉ đạt được khi Đối tượng của tình yêu tương xứng với Chủ thể, ngang bằng về khả năng. Chỉ khi đó tình yêu mới có được sức sống và trở thành biểu hiện của cuộc sống.

Hegel xem xét chức năng ràng buộc giữa đàn ông và phụ nữ qua lăng kính “Hiện tượng luận về tinh thần”: “Quan hệ chồng và vợ là sự nhận thức trực tiếp của người này ở người kia và sự tôn trọng lẫn nhau”. Đấy là mối quan hệ tự nhiên mà sẽ trở thành đạo đức chỉ sau khi họ có con, và chỉ khi đó mối quan hệ này được tô điểm bằng tình cảm âu yếm và sự tôn kính. Cũng như Fichte, Hegel theo đuổi nguyên tắc chồng và vợ không bình đẳng trong hôn nhân. Đàn ông có quyền ham muốn dục vọng đồng thời có sự tự do với nó còn phụ nữ không có quyền này. Thiên chức của phụ nữ là gia đình.
Đề tài tình yêu và hôn nhân còn được Hegel đề cập thường xuyên trong các tác phẩm ở giai đoạn sau như: “Triết học Pháp quyền” và “Mỹ học”.
Trong “Triết học Pháp quyền” Hegel cho rằng hôn nhân nâng mối quan hệ của hai người khác giới lên mức độ “nhận thức tình yêu về mặt đạo đức”. Hôn nhân – đấy là “tình yêu có đạo đức và được pháp luật thừa nhận”, tình yêu này loại trừ sự phản bội. Đấy là sự hòa nhập tinh thần của hai người và nó đứng “cao hơn những đam mê tình cờ và thói đỏng đảnh nhất thời”. Đam mê trong hôn nhân là sự cản trở và không nên có. Hegel cho rằng sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ cũng giống như sự khác biệt giữa động vật và thực vật: động vật tương đồng nhiều hơn với tính cách đàn ông, còn thực vật – với tính cách phụ nữ.
Quan điểm tình yêu trong “Mỹ học” đã không còn giống với những suy ngẫm trước đó của chính Hegel. Trong tác phẩm này Hegel phân biệt tình yêu đích thực như là một thứ tình cảm riêng tư sâu kín của hai người, khác hẳn với tình yêu tôn giáo cũng như sự khát khao khoái lạc, đấy là một mức độ mà các nhà tư tưởng Cổ đại, Trung cổ hay Phục hưng chưa từng đạt đến: “Bản chất đích thực của tình yêu là chối bỏ nhận thức chính mình, quên mình trong cái “tôi” khác, tuy vậy, trong sự để mất và lãng quên này tình yêu lại tìm ra chính bản thân mình như vốn có”. Điều này có nghĩa là: thiếu tình yêu thì ta không phải là ta. Điều này có nghĩa là: một khi bạn chưa yêu, bạn chưa khám phá ra con người thật của mình như vốn có.
Cũng trong tác phẩm này Hegel từ bỏ sự rập khuôn về nguyên tắc bất bình đẳng giữa hai giới, và nói rằng: phụ nữ trong tình yêu – không hẳn là “thực vật” còn đàn ông – không hẳn là “động vật”. “Tình yêu tuyệt vời hơn tất cả trong tính cách phụ nữ vì rằng trong tính cách này sự chung thủy, sự quên mình đạt đến đỉnh cao nhất”, – nhà triết học thừa nhận sự vượt trội về mặt mỹ học của phụ nữ trong tình yêu.
Thời đại mới mang lại những tư tưởng mới mẻ trong sự phát triển của triết học nói chung, của tình yêu nói riêng. Tình yêu như là sự khát khao hướng tới sự toàn vẹn được thể hiện trong tác phẩm của đa số các nhà tư tưởng thời đại này. Họ không lặp lại các thời đại trước đó, họ không lặp lại nhau hay chính mình, họ tìm thấy ở tình yêu những đường nét mới, họ phân tích sâu sắc hơn trong cái riêng và tổng hợp, khái quát hơn trong cái chung.

***
Các nhà tư tưởng Cổ đại đã không nghi ngờ về sức mạnh của tình yêu nhưng tình yêu thời đó như một thứ tình cảm của vũ trụ có thể nảy sinh cả cái thiện và cái ác. Tình yêu không chỉ là một nhân tố của đời sống riêng tư mà còn là cả quá trình hoàn vũ, con người tham gia vào quá trình này nhưng không đóng vai trò quyết định.
Thời Trung cổ phổ biến một thái độ miệt thị đối với tình yêu thể xác. Phụ nữ bị coi là kẻ có lỗi trong sự lầm lỡ của Adam (ăn trái cấm và bị đuổi khỏi thiên đàng). Đa số các nhà tư tưởng của thời đại này coi tình yêu đối với phụ nữ là mối đe dọa đối với sự cứu rỗi linh hồn – bổn phận lớn nhất của Thiên Chúa giáo. Tình yêu Chúa Trời đối lập với tình yêu thể xác trong tất cả mọi biểu hiện. Tuy vậy, ở giai đoạn cuối của thời kỳ này tình yêu giữa đàn ông và phụ nữ được nhận thức là thuộc tính không tách rời của bản chất con người, xứng đáng với sự kính trọng nhưng chỉ với sự trong trắng và với mục đích lập gia đình.
Thời đại Phục hưng trở thành thời kỳ quá độ giữa thời Trung cổ và Thời đại mới. Nét chính của thời đại này là trả lại cho tình yêu thể xác những quyền lợi của nó, lấn át sự kiểm soát của nhà thờ. Sự khát khao hướng tới khoái lạc được coi là ý nghĩa cốt lõi của tình yêu.
Thời đại mới nuôi dưỡng trong mình kinh nghiệm của những thời đại trước đó đã sản sinh ra những nhà tư tưởng kiệt xuất, mà mỗi người đều có những sự đánh giá về bản chất tình yêu giữa hai người khác giới. Mỗi học thuyết mang một nét riêng, tuy nhiên, thuyết loài người là trung tâm đã thống nhất tất cả. Thuyết này trở thành mô típ chủ đạo của toàn bộ ý thức hệ thời đại mới.


Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Về những người điên vĩ đại


Thiên hạ thường tỏ ra sự quan tâm đối với những người điên, mà đặc biệt là những người điên vĩ đại.

“Thiên tài” – tiếng Latin “genius” nghĩa là tài năng ở mức độ cao nhất. Người ta khâm phục những thiên tài, tuy vậy cũng có khối kẻ không yêu, thậm chí căm ghét và ganh tỵ. Bởi thế, ở đời này cứ mỗi Mozart luôn có ít nhất một Salieri.

Người đời vẫn cho rằng tài năng là do trời phú, rằng những người tài năng cả đời sử dụng món quà này miễn phí. Trên thực tế những người như vậy không hẳn sống dễ dàng với những khả năng thiên phú của mình. Thiên tài là gì? Là những con người bình thường hay những người điên?

Một thời người ta tranh cãi về chuyện nhà văn Jonathan Swift – tác giả của Gulliver's Travels. Cuối cùng, các bác sĩ kết luận: Điên!

Để chứng minh cho điều này người ta đưa ra những chứng cứ: thứ nhất là trước khi nhà văn qua đời, hội đồng giám định đã kết luận không có năng lực hành vi, thứ hai là mất trí nhớ, không còn nhận ra những người thân, bạn bè và những người quen biết, thứ ba là đã tham gia tích cực vào việc xây dựng nhà thương điên ở Ai-len với hy vọng là mình sẽ là một trong những bệnh nhân đầu tiên của nhà thương điên này.

Nhạc sĩ Schumann mắc bệnh loạn trí từ tuổi 24 còn đến năm 46 tuổi thì mất trí hẳn. Ông luôn bị ám ảnh bởi những chiếc bàn biết nói, ông nhìn thấy những âm thanh xếp thành những hợp âm và những đoạn nhạc.

Nhà thực vật học, bác sĩ Carl Linné đến tuổi 60 thì bị rơi vào trạng thái ngẩn ngơ và lãnh cảm.

Nhà văn Harrington cảm thấy ý tưởng bay ra từ miệng của ông như những con chuồn nên đã dùng chổi để xua đuổi chúng.

Nhà triết học, nhà toán học Cardano cảm thấy các cơ quan của chính phủ đang ráo riết theo dõi những hoạt động của ông, còn thịt mà người ta bán cho ông đã được ướp với lưu huỳnh.

Mozart bị bệnh cuồng ám ảnh, ông thường nói rằng người Ý muốn đầu độc ông.



Sự nhạy bén rất tập trung và được phóng đại cũng như chứng amôni là nét đặc trưng của những thiên tài. Những thiên tài giống như những người điên, không biết tính điều độ trong tất cả mọi thứ. Nhiều thiên tài mắc chứng nghiện rượu.

Nhà viết kịch Ibsen uống say là vò xé tất cả những gì trong tầm tay với, thường xuyên hủy hết những gì đã viết ra.

Van Gogh vẽ cả đêm cả ngày, uống hàng xô rượu Absente, lấy dao cắt tai bên trái rồi vẽ chân dung của mình như vậy, tự tử vào năm 37 tuổi. Sau khi ông chết, các bác sĩ tổng hợp 150 chẩn đoán bệnh của vô vàn thứ bệnh mà danh họa mắc phải lúc còn sống.

La Rochefoucauld viết: “Chỉ những người vĩ đại mắc phải những chứng tật vĩ đại”. George Sand viết: “Đây là những người vĩ đại. Đọc tiểu sử cuộc đời họ thật là hay, ngắm nhìn chân dung họ thật là dễ chịu nhưng thật khó chịu khi tiếp xúc. Họ nghiệt ngã và độc tài, họ lập dị, cáu bẳn và đa nghi”.

Schopenhauer nói rằng thiên tài không chỉ quá quắt mà còn nghiệt ngã và vô đạo đức, họ rất khó kết bạn. Trên đỉnh cao của ý nghĩ là sự cô đơn. Và chính Schopenhauer cũng có lần đánh một bà già, phải trả tiền nuôi suốt đời.

Cesare Lombroso viết: “Có thể nói những thiên tài cũng y hệt như những người điên rồ, họ suốt đời cô đơn, lạnh lẽo và hờ hững với trách nhiệm gia đình”.

Heine viết về mình: “Hưng phấn trí tuệ của tôi là kết quả của một thứ bệnh nhiều hơn là thiên tài. Để xoa dịu đi nỗi đau khổ tôi phải làm thơ. Trong những đêm khủng khiếp, điên cuồng vì cơn đau cái đầu của tôi vật vã từ phía này sang phía khác bắt cái lục lạc trong mũ ni sờn cũ phải vang lên... Sáng tạo – đấy là một thứ bệnh của tâm hồn, giống như ngọc trai mắc thứ bệnh của loài nhuyễn thể”.



Thiên tài không bình thường từ những thói quen và những hành động kỳ quặc, lạ lùng.

Schiller chỉ sáng tác được khi trên bàn làm việc của ông có những quả táo thối rữa.

Haydn không làm việc được nếu thiếu chiếc nhẫn có viên kim cương: ông ngắm nhìn nó từng phút một.

Wagner khi sáng tác thường rắc những mảnh vải lụa màu sắc rực rỡ lên bàn ghế và thường mân mê chúng trên tay.

Zola khi viết tiểu thuyết thường trói mình vào ghế.

Musset làm thơ dưới ánh sáng nến mờ và chỉ một mình bên chiếc bàn có hai thứ đồ vật để hình dung ra người phụ nữ yêu dấu sắp đến và sẽ ăn tối với ông.

Charlot Bronte thường ngừng viết nửa chừng để đi gọt khoai tây.

Dumas (con) thường ăn 5 lần để lấy cảm hứng viết.

Danh họa Henri Matisse nói với người vợ sắp cưới của mình: “Tôi yêu em, tiểu thư ạ nhưng em nên biết rằng tôi sẽ còn yêu hội họa nhiều hơn nữa”. Họa sĩ thiên tài này mắc chứng bệnh mất ngủ, đôi khi nức nở trong cơn mê và tỉnh dậy với tiếng kêu của thú dữ. Có lần ông mơ thấy mình bị mù rồi đi học chơi vĩ cầm đề phòng khi bị mù thì sẽ đi hát rong trên đường phố để kiếm tiền.

Flaubert trong khi viết thường nức nở cùng với nhân vật. Ông cười, khóc và đôi khi chạy trong phòng và nói to lời của nhân vật.

Montesquieu khi viết thường đạp chân mạnh xuống nền nhà. Dưới bàn viết của ông dễ nhìn thấy những chỗ lõm.

Houghton khi viết văn thường sử dụng dao hoặc kéo. Trong những đêm thức để viết ông đã gọt không chỉ một chiếc bàn, nhiều chiếc ghế và có một lần đã cắt một chiếc váy của vợ ra từng mảnh nhỏ.


Những nhà tư tưởng nghĩa là trong não của họ thường xuyên có sự làm đầy máu (xung huyết), cơn nóng trong đầu và nguội lạnh tứ chi, khuynh hướng đau những bệnh về não và ít nhạy cảm với cái lạnh.

Balzac khi viết tiểu thuyết thường đứng chân trần trên nền đá.

Russo đứng ngoài trời nắng không đội mũ để bắt đầu óc làm việc với cường độ cao hơn.

Schiller khi sáng tác thường ngâm chân trong nước lạnh

Edgar Poe ngồi im lặng hàng giờ trước bàn viết và nhìn tờ giấy trắng đặt trên bàn.

Maeterlink cũng gần như vậy. Mỗi buổi sáng ông ngồi 3 tiếng trước bàn viết, ngay cả những khi không có một ý nghĩ trong đầu.

George Sand hàng ngày viết đến 11 giờ mà nếu viết xong vào 10 giờ 30 phút thì sẽ bắt đầu viết tiểu thuyết mới trong 30 phút.
La Fontaine khi có cảm hứng là thường đi lại trên đường phố, không để ý đến những người xung quanh, mặc cho họ lấy làm ngạc nhiên khi thấy ông làm cử chỉ, giẫm chân và kêu to với mỗi dòng được sinh ra.

Những người sống gần nhà Bernard Shaw kể rằng khi tuổi đã già ông vẫn thường đi ủng cao su, mặc áo choàng rồi nói với họ: Tôi đi viết kịch đây! Thế rồi ông đi ra chợ, nơi rất đông người. Đôi khi người ta thấy ông đi tàu ra ngoại ô cầm một cuốn sổ và viết liên tục.

Schubert sống chỉ có 31 năm. Những tác phẩm mà ông yêu thích trước khi công bố, nhất định phải chơi thử trên cái lược.
Dumas (bố) chỉ viết trên giấy kẻ ô vuông. Nếu giấy kẻ ô vuông không còn là ông nghỉ việc.

Anatole France, ngược lại, không bao giờ quan trọng giấy gì, gặp gì viết nấy: viết cả trên phong bì, giấy mời, vé xem phim, kịch hoặc những bức thư đã cũ, thậm chí cả trên danh thiếp.


Tính lơ đãng và hay quên của một số thiên tài cũng thật lạ lùng. Có thể giải thích là sự tập trung cao độ cho sáng tạo, khi mà mọi thứ xung quanh dường như không tồn tại.

Diderot quên ngày tháng năm và tên những người thân.

Goethe và Gogol không để ý đến sự nguy hiểm chết người trong khi làm việc.

Một lần nhà bác học Marie Ampere ra khỏi nhà và lấy phấn viết lên cửa: “Ampere chiều mới về”. Nhưng đến trưa thì ông đã quay về. Nhìn thấy dòng chữ trên cửa nên ông lại đi ra phố, quên mất rằng ông chính là Ampere. Ông cũng thường sỉ mũi vào tấm giẻ lau bảng rồi chùi vào bụi phấn làm cho sinh viên phì cười.

Nhà bác học Newton có lần tiếp khách, muốn mời khách uống chén rượu, ông vào phòng trong lấy rượu. Khách cứ ngồi đợi mà không thấy chủ quay lại. Hóa ra khi đi vào phòng làm việc ông suy nghĩ về công việc mà quên mất là mình đang có khách. Lại có lần Newton chuẩn bị rán trứng, cầm theo chiếc đồng hồ để xem thời gian, hai phút sau quả trứng vẫn cầm trên tay còn ông đang rán chiếc đồng hồ.

Khi viết “Các nguyên lý toán học” Newton đắm chìm trong suy tưởng đến mức quên cả ăn và mặc quần áo. Có hôm ông ăn mà không để ý là mình ăn, quên ăn. Nhưng có một lần vì tính lơ đãng mà ông đã phải trả một giá đắt: một hôm đi ra khỏi nhà ông quên tắt cây nến trên bàn, đám cháy xảy ra và toàn bộ bản viết tay – thành quả lao động trong nhiều năm bị cháy trụi. Ông bị choáng váng một thời gian.


Còn nhà bác học Einstein một hôm gặp người bạn, khi ông đang chìm đắm trong suy nghĩ, đã nói với người bạn này: “Tối nay cậu sang nhà tớ nhé, giáo sư Stimson cũng đến đấy”. Người bạn cảm thấy vô cùng bối rối đã nói: “Thì tớ là Stimson này”. Einstein trả lời: “Điều này quan trọng gì đâu, tối nay nhớ đến đấy nhé!”
Những ý tưởng vĩ đại được nảy sinh đột ngột và phát triển một cách vô thức giống như hành động không suy nghĩ của những người mất trí. Theo nhận xét của các bác sĩ tâm thần thì giữa những người điên khi lên cơn và những thiên tài khi sáng tạo có những điểm giống nhau đến lạ lùng.

Những thói quen lạ lùng:
Winston Churchill có thói quen thay ga trải giường hằng đêm. Những phòng của khách sạn thường xếp hai chiếc giường gần nhau để nửa đêm là ông lại đổi giường. Nhiều người giải thích đấy là do hệ bài tiết của ông quá phát triển, nói một cách khác là ông ra mồ hôi nhiều.

Einstein có thói quen không mang tất bao giờ. Năm 2006 người ta tìm thấy trong những lá thư riêng điều ông thừa nhận với vợ mình: “Ngay cả trong những buổi lễ long trọng nhất anh cũng không mang tất và anh che dấu điều không văn minh này bằng những đôi giày cao cổ”.

Charles Dickens hễ viết được 50 dòng là phải uống một ngụm nước nóng.

Johannes Brahms thường xuyên đánh giày ngay cả khi không cần để lấy cảm hứng sáng tác.

Beethoven thường xuyên không cạo râu vì cho rằng cạo râu làm mất nguồn cảm hứng. Còn trước khi ngồi vào bàn sáng tác ông xối lên người một xô nước lạnh, theo ông điều này kích thích não làm việc.

Benjamin Franklin mang vào phòng làm việc rất nhiều phó mát.

Goethe chỉ viết trong phòng kín, không thông gió.
Balzac chưa ngồi vào bàn làm việc nếu chưa uống 5-7 ly cà phê.

Còn Voltaire uống 50 ly cà phê mỗi ngày.

Puskin thích bắn tên trong nhà tắm hơi. Làng Mikhailovskoie không còn giữ lại được thứ gì từ thời Puskin nhưng bức tường nhà tắm mà Puskin từng bắn còn giữ được hầu như nguyên vẹn.


Nhà vật lý Walther Nernst nuôi rất nhiều cá chép. Khi người ta hỏi tại vì sao ông không nuôi gà hay nuôi ngựa thì nhà vật lý trả lời rằng cá chép là loài máu lạnh chứ những loài động vật kia máu nóng. Ông không muốn làm cho không gian nóng lên bằng tiền của mình.

Nhà sử học Theodor Mommsen (giải Nobel Văn học năm 1902) không cho phép người ta kéo điện vào nhà. Ông chỉ làm việc dưới ánh đèn dầu. Một hôm ông đi vắng người ta đã kéo điện vào nhà nhưng ông chỉ sử dụng điện khi tìm diêm để thắp đèn dầu.
Jack the Ripper - biệt danh của kẻ giết người nổi tiếng nhất thế ký XIX, chỉ hành động vào ban đêm.



VỀ NHỮNG GIẤC MƠ


Ai cũng có giấc mơ. Mọi người đều có giấc mơ, trừ những người mắc bệnh tâm lý đặc biệt. Đàn ông và phụ nữ mơ và cảm giác khác nhau. Đàn ông thường mơ về những người đàn ông khác, còn phụ nữ mơ về đàn ông và phụ nữ ngang nhau.

Giấc mơ tốt cho sức khỏe. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy mơ là tốt cho sức khỏe con người. Những người tham gia thử nghiệm cho thấy nếu trong phần đầu của giấc mơ mà họ bị thức dậy thì họ dễ nổi nóng và rất khó tập trung mặc dù họ vẫn được cho ngủ 8 tiếng. Những ngày sau đó họ ngủ sâu và mơ nhiều, có vẻ như đầu óc bù lại phần thiệt thòi cho khi làm thí nghiệm.

Trong mơ ta thấy những đồ vật quen thuộc. Khi mơ ta thường thấy nhiều chỗ không quen, nhiều người ta không biết. Theo những nghiên cứu thì những chỗ, những người không quen biết này ta đã từng thấy ở đâu đó ngoài đời nhưng ta đã quên mất. Truyền hình, sách, báo, quảng cáo các kiểu là nơi mang đến cho ta nhiều gương mặt mới, nhiều phong cảnh, âm thanh và nhiều ấn tượng. Phần lớn bị quên nhưng đầu óc của ta lấy những gì từng tiếp nhận để làm nên những giấc mơ.


Giấc mơ màu và giấc mơ đen trắng. Khoảng 20 % chỉ thấy những giấc mơ đen trắng, 80 % còn lại thấy những giấc mơ màu. Đa số người mơ những giấc mơ có những nét đặc trưng. Đó là khung cảnh nơi trường học, nơi làm việc, đi chơi, cảm giác bị truy đuổi, khó đi lại hay chạy trốn, cảm giác bị muộn giờ, thi rớt, thấy người thân yêu của mình bị chết, bị rơi ngã hoặc tai nạn vv…

Người mù cũng mơ thấy. Nếu một người bị mù sau khi sinh ra thì vẫn thấy giấc mơ như người sáng mắt. Nếu một người bị mù bẩm sinh thì cũng vẫn có giấc mơ nhưng những hình ảnh khác với những người mắt sáng. Đấy là những sự hình dung âm thanh, mùi, cảm giác mà thường người mù rất nhạy cảm. Thật khó hình dung nhưng nhu cầu trong mơ của cơ thể là rất lớn, đến mức người ta có thể ngủ trong mọi hoàn cảnh.

Ta quên đến 90 % những giấc mơ. Sau khi tỉnh dậy 5 phút là chúng ta quên một nửa những gì thấy trong mơ và 5 phút tiếp theo – có thể đến 90 %. Nhà thơ Anh nổi tiếng Samuel Taylor Coleridge một hôm mơ thấy rất rõ ràng nên tỉnh giấc là ông viết ngay ra giấy. Thế là có một trường ca Kubla Khan nổi tiếng nhưng không có kết thúc vì nhà thơ quên nội dung của giấc mơ khi có khách đến. Robert Louis Stevenson viết Dr. Jekyll and Mr. Hyde, Mary Shelley viết Frankenstein nổi tiếng hay nhà bác học Dmitry Mendeleev tìm ra bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học đều là những kết quả từ những giấc mơ.

Những người đã bỏ thuốc lá mơ những giấc mơ đẹp. Người đã bỏ thuốc lá có những giấc mơ đẹp và hoành tráng hơn là người đang hút thuốc hoặc người không hút thuốc. Theo Journal of Abnormal Psychology thì trong một cuộc thử nghiệm có 300 người tham gia, 1/3 khẳng định rằng họ hút thuốc trong mơ và họ tỏ ra thất vọng là đã không kiềm chế được. Số còn lại cho rằng họ thấy giấc mơ đẹp, hoành tráng và thực tế hơn so với khi còn hút thuốc.


Giấc mơ và những yếu tố bên ngoài. Những yếu tố bên ngoài như: âm thanh, ánh sáng, mùi, xúc giác – thường được truyền vào giấc mơ và kết hợp với những gì xảy ra trong mơ. Tiếng nhạc trong buổi sớm từ đâu đấy thường đi vào giấc mơ của ta, ánh sáng mạnh và mùi cũng vậy... Có khi ta cảm thấy khát nước và ta uống nước trong mơ nhưng không đã cơn khát… Khi thc dậy quả là ta khát nước và chỉ dìm được cơn khát ngoài đời thực. Chính yếu tố này là cảm hứng cho danh họa Salvador Dalí vẽ bức họa độc đáo và nổi tiếng: Sueño causado por el vuelo de una abeja alrededor de una granada un segundo antes de despertar (Giấc mơ từ những con ong bay quanh cây lựu trước khi tỉnh giấc một giây).

Khi mơ thân thể ta bị tê liệt. Khi ta mơ thì cơ thể không nhúc nhích để không lặp lại những gì đang xảy ra trong mơ – tuyến nội tiết cung cấp chất hữu cơ cho giấc mơ, còn não truyền tín hiệu làm giãn cơ bắp. Ngoài ra, nếu người ngủ mà ngáy to thì trong thời điểm ngáy không mơ được. Trẻ em dưới 3 tuổi không mơ thấy bản thân mình, còn từ 3 đến 8 tuổi thấy nhiều ác mộng hơn người lớn.

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Những sai lầm trở thành phát minh


NHỮNG SAI LẦM TRỞ THÀNH PHÁT MINH

Ai cũng biết rằng nhu cầu là mẹ đẻ của phát minh. Tuy nhiên cũng có thể nói rằng nếu những phát minh có ích thường là kết quả của nhu cầu từ cuộc sống thì những phát minh vĩ đại lại thường là rất ngẫu nhiên, thậm chí có một số do sai lầm mà có. Việc tìm ra châu Mỹ là thí dụ tiêu biểu nhất của những phát minh loại này. Chúng ta đều biết rằng Christopher Columbus trên thực tế là đi về hướng châu Á…
Dưới đây là một số phát minh như vậy – do tình cờ hoặc do sai lầm, nghĩa là kết quả trái ngược với chủ ý ban đầu của người phát minh ra nó. Một số phát minh dưới đây chúng tôi chọn từ cuốn “Mistakes That Worked” của Charlotte Foltz Jones trên trang Washington ProFile, một số từ những nguồn khác.



Rượu sâm banh. Người ta vẫn cho rằng rượu sâm banh là do Dom Pierre Pérignon sáng chế ra, tuy nhiên vị tu sĩ này không hề có ý định làm ra thứ rượu vang sủi bọt này mà hoàn toàn ngược lại – ông mất nhiều năm để tìm cách ngăn chặn hiện tượng này bởi vì sủi bọt thời đó được coi là dấu hiệu của rượu kém chất lượng.
Pérignon muốn chiều theo khẩu vị của giới quí tộc Pháp nên làm rượu vang trắng. Vùng Champagne thích hợp với loại nho đỏ nên ông tìm cách làm vang trắng từ nho đỏ. Thế nhưng khí hậu ở đây tương đối lạnh, rượu nho phải ủ trong trong thùng hai năm. Một vấn đề xảy ra là khí ga tích tụ thường xuyên làm những chiếc thùng ủ rượu nổ tung. Khi đó Pérignon quyết định ủ trong thùng một năm, và năm thứ hai ủ trong chai. Kết quả là ông được một thứ rượu sủi bọt và có ga chua. Pérignon tìm mọi cách để loại trừ những thứ này nhưng không có kết quả. Rất may là giới quí tộc của Pháp và Anh lại rất thích loại rượu này và sau đó thì nó chinh phục cả thế giới, trở thành một thứ rượu của lễ hội, của tình yêu, của tình cảm con người cả khi vui lẫn khi buồn như lời của Madam Lily Bollinger: “I only drink Champagne when I'm happy, and... when I 'm sad”. Hoàng đế Napoleon Bonaparte cũng nói rằng khi thắng trận, ông uống sâm banh để mừng chiến thắng, còn khi thua ông uống sâm banh để tự an ủi mình (I drink champagne when I win, to celebrate . . . and I drink champagne when I lose, to console myself).


Chip khoai tây. Chip khoai tây ra đời từ sự trả thù một vị khách khó tính. Ngày 24 tháng 8 năm 1853 tại một nhà hàng ở thành phố Saratoga Springs, bang New York, Mỹ có một vị khách rất sành ăn và khó tính. Đó là tỷ phú Cornelius Vanderbilt. Ông này thường xuyên từ chối món “french- fried potatoes” của nhà hàng, than phiền rằng món khoai tây này lát dày và mềm nhủn. Bếp trưởng George Crum quyết định chọc quê vị khách bằng cách thái những lát khoai tây mỏng dính rồi cho vào chảo dầu đang sôi thành những mảnh khoai giòn và sẽ vỡ tan khi dùng nĩa đâm vào.
Món ăn này được mang lên cho vị khách khó tính. Đầu tiên, Vanderbilt nói rằng lát khoai tây quá mỏng và không xóc bằng nĩa được, tuy nhiên, sau khi ăn thử vị khách cảm thấy rất hài lòng. Thế là những người khách khác cũng đều gọi món này. Kết quả là trong thực đơn của nhà hàng xuất hiện món “Saratoga chips” mà sau đó ít lâu đã chinh phục cả thế giới.


Giấy ghi chú. Giấy ghi chú Post-it Notes ra đời từ thất bại làm tăng độ bền của băng keo dán. Năm 1968 Spencer Silver – một cộng tác viên của công ty 3M nghiên cứu cách tăng độ bền của băng keo. Anh ta tìm ra một loại keo dán mà không dính chặt vào bề mặt cần dán nên không thể dùng để sản xuất băng keo, và cũng không biết nên dùng nó vào việc gì.
Sau đó mấy năm, một đồng nghiệp của Spencer Silver đi hát trong dàn đồng ca của nhà thờ đã lấy làm bực bội khi thấy những dải giấy đánh dấu trang trong quyển Thánh ca thường xuyên bị rơi xuống. Bỗng nhiên người này nhớ đến loại keo dán kia, là thứ có thể dùng để dán những dải giấy đánh dấu trang mà không làm rách các trang sách. Năm 1980 Post-it Notes được sản xuất hàng loạt.


Keo dính Super Glue. Keo dính ngay được tìm ra năm 1942 cũng là kết quả của một sai lầm. Dr. Harry Coover lúc đó làm cho hãng Eastman Kodak thử nghiệm tách một chất nhựa trong suốt để sản xuất thước ngắm có độ chính xác cao dùng cho các loại súng xách tay. Thử nghiệm không thành công vì chất cyanoacrylate mà Coover dùng đã làm cho mọi thứ dính chặt vào nhau. Nghiên cứu chấm dứt ở đây và chuyển sang một hướng khác.
Sáu năm sau, Coover làm ở một nhà máy hóa chất thuộc bang Tennessee và bỗng nhớ đến chất cực dính mà để dán các vật vào nhau không cần áp suất hay nhiệt độ. Loại keo dính ngay được sản xuất sau một vài điều chỉnh nhỏ. Trong chiến tranh Việt Nam nó được dùng bôi lên vết thương những người lính cho cầm máu để chuyển đến bệnh viện. Số phận trớ trêu của một phát minh nhắm vào việc giết người cho tốt hơn lại hóa thành có ích cho việc cứu được nhiều người.


Bánh nướng với sô-cô-la. Bánh nướng với các mẩu sô cô la chocolate-chip cookies là một trong những loại bánh phổ biến và được yêu thích nhất ở Mỹ. Loại bánh ngon này ra đời năm 1933 từ sai lầm do thiếu hiểu biết kiến thức vật lý của Ruth Wakefield – bà nội trợ ở một khách sạn nhỏ.
Một hôm Ruth Wakefield bẻ tấm sô cô la thành những mẩu nhỏ rồi trộn vào bột nhão và nghĩ rằng sô cô la sẽ tan chảy khi nướng, nhuộm bánh thành màu nâu cùng với mùi vị của sô cô la. Không ngờ, khi lấy bánh ra từ lò nướng thì bánh lốm đốm với những mẩu sô cô la nhưng mọi người ăn bánh ai cũng gật gù khen ngon.


Viagra. Đây là tên hiệu của thuốc Sildenafil dùng để giúp chứng liệt dương ở nam giới được tìm ra theo kiểu “đi làm cái bàn là lại thành ra con voi”. Năm 1992 tại thành phố Mertir Tidefeel, Anh các cộng tác viên của hãng dược phẩm Frizer đi nghiên cứu một loại thuốc chữa viêm họng. Trong quá trình thử nghiệm người ta phát hiện hiệu ứng phụ của thuốc là làm tăng độ cương cứng dương vật của người dùng thuốc. Phát minh sai mục đích ban đầu này trở thành một phát minh ngẫu nhiên vĩ đại thứ ba trong y học, sau tia rơn-ghen và thuốc penixillin.


Coca-Cola. Năm 1886 dược sĩ John Pemberton thử chế một loại hợp dịch từ nước ép của lá cây coca Nam Mỹ và quả cola Châu Phi, là những thứ có tính năng tăng lực. Pemberton uống th thứ nước này, nhận ra chúng có vị ngon và nghĩ rằng loại xi-rô này có thể giúp con người lấy lại sức khỏe, giảm stress và đau răng. Ông mang mặt hàng này bán trong các nhà thuốc của thành phố Atlanta với giá 5 cent một ly.
Thế nhưng nước giải khát Coca-Cola ra đời là do sự cẩu thả của một nhân viên nhà thuốc khi người này mở nhầm vòi nước có ga thay vì nước không ga để pha vào ly nước xi-rô. Loại nước mới được đặt tên Coca-Cola đã không có được sự thành công ngay từ buổi đầu. Năm đầu tiên John Pemberton bỏ 79,96 đô la để quảng cáo sản phẩm mới nhưng chỉ thu về được 50 đô la. Năm 1888 Pemberton bán lại bản quyền phát minh. Năm 1892 Asa Griggs Candler thành lập công ty Coca-Cola. Ngày nay Coca-Cola được sản xuất ở 200 quốc gia trên thế giới và là thương hiệu đắt giá nhất hành tinh.


Tia X- ray. X quang do Wilhelm Conrad Röntgen phát hiện ra năm 1895 khi ông làm thí nghiệm về xạ tuyến âm cực trong phòng tối. Tình cờ ông phát hiện ra rằng trên màn hình có tráng hóa chất để cách ống âm cực mấy foot phát sáng như có một chùn ánh sáng tạo ra. Suốt bảy tuần miệt mài với thí nghiệm ông hiểu ra rằng nguyên nhân của sự phát sáng là những tia từ ống âm cực tạo ra bóng khi phát xạ. Ông cũng nhận thấy rằng xương người cho bóng rõ hơn phần mềm xung quanh...
Bức ảnh đầu tiên chụp bằng tia X quang năm 1895 là bàn tay của bà Röntgen có đeo chiếc nhẫn vàng thấy rất rõ. Bởi thế, ta có thể nói rằng đàn ông là những người đầu tiên nhìn “xuyên suốt” phụ nữ chứ không phải ngược lại.


Lò vi sóng. Percy Spencer, kĩ sư của công ty Raytheon trở thành người phát minh ra lò vi sóng rất vô tình. Năm 1945, trước khi chiến tranh thế giới II kết thúc một thời gian, Spencer tiến hành một nghiên cứu cải tiến chất lượng của radar. Trong quá trình thí nghiệm, ông phát hiện ra rằng thỏi sô cô la trên bàn tan chảy sau khi bị bức xạ chiếu vào. Sau một loạt thí nghiệm nữa, Spencer quyết đinh chế tạo lò vi sóng đầu tiên nặng gần 400 kg. Sau đó lò này được dùng cho nhà hàng, máy bay, tàu thủy – những nơi cần hâm nóng thức ăn một cách nhanh chóng.


Xe đẩy hàng. Xe đẩy mua hàng trong siêu thị do nhà buôn Sylvan Goldman sáng chế năm 1936. Goldman là chủ một cửa hàng lương thực lớn ở Oklahoma City từng nhận thấy rằng khách hàng nhiều khi không mua thêm hàng vì xách nặng. Sáng chế của Goldman rất vô tình: một hôm ông nhìn thấy một phụ nữ đặt cả giỏ hàng nặng lên chiếc xe đồ chơi mà thằng con nhỏ kéo vào cửa hàng. Thế là Goldman nảy ra ý nghĩ thêm các bánh xe nhỏ vào phía dưới cái giỏ xách hàng. Sau đó ông cho mời các thợ cơ khí thiết kế xe đẩy. Năm 1947 những chiếc xe đẩy mua hàng được sản xuất hàng loạt. Phát minh xe đẩy mua hàng góp phần tạo ra một kiểu cửa hàng mới là siêu thị.


Lưu hóa cao su. Năm 1844 nhà sáng chế Charles Goodyear tình cờ tìm ra công thức lưu hóa, làm cho cao su không bị mềm nhũn dưới trời nắng và giòn trong giá rét. Sau nhiều năm tìm tòi mà không có kết quả, một hôm Goodyear tìm ra công thức này khi vô tình đun hỗn hợp cao su với lưu huỳnh trên bếp lò. Phát minh ra sự lưu hóa cao su trở thành đòn bẩy cho sự phát triển công nghiệp điện tử vì cao su là thứ cách nhiệt tốt. Phát minh này cũng thúc đẩy sự phát triển công nghiệp ô tô như ngày nay.


Máy tạo nhịp tim. Máy tạo nhịp tim giúp ích cho hàng triệu người bị bệnh tim cũng được phát minh ra một cách tình cờ. Năm 1941 kĩ sư John Hopps nhận được đơn đặt hàng của hải quân tìm cách sưởi ấm nhanh cho những người ở ngoài giá rét hoặc ngâm mình dưới nước thời gian dài. Hopps quyết định dùng bức xạ vô tuyến tần số cao để sưởi ấm thì tình cờ phát hiện ra rằng con tim ngừng đập vì lạnh sẽ đập trở lại nếu được kích thích bằng xung điện. Năm 1958 máy tạo nhịp tim đầu tiên được các bác sĩ Thụy Điển thiết kế dựa vào phát minh của Hopps. Tuy vậy, máy này nặng và cồng kềnh, đôi khi làm cho người sử dụng nó bị bỏng cơ thể. Hai năm sau kĩ sư Wilson Greatbatch (Mỹ) đã cải tiến thành công máy này.


Ly đựng kem. Trước khi chưa có ly bánh quế hình nón, người ta thường bán kem đựng trong đĩa. Cha đẻ của ly bánh quế hình nón là Ernest Hamwi – một người Sirya bán bánh quế ở hội chợ St. Louis năm 1904. Ki-ốt bên cạnh là của một người bán kem mà người mua rất đông nên khi hết đĩa, Hamwi đề nghị người này dùng bánh quế cuộn thành hình nón để đựng kem bán cho khách. Sản phẩm này không ngờ lại được đón nhận rất nồng nhiệt vì người ta ăn kem, ăn luôn cả chiếc ly bánh quế. Sau đó Hamwi đã thành lập công ty sản xuất ly đựng kem có tên Cornucopia Waffle Company.


Kem que. Tác giả của phát minh này là cậu bé Frank Epperson 11 tuổi thường khuấy bột hoa quả trong nước rồi đặt ngoài cửa sổ để qua đêm. Một hôm Frank để quên chiếc que khuấy bột trong ly nước. Hôm đó trời lạnh nên sáng ra thứ nước hỗn hợp kia đóng băng lại làm thành một que kem. Frank khoe với bạn bè rằng cậu có thể mút và dùng lưỡi để liếm. 18 năm sau đó Frank nhớ lại kỷ niệm thú vị kia và bắt tay vào sản xuất kem “Popsicle”, sau đó thứ kem này được phổ biến khắp thế giới.


Thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh ra đời từ một phát hiện tình cờ của Alexander Fleming. Năm 1928, nhà nghiên cứu này để ý thấy nấm khuẩn ty thể penicillin lan sang các mẫu vi khuẩn hình cầu (staphylococcus) ông để gần cửa sổ. Fleming nghiên cứu mẫu ấy, và biết rằng penicillin đang tiêu diệt vi khuẩn staphylococcus. Phát hiện quan trọng của Fleming được công nhận vào năm 1940, lúc bắt đầu những nghiên cứu đầu tiên về thuốc kháng sinh trên toàn cầu. Ngày nay 15% tổng số thuốc bán ra trên toàn thế giới là thuốc kháng sinh.